Theo giới phân tích, nhiều khả năng Tổng thống đắc cử Joe Biden không phải là người mà Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un mong muốn trở thành lãnh đạo nước Mỹ trong 4 năm tới. Tổng thống Donald Trump dường như là lãnh đạo Mỹ duy nhất sẵn sàng giao thiệp tích cực với Kim, dù nỗ lực này đang bị đình trệ.
"Tôi nghĩ Triều Tiên sẽ rất thất vọng vì Trump không chiến thắng", Joseph Yun, cựu đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên dưới thời Obama và Trump, nhận xét. "Với họ, Trump là một thành công lớn, họ đã ba lần gặp mặt trực tiếp, những cuộc gặp chưa từng có tiền lệ".
Biden, trái lại, phản đối kịch liệt thái độ hòa hoãn của Trump đối với Kim, điều mà theo ông là đã làm suy yếu các lệnh trừng phạt Mỹ áp đặt lên Triều Tiên. Biden đã nhiều lần chỉ trích lãnh đạo Triều Tiên và chương trình hạt nhân của nước này trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống năm nay.
Hiện chưa rõ chính sách tương lai của Biden đối với Bình Nhưỡng. Ông đã liệt kê các ưu tiên của mình khi bước chân vào Nhà Trắng nhưng không đề cập tới Triều Tiên. Tuy nhiên, Biden từng nói rõ rằng ông không sẵn sàng gặp thượng đỉnh với Kim mà không có điều kiện tiên quyết, điều hoàn toàn khác so với Trump.
Lịch sử cho thấy Triều Tiên có xu hướng thực hiện một số hành động khiêu khích trong giai đoạn đầu một tổng thống mới của Mỹ lên nắm quyền. Bình Nhưỡng từng phóng tên lửa chỉ vài tuần sau lễ nhậm chức của Trump hồi tháng 1/2017, báo hiệu một năm đầy biến động và căng thẳng.
Giới chuyên gia hiện tranh cãi về việc liệu Triều Tiên có cảm thấy cần làm điều tương tự đối với Biden hay không.
"Triều Tiên thường đưa ra chỉ dấu về những gì họ sẽ làm", John Delury, phó giáo sư tại Đại học Yonsei ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc, cho biết. "Nếu lắng nghe kỹ những tuyên bố của Triều Tiên, họ thường ẩn ý về mục tiêu mà họ muốn hướng đến và tôi nhận thấy họ gần như không có dấu hiệu nào về việc đang lên kế hoạch cho một hành động khiêu khích hay một vụ thử vũ khí lớn".
Theo ông, với Kim Jong-un, thời thế hiện nay rất khác so với cách đây 4 năm và một vụ thử tên lửa có lẽ không phải ưu tiên trong chương trình nghị sự của ông.
"Họ đã chứng minh được rằng họ có tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đủ khả năng vươn tới gần như mọi vị trí trên lục địa Mỹ. Họ cũng có loại đầu đạn hạt nhân rất lớn thử nghiệm thành công hồi năm 2017", Yun nói.
Bình Nhưỡng hiện cũng phải đối mặt với hàng loạt vấn đề cấp bách, như đại dịch Covid-19, nền kinh tế chật vật vì lệnh trừng phạt hay nỗ lực hồi phục sau hàng loạt đợt bão lũ gần đây.
Biden hiểu rõ những thách thức mà Triều Tiên có thể mang lại. Bình Nhưỡng đã phóng tên lửa tầm xa lẫn thử hạt nhân trong những tháng đầu của chính quyền Obama, thời điểm Biden giữ vai trò phó tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, ông không nhất thiết phải tái áp dụng chính sách "kiên nhẫn chiến lược" thời Obama, chờ Bình Nhưỡng quay lại bàn đàm phán trong khi vẫn duy trì các lệnh trừng phạt.
Trên thực tế, chính sách này của Obama đã không đạt được những mục tiêu mà nó đề ra. Lúc bấy giờ, Triều Tiên đã mở rộng đáng kể năng lực hạt nhân và tên lửa, thực hiện 4 trên tổng cộng 6 vụ thử hạt nhân.
Theo cựu đặc phái viên Yun, Biden đã cho thấy ông "muốn một giải pháp ngoại giao" thông qua đối thoại với Triều Tiên. "Tất nhiên, ông ấy nhấn mạnh vào vấn đề phi hạt nhân hóa nhưng đồng thời, Biden vẫn đề cao cái mà ông gọi là ngoại giao có nguyên tắc. Vậy nên, tôi hy vọng cánh cửa đàm phán sẽ mở rộng hơn", ông nói.
Song một hành động khiêu khích từ Bình Nhưỡng, nhất là một vụ thử tên lửa, có thể thay đổi nhanh chóng tính toán của chính quyền Biden.
Evans Revere, giám đốc tại công ty tư vấn chiến lược Albright Stonebridge Group, là người có kinh nghiệm đàm phán với Triều Tiên khi còn làm việc tại Bộ Ngoại giao Mỹ. Theo ông, Biden, với tư cách tổng thống, sẽ phản ứng quyết liệt trước bất kỳ động thái gây hấn nào từ Bình Nhưỡng.
Những biện pháp đáp trả tiềm năng là ngay lập tức nối lại các cuộc tập trận quân sự quy mô với Hàn Quốc, điều thêm quân tới bán đảo Triều Tiên và những khu vực lân cận hay áp đặt các biện pháp trừng phạt mới hoặc tăng cường các biện pháp hiện có.
"Dưới chính quyền Trump, chúng ta nhìn thấy một phong cách mang chủ nghĩa cá nhân chưa từng có tiền lệ", Delury từ Đại học Yonsei nhận định. Phong cách này đã giúp Trump tiến hành hai hội nghị thượng đỉnh với Kim, cùng với đó là một cuộc gặp mang tính ngẫu hứng ở biên giới Hàn - Triều.
Delury cho rằng Biden sẽ thể hiện một phong cách cầm quyền nhất quán hơn, thể hiện chính quyền của ông là "một chính quyền đúng nghĩa". Biden không loại trừ khả năng gặp mặt lãnh đạo Triều Tiên, nhưng chỉ với điều kiện rằng Bình Nhưỡng sẽ giảm năng lực hạt nhân của mình.
Những tháng gần đây, Triều Tiên thường xuyên có những lời lẽ công kích nhằm vào Biden, gọi ông là "kẻ ngốc với chỉ số IQ thấp", thậm chí chỉ trích ông là "chó dại phải bị đánh đến chết".
Nhưng các cựu quan chức Mỹ từng làm việc với Bình Nhưỡng cho rằng việc Triều Tiên đưa ra những lời lẽ công kích là điều bình thường. Trump đã cho thấy những lời lẽ lăng mạ và đe dọa vẫn không gây ảnh hưởng tới tiến trình ngoại giao với Triều Tiên.
Cựu tổng thống Barack Obama từng cảnh báo với Trump rằng Triều Tiên sẽ là một trong những vấn đề an ninh quốc gia cấp bách nhất. Revere tin Biden chắc chắn không cần đến một lời cảnh báo như vậy bởi ông đã quá hiểu tình hình.
"Ông ấy hiểu rõ vấn đề và thực tế là sau 4 năm Trump cầm quyền, mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên đã lớn hơn rất nhiều", Revere cho hay. "Biden sẽ không bỏ qua vấn đề Triều Tiên và Bình Nhưỡng không nên kỳ vọng vào điều đó".
Vũ Hoàng (Theo CNN)