"... Xin cho biết nguyên nhân của bệnh. Nếu cháu bị u máu thì sau này có dễ mắc bệnh ung thư hay không? Liệu trong cơ thể cháu còn khối u nào như thế nữa không? Làm thế nào để phát hiện những khối u đó? Sau mỗi mũi tiêm Tranbovard thì bác sỹ cho uống Opedroxil. Hiện răng cháu mới nhú nhưng không được trắng, có phải là do Opedroxil không?".
Trả lời:
Nếu con bạn chỉ có biểu hiện của một khối u máu ở đùi không thôi, ngoài ra không có triệu chứng nào khác nữa thì đó là bệnh u máu thể mao mạch (còn gọi là u máu hình quả dâu). Nguyên nhân phát sinh khối u còn chưa rõ. U có màu đỏ lồi trên mặt da và có thể thấy ở bất cứ chỗ nào trên cơ thể như mặt, đầu, ngực, lưng, chân, tay... Mặc dù bệnh thường xảy ra ngay sau khi sinh nhưng ở một số trẻ, bệnh xuất hiện khoảng 2 tháng sau đẻ. Trẻ gái dễ mắc bệnh hơn trẻ trai.
Hầu hết các khối u ở da đều có một giai đoạn phát triển rất nhanh, sau đó chậm lại rồi thoái triển một cách tự nhiên. Khi thoái triển, khối u nhạt màu dần rồi xơ hóa. Tùy theo từng bệnh nhân, thời gian tự thoái triển có thể dài hoặc ngắn. Ở đa số trẻ, khối u tự mất dần khi được 5 tuổi và đến 9 tuổi thì hầu hết các khối u sẽ mất. Sự thoái triển các khối u này không liên quan đến vị trí hoặc kích thước của chúng, trừ trường hợp khối u ở môi (thường tồn tại lâu hơn).
Các khối u này cũng có thể gây biến chứng như loét, nhiễm trùng, xuất huyết (rất hiếm gặp). Những khối u nằm ở vị trí đặc biệt có thể ảnh hưởng đến các chức năng của cơ thể (u ở mắt, niệu đạo, khí quản). Nếu u không nằm ở những vị trí có thể gây ảnh hưởng đến các chức năng cơ thể hay không ảnh hưởng đến thẩm mỹ thì không cần điều trị gì.
Trường hợp cần phải điều trị thì có thể dùng laser làm giảm kích thước và hiện tượng loét của khối u. Chỉ nên phẫu thuật khi khối u quá lớn, không thoái triển hoặc lan rộng. Tia xạ và các thuốc Corticosteroid chỉ được dùng khi khối u ở những vị trí đặc biệt, nguy hiểm đến tính mạng. Có thể băng khối u bằng một băng đàn hồi để tránh hiện tượng xoắn u khi nó phát triển quá nhanh.
Nhìn chung, các u máu chỉ ở ngoài da. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp u máu xuất hiện ở các cơ quan nội tạng như gan, não, ruột. Việc chụp mạch có thể giúp phát hiện các khối u này.
Cho đến nay, chưa có tài liệu nào nói rằng bệnh u máu làm cho trẻ dễ bị ung thư về sau. Việc cho cháu uống Opedroxil (một kháng sinh) không làm ảnh hưởng đến men răng, do đó nó không phải là nguyên nhân gây đen răng cho cháu.
TS Nguyễn Tiến Dũng, KH&ĐS