Ukraine những tuần qua dùng máy bay không người lái (UAV) chứa đầy chất nổ để tập kích vào hạ tầng năng lượng sâu trong lãnh thổ Nga. Chúng có hình dáng giống máy bay cánh quạt hạng nhẹ, bay chậm và thấp hơn đáng kể so với tên lửa hành trình, song lại có thể né được lưới phòng không Nga và tiếp cận mục tiêu cách xa biên giới hơn 1.000 km.
Hồi đầu tháng 4, Ukraine sử dụng máy bay cánh quạt cỡ nhỏ Aeroprakt A-22 được hoán cải thành UAV để tập kích các cơ sở công nghiệp ở Cộng hòa Tatarstan thuộc Nga. Tuần trước, một UAV giống mẫu A-22 tập kích nhà máy lọc dầu ở Cộng hòa Bashkortostan, địa điểm nằm cách biên giới khoảng 1.500 km.
Chuyên gia an ninh Fabian Hoffmann, hiện là nghiên cứu sinh tại Đại học Oslo, nhận định trong thế giới của các hệ thống tên lửa hiện đại, phức tạp, những chiếc UAV hoán cải như A-22 "về cơ bản là cục gạch bay" được chế tạo rất thô sơ.
Dù những mẫu UAV này có vẻ ngoài đơn giản, chúng trên thực tế là hệ thống vũ khí khá phức tạp do phải kết hợp tích hợp hệ thống dẫn đường, thuốc nổ với khung thân và động cơ sẵn có.
UAV loại này bay tương đối thấp, khiến radar khó phát hiện và theo dõi chúng. Khi Ukraine phát hiện một hành lang không phận Nga không có lưới phòng không thích hợp bảo vệ, UAV "cục gạch bay" có thể xâm nhập hiệu quả và bay sâu vào lãnh thổ Nga. Ngoài ra, thiết kế của chúng khiến phòng không mặt đất có thể nhầm mối đe dọa này là máy bay dân sự, theo Hoffmann.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng việc lưới phòng không Nga để UAV tầm xa Ukraine thoải mái bay vào lãnh thổ suốt nhiều tiếng, vượt qua quãng đường hơn 1.000 km để tập kích cơ sở dầu khí tại Tatarstan và Bashkortostan là thất bại "khó có thể biện minh".
UAV tầm xa được hoán cải từ máy bay hạng nhẹ "ồn ào và bay chậm, khiến chúng dễ bị phát hiện bằng mắt thường trên đường bay, kể cả khi radar không quét ra chúng", Hoffmann cho biết. "UAV kiểu này tương đối dễ bị bắn hạ bởi các pháo phòng không được bố trí xung quanh hạ tầng trọng yếu".
Theo Hoffmann, thất bại trong đối phó UAV tầm xa của Ukraine cho thấy Nga "dường như gặp vấn đề về năng lực phòng không, khi các tổ hợp được điều tới bảo vệ khu vực tiền tuyến hoặc đô thị quan trọng như Moskva và St. Petersburg, hoặc họ đánh giá thấp mối đe dọa mới".
"Có thể bắn hạ loại UAV này dễ dàng nếu có biện pháp đối phó, song dường như Nga không có điều này", Hoffmann nói.
Tuy nhiên, cựu thiếu tướng lục quân Mỹ Gordon Davis Jr. nhận định thiết lập hệ thống phòng không phù hợp để đối phó hiệu quả và phù hợp với các mục tiêu bay thấp, di chuyển chậm là thách thức không chỉ riêng với quân đội Nga. "Đây là lỗ hổng mà Ukraine đang khai thác để mang lại lợi thế", ông Davis nói.
Giới chuyên gia nhận định những chiếc UAV tầm xa này cho thấy thành công trong chương trình phát triển vũ khí tập kích tầm xa của Ukraine nhắm vào hạ tầng năng lượng Nga.
Sau khi xung đột với Nga bùng phát, Ukraine phát triển nhiều hệ thống không người lái như UAV, xuồng tự sát để tập kích sâu vào lãnh thổ Nga. "Ukraine đang tận dụng năng lực nội địa để đạt lợi thế tốt và tập kích hạ tầng quan trọng trong lãnh thổ Nga", Davis nói.
Lance Landrum, cựu trung tướng không quân Mỹ, nhận định UAV tầm xa là điển hình cho hoạt động đổi mới và sáng tạo của Ukraine. "UAV các kích cỡ có thể lợi dụng khoảng trống giữa những lớp phòng không mà nhiều loại vũ khí thông thường không làm được", Landrum cho biết.
Nguyễn Tiến (Theo BI, AFP, Reuters)