Số trẻ sơ sinh năm 2022 là 799.728, giảm 5,1% so với năm trước đó, thấp nhất từ khi bắt đầu ghi nhận số liệu năm 1899, Bộ Y tế Nhật Bản cho biết ngày 28/2. Số người chết tăng 8,9% lên 1,58 triệu trường hợp trong cùng giai đoạn.
Tỷ lệ sinh giảm đồng nghĩa Nhật Bản sẽ có lực lượng lao động nhỏ hơn, nguồn thu từ thuế giảm và khó duy trì vị trí nền kinh tế số ba thế giới. Trong khi đó, chi phí chăm sóc người già, chiếm tỷ lệ ngày càng tăng trong dân số, đang gây áp lực lên ngân sách chính phủ Nhật Bản.
"Chúng tôi coi tỷ lệ sinh giảm là tình huống nghiêm trọng", Yoshihiko Isozaki, phó chánh văn phòng nội các Nhật Bản, nói. "Nguyên nhân gồm nhiều yếu tố đan xen phức tạp, cản trở các cá nhân hiện thực hóa mong muốn kết hôn, sinh con và nuôi dạy con".
Theo ông Isozaki, chính phủ Nhật Bản sẽ công bố các chính sách về trẻ em và nuôi dạy trẻ em, đưa ra khuôn khổ để tăng gấp đôi ngân sách cho nỗ lực này vào tháng 6. Trong năm tài chính 2023, chính phủ Nhật Bản đã phân bổ 4.800 tỷ yên (hơn 35 tỷ USD) cho một cơ quan mới thành lập chuyên trách vấn đề trẻ em và gia đình, Nikkei đưa tin hồi tháng 12.
Theo giới chuyên gia, tỷ lệ sinh thấp là do văn hóa làm việc, chi phí sinh hoạt tăng, sự thay đổi quan điểm về hôn nhân và bình đẳng giới, cùng với sự vỡ mộng của giới trẻ về tình hình xã hội.
Với vai trò về giới đã được cải thiện, nhiều phụ nữ Nhật Bản không cảm thấy có nghĩa vụ phải kết hôn và sinh con. Họ có khuynh hướng tìm kiếm việc làm nhiều hơn. Năm 2020, tỷ lệ nữ ghi danh vào các trường đại học 4 năm tăng 51% so với cuối những năm 1980. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ độ tuổi 25 - 29 cũng tăng từ 45% năm 1970 lên 87% năm 2020.
Các quốc gia láng giềng của Nhật Bản cũng đang đối mặt vấn đề tương tự. Dân số Trung Quốc năm 2022 lần đầu tiên suy giảm trong 6 thập kỷ trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chững lại đáng kể.
Tỷ lệ sinh tại Hàn Quốc năm 2022 giảm còn 0,78 trẻ em trên mỗi phụ nữ, mức thấp nhất trong nhiều năm và làm gia tăng thách thức kinh tế liên quan cơ cấu dân số già. Năm 2021, Hàn Quốc đứng cuối cùng trong số hơn 260 quốc gia mà Ngân hàng Thế giới theo dõi, với tỷ lệ sinh là 0,81.
Như Tâm (Theo Bloomberg, Mainichi)