Đọc một số bài viết về việc giới trẻ tiêu xài, tôi có khá nhiều suy nghĩ. Phải chăng, ý thức tiêu tiền của con cái có liên quan tới tài sản của cha mẹ?
Tôi lại nhớ đến trường hợp của vợ chồng người hàng xóm cũ thế hệ giữa 6X, có hai con thuộc thế hệ 9X. Hai bác vợ chồng nhà này đúng nghĩa một tay làm nên tất cả, ăn không dám ăn, mặc không dám mặc nên tích góp tiền mua được hơn chục mét vuông ngang đất mặt tiền tỉnh lộ, một căn nhà cũng khá khang trang.
Tôi nghe cha mẹ và hàng xóm xung quanh kể, lúc mới dọn đến, hai vợ chồng bác chỉ đem theo có đúng một túi xách quần áo. Vậy mà hơn hai mươi năm sau họ đã có được cơ ngơi như vậy.
Đời hai bác không dám đi chợ mua thức ăn mà nhặt nhạnh các loại rau trong vườn nhà, xung quanh, chiều đi giăng lưới, quăng chài để kiếm cá, dù là con nhỏ nhất. Nhưng trớ trêu thay, những đứa con của hai bác không học hỏi được đức tính cần kiệm mà đâm vào con đường ăn chơi, hoang phí và hưởng thụ khi lên thành phố học và làm việc.
Tôi còn nhớ sau ngày thi tốt nghiệp THPT, con lớn của các bác nằng nặc đòi mua xe máy mới, vợ chồng bác chỉ hẹn "hôm nay chiều muộn rồi, sáng mai đi mua sớm" mà đứa con làm ầm ĩ lên, cả xóm nhà nào cũng nghe thấy. Đứa con nhỏ cũng vậy.
Dù trước đó, những hàng xóm thân thiết nói với vợ chồng bác rằng không nên chiều chuộng con thái quá, nhưng câu trả lời nhận được là cái chậc lưỡi: "Thôi kệ, con mình mà, không để nó xài thì ai xài".
Hậu quả là hai đứa con mạnh ai nấy phá của, hơn chục mét đất phải cắt bán lần hồi, ngay cả ngôi nhà cũng phải bán để dọn vào khu vực đất rẻ hơn để ở.
Chuyện khác, ở công ty của tôi có một thanh niên làm công việc lương 8-9 triệu đồng một tháng, luôn hoàn thành công việc, không dính vào thị phi cũng không có quá nhiều tham vọng.
Mức lương hầu như không tăng sau ngần ấy năm làm việc nhưng cuộc sống anh chàng hầu như không thiếu thứ gì: có căn hộ chung cư, đi xe Sh, điện thoại đời mới, đi ăn nhà hàng... Nhiều lời bàn ra tán vào, không biết thanh niên này làm thêm công việc gì mà sống đủ đầy, một năm du lịch đôi ba bận như thế.
Đến khi mấy đồng nghiệp thân trong công ty về nhà bạn này ở quê ăn giỗ thì mới té ngửa ra gia cảnh bạn này rất khá, nhà to cửa rộng, vườn tược xanh um. Ai cũng hiểu vì sao lương bổng làng nhàng nhưng cuộc sống nhìn chung của bạn này lại hơn hẳn anh trưởng phòng một vợ hai con đang trả góp nhà.
Tôi kể hai trường hợp để thấy sự xuất hiện của những thanh niên tiêu xài, sống hưởng thụ không có gì lạ. Một số người cứ đổ thừa cho nền kinh tế tiêu thụ mời mọc mọi người tiêu xài. Đó chỉ là một phần nguyên nhân mà thôi.
Theo tôi, vấn đề nằm ở chỗ, ở Việt Nam, những người thuộc thế hệ 5,6,7X đã phần có cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, họ đã trải qua những điều này và ngày đó, dư địa làm giàu còn nhiều nên một khi cuộc sống khá giả, họ không muốn cảnh túng thiếu phải lặp lại cho con cái nên chuyện con tiêu tiền của cha mẹ cũng là cách bổ trợ cho con có cuộc sống tốt hơn.
Chỉ có điều, mặt trái của vấn đề là con cái ỷ lại, tiêu pha tiền chắt bóp, mồ hôi công sức của cha mẹ không đúng chỗ, còn gây thêm nợ nần làm hao hụt tài sản hoặc cha mẹ nghèo nhưng vay mượn để ra vẻ giàu có, điều này mới đáng lên án.
Còn chuyện sống hưởng thụ từ tài sản của cha mẹ như anh chàng ở công ty tôi có lẽ ai cũng muốn như vậy.
Trường Huy
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.