"Vì hoàn cảnh nên 28 tuổi tôi mới tốt nghiệp đại học ngành luật, ra trường thất nghiệp một năm. Sau đó tìm được công việc quản lý nhân sự.
Tuy nhiên, tôi nhận thấy công việc quản lý nhân sự chỉ làm được đến khoảng 45-50 tuổi, nếu đến tuổi này mà thất nghiệp sẽ rất khó tìm việc. Vì suy nghĩ như vậy nên tôi quyết định chuyển hướng nghề nghiệp và đi học lớp luật sư.
Sau khi học xong lớp luật sư tôi quyết định nghỉ việc để tìm việc làm tại các văn phòng luật sư. Đang làm nhân sự lương hơn chục triệu (năm 2010), đi làm cho văn phòng luật sư với mức thù lao chỉ khoảng 3 triệu đồng, nhưng tôi chấp nhận làm để tích lũy kinh nghiệm.
Làm cho các văn phòng luật sư được khoảng 5 năm, cảm thấy thời cơ đã chín muồi, tôi quyết định ra mở văn phòng luật sư riêng. Đến nay văn phòng của tôi cũng đã mở được gần 10 năm, tuy lượng khách hàng chưa quá đông nhưng vẫn ổn định. Năm nay tôi ngoài 50 tuổi, không còn lo 'thất nghiệp'.
Nếu ngày trước tôi không định hướng sớm thì có lẽ ngày nay cũng không biết mình có phải đang đi tìm việc không".
Độc giả nickname Dân Đen chia sẻ tốt nghiệp đại học ngành luật muộn, thất nghiệp, tác giả chuyển hướng sang làm nhân sự, nhưng cảm nhận về trung niên có thể thất nghiệp nên chấp nhận làm việc lương thấp tại văn phòng luật sư để đổi lấy kinh nghiệm và sự ổn định.
Câu chuyện này tiếp nối chia sẻ U45 không sợ thất nghiệp nhờ từng nhận 'thù lao rẻ mạt'.
Trong khi đó, độc giả Tri Quan cho rằng cần hiểu về độ tuổi nghỉ hưu, ảnh hưởng của khoa học kỹ thuật đối với công việc, và thích nghi với tư tưởng tích lũy tài chính để đảm bảo an toàn khi về già:
"Có những nghề 35 tuổi đã về hưu, có nghề 40 tuổi không được chào đón, có nghề tùy ý làm đến 70 tuổi hay hơn. Chúng ta nên tìm hiểu độ tuổi thoái trào, xu hướng phát triển của khoa học kỹ thuật ảnh hưởng đến công việc của mình và cuối cùng là xác định tư tưởng để thích nghi.
Tôi thích quan điểm tích lũy khi còn trẻ và nghỉ hưu sớm khoảng 40-45 tuổi. Sau đó không áp lực tiền bạc, lựa chọn công việc khiến mình vui vẻ. Ví dụ có bạn thu nhập 200 triệu đồng một tháng, nhưng bây giờ lao đao, stress vì mất việc đã 7 tháng, áp lực chi tiêu từ vợ, áp lực học phí từ con. Mong tìm việc lương 50 triệu nhưng không được.
Tôi sẽ luôn tìm sự an toàn tài chính trước khi sống hưởng thụ, sao cho "trời có sập" mình vẫn bình an".
Độc giả Victor Vũ đưa ra lời khuyên:
"Thị trường bất kỳ luôn tuân theo quy luật cung cầu và ngay cả thị trường lao động cũng không có gì thoát khỏi quy luật này. Mỗi một doanh nghiệp, mỗi một nhà tuyển dụng sẽ có các tiêu chí tuyển dụng khác nhau vừa mang ý kiến chủ quan lẫn khách quan để nhằm mục đích phù hợp với nhà tuyển dụng.
Chúng ta không thể đòi hỏi sự công bằng dành cho tất cả các ứng viên đi tìm việc vì điều này là vô nghĩa, nó không phụ thuộc vào nhà tuyển dụng mà nó phụ thuộc vào người đi ứng tuyển:
1. Liệu người đi ứng tuyển đã xác định rõ năng lực cá nhân, những thế mạnh và điểm yếu của mình hay chưa?
2. Thực sự người ứng tuyển đã tìm được nơi mà yêu cầu phù hợp với năng lực, kinh nghiệm lẫn kiến thức của mình hay chưa?
3. Liệu người ứng tuyển đã đi nhiều nơi hay chưa hay chỉ mong chờ rải CV vào một, hai công ty bất kỳ mà đòi hỏi phù hợp với mình?
Chúng ta không thể ngồi chờ người khác đưa ra sự công bằng cho mình mà tự chính bản thân người lao động phải có sự chủ động, đánh giá bản thân và năng nổ đi tìm thật nhiều mới mong mang lại kết quả tốt cho chính bản thân mình".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bàitại đây.