Bài viết Con cái sống hưởng thụ từ tiền chắt bóp của cha mẹ phản ánh hiện tượng đời cha mẹ khổ cực, tạo dựng được tài sản nên mong muốn bù đắp cho con cái, để chúng không phải chịu khổ như mình thời trước. Bài viết nhận được nhiều quan tâm của độc giả.
Bạn đọc Bình Nguyễn kể trường hợp của mình lo nhà cửa, xe cộ, điện thoại, nuôi con ăn học nhưng sau khi ra trường đi làm vẫn xin tiền mẹ hàng tháng:
"Trong chuyện này tôi thấy hình ảnh của con trai tôi. Tôi thế hệ 7X, con trai 9X. Từ miền Trung tôi vào Nam lập nghiệp, lấy chồng lúc 21 tuổi. Cuộc sống khó khăn nên tôi không dám đẻ nhiều, chỉ có hai con trai.
Tôi sống tiết kiệm dù làm ra tiền, mục tiêu của tôi là lo cho hai con ăn học nên người vì đời tôi ít học. Tôi cho con đi du học nhưng vì có người yêu nên con không đi, mà học một đại học tại TP HCM.
Tôi lo từ A đến Z cho con, không thiếu thứ gì. Thấy con ở trọ hay chuyển phòng nên tôi đã mua luôn căn nhà ở Bình Thạnh cho ở. Nhưng ra trường đi làm rồi mà lâu lâu vẫn xin mẹ tiền. Tôi hỏi lương bao nhiêu mà cứ xin mẹ thì nói không đủ xài, trong khi xe SH tôi mua cho đi làm, điện thoại tôi cũng cho.
Con còn nói ở công ty bảo chắc con "đi làm cho vui mẹ ạ". Tôi không hiểu nổi. Không biết kiếp trước có nợ nần gì không mà giờ riêng căn nhà 4,2 tỷ đồng con ở mà tôi chẳng hưởng được gì. Chỉ may là tôi vẫn đứng tên chứ không sang tên cho con.
Nhiều lúc nghĩ mà buồn tủi thân. Mình khổ nhiều nên quá thương con mà giờ gần 50 tuổi chưa được hưởng thụ gì vẫn phải bù đắp như thế. Tôi không biết sau này già yếu con có nghĩ và lo cho mẹ không nữa".
Độc giả có nickname themindiseverything78 cho rằng đời cha mẹ cực khổ, đời con cái hưởng thụ cũng chỉ là tái phân bổ tài sản trong xã hội:
"Có gia đình đời cha mẹ tích góp được thì con cái tiêu bớt. Rồi sẽ có gia đình đời cha mẹ đến giờ vẫn chưa có gì, thì con cái hiện nay sẽ cố gắng, đến đời sau có thể lại tiêu bớt. Chứ cứ gia đình nào đời cha mẹ có của cải, đến đời con lại thêm của cải nữa thì xã hội thành hoàn hảo, ai ai cũng giàu lên.
Hơn nữa tôi nghĩ dưới góc nhìn của bậc cha mẹ, con cái sống tốt và lành mạnh là cái được rồi, còn của cải thì tích góp đến lúc cũng phải tiêu. Biết đâu đến đời cháu họ của cải vơi bớt chúng nó lại cố gắng và tích được nhiều hơn thì sao".
Bạn đọc hoangnguyendinh91 nói:
"Một phần do cách dạy con, thế nên trước mới có câu chuyện cha giàu cha nghèo. Hay có câu không ai giàu quá ba họ không ai khó ba đời. Giàu nghèo không phải xuất phát từ khối lượng của cái vật chất.
Thế hệ trước lớn lên trong sự khốn khó nên động lực làm giàu, tích cóp. Đến khi tích cóp được chút ít, thay vì tái đầu tư thì lại cho phép con cái được hưởng thụ ở ngay cái tuổi trẻ, vốn lá cái tuổi có thể chịu khó chịu khổ. Làm thui chột ý chí làm giàu.
Mọi thứ đều có mối quan hệ. Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà. Con cái ra sao là phản ánh cách dạy dỗ của gia đình. Nói đi cũng phải nói lại, nếu bạn tác giả thấy vậy thì cũng là lúc tự cảnh tỉnh để có chiến lược nuối dạy con cho bài bản. Thay vì nuông chuông con cái".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.