Thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đến ngày 28/4, có hơn 300.000 người ở 47 tỉnh thành trên cả nước đã tiêm vaccine AstraZeneca. Trong đó, trung bình 30% (90.000 người) xuất hiện phản ứng phụ, phổ biến nhất là mệt mỏi, sốt, đau ở vị trí tiêm. Các trường hợp phản vệ chủ yếu nằm ở mức nhẹ, độ 1 và độ 2. Một số người phải nhập viện hồi sức.
Tại hội nghị trực tuyến hướng dẫn xử trí sự cố bất lợi sau tiêm vaccine Covid-19, ngày 28/4, Phó giáo sư, tiến sĩ Đào Xuân Cơ, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết tất cả vaccine dùng tiêm phòng các bệnh khác nhau đều có tác dụng phụ. Vaccine nào cũng có một tỷ lệ nhất định người dùng gặp phản ứng bất lợi sau tiêm. Điều này đã được các hãng dược phẩm, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và Tổ chức kiểm soát dược phẩm châu Âu, báo cáo công khai.
"Không có vaccine nào an toàn tuyệt đối 100%", bác sĩ Cơ nói.
Vaccine Covid-19 AstraZeneca mà Việt Nam đang triển khai tiêm chủng cũng không phải là ngoại lệ. Vaccine Covid-19 là loại hoàn toàn mới, thời gian nghiên cứu phát triển ngắn hơn nhiều so với quy trình thông thường nghiên cứu vaccine, do yêu cầu cấp bách phòng chống dịch. Hai vấn đề thế giới quan tâm nhất khi tiêm chủng vaccine Covid-19 là phản ứng dị ứng (phản vệ) và huyết khối, rối loạn đông máu.
Bác sĩ Cơ khẳng định hiện chưa người Việt nào đã tiêm vaccine được ghi nhận có biểu hiện phản ứng bất lợi về huyết khối, rối loạn đông máu. Việt Nam cũng chưa ghi nhận ca tử vong do tiêm vaccine Covid-19. Hầu hết các ca phản vệ tại Việt Nam đều được cấp cứu thành công, hồi phục tốt sau điều trị. Người tiêm được theo dõi sức khỏe sau tiêm chủng từ 3 đến 4 tuần.
Trong khi đó, giới chức Anh thông báo tính đến ngày 14/4, có 21,2 triệu người Anh đã tiêm mũi đầu tiên của vaccine AstraZeneca. Trong số đó, 168 ca đông máu đã được phát hiện, 32 ca tử vong.
Theo thông tin từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, một báo cáo kết quả 4 thử nghiệm lâm sàng với gần 24.000 tình nguyện viên tiêm vaccine AstraZeneca tại Anh, Brazil và Nam Phi, công bố hồi đầu năm, cho thấy tỷ lệ bị đau tại vị trí tiêm chiếm 54-63%. Khoảng 52-53% người tiêm bị nhức đầu, mệt mỏi, 44% đau cơ, khó chịu, 33,6% sốt nhẹ và sốt trên 38 độ chiếm 7,9%. Gần 32% bị ớn lạnh, 26,4% đau khớp và gần 22% buồn nôn. Hầu hết phản ứng đều hết sau vài ngày đầu. Khoảng 4-13% đến ngày thứ 7 vẫn có ít nhất một triệu chứng cục bộ hoặc toàn thân.
Bộ Y tế và các chuyên gia dịch tễ nhiều lần khẳng định, người tiêm vaccine AstraZeneca ở Việt Nam an toàn. Ngày 8/4, Bộ Y tế ghi nhận trong hơn 55.000 người đã tiêm vaccine tính đến thời điểm ấy, chỉ 0,1% có phản ứng quá mẫn và 33% có phản ứng nhẹ. Những số liệu ghi nhận phản ứng sau tiêm tương đương số liệu do nhà sản xuất vaccine Covid-19 cung cấp.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long hồi giữa tháng 4 cho biết mức độ phản ứng sau tiêm vaccine Covid-19 tại Việt Nam thấp hơn các nước và thấp hơn so với các loại vaccine thông dụng. Ví dụ, loại vaccine thông dụng nhất tiêm cho trẻ em hiện nay là vaccine 5 trong 1 (phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib), thì tỷ lệ phản ứng sau tiêm là trên 50%.
Theo bác sĩ Cơ, phản vệ có thể xuất hiện ngay lập tức khi rút mũi kim tiêm vaccine hoặc vài giờ đầu sau tiêm. Trong những người đã tiêm vaccine Covid-19 vừa qua, một số trường hợp ở giờ thứ 20 sau tiêm mới xuất hiện phản vệ. Các triệu chứng điển hình của phản vệ trên da là đỏ da, ngứa, nổi mề đay, phù mạch, ngứa và sưng vùng môi, mắt, kết mạc đỏ, lưỡi đầy lên.
Khoảng 70% người bị phản vệ có biểu hiện ở hô hấp như ngứa mũi, ngạt mũi, chảy nước mũi, sau đó nói khàn, nói khó, thở rít, ho. Biểu hiện nặng hơn là thở nhanh, chẹn ngực, co thắt phế quản, thậm chí tím tái và ngừng thở.
Phản vệ tim mạch gặp ở 45% ca, gồm đau ngực, nhịp tim nhanh hoặc chậm, loạn nhịp, đánh trống ngực, hạ hoặc tăng huyết áp. Biểu hiện phản vệ tiêu hóa cũng gặp ở 45% ca, gồm buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy.
Các chuyên gia y tế phân phản vệ thành bốn mức độ. Nhẹ thì chỉ biểu hiện ở da. Độ hai là có từ hai triệu chứng phản vệ ở hai bộ phận cơ thể trở lên. Ở độ ba, bệnh nhân có thể phù thanh quản, phù thanh môn, thở nhanh, tím tái, rối loạn nhịp tim, thậm chí sốc, mạch nhanh nhỏ, tụt huyết áp. Độ 4, độ nặng nhất, bệnh nhân ngừng hô hấp.
Thuốc adrenalin là công cụ hàng đầu cấp cứu phản vệ - bắt buộc luôn có tại các điểm tiêm. Những trường hợp chẩn đoán phản vệ độ hai trở lên sẽ phải tiêm adrenalin để ngăn bệnh chuyển độ nặng.
"Tôi tin rằng với quy trình triển khai và giám sát tiêm chủng chặt chẽ như hiện nay, Việt Nam sẽ thành công trong chiến lược 'tiêm đến đâu - an toàn đến đó'", bác sĩ Cơ nhấn mạnh.
Theo Chương trình tiêm chủng quốc gia, ngày 28/4 thêm 92.445 người được tiêm vaccine Covid-19. Đây là ngày kỷ lục về số người tiêm kể từ ngày 8/3 đến nay. Như vậy, hiện tổng cộng đã thực hiện tiêm đợt 1 và 2 tại các tỉnh, thành phố cho 425.638 người.
Thư Anh