Sau hơn hai tháng phản công, Kiev chỉ đạt được một số bước tiến nhỏ quanh vài ngôi làng, trong khi quân đội Nga đang đẩy mạnh tiến công về phía bắc. Kế hoạch huấn luyện phi công Ukraine sử dụng tiêm kích F-16 diễn ra khá chậm chạp.
Việc Ukraine không thể có một thành công quyết định trên chiến trường đang làm dấy lên lo ngại cuộc xung đột đi vào ngõ cụt và hỗ trợ quốc tế dành cho Kiev có thể bị xói mòn. Vì đã quá mệt mỏi bởi xung đột, người dân Ukraine đang khao khát một chiến thắng vang dội và tại Washington, những lời kêu gọi cắt giảm viện trợ được cho là sẽ ngày càng nhiều lên khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 đến gần.
Một báo cáo tình báo mới của Mỹ dự đoán cuộc phản công sẽ không thể đạt mục tiêu chiến lược là chạm đến thành phố Melitopol trọng điểm do Nga kiểm soát ở phía đông nam Ukraine trong năm nay. Melitopol hiện nằm cách chiến tuyến hơn 80 km, là trung tâm chỉ huy và hậu cần trọng yếu của Nga, cũng là điểm có thể chia cắt lực lượng của Moskva tại Kherson, Zaporizhzhia với vùng Donbass.
Đánh giá được đưa ra dựa trên tình hình chiến trường khi quân đội Nga thể hiện sự thành thạo trong xây dựng phòng tuyến đa tầng và chiếm ưu thế áp đảo về không quân.
Giới chức Mỹ nói rằng Lầu Năm Góc từng nhiều lần khuyến cáo Ukraine tập trung lực lượng lớn nhằm vào một điểm duy nhất, nhằm tạo đột phá qua phòng tuyến Nga. Tuy nhiên, quân đội Ukraine quyết định chuyển về chiến thuật phân tán lực lượng để tiến quân trên nhiều khu vực và hạn chế thương vong, khiến đà phản công diễn ra rất chậm chạp.
Thay vì suy yếu, quân đội Nga đang kháng cự quyết liệt và thậm chí còn tiến công. Ở đông bắc Ukraine, chính quyền thành phố Kupyansk, tỉnh Kharkov, đã phải sơ tán hàng loạt dân thường trước đà tiến của Moskva. Thành phố này nằm trong vùng lãnh thổ rộng lớn mà Kiev đã tái kiểm soát hồi tháng 9, tháng 10 năm ngoái.
Tháng trước, quân đội Ukraine giành lại làng Staromaiorske ở Donetsk, làm dấy lên hy vọng họ có thể đột phá, làm thay đổi nhịp độ tấn công. Nhưng phải mất thêm ba tuần nữa Ukraine mới kiểm soát được làng Urozhaynoye liền kề và họ được cho là phải chịu tổn thất nặng nề.
Các đòn tiến công cũng không áp dụng chiến thuật nào mới. Các đơn vị trinh sát thăm dò hệ thống phòng thủ của Nga để tìm điểm yếu, mở đường để các đơn vị nhỏ hơn tiến vào cùng với đội rà phá bom mìn.
Cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Yuriy Sak cho biết tiến độ rà phá bom mìn chậm chạp dọc theo mặt trận đang ngăn cản Kiev điều động phần lớn lực lượng dự bị do phương Tây đào tạo tham gia chiến đấu.
"Để triển khai lực lượng dự bị, chúng tôi cần đảm bảo mọi lộ trình đều rõ ràng. Chúng tôi thà đi chậm hơn để đảm bảo mạng sống của binh lính", ông nói.
Theo giới phân tích, nếu không có những loại vũ khí tiên tiến để củng cố tiền tuyến hoặc lực lượng thiện chiến nhất do phương Tây huấn luyện chưa được tung ra, Kiev khó có thể đạt được đột phá.
"Câu hỏi ở đây là bên nào sẽ bị hao mòn nhanh hơn. Chúng ta không nên mong đợi có thể đạt được bất kỳ mục tiêu quân sự lớn nào chỉ sau một đêm", Franz-Stefan Gady, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế và Trung tâm An ninh Mỹ Mới, lưu ý.
Theo ông, Nga và Ukraine đang trong giai đoạn cố gắng bào mòn tài nguyên của nhau hơn là giành được những bước tiến đáng kể về lãnh thổ.
