Tướng Frank McKenzie, chỉ huy Bộ tư lệnh Trung tâm (CENTCOM) thuộc quân đội Mỹ, cho rằng Iran chưa quyết định chế tạo đầu đạn hạt nhân, nhưng chia sẻ lo ngại với các đồng minh ở Trung Đông về tiến độ chương trình nguyên tử của Tehran. "Lần này họ rất gần với thành quả. Tôi nghĩ họ thích ý tưởng vượt ra ngoài các vòng kiềm tỏa", tướng McKenzie cho hay.
Phát biểu được đưa ra chưa đầy một tuần trước khi các cường quốc nối lại đàm phán về chương trình hạt nhân Iran. McKenzie khẳng định lực lượng Mỹ luôn sẵn sàng cho giải pháp quân sự nếu phương án ngoại giao thất bại. "Tổng thống nói họ sẽ không sở hữu vũ khí hạt nhân. Các nhà ngoại giao đang dẫn đầu nỗ lực này, nhưng CENTCOM luôn có hàng loạt kế hoạch để thực hiện nếu có chỉ đạo", ông nói.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết chương trình hạt nhân Iran đang đạt tiến bộ chưa từng có, với khả năng làm giàu uranium đến mức 60% và ngày càng gần mức 90% dùng cho vũ khí.
Tuy nhiên, tướng McKenzie nhận định Tehran chưa hoàn tất thiết kế đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ để trang bị cho lực lượng tên lửa đạn đạo. Nước này cũng chưa chế tạo được phương tiện hồi quyển có khả năng chịu được nhiệt độ, áp lực và rung lắc mạnh khi lao tới mục tiêu từ trên không gian.
"Họ sẽ mất thêm thời gian để làm được điều này", tướng McKenzie nói, nhận định Tehran sẽ cần hơn một năm để hoàn tất thiết kế đầu đạn cùng phương tiện hồi quyển nếu quyết định trang bị vũ khí hạt nhân cho tên lửa.
Ông cũng thừa nhận Iran đang sở hữu nhiều tên lửa đạn đạo hiện đại, có độ chính xác cao và từng thể hiện sức mạnh của những vũ khí này. Tướng Mỹ đề cập tới vụ Tehran không kích hai căn cứ của Washington trên lãnh thổ Iraq hồi tháng 1/2020, trong đó các tên lửa Qiam-1 và Fateh-313 đã phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng và khiến 109 binh sĩ Mỹ bị chấn động não.
"Các quả đạn rơi trong bán kính vài chục mét so với mục tiêu. Iran đã phát triển được nền tảng tên lửa đạn đạo rất uy lực trong 3-5 năm qua", McKenzie nói.
Thỏa thuận hạt nhân Iran, có tên đầy đủ là Kế hoạch hành động Chung Toàn diện (JCPOA), được Tehran ký với 6 cường quốc và có hiệu lực tháng 1/2016, theo đó Iran tuân thủ hạn chế với chương trình hạt nhân để đổi lấy dỡ bỏ lệnh trừng phạt quốc tế.
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi JCPOA tháng 5/2018 và tái áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào Iran, khiến quốc gia Trung Đông từng bước khôi phục hoạt động làm giàu uranium và phá vỡ cam kết theo thỏa thuận.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn trông mong Mỹ và Iran sẽ cùng quay lại tuân thủ JCPOA, nhưng khẳng định sẽ không đợi chờ vô thời hạn. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết mọi lựa chọn sẽ được đưa ra cân nhắc nếu không thuyết phục được Iran.
Vũ Anh (Theo Time)