
Tàu sân bay Truman trên hành trình tới Bắc Cực hồi tháng 10/2018. Ảnh: US Navy.
"Tôi và tư lệnh hải quân Mỹ đã thảo luận về việc điều một số tàu đi qua Bắc Cực. Đây sẽ là một sứ mệnh có sự tham gia của nhiều lực lượng, bao gồm cả tàu tuần duyên", Xinhua hôm nay dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Hải quân Mỹ Richard Spencer.
Phát biểu trong một cuộc thảo luận tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS), Spencer nhấn mạnh hải quân Mỹ hiện diện thường xuyên ở Bắc Cực kể từ thập nhiên 1960, nhưng phần lớn những hoạt động này là do tàu ngầm hoặc máy bay tuần tra chứ không phải tàu nổi tiến hành.
Theo quan chức Mỹ, với kế hoạch mở thêm ba tuyến hàng hải xuyên Bắc Cực trong thời gian tới, cuộc thảo luận của hải quân Mỹ về sự hiện diện tại khu vực này đã đạt được bước tiến đáng kể trong suốt hai năm qua.
Hải quân Nga gần đây thực hiện kế hoạch tăng cường hoạt động tại Bắc Cực, khi sử dụng nhiều tàu phá băng để hộ tống các tàu thương mại trên tuyến này. Các tàu nước ngoài muốn qua tuyến Biển Bắc phải trả tiền thuê tàu phá băng Nga nhằm đảm bảo an toàn.
Hải quân Mỹ coi đây là mối đe dọa và đã vạch ra "lộ trình Bắc Cực" nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ cần thực thi trong cuộc đua với Nga. Nhiệm vụ này bao gồm nghiên cứu chi tiết mức độ sẵn sàng của hải quân như tìm kiếm cứu nạn, hệ thống chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc, máy tính, tình báo, giám sát, trinh sát (C4ISR) cũng như phối hợp với lực lượng tuần duyên khi thực hiện nhiệm vụ tại Bắc Cực.
Biên đội tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Harry S. Truman hồi giữa tháng 10/2018 cũng xuất hiện tại vùng biển Bắc Cực ngoài khơi Na Uy, đánh dấu lần đầu tiên hàng không mẫu hạm của Washington hoạt động tại khu vực này kể từ sau Chiến tranh Lạnh.