Khi được hỏi về tiến độ của cuộc phản công, các quan chức phương Tây và Ukraine đều kêu gọi kiên nhẫn, mô tả nó diễn ra chậm hơn dự kiến nhưng đang dần hướng đến thành công. Tuy nhiên, khoảng thời gian để Ukraine tiến hành chiến dịch phản công có hạn. Năm ngoái, lực lượng Ukraine đạt được rất ít tiến bộ sau khi tái chiếm thành phố Kherson ở miền nam vào đầu tháng 11 do thời tiết khắc nghiệt.
Cố vấn Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Yuriy Sak cho biết do lực lượng mặt đất tiến công chậm, Kiev đang sử dụng UAV tấn công để mở rộng phạm vi hoạt động của quân đội trong lúc chờ các loại vũ khí từ phương Tây và huấn luyện binh sĩ.
"Chúng tôi chưa có tiêm kích F-16 nên phải tìm cách bù đắp và UAV phần nào giúp bổ trợ cho năng lực trên không của chúng tôi", ông nói thêm.
Gady cho hay Ukraine đã tấn công các cơ sở hậu cần Nga nằm cách xa tiền tuyến suốt nhiều tháng, nhưng đến nay, tác động của chúng vẫn chưa được phản ánh trên chiến trường.
"Vị thế của Nga đã xấu đi, nhưng nó không tệ đến mức bạn có thể cho rằng họ sắp sụp đổ", ông lưu ý. Một chiến dịch tấn công tầm xa như vậy chỉ được cho là thành công khi lực lượng đối phương không còn khả năng điều động quân dự bị hay thực hiện các chức năng hỗ trợ cơ bản khác như tiếp tế.
Kiev gần như không công khai nhận trách nhiệm về các vụ tấn công ngoài lãnh thổ nhưng Moskva liên tục cáo buộc Ukraine tiến hành hàng loạt cuộc tấn công UAV vào lãnh thổ nước này. Một số nguồn tin giấu tên nói cơ quan tình báo Ukraine đứng sau cuộc tập kích một cảng lớn của Nga và một tàu dầu Nga gần Crimea.
Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo dù các cuộc tấn công bằng UAV có thể chuyển hướng quan tâm khỏi chiến dịch phản công trên bộ đang đình trệ, chúng chỉ gây thiệt hại nhỏ và không đủ khả năng làm thay đổi cán cân cuộc xung đột theo hướng có lợi cho Kiev.
"Ukraine đơn giản là không có đủ năng lực để chế tạo đủ UAV và tấn công sâu vào lãnh thổ Nga để làm xói mòn ý chí chiến đấu của Moskva", Bob Hamilton, đại tá quân đội Mỹ về hưu, học giả từ Chương trình Á-Âu thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, trụ sở tại Pennsylvania, nhận xét.
Nga cũng có sẵn các phương pháp tinh vi để chống lại UAV Ukraine, như sử dụng thiết bị gây nhiễu. Điện Kremlin tuyên bố đã ngăn chặn phần lớn các cuộc tấn công bằng UAV của Ukraine trong tuần trước. Hôm 19/8, Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã bắn hạ 20 UAV Ukraine nhắm vào Crimea chỉ trong một đêm.
Giới phân tích cũng đánh giá chiến lược đẩy mạnh tấn công bên trong lãnh thổ Nga gặp khó khăn là Ukraine phải dựa vào UAV tự sản xuất, thay vì vũ khí do phương Tây cung cấp. Nguyên nhân là các đồng minh đã đặt ra một số điều kiện hạn chế đối với Kiev trong việc sử dụng vũ khí NATO để nhắm vào lãnh thổ Nga, do phương Tây lo ngại về nguy cơ xảy ra xung đột trực tiếp với Nga.
"Kể từ khi chiến sự nổ ra, một trong những điều mà các đồng minh của Ukraine lo ngại nhất là kịch bản leo thang xung đột ngoài ý muốn", Kelly Grieco, thành viên cấp cao tại Trung tâm Stimson, viện nghiên cứu có trụ sở tại Washington, đánh giá.
Ukraine đã yêu cầu Mỹ cung cấp tên lửa tầm xa ATACMS, nhưng chính quyền Biden vẫn từ chối với lý do nguồn cung hạn chế và lo ngại về một cuộc đối đầu trực diện với Nga. Giới chức Mỹ đã nhiều lần nói rằng họ không khuyến khích Kiev tấn công bên trong lãnh thổ Nga.
Nếu Ukraine tăng cường sử dụng UAV trong khi cuộc phản công vẫn diễn ra chậm chạp, "điều đó sẽ khiến phương Tây lo lắng liệu Kiev có tiếp tục kiềm chế được nữa hay không", bà nhận xét.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)