Quân đội Ukraine tuyên bố đã sẵn sàng cho chiến dịch phản công trong những tuần tới, sau khi nhận được các loại vũ khí hạng nặng từ phương Tây. Các binh sĩ Ukraine đã được huấn luyện sử dụng vũ khí hiện đại và chiến thuật trong nhiều tháng qua ở Ba Lan, Tây Âu và Mỹ. Triển vọng thành công trong chiến dịch phản kích của Kiev sẽ phụ thuộc vào khả năng phối hợp của các đơn vị pháo binh, xe tăng và bộ binh.
Quân đội Nga nhiều tháng qua đã dồn nhân lực, vật lực củng cố phòng tuyến, chuẩn bị ứng phó chiến dịch phản công của Ukraine, điều đã được dự báo từ trước. "Chiến dịch sẽ rất khó khăn. Không thể đánh giá thấp sức mạnh của Nga", Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, người ủng hộ nhiệt thành với Ukraine, nhận định.
John Nagl, phó giáo sư tại trường Đại học Chiến tranh Lục quân Mỹ, cho rằng Ukraine không thể tiến hành chiến dịch phản công theo chiến thuật NATO, dù được huấn luyện tác chiến và sử dụng các loại vũ khí của liên minh quân sự này.
![Lính Ukraine huấn luyện trên xe tăng Challenger 2 ở Anh hồi tháng 2. Ảnh: AFP.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/03/27/ukraine-205-4121-1679915095-jp-2786-4299-1679923058.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=lYDQxQWw7Nw9twyNHd5EBA)
Lính Ukraine huấn luyện trên xe tăng Challenger 2 ở Anh hồi tháng 2. Ảnh: AFP.
Theo Nagl, lực lượng NATO thường mở đầu chiến dịch bằng cuộc không kích lớn, sử dụng máy bay và tên lửa hành trình ồ ạt tấn công tuyến phòng thủ của đối phương chiếm ưu thế trên không. "Nhưng trên chiến trường Ukraine, không bên nào thực sự có lợi thế về không quân", phó giáo sư chuyên nghiên cứu về nghệ thuật chiến tranh này cho hay.
Ukraine chỉ có lượng tiêm kích và trực thăng tấn công hạn chế để có thể yểm trợ lực lượng mặt đất. Do đó, họ không thể mạo hiểm tung toàn bộ lực lượng không quân quý báu của mình để tấn công trực diện vào lực lượng Nga đang chờ sẵn.
Các chuyên gia quân sự cho rằng để đảm bảo thành công, Ukraine có thể mở màn chiến dịch phản công chủ yếu bằng các vũ khí tầm xa chính xác trên mặt đất, gồm các loại pháo phản lực, lựu pháo do phương Tây cung cấp. Hệ thống HIMARS hay M270 của Mỹ, cùng các loại lựu pháo 155 mm có thể tập kích mục tiêu ở khoảng cách 80 km.
Những khí tài này khi kết hợp với thông tin tình báo của phương Tây cho phép Ukraine nhắm mục tiêu Nga ở xa tiền tuyến. Quân đội Ukraine trong năm qua đã tiến hành những đợt tập kích như vậy, nhưng ở quy mô nhỏ hơn, vào các kho hậu cần, sở chỉ huy và tuyến tiếp tế của Nga.
Sau khi Ukraine tập trung hỏa lực cho đòn tập kích chính xác ban đầu, bộ binh có thể tấn công với số lượng lớn, như chiến thuật quân đội Mỹ thường làm. Một điểm khác biệt lớn là quân đội Mỹ và đồng minh sẽ được dẫn dắt bởi đội hình xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại, trong khi Ukraine chỉ có lượng nhỏ phương tiện này.
Anh cam kết chuyển 14 xe tăng Challenger 2, trong khi Ba Lan và Na Uy đang cung cấp cho Ukraine ít nhất 22 xe tăng Leopard do Đức sản xuất. Đức và các quốc gia khác dự kiến sớm chuyển thêm xe tăng cho Kiev. Mỹ hứa hẹn viện trợ xe tăng M1 Abrams cho Kiev, nhưng dự kiến đến sớm nhất vào cuối năm nay.
Ukraine có vài trăm xe tăng thời Liên Xô, nhiều mẫu được nâng cấp bằng khí tài nhìn đêm, máy tính nhắm mục tiêu hoặc hệ thống liên lạc bảo mật.
Theo sau đội hình xe tăng có thể là hàng chục xe thiết giáp, như AMX-10 của Pháp hay Bradley của Mỹ. Thiết giáp Bradley được trang bị pháo M242 25 mm và tên lửa chống tăng TOW, có thể tiêu diệt xe tăng T-72 Nga từ khoảng cách 2-3 km.
Ukraine có thể sẽ triển khai thiết giáp chở quân như Stryker ở phía sau hoặc bên sườn đoàn xe chiến đấu. Các thiết giáp chở quân linh hoạt này có thể vận chuyển binh sĩ nhanh chóng kiểm soát trận địa hoặc để chống lại bộ binh Nga.
"Dù tôi thích những chiếc xe tăng M1 Abrams, sự thật là những thiết giáp chở quân này có thể gây thiệt hại lớn cho đối phương", Nagl nói.
