Theo AFP, kể từ đầu năm, gần 100 ca nhiễm sởi được báo cáo ở Texas và New Mexico. Theo bác sĩ nhi khoa và miễn dịch học Paul Offit, tình trạng này có liên quan tới sự suy giảm tỷ lệ tiêm chủng tại Mỹ kể từ đại dịch Covid-19. Ngày càng có nhiều phụ huynh lựa chọn không tiêm vaccine cho con em, do suy giảm niềm tin vào cơ quan y tế và các công ty dược phẩm.
Trong bối cảnh các thông tin sai lệch và tính an toàn của vaccine đang tăng mạnh tại quốc gia này, xu hướng người dân không tiêm vaccine cho con có thể sẽ tăng cao. Chuyên gia y tế lo ngại Mỹ có thể đối mặt với cuộc khủng hoảng về sức khỏe cộng đồng.

Minh họa tiêm vaccine cho trẻ em. Ảnh: Vecteezy
Sởi là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, do virus gây ra. Mầm bệnh có tính chất lây lan nhanh, mạnh. Một người mắc sởi có thể lây lan cho 12-18 người khác. Khi trở nặng, sởi có thể biến chứng viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não, suy hô hấp... Nhóm nguy cơ cao mắc sởi là trẻ nhỏ, người cao tuổi, người bệnh nền hoặc suy giảm miễn dịch, thai phụ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tiêm vaccine là cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh sởi. Trẻ em nên được chủng ngừa hai liều vaccine để đảm bảo miễn dịch. Tỷ lệ bao phủ tiêm chủng cần đạt trên 95% để cắt đứt chuỗi lây nhiễm của virus trong cộng đồng.
Vaccine sởi được đưa vào sử dụng tại Mỹ từ năm 1963. Trước đó, ước tính bệnh sởi gây ra khoảng 3 triệu ca bệnh tại Mỹ và hàng trăm ca tử vong mỗi năm. Năm 2000, Mỹ tuyên bố bệnh sởi được thanh toán, nhờ chương trình tiêm chủng rộng rãi.
Trước đó, Mỹ ghi nhận nhiều phong trào chống vaccine, trong đó có vaccine bại liệt. Đạo diễn Francis Ford Coppola, 85 tuổi, từng nhận năm giải Oscar và nhiều giải thưởng điện ảnh uy tín khác, đã lên tiếng về bệnh và hậu quả sức khỏe khi không có vaccine.
Chi Lê