"Đây là hệ lụy, viễn cảnh tương lai của việc giảm sinh và xu hướng chỉ sinh một con của nhiều cặp vợ chồng hiện nay", ông Mai Xuân Phương, nguyên Vụ phó Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục Dân số, Bộ Y tế, nói ngày 11/12, trong bối cảnh dân số Việt Nam đối mặt với 3 thách thức lớn là mức sinh thấp, chênh lệch giới tính khi sinh và tốc độ già hóa tăng nhanh.
Hiện nay, với những gia đình chỉ sinh một con, theo mô hình 4-2-1, đứa trẻ đó sẽ được chăm sóc bởi 2 bố mẹ và 4 ông bà nội, ngoại. Tương lai, mô hình này sẽ đảo ngược, chính đứa trẻ này phải cùng lúc chăm sóc 2 bố mẹ và 4 ông bà nội, ngoại. Đây là một trong nhiều gánh nặng mà đứa trẻ phải đối mặt trong tương lai, theo ông Phương.
Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu về những áp lực của con một. Ở một số nước châu Á, đặc biệt Trung Quốc, "chính sách một con" đã để lại nhiều hệ lụy. Con một thường được kỳ vọng rất lớn từ gia đình về sự thành đạt cộng áp lực phụng dưỡng cha mẹ. Điều này khiến đứa trẻ luôn sống trong cảnh căng thẳng, lo âu, thậm chí trầm cảm. Trẻ không có anh chị em chia sẻ trong cuộc sống sẽ ít có cơ hội hợp tác hay giải quyết xung đột, dễ cô lập, cô đơn, thiếu kỹ năng xã hội. Thực tế, nhiều đứa trẻ sống trong "nhung lụa" khi lớn trên như "gà công nghiệp".
"Những đứa trẻ ngày hôm nay được chăm sóc kỹ lưỡng bởi 6 người lớn sẽ thiếu khả năng, kỹ năng chăm sóc lại chính bản thân và 6 người cao tuổi trong tương lai", ông Phương nói.
Trong khi đó, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam cao nhưng sức khỏe yếu, trung bình 14 năm sống trong bệnh tật. Ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, nói trung bình người cao tuổi mắc khoảng 3-6 bệnh nền, như rối loạn chuyển hóa, xương khớp, tim mạch, thần kinh, hô hấp, tiêu hóa, tăng huyết áp, đái tháo đường... Chi phí chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi cũng ngày càng tăng, gây áp lực tài chính lên hệ thống bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước. Một gánh nặng khác khiến tuổi già trở nên khó khăn là sống phụ thuộc vào con cái.
Các chuyên gia về dân số dự báo tỷ suất sinh tại Việt Nam tiếp tục giảm trong những năm tới. Hiện, tỷ suất sinh ước tính là 1,96 con/phụ nữ, thấp nhất trong lịch sử, so với mức sinh thay thế lý tưởng là 2,1 con/phụ nữ. Xu hướng giảm sinh xảy ra liên tục từ nhiều năm nay. Tỷ lệ gia tăng dân số Việt Nam năm 1999 là 1,7% giảm còn 1,14% năm 2019 và 0,85% vào năm 2023.
Mức sinh thấp kéo theo hàng loạt hệ lụy như mất cân bằng giới tính khi sinh và già hóa dân số. Ông Phương phân tích gia đình sinh một con sẽ có xu hướng lựa chọn, can thiệp để sinh con trai, dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ trong tương lai. Năm 2023, tỷ số này là 112 bé trai/100 bé gái, trong khi tỷ số tự nhiên khoảng 105/100. Mất cân bằng giới tính tác động xấu tới cấu trúc dân số tương lai và dư thừa nam giới. Năm 2020, Tổng cục Thống kê dự báo Việt Nam sẽ thừa 1,5 triệu nam giới từ 15 đến 49 tuổi vào năm 2034 và thừa 1,8 triệu vào năm 2059 nếu mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn cao.
Mức sinh thấp còn làm suy giảm và mất cân bằng dân số, dẫn tới gây hiện tượng già hóa dân số, giảm thiểu nhân tài và nguồn lực, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội. Vì vậy, ông Phương cho rằng cần phải có chính sách dân số linh hoạt và thay đổi nhận thức người dân sao để tăng mức sinh, đặc biệt ở các thành phố lớn - nơi có mức sinh rất thấp. Đồng thời, hỗ trợ vợ chồng sinh và nuôi dạy con. Như TP HCM, UBND thành phố vừa đề xuất HĐND thưởng 3 triệu đồng cho phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi.
Còn GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Quốc hội khóa XV, đề xuất cần chuyển từ quy định lương tối thiểu sang quy định lương đủ sống tối thiểu cho gia đình 4 người. Thời gian làm việc của người lao động phải đủ ngắn (8 giờ lao động/ngày, 40 giờ/tuần) để họ có thời gian tìm bạn đời, chăm sóc con cái, gia đình và sở thích riêng.
Nhiều quốc gia có mức sinh giảm thấp đã liên tục đưa ra các biện pháp ngăn đà giảm. Như Hàn Quốc, kỷ lục về tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, chính phủ tăng gấp ba lần số tiền chi trả cho hoạt động khuyến sinh, tăng mạnh trợ cấp để khuyến khích các gia đình sinh thêm con. Tại Hungary, phụ nữ sinh 4 con trở lên không phải đóng thuế thu nhập cá nhân suốt đời.
Lê Nga