Nhưng cách đây vài năm, tôi rơi vào cảnh bị cắt giảm nhân sự.
Gọi là cắt giảm thì chưa hẳn, công ty chỉ ép tự nguyện xin nghỉ. Ở cái tuổi 40, trên có cha mẹ già, dưới con nhỏ cần nuôi, vợ chồng tôi chỉ biết ngồi trong góc nhà khóc đến sáng.
Nhưng rồi nước mắt cũng cạn, tôi buộc phải đứng lên. Bằng cấp không giúp tôi có lại công việc cũ, không công ty nào mặn mà với một người trung niên như tôi.
Vậy là tôi lao vào làm shipper, chạy xe ôm công nghệ. Có người nói nghề này linh động thời gian, tự do thoải mái. Xin thưa, không. Cùng đường tôi mới chọn. Công việc này không khác gì con chuột chạy trên vòng quay, chỉ cần dừng lại là mất thu nhập.
Mỗi ngày, tôi phải canh từng đơn hàng, chạy đủ doanh thu mới có thưởng. Tiền thưởng này thực chất là phần lời ít ỏi, còn tiền ship thì đã trừ đủ thứ chi phí. Ngày nắng cũng như ngày mưa, tôi bám đường, hết giao đồ ăn lại chở khách. Không tính mấy tháng Tết, sức khỏe không cho phép chạy nhiều nữa, mỗi ngày đường kiếm 170.000 đồng là tôi đã đuối sức.
Để rồi giữa trưa, bụng đói cồn cào, tôi vẫn phải chờ mòn mỏi trước sảnh tòa nhà văn phòng, nơi những cô cậu nhân viên thảnh thơi đi xuống nhận đồ ăn sau 10, 15 phút.
Chở khách mà chẳng may hỏi thêm đường, lập tức bị đánh giá "nói nhiều, phiền phức".
Tôi biết, mình không phải trường hợp duy nhất. Cộng đồng shipper có hai dạng: một là chạy cho các ứng dụng công nghệ, hai là nhận đơn trực tiếp từ các cửa hàng.
Dù là dạng nào cũng đối mặt với đủ rủi ro: nắng mưa, tai nạn, khách bom hàng, hay có khi cả những lời coi thường, thậm chí còn bị hành hung.
Dù thế nào đi nữa, shipper vẫn là một phần không thể thiếu của cuộc sống hiện đại. Họ là những người kết nối hàng hóa, đưa bữa cơm đến tận tay người bận rộn, chuyển giấy tờ quan trọng chỉ trong vài giờ đồng hồ. Thế nhưng, vẫn chưa có sự bảo vệ nào xứng đáng cho họ.
Có lẽ, điều shipper cần nhất không chỉ là thu nhập ổn định, mà là một sự tôn trọng tối thiểu rằng dù công việc gì, miễn là lao động chân chính, thì đều đáng được trân trọng như nhau.
Lê Hải