Nếu không duy trì được mức sinh thay thế và tiếp diễn mức sinh thấp, đến năm 2700, dân số Việt Nam sẽ chỉ còn vài chục nghìn người, theo cảnh báo của Liên Hợp Quốc. Ông Mai Trung Sơn, Phó Vụ trưởng Quy mô dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Cục Dân số, hôm 26/12 dẫn cảnh báo trên, trong bối cảnh mức sinh năm 2023 của Việt Nam tiếp tục giảm, tỷ suất sinh chỉ 1,95 ca sinh/phụ nữ so với con số năm 2022 là 2,01 và kế hoạch mức sinh thay thế là 2,1.
Vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, mức sinh tiếp tục xuống sâu (khoảng 1,5 con/phụ nữ). Mức sinh tại TP HCM là 1,27 con/phụ nữ, thấp nhất cả nước.
Cảnh báo trên của Liên Hợp Quốc hiện là dự báo xa nhất về tương lai dân số Việt Nam (gần 500 năm). Cảnh báo này gần như tương đồng với dự báo xu hướng từ các chuyên gia trong nước. Hơn 60 năm qua, tỷ lệ tăng dân số Việt Nam giảm mạnh, từ mức rất cao là 3,9% (năm 1960) xuống còn 1,14% (2019) và 0,95% (năm 2021). Tổng cục Thống kê dự báo, ở phương án mức sinh trung bình, đến năm 2069, tỷ lệ tăng dân số bình quân Việt Nam sẽ về 0. Còn ở phương án mức sinh thấp, 35 năm nữa, Việt Nam sẽ đối mặt với thực tế tỷ lệ tăng dân số ở mức âm.
Giải thích của cơ quan thống kê, cơ sở cho dự báo vấn đề dân số là dựa vào số dân cư gốc để thiết lập các giả thiết về tỷ lệ sinh, tỷ lệ tử vong, di cư; từ đó đưa ra xu hướng tương lai. Đây cũng là cách làm của thế giới.
Ví dụ, dự báo được Liên Hợp Quốc đưa ra năm 2022 cho thấy mức tăng dân số thế giới đạt đỉnh mỗi năm vào 1963 (2,3%), sau đó giảm còn 0,9% năm 2023, tương đương khoảng 74 triệu người mỗi năm. Con số dự kiến giảm hơn nữa, xuống âm 0,1% vào năm 2100. Dựa trên dữ liệu này, Liên Hợp Quốc dự đoán dân số thế giới (8 tỷ người năm 2023) đạt đỉnh vào năm 2086, ở mức 10,4 tỷ người. Sau đó, dân số bắt đầu giảm chậm, giả định tỷ suất sinh trung bình toàn cầu tiếp tục giảm từ 2,5 ca sinh trên một phụ nữ trong giai đoạn 2015-2020 xuống còn 1,8 vào năm 2100.
Tương tự, ở Việt Nam, theo tiến sĩ Hà Anh Đức, Chánh văn phòng Bộ Y tế, hiện dân số khoảng hơn 100 triệu người, dự báo tăng lên 107 triệu người vào năm 2044, sau đó giảm còn 72 triệu vào năm 2100, nếu không có các giải pháp can thiệp nâng mức sinh. Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển từ mức sinh cao sang mức sinh thấp, từ mô hình sinh sớm sang mô hình sinh muộn, từ cơ cấu dân số trẻ sang giai đoạn già hóa dân số.
Hàn Quốc đang là nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Dân số nước này đã giảm 43 tháng liên tiếp tính đến tháng 8, dự báo sẽ chỉ còn 26 triệu (từ 52 triệu hiện nay). Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc cảnh báo nước này có thể đối mặt nguy cơ tuyệt chủng nếu không thiết lập những chính sách mới chấp nhận thêm người nhập cư.
Với Nhật Bản, tỷ lệ sinh đã giảm năm thứ 7 liên tiếp, xuống thấp kỷ lục. Số trẻ sơ sinh năm 2022 là gần 800.000, giảm 5,1% so với năm trước đó, thấp nhất kể từ khi bắt đầu ghi nhận số liệu vào năm 1899, Bộ Y tế Nhật Bản cho biết. Giới chức lo ngại đất nước có nguy cơ "biến mất vì tỷ lệ sinh giảm". Thượng nghị sĩ Masako Mori, cố vấn của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida về tỷ lệ sinh và LGBTQ, nhận định: "Tỷ lệ sinh của đất nước đang lao dốc. Trẻ em ra đời trong một xã hội méo mó, thu hẹp và không vận hành theo cách bình thường".
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhìn nhận mức sinh ở hầu hết châu lục liên tục giảm và giảm xuống rất thấp so với mức sinh thay thế, dẫn đến thiếu hụt nguồn lao động, các vấn đề về dân số già và chăm sóc người cao tuổi. Dự báo tình trạng thiếu lao động sẽ phổ biến trên toàn thế giới sau năm 2055, ảnh hưởng đến phát triển không bền vững về con người. Đây là một thách thức hàng đầu của nhân loại trong thế kỷ 21.
Với thực tế này, người trên 60 tuổi dự kiến sẽ tăng gấp ba lần trong giai đoạn 2010 đến 2050. Cơ cấu tuổi tác của Việt Nam cũng thay đổi nhanh chóng. Pháp mất 115 năm để chuyển từ trạng thái "xã hội đang già hóa" (7-14% số người từ 65 tuổi trở lên) sang trạng thái "xã hội già hóa" (14-21% số người từ 65 tuổi trở lên). Việt Nam trải qua quá trình này chỉ trong 19 năm.
Thực tế, theo thứ trưởng Hương, khi nhận thấy có xu hướng giảm sinh tại một số địa phương, Việt Nam đã thực hiện chương trình Điều chỉnh mức sinh, song việc điều chỉnh mức sinh của từng địa phương, đặc biệt là nơi có mức sinh thấp, gặp nhiều khó khăn. Các địa phương chưa có nhiều hoạt động can thiệp tăng mức sinh. Vợ chồng trẻ tuổi có xu hướng chậm sinh con hoặc chỉ sinh một con. Xu hướng kết hôn muộn trở nên phổ biến.
Cùng đó, các chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân sinh đủ hai con; mô hình can thiệp để nâng mức sinh như can thiệp đối với vị thành niên và thanh niên, dự phòng vô sinh tại cộng đồng đối với nhóm dân số trẻ, khóa học trước khi kết hôn,... đang trong quá trình xây dựng, đề xuất. Vì vậy, chính sách chưa đủ mạnh để nâng mức sinh ở những địa phương thuộc vùng mức sinh thấp.
"Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 là duy trì vững chắc mức sinh thay thế, bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con, tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các địa phương có mức sinh thấp", bà Liên Hương cho biết. Để làm được điều này, các chuyên gia cho rằng trước mắt cần rà soát, bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh ít con, có chính sách hỗ trợ vợ chồng sinh đủ hai con, hỗ trợ bà mẹ mang thai...
Lê Nga - Thục Linh