Trả lời:
U máu là khối u bẩm sinh lành tính, xuất hiện ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể như: đầu, ngực, mặt, miệng, chân, tay, bụng, nội tạng (gan, ống tiêu hóa, não). Trong 50% trường hợp, u mọc ở đầu, mặt, cổ. Một trong những yếu tố nguy cơ gây u máu ở trẻ em là cha mẹ sống và làm việc trong môi trường hóa chất độc hại.
U máu thường xuất hiện vào tuần thứ 2 hay thứ 4 sau khi trẻ ra đời. Tùy từng thể bệnh, u có thể phát triển chậm hay nhanh, biểu hiện dưới nhiều dạng và kích thước khác nhau. Trường hợp mà bạn nhìn thấy là u máu thể phẳng, biểu hiện là trên da mặt có những vết đỏ nhỏ, hoặc cả nửa mặt có màu đỏ thẫm.
Nếu tổn thương phát triển nổi lên mặt da hoặc có nhiều búi nhỏ như chùm dâu, đó là u máu thể gồ. Ngoài ra còn có dạng u máu dưới da và niêm mạc (u chìm dưới da), nhìn ngoài da chỉ hơi có màu xanh tím. Loại u này có thể phát triển xâm lấn vào niêm mạc miệng, họng, amiđan hoặc xương hàm.
Các u máu nếu bị chấn thương đều rất dễ vỡ, gây chảy máu. Nếu vỡ mạch máu to sẽ rất khó cầm, có thể nguy hiểm tới tính mạng. U máu phát triển ở vùng mặt sẽ gây biến dạng mặt, ảnh hưởng nhiều tới thẩm mỹ.
Hiện có nhiều phương pháp điều trị u máu: tiêm xơ, điều trị tia xạ, laser, liệu pháp corticoid, áp nitơ lỏng hoặc phẫu thuật cắt bỏ. Việc điều trị dễ dàng hay khó khăn tùy thuộc vào từng thể bệnh, nơi khu trú và mục đích điều trị (giải quyết thẩm mỹ, chức năng hay để cứu sống bệnh nhân). Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ đem lại kết quả tốt.
Đối với những trường hợp u máu nặng, nếu không được điều trị, bệnh nhân có thể tử vong do u phát triển vào hố mắt, não, vùng bụng...
BS Nguyễn Nguyệt Nhã, Sức Khoẻ & Đời Sống