Quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) hôm 10/8 nói rằng nhóm phiến quân Taliban đã kiểm soát 65% lãnh thổ Afghanistan và đe dọa chiếm 11 tỉnh lỵ khác, trong khi tình báo Mỹ đánh giá Taliban có thể vây hãm Kabul trong 30 ngày và chiếm thủ đô trong vòng 90 ngày.
Giới chức Mỹ tin rằng chính quyền Kabul có thể sụp đổ nhanh hơn nhiều so với ước tính ban đầu là 6 tháng tính từ khi Washington rút hết toàn bộ lực lượng khỏi Afghanistan. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng quân đội chính phủ Afghanistan vẫn nắm nhiều lợi thế so với Taliban, giúp họ ngăn cản đã tiến quân của nhóm phiến quân.
Nhân lực
Lực lượng an ninh Afghanistan, bao gồm quân đội, cảnh sát và tình báo, có quân số khoảng 307.000 người vào cuối tháng 4, theo báo cáo được công bố tuần trước của Tổng thanh tra đặc biệt của Mỹ về tái thiết Afghanistan (SIGAR). Ước tính của các tổ chức nghiên cứu cho thấy lực lượng sẵn sàng chiến đấu, có thể điều động bất cứ lúc nào hiện vào khoảng 180.000 người.
Taliban không công bố lực lượng chính xác, nhưng các cơ quan giám sát của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ước tính nhóm này có 55.000-85.000 tay súng.
Ngân sách
Afghanistan là một trong những nước nghèo nhất thế giới và phụ thuộc nhiều vào viện trợ nước ngoài. Quân đội chính phủ Afghanistan cần ngân sách 5-6 tỷ USD/năm, trong đó Mỹ thường cung cấp 75% và hứa sẽ duy trì hỗ trợ sau khi rút quân.
Không có thống kê rõ ràng về ngân sách của Taliban, nhưng nhóm phiến quân được cho là thu được từ 300 triệu đến 1,5 tỷ USD mỗi năm nhờ buôn bán ma túy, hoạt động bảo kê và tội phạm, cũng như áp thuế ở những khu vực do lực lượng này kiểm soát.
"Dựa trên thông tin sẵn có, rõ ràng Taliban không gặp khó khăn về tuyển mộ lực lượng, cũng như tìm kiếm ngân sách và mua vũ khí trang bị", báo cáo của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có đoạn.
Mỹ cáo buộc Pakistan, Iran cung cấp nguồn lực và cố vấn cho Taliban, nhưng các nước này đều phủ nhận.
Trang bị vũ khí
Mỹ đã chi hàng chục tỷ USD để tái thiết và trang bị cho quân đội Afghanistan sau khi lật đổ chính quyền Taliban trong chiến dịch quân sự năm 2001.
Quân đội chính phủ Afghanistan sở hữu nhiều ưu thế về khí tài so với đối thủ, nhờ được trang bị hàng loạt vũ khí hiện đại của phương Tây như súng trường tấn công, kính nhìn đêm, xe thiết giáp, pháo và trinh sát cơ không người lái cỡ nhỏ. Họ cũng sở hữu lực lượng không quân khá mạnh với 167 máy bay, bao gồm nhiều cường kích và trực thăng tấn công, lợi thế mà Taliban hoàn toàn không có.
Taliban chủ yếu chỉ dựa vào vũ khí bộ binh và khí tài hạng nhẹ đã có mặt tại Afghanistan suốt hàng chục năm qua, từ những cuộc xung đột với Liên Xô giai đoạn 1979-1989 và mua sắm từ chợ đen. Lực lượng này cũng sử dụng các loại súng chống tăng vác vai, cối và pháo phản lực cỡ nhỏ, kết hợp với pháo phòng không và vũ khí chống tăng hạng nhẹ.
Đánh bom tự sát và thiết bị nổ tự chế (IED) là những vũ khí gây sát thương nặng nhất của Taliban trong cuộc chiến với quân đội chính phủ và lực lượng nước ngoài. Nhóm phiến quân cũng thu giữ và sử dụng nhiều trang bị vũ khí của quân đội Afghanistan, chủ yếu là súng bộ binh, kính nhìn đêm và xe đa dụng Humvee.
Tinh thần chiến đấu
Quân đội chính phủ Afghanistan có tinh thần chiến đấu tương đối kém bởi thương vong cao, tình trạng tham nhũng, đào ngũ và gần đây là đợt rút quân của Mỹ và đồng minh. Khả năng lãnh đạo và lên kế hoạch kém của giới chỉ huy cũng được cho là nguyên nhân làm suy giảm tinh thần của binh sĩ.
Trong khi đó, các đơn vị Taliban cho thấy sự gắn kết vượt trội, bất chấp những thông tin về sự chia rẽ trong nội bộ phiến quân những năm qua. Lý do dường như bắt nguồn từ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và những lời hứa hẹn về vật chất của Taliban đối với các tay súng của mình.
Vũ Anh (Theo Al Jazeera)