Thông tin được PGS.TS Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Phó chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam, chia sẻ tại Hội nghị lão khoa quốc gia lần thứ 4, ngày 10-11/11. Đây là dịp các bác sĩ, chuyên gia, nhà quản lý trao đổi nhằm xây dựng chính sách, chăm sóc và điều trị tốt cho người cao tuổi.
PGS. Trung Anh cho biết mỗi người cao tuổi ở Việt Nam trung bình chịu đựng 14 năm sau của cuộc đời với nhiều bệnh tật phối hợp. Trong khi đó, ở nhiều nước châu Âu và Mỹ, người 80 tuổi vẫn khỏe, thậm chí người gần 90 tuổi hằng ngày vẫn đạp xe 15 km, đi bộ 3 km.
Bệnh viện Lão khoa Trung ương nghiên cứu hơn 610 người ngoài 80 tuổi ngụ tại huyện Sóc Sơn, cho thấy trung bình một cụ mắc 7 bệnh. Các bệnh chủ yếu là đục thủy tinh thể, hô hấp, sa sút trí tuệ, tăng huyết áp, giảm thính thực, thiếu máu, nguy cơ trầm cảm, đái tháo đường... Trong đó, chỉ hơn 62% có bảo hiểm y tế.
"Bệnh tật là gánh nặng rất lớn cho bệnh nhân cũng như gia đình, đặc biệt là vấn đề chăm sóc. Ngoài bệnh tật, sức khỏe người cao tuổi kém nên trong sinh hoạt phải phụ thuộc nhiều vào sự trợ giúp của người thân, dụng cụ hỗ trợ", PGS. Trung Anh nói, thêm rằng chi phí y tế cho người cao tuổi cao gấp 7-10 người trẻ. Người cao tuổi sử dụng đến 50% tổng lượng thuốc.
Một thống kê khác của Tổng cục Dân số cho thấy tuổi thọ bình quân của người Việt Nam tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước. Cụ thể, phụ nữ sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm. Đặc biệt, tuổi thọ trung bình ở người Việt cao nhưng tuổi thọ khỏe mạnh thấp (64 tuổi), trong đó hơn 67% người cao tuổi tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu.
Một gánh nặng khác khiến tuổi già trở nên khó khăn là 73% người cao tuổi không có lương hưu, phải sống phụ thuộc vào con cái. Trong đó, gần 66% người cao tuổi sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp, thu nhập không ổn định.
Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số vào năm 2011 và là một trong số 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Năm 2021, nước ta có 12,5 triệu người cao tuổi (chiếm 12,8% tổng dân số) và ngày càng tăng nhanh. Ước tính vào năm 2038, Việt Nam sẽ chuyển sang giai đoạn dân số già với tỷ lệ người cao tuổi chiếm trên 20% tổng dân số.
Già hóa dân số tác động sâu sắc tới mọi khía cạnh của cá nhân, cộng đồng, quốc gia. Điều này đòi hỏi hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cần có sự điều chỉnh, thích nghi để đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.
PGS. Trung Anh đánh giá khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người cao tuổi ở nước ta còn nhiều hạn chế, như thiếu các cơ sở y tế (bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế...) và nguồn nhân lực chăm sóc người cao tuổi (bác sĩ, điều dưỡng lão khoa, người chăm sóc..). Bên cạnh đó, hệ thống nhà dưỡng lão, trung tâm bảo trợ xã hội còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Đây cũng là một trong nguyên nhân chính khiến tuổi già người Việt mang nhiều gánh nặng bệnh tật.
Trước bối cảnh này, các chuyên gia đề xuất giải pháp là nâng cao năng lực của hệ thống y tế trong chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi bằng việc thành lập các khoa lão tại các bệnh viện; tổ chức phòng khám lão khoa tại khoa khám bệnh; đào tạo người chăm sóc.
Ngoài ra, cần phát triển hệ thống nhà dưỡng lão, đa dạng hóa các dịch vụ hỗ trợ người cao tuổi tại nhà như cung cấp bữa ăn, tư vấn sức khỏe, cấp dụng cụ hỗ trợ, câu lạc bộ vui chơi, giải trí... Đẩy mạnh phát triển bảo hiểm xã hội cho người lao động, đặc biệt bảo hiểm xã hội tự nguyện, coi đây là trong những biện pháp "lo cho tuổi già ngay từ khi còn trẻ".
Lê Nga