![Lính dù thuộc Lữ đoàn 4 lục quân Mỹ tham gia tập trận tại Alaska. Ảnh: US Army.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2019/03/06/150225-A-NC569-019-9175-1551857058.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=7ER52PSKKbaM51dL5prYBw)
Lính dù thuộc Lữ đoàn 4 lục quân Mỹ tham gia tập trận tại Alaska. Ảnh: US Army.
"Tuyến đường biển ở Bắc Cực đã được mở thường xuyên hơn và khu vực này có nhiều lợi ích về tài nguyên và thương mại, gây ra sự cạnh tranh", Sputnik ngày 6/3 dẫn lời tướng Curtis Scaparrotti, chỉ huy Bộ tư lệnh Mỹ tại châu Âu, trình bày trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ.
Tướng Scaparrotti cho biết Nga đã mở thêm nhiều sân bay, triển khai các tổ hợp radar và vũ khí hiện đại tới Bắc Cực để tăng cường hiện diện quân sự tại đây.
"Do đó, chúng tôi đã cập nhật kế hoạch của mình, điều chỉnh thành phần và xu hướng triển khai lực lượng để có thể kiềm chế Nga. Đây là thông điệp khẳng định Bắc Cực là khu vực quan trọng với chúng tôi", tướng Scaparrotti nói. Tuy nhiên, ông khẳng định nguy cơ nổ ra xung đột quân sự giữa Mỹ và Nga tại Bắc Cực là rất thấp trong thời gian ngắn hạn.
Nga đang xây dựng nhiều cơ sở quân sự tại các đảo nằm xung quanh Bắc Cực, triển khai nhiều loại khí tài hiện đại có thể hoạt động trong điều kiện nhiệt độ rất thấp. Hạm đội Biển Bắc năm 2017 nhận 5 chiến hạm, 7 tàu hậu cần, 9 máy bay quân sự và 10 tổ hợp radar cảnh giới. Nga sở hữu hạm đội tàu phá băng hùng hậu gồm 4 tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân và hơn 30 tàu gắn động cơ diesel.
Mỹ coi việc Nga tăng cường hiện diện tại Bắc Cực là mối đe dọa và vạch ra lộ trình với các nhiệm vụ cụ thể trong cuộc đua tăng cường ảnh hưởng tại đây. Tuy nhiên Mỹ đang gặp khó khăn trong việc duy trì lực lượng trên biển tại Bắc Cực trong mùa đông do nước này chỉ có hai tàu phá băng hạng nặng có thể hoạt động được.
Nguyễn Tiến