![Lính Ukraine huấn luyện sử dụng xe tăng Leopard tại Zaragoza, Tây Ban Nha đầu tháng này. Ảnh: AFP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/03/27/ukraine-tbn-afp-1679922357-8136-1679923058.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=0VbgtAY4OBNrG61TcOaC1w)
Lính Ukraine huấn luyện sử dụng xe tăng Leopard tại Zaragoza, Tây Ban Nha đầu tháng này. Ảnh: AFP
John Spencer, người đứng đầu nhóm nghiên cứu chiến tranh đô thị của tổ chức nghiên cứu Diễn đàn Chính sách Madison ở New York, cho rằng việc Ukraine tiến hành chiến dịch phản công thành công với xe tăng Leopard và thiết giáp Bradley sẽ là nguồn động viên lớn để phương Tây duy trì hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
"Màn thể hiện của những mẫu vũ khí phương Tây đó quan trọng hơn việc giành lại bất kỳ phần lãnh thổ nào. Bởi vậy, Ukraine phải đảm bảo chiến thắng khi ra quân", ông nói.
Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự cho rằng để phản kích thành công, ngoài khí tài hiện đại, quân đội Ukraine cần đến kỹ năng và may mắn để có thể phát hiện và nhanh chóng khoét sâu điểm yếu trong hệ thống phòng thủ rất vững chắc của lực lượng Nga.
Địa điểm mà Ukraine dự kiến mở đợt phản công vẫn là ẩn số. Ông Spencer cho biết Kiev có thể tác chiến một cách linh hoạt, vừa tìm cách thăm dò điểm yếu trong hệ thống phòng thủ của Nga, vừa bảo tồn lực lượng mũi nhọn có thể tấn công ở bất cứ vị trí nào.
Chiến thuật này đã giúp Ukraine giành lại hàng nghìn km vuông ở Kharkov vào mùa thu năm ngoái, sau nhiều tháng tiến hành chiến dịch nghi binh về một đợt tấn công ở vùng Kherson.
Phillips O'Brien, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học St. Andrews ở Scotland, cho hàng Kiev muốn cắt đứt hành lang trên bộ mà Nga thiết lập ở đông nam Ukraine bằng cách tiến công từ Zaporizhzhia hướng đến Melitopol và Biển Azov. Nếu thành công, mũi phản công này sẽ chia cắt lực lượng Nga, làm gián đoạn đường tiếp tế ở phía tây bán đảo Crimea.
Quân đội Nga dường như cũng đã lường trước kịch bản này và đã dành nhiều tháng để xây dựng hệ thống phòng thủ ở khu vực Zaporizhzhia. Vladimir Rogov, chủ tịch nhóm xã hội dân sự Chúng ta Cùng Nước Nga ủng hộ Điện Kremlin, cho hay quân đội Nga đã phát hiện Ukraine đang tăng quân số, đạn dược, khí tài, nhiên liệu ở vùng Zaporizhzhia.
Hiện chưa rõ đây là động thái chuẩn bị cho mũi phản công, hay là một phần trong chiến thuật nghi binh của Ukraine. "Việc tăng dự trữ nhiên liệu cho thấy họ sẽ không đứng yên", Rogov nói.
Một số nhà phân tích cho rằng khi Nga củng cố phòng thủ ở Zaporizhzhia, quân đội Ukraine có thể tìm hướng tiếp cận khác.
"Một điều họ đã làm tốt là phát hiện và khoét sâu điểm yếu trong phòng tuyến của Nga. Điều quan trọng là họ phải giành được một số thành công", O'Brien nói.
![Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: RYV](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/03/27/556318717813726673a-Ukraine-Ng-8486-7855-1679923058.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=NTeL3Jw_9aqOskdgr6CIkw)
Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: RYV
Tuy nhiên, Mykola Bielieskov, thành viên Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia ở Kiev, nhận định giao tranh kéo dài ở Bakhmut đã khiến lực lượng Nga phần nào suy yếu, tạo cơ hội cho Ukraine đạt bước tiến nếu mở chiến dịch phản công.
"Cánh cửa cơ hội duy nhất cho Ukraine là thực hiện cuộc tấn công mới, giữa lúc Nga hao tổn lực lượng ở Bakhmut, trong khi chưa tiến hành được đợt động viên quân mới", ông nói.
Song Bielieskov cũng nhấn mạnh rằng cả Nga và Ukraine hiện đối mặt cùng một vấn đề, đó là khó huy động nguồn lực để duy trì cường độ chiến đấu cao, sau hơn một năm giao tranh khốc liệt.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cuối tháng 3 thừa nhận khó khăn này, cho hay lực lượng Nga vẫn thể hiện ưu thế hỏa lực áp đảo, với tần suất và số lượng đạn khai hỏa mỗi ngày gấp ba lần quân đội Ukraine.
"Tình hình ở miền đông không ổn, nguyên nhân chính là thiếu đạn dược. Chúng tôi đang chờ đợi viện trợ vũ khí từ các đối tác. Tình trạng này khiến chúng tôi chưa thể triển khai lực lượng cho chiến dịch phản công", ông Zelensky nói.
Thanh Tâm (Theo WSJ)