"Các phi công Ukraine tham gia huấn luyện vận hành tiêm kích F-16 còn khá trẻ và gần như chưa có giờ bay tích lũy. Còn rất nhiều bước đi cần thực hiện trước khi họ có thể ngồi lên những chiếc F-16", tướng James Hecker, tư lệnh Không quân Mỹ tại châu Âu (USAFE), cho biết hôm 18/8.
Tướng Hecker nói rằng các phi công Ukraine sẽ phải học tiếng ở Anh và làm quen khí tài trên máy bay cánh quạt, sau đó tới Pháp để học khóa đào tạo sơ cấp với phi cơ Alpha Jet. "Quá trình này mất thời gian và không thể kết thúc trong năm nay. Đó là lý do F-16 chỉ có thể xuất hiện ở Ukraine từ năm sau", ông nói.
Không quân Ukraine có thể tiếp nhận tiêm kích F-16 từ giữa năm 2024, nhưng tướng Hecker cảnh báo điều này không đồng nghĩa lực lượng này đã đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu. "Sẽ cần thêm nhiều thời gian để xây dựng một vài phi đoàn F-16, bảo đảm không quân Ukraine có khả năng vận hành nhuần nhuyễn và làm chủ được khí tài. Điều này có thể mất 4-5 năm", ông cho hay.
Tướng Mỹ cũng thừa nhận F-16 đáp ứng được một số yêu cầu tác chiến của Ukraine, nhưng không phải "viên đạn bạc" có khả năng thay đổi cục diện chiến trường.
Ukraine đã nhiều lần đề nghị phương Tây cung cấp tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất để chống lại ưu thế trên không của Nga. Sau nhiều do dự, Tổng thống Mỹ Joe Biden từ hồi tháng 5 ủng hộ các quốc gia châu Âu viện trợ F-16 cho Kiev, đồng thời thông qua các chương trình đào tạo phi công Ukraine vận hành tiêm kích.
Đan Mạch và Hà Lan, hai quốc gia thành viên NATO, đang dẫn đầu các nỗ lực quốc tế để đào tạo phi công cũng như nhân viên hỗ trợ, bảo trì và cuối cùng là giúp Ukraine có được F-16. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 17/8 gửi thư tới những người đồng cấp Đan Mạch và Hà Lan để đảm bảo với họ rằng các yêu cầu chuyển tiêm kích F-16 cho Ukraine sẽ được chấp thuận.
Bộ Quốc phòng Đan Mạch đã công bố tài liệu về mô hình huấn luyện phi công, kỹ thuật viên cho Ukraine trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, Mỹ chưa nhận được kế hoạch đào tạo hoàn chỉnh từ hai quốc gia trên.
Hai quan chức Ukraine hồi tuần trước cho biết chỉ 6 phi công, tương đương một nửa trung đoàn không quân, đủ điều kiện tham gia khóa huấn luyện vận hành F-16. Khóa huấn luyện vận hành F-16 cho nhóm phi công này, dự kiến kéo dài tối thiểu 6 tháng, cũng sẽ không thể bắt đầu trước tháng 1/2024.
Đây được coi là nỗi thất vọng lớn với Ukraine, khi họ từng hy vọng những tiêm kích F-16 đầu tiên có thể tham chiến ngay từ tháng 9 để hỗ trợ chiến dịch phản công.
Một lý do khác khiến quá trình chuyển giao F-16 bị trì hoãn là bất đồng trong quan điểm giữa Ukraine và phương Tây về vai trò của loại tiêm kích này.
Kiev muốn nhận tiêm kích F-16 càng sớm càng tốt bởi cho rằng đây là khí tài quan trọng nhằm đối phó ưu thế của không quân Nga và có thể thay đổi cục diện chiến trường trong ngắn hạn.
Trong khi đó, Washington mô tả F-16 là công cụ quan trọng với quá trình biến đổi quân đội Ukraine thành lực lượng có khả năng răn đe Moskva trong tương lai. Họ tin rằng tiêm kích này sẽ đóng vai trò then chốt trong chiến lược quốc phòng dài hạn của Ukraine, nên không thể chuyển giao một cách vội vã.
Vũ Anh (Theo Breaking Defense)