Khu tôi sống có 3 gia đình mắc Covid-19. Tôi có nên đi xét nghiệm Covid-19 trước khi tiêm vaccine?
Trả lời:
Hiện nay chưa có khuyến cáo yêu cầu xét nghiệm kiểm tra kháng thể hay kháng nguyên của virus trước khi tiêm vaccine phòng Covid-19. Cũng không có nghiên cứu so sánh trực tiếp về hiệu quả của vaccine giữa nhóm người khỏe mạnh tiêm vaccine và nhóm người đang/đã mắc Covid-19 được tiêm vaccine.
Bạn lưu ý, không nên đi ra các điểm tiêm chủng nếu thấy mình có những triệu chứng nghi ngờ nhiễm bệnh hay tiền sử tiếp xúc với người bệnh Covid-19. Điều này sẽ gây nguy cơ cao lây nhiễm cho cộng đồng.
Kết quả một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Israel, những người đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine phòng Covid-19, đáp ứng miễn dịch chống lại virus (dựa trên nồng độ kháng thể tạo ra) mạnh hơn ba lần so với những bệnh nhân phục hồi sau mắc Covid-19. Kết quả này có thể khuyến khích những người tin rằng họ đã được bảo vệ tốt vì đã từng bị mắc bệnh tiếp tục đi tiêm vaccine phòng Covid-19.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Mỹ, bạn nên được tiêm chủng bất kể đã mắc Covid-19 hay chưa. Hiện chưa đủ dữ liệu nghiên cứu lâu dài để biết bệnh nhân Covid-19 được bảo vệ bao lâu để không nhiễm virus trở lại sau khi phục hồi. Ngay cả khi đã khỏi, bạn vẫn có khả năng (mặc dù rất hiếm) bị mắc Covid-19. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiêm chủng giúp tăng cường khả năng bảo vệ ở những người đã khỏi Covid-19.
Nếu bạn đã được điều trị Covid-19 bằng kháng thể đơn dòng hoặc kháng thể thụ động từ huyết tương của người hồi phục, bạn nên đợi 90 ngày trước khi chủng ngừa Covid-19. Theo quy định Bộ Y tế hiện nay, những trường hợp có tiền sử đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng sẽ tạm hoãn tiêm vaccine.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh
Đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM