Vợ em đi khám bác sĩ chẩn đoán hết trứng, phải xin trứng người thân bên vợ. Em bình thường. Tụi em đã có một bé gái 11 tuổi, muốn sinh thêm con bay năm nay mà không được. Bây giờ, tụi em phải làm thế nào ạ? Xin cảm ơn!
Chào bạn, cảm ơn câu hỏi của bạn.
Theo những thông tin bạn hỏi, vợ bạn có thể bị suy buồng trứng sớm. Tuy nhiên gia đình bạn cũng không nên bi quan với tình trạng này. Hiện tại có rất nhiều phác đồ điều trị được áp dụng để hỗ trợ sinh sản, nhất là đối với những trường hợp suy giảm dự trữ buồng trứng. Gia đình bạn có thể bớt chút thời gian đến thăm khám để đánh giá tình trạng hiện tại và để bác sĩ có thể đưa ra cho hai vợ chồng những lời khuyên phù hợp nhất. Rất mong gặp lại gia đình bạn. Chúc vợ chồng bạn sớm có tin vui.
Tôi hiện còn ba phôi đang trữ đông, tôi đã đi canh niêm mạc nhiều lần nhưng đều không đạt và chưa có thể chuyển phôi được. Lần gần đây nhất vào tháng 08/2020, tôi canh niêm mạc và khám tổng quát phát hiện có u nang vú bên phải và nhân bên trái.
Tôi đã dừng lại việc theo dõi niêm mạc và ...
Chào bạn,
Những trường hợp dùng nội tiết quá lâu, nhất là dùng estrogen là một trong những yếu tố có nguy cơ gây ra các bệnh lý về vú, ví dụ như là xuất hiện các nang ở tuyến vú hoặc có thể gây ra nguy cơ bệnh lý về ung thư vú. Tuy nhiên, đối với trường hợp của bạn, bạn đi khám ở bệnh viện ưng thư có xuất một nang và nhân xơ. Tôi không rõ câu hỏi của bạn là khi các bác sĩ khám nói nang và nhân xơ này chỉ trên hình ảnh siêu âm chụp vú, hay cái nang này đã được sinh thiết.
Nếu chỉ chẩn đoán trên hình ảnh siêu âm hoặc trên chụp vú, tôi nghĩa rằng là để an toàn nhất bạn nên sinh thiết nang và nhân xơ này. Khi kết quả giải phẫu được lý giải rằng cả nang và nhân xơ này đều là lành tính, bạn vẫn có tiếp tục dùng thuốc nội tiết để làm cho niêm mạc phát triển, để chuyển phôi cho lần tới không có bất cứ cái nguy cơ đe dọa.
Trong trường hợp các xét nghiệm sinh thiết gây nên tình trạng ung thư vú, lúc đấy phải dừng lại và bắt đầu cho chu kỳ điều trị bệnh lý, không thể nào tiếp tục công cuộc hỗ trợ sinh sản được. Trân trọng.
Tôi năm nay 43 tuổi, đã lập gia đình được 12 năm, bị hiếm muộn khó có con. Tôi đã đi khám uống thuốc khắp nơi, may mắn có một bé năm nay được năm tuổi, bây giờ muốn có đứa nữa mà không biết làm sao. Đi xét nghiệm tinh trùng, bị tinh trùng loãng đạt 1-2% khỏe mạnh. Xin hỏi bác sỹ trường ...
Chào bạn, cảm ơn câu hỏi của bạn.
Để chỉ định phương pháp điều trị cần dựa vào rất nhiều yếu tố, ví dụ như chất lượng tinh trùng, chức năng tử cung và vòi tử cung, chức năng buồng trứng, tuổi của hai vợ chồng, các bệnh lý kèm theo khác... Theo các thông tin mà bạn đưa ra, hiện tại chưa có đủ cơ sở để chúng tôi có thể tư vấn cho bạn một phương pháp phù hợp nhất. Rất mong bạn sắp xếp thời gian tới thăm khám tại trung tâm của chúng tôi để có được kiểm tra toàn diện và nhận được những lời khuyên phù hợp nhất.
Tôi năm nay 37 tuổi, chồng 38 tuổi. Tôi bị đa nhân xơ tử cung, đã mổ nội soi năm 2018. Năm 2020, tôi đã thực hiện IVF 3 lần nhưng đều thất bại. Hiện tại khi siêu âm vẫn thấy những khối nhân xơ nhỏ D15-30mm. Trường hợp của tôi liệu có thể tiếp tục IVF được không? Đa nhân xơ tử cung có ...
Chào bạn,
Trường hợp bệnh lý của chị là khá khó. Thông thường, mỗi phụ nữ sẽ có 1-2 nhân xơ tử cung. Nhân xơ có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hay không còn tùy vào vị trí. Cụ thể như, nếu nhân xơ nằm ngoài tử cung ít ảnh hưởng đến khả năng có thai và mang thai.
Nhưng nhân xơ nằm sát niêm mạc hay trong buồng tử cung sẽ ảnh hưởng đến khả năng có thai và mang thai. Do đó, tùy theo kích thước và vị trí, các bác sĩ sẽ quyết định sẽ xử trí hay không. Như chị nói, chị có nhiều nhân xơ, nhưng không nói rõ vị trí ở đâu nên cũng rất khó để trả lời chính xác về khả năng sinh sản.
Chị cũng đã 37 tuổi, độ tuổi khó mang thai. Theo tôi, chị nên đến khám lại để bác sĩ đánh giá lại tình trạng chung, tình trạng nhân xơ... Nếu có cơ hội, nhân xơ không ảnh hưởng thì có thể tiến hành hỗ trợ để chị mang thai.
Em đi khám, bác sĩ nói em tinh trùng yếu, vậy có cách nào để cho tinh trùng mạnh lên không? Mong bác sĩ giải đáp.
Chào bạn,
Tinh trùng yếu và ít có rất nhiều nguyên nhân gây ra ví dụ do di truyền, rối loạn gen; bệnh bẩm sinh (tinh hoàn ẩn, teo tinh hoàn...); do bệnh mắc phải (giãn tĩnh mạch thừng tinh, quai bị...); do viêm nhiễm (lậu, lao...); do chấn thương, vết thương bộ phận sinh dục ngoài; do thuốc, hóa chất... Bạn cần được khám trực tiếp để tìm đúng nguyên nhân sinh bệnh. Tùy nguyên nhân, bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị khác nhau. Trân trọng.
Em năm nay 34 tuổi, chồng 36 tuổi. Vợ chồng em hiếm muộn năm năm, vợ AMH 1.2 (xét nghiệm mới nhất tháng 10/2020) ít trứng, chồng tinh trùng Oat nặng, phân mảnh 23%. Em đã kích trứng ba lần, mỗi lần chỉ được 3-5 nang trưởng thành tạo phôi. Em chuyển ba lần phôi ngày ba không có beta, một lần chuyển phôi ngày ...
Chào chị,
Trong trường hợp của chị có hai khó khăn từ cả phía chị và cả phía người chồng. Ở phía chị, trứng còn khá ít ở độ tuổi 34, AMH là 1,2, mỗi lần kích trứng chỉ lên được một số nang, đây cũng là một phần để đánh giá bước tiếp theo sẽ có khó khăn. Thông tin này cũng đưa ra định hướng chị nên tiếp tục làm IVF sớm để đề phòng trường hợp dự trữ buồng trứng của chị cạn kiệt, nếu vậy sẽ không làm được nữa.
Về phía người chồng, tinh trùng rất yếu (tinh trùng OAT). Với tinh trùng yếu như thế, cơ hội tìm ra tinh trùng bình thường vẫn có nhưng có thể sẽ giảm so với trường hợp bình thường. Kết hợp hai vấn đề của anh chị, các bác sĩ cũng dự liệu được số phôi tạo ra được sẽ ít, như vậy một lần làm IVF không được nhiều phôi hay nhiều lần chuyển phôi.
Nếu chuyển hết phôi có thể sẽ phải làm lại, tuy nhiên ở đây chị cũng đã chuyển phôi nhiều lần, nên ngoài vấn đề dự trữ buồng trứng và tinh trùng yếu hoặc bất thường, chị còn vấn đề gì khác liên quan đến khả năng đậu thai và mang thai hay không. Điều này chị phải đến thăm khám và đánh giá lại cẩn thận. Bên cạnh đó, bác sĩ vẫn có giải pháp để giảm bớt vấn đề chuyển phôi thất bại nhiều lần.
Trong trường hợp có điều kiện có thể tiến hành làm sàng lọc phôi, nếu trong trường hợp phôi bị bất thường thì có thể chúng ta sẽ không chuyển phôi mà chỉ chuyển những phôi bình thường, nhằm tăng khả năng đậu thai cho một lần chuyển phôi và giảm nguy cơ mang thai phát triển bất thường (thai sinh hóa, thai lưu...).
ID VIDEO: 79588_BS.CKI Phan Ngọc Quý
Vợ chồng em cưới nhau đã ba năm nhưng chưa có con, vợ chồng em cũng đã đi khám ở bệnh viện cách đây hai năm. Bác sĩ nói em bị tinh trùng yếu và dị dạng nhiều, vợ em bị tắc một bên vòi trứng. Vợ chồng em cũng đã uống thuốc theo đơn của bác sĩ khám bệnh, tuy nhiên em đi làm ...
Chào bạn, xin cảm ơn câu hỏi của bạn.
Theo định nghĩa về vô sinh hiếm muộn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một cặp vợ chồng khi ở cùng nhau, có tần suất quan hệ vợ chồng đều đặn và không dùng các biện pháp tránh thai trong vòng ít nhất một năm mà chưa có thai thì đã được xác định là hiếm muộn.
Trường hợp anh chị đã đi thăm khám thì với các thông tin về tinh trùng của chồng cùng vòi trứng của vợ như vậy cũng có thể là nguyên nhân làm giảm khả năng có thai tự nhiên. Tuy nhiên với dự trữ buồng trứng của bạn còn bình thường thì hai vợ chồng vẫn có khả năng có thai tự nhiên với tỷ lệ lên đến 50-60% trong vòng một năm tiếp theo. Điều khó khăn nhất của hai bạn có lẽ là hai vợ chồng không được ở gần nhau. Vậy thì IUI có thể sẽ là phương pháp hỗ trợ sinh sản thích hợp. Tuy nhiên, phương pháp này cũng chỉ mang lại tỷ lệ thành công là 25-30% cho mỗi lần thực hiện.
Cân nhắc cùng với hiệu quả chi phí và thời gian mong con của mình, hai bạn cũng có thể nghĩ thêm về IVF, tỷ lệ thành công cho mỗi chu kỳ trung bình 63% nhưng chi phí có thể gấp ba lần so với làm IUI. Hai vợ chồng nên đi thăm khám sớm nhất có thể để được tư vấn kỹ hơn về tình trạng của mình cũng như lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Em năm nay 34 tuổi, vợ em 33 tuổi, tụi em lấy nhau cũng gần hai năm, cũng có đi xét nghiệm, kết quả vợ em ít trứng, em thì tinh trùng dị dạng và ít, thiếu chất gì để tinh trùng ko phá được vỏ trứng. Tụi em định làm thụ tinh ống nghiệm, nên em muốn hỏi xác xuất thành công là bao ...
Chào anh chị,
Hiện nay các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đã rất phát triển, giải quyết được nhiều trường hợp bệnh khó và cho tỷ lệ thành công tương đối cao. Tuy nhiên, tiên lượng của mỗi bệnh nhân phụ thuộc rất nhiều vào các chỉ số xét nghiệm và thăm khám lâm sàng cụ thể. Rất tiếc, những thông tin này cần được bác sĩ chuyên khoa xem xét và đánh giá một cách kỹ lưỡng trước khi tư vấn cho bệnh nhân.
Trường hợp vợ chồng anh chị, bác sĩ khuyên hai vợ chồng mang theo tất cả các xét nghiệm đã có đến thăm khám và tư vấn trực tiếp. Nếu có thể, bác sĩ sẽ tư vấn về phương pháp hỗ trợ sinh sản đơn giản là bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI); hoặc nếu có chỉ định làm thụ tinh trong ống nghiệm, bác sĩ sẽ tư vấn về các khía cạnh liên quan và các điều trị bổ trợ để tối ưu hoá tỷ lệ thành công của IVF.
Chúc vợ chồng anh chị sớm có tin vui.
Tôi 42 tuổi, kết hôn được 7 năm, có một bé gái 6 tuổi. Hơn 28 tháng trở lại lại đây vợ chồng "thả cửa" mong muốn có thêm một đứa con nhưng tháng này qua tháng khác đều không có kết quả. Vợ chồng tôi hoàn toàn bình thường trong quan hệ. Vậy cho hỏi bác sĩ chúng tôi có bị hiếm muộn trong ...
Chào chị!
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra vô sinh hiếm muộn, trong đó bao gồm các nguyên nhân từ phía người vợ (dự trữ buồng trứng kém, rối loạn nội tiết/phóng noãn, tắc vòi tử cung,...), người chồng (tinh trùng yếu, rối loạn sinh dục,...), vô sinh do cả hai vợ chồng,...
Với thông tin về tuổi mà chị cung cấp, có lẽ vấn đề đầu tiên anh chị gặp phải là dự trữ buồng trứng giảm thấp và chất lượng noãn kém do tuổi người mẹ cao. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi người phụ nữ bước qua tuổi 35 thì tỷ lệ noãn bất thường (có lỗi về mặt di truyền) có thể lên đến 80%, khiến cho khả năng mang thai tự nhiên giảm hẳn, bởi noãn bất thường sẽ tạo phôi bất thường và sảy lưu thai sớm hoặc thai sinh hóa mà người mẹ không phát hiện ra.
Anh chị nên đi khám sức khỏe sinh sản, làm xét nghiệm AMH đánh giá dự trữ buồng trứng của chị, xét nghiệm tinh dịch đồ của anh, ngoài ra là các xét nghiệm khác như nội tiết sinh sản, tuyến giáp, tầm soát ung thư cổ tử cung, ung thư vú... Dựa trên kết quả thăm khám bác sĩ sẽ tư vấn hướng điều trị tiếp theo cho anh chị. Rất mong anh chị sắp xếp tới thăm khám sớm để chúng tôi có thể tư vấn cụ thể hơn. Xin cảm ơn!
Em năm nay 37 tuổi, cưới chồng hơn một năm. Hai vợ chồng sinh hoạt thoải mái không kiêng cữ. Cả vợ và chồng sinh lý ổn định.
Nhưng đến giờ vẫn chưa có em bé, em đã siêu âm vùng tử cung, không hề có u nang. Cho em hỏi nguyên nhân em chậm có con?
Chào chị!
Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến vô sinh, những thông tin chị cung cấp vấn chưa đủ thông tin để đánh giá và tư vấn chính xác tình trạng sức khoẻ sinh sản của anh chị và hướng điều trị cụ thể. Nếu được vợ chồng chị nên đến khám tại IVF Tâm Anh thăm khám và đánh giá chính xác tình trạng sức khoẻ sinh sản cụ thể.
Chị cần chụp phim tử cung vòi trứng đánh giá chính xác hai ống dẫn trứng có thông hay không, đặc biêt buồng tử cung có bất thường gì không; xét nghiệm AMH đánh giá dự trữ buồng trứng, xét nghiệm nội tiết tiên lượng đáp ứng buồng trứng; ngoài ra còn làm các xét nghiệm đánh giá khả năng mang thai và bệnh lý truyền nhiễm khác.
Chồng cần đánh giá lại số lượng và chất lượngt inh dịch đồ bằng tinh dịch đồ các xét nghiệm máu. Dựa vào đó chúng tôi có thể tư vấn và đưa ra hướng điều trị chính xác và tốt nhất cho anh chị.
Xin bác sĩ tư vấn cách tính ngày 2 chu kỳ kinh chính xác. Tại sao phải xét nghiệm nội tiết vào ngày 2 chu kỳ kinh? Nếu qua ngày 3 thì em có được làm không?
Chào bạn,
Chúng tôi cũng nhận được rất nhiều những câu hỏi tương tự như bạn. Lý do thứ nhất là nhận thức về hành kinh không phải ai cũng giống ai, thứ hai là việc ra kinh của mỗi người không giống nhau.
Về mặt chuyên môn, khi mà thực sự ra máu kinh bình thường, màu sắc, số lượng bình thường, các bác sĩ sẽ tính là ngày bắt đầu ra kinh. Việc tính ngày 2 hay ngày 3 sẽ tính từ thời điểm bắt đầu và xét nghiệm nội tiết không phải lúc nào cũng ngày 2 chu kỳ kinh mới có thể làm. Chúng ta vẫn có thể làm vào ngày 2, ngày 3, đôi khi có một số các bác sĩ sẽ dùng thời điểm ngày 4, ngày 5 cũng có thể được. Trong quá trình hành kinh bạn có thể đến để bác sĩ thăm khám xem có hành kinh thực sự hay không và xét nghiệm nội tiết có thể làm được tốt hay không bởi vì, nếu nó không phải là hành kinh hoặc là ra máu bất thường (như có thai chẳng hạn), thì việc làm xét nghiệm nội tiết lúc đó sẽ ít hoặc không có giá trị.
Em đang thăm khám để làm làm IVF vào tháng sau. Trước khi hoàn thành thủ tục thì bác sĩ có yêu cầu em phải làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung thì kết quả em dương tính với virus HPV 16, dấu hiệu của tiền ung thư cổ tử cung. Bây giờ em phải đi làm thêm một vài xét nghiệm ...
Chào anh chị,
Đầu tiên, chúng ta phải hiểu HPV là gì? Đây là loại virus gây lên những nhú, sùi. Hện có hơn 100 chủng HPV, trong đó có khoảng 15-40 chủng có nguy cơ gây ung thư, đặc biệt HPV tuýp 18 và tuýp 16 mới có nguy cơ gây ung thư cổ tử cung.
Khi nhiễm HPV, virus không gây nên tình trạng ung thư ngay, mà nó tiềm tàng, có thể kéo dài trong vòng một năm. Trong đó, 3/4 trong số người nhiễm virus HPV nó có thể tự động biến mất, còn lại 1/4 sẽ tiến triển, tiềm ẩn bên trong và sau đó dần dần làm tổn thương cổ tử cung, lâu ngày phải trở thành ung thư cổ tử cung.
Khi phát triển thành ung thư, bệnh sẽ tiến triển qua rất nhiều giai đoạn. Để biết rõ tình trạng cụ thể của chị cũng như có thể đưa ra phương pháp điều trị cụ thể, mời chị sắp xếp thời gian đến chúng tôi thăm khám.
Tôi đang điều trị vô sinh ở bệnh viện khác và đang trong giai đoạn chuẩn bị niêm mạc để chuyển phôi trữ. Vì nhiều lý do tôi muốn chuyển sang Bệnh viện Tâm Anh để làm tiếp có được không? Thủ tục như thế nào? Vợ chồng tôi có phải làm lại xét nghiệm gì không?
Chào chị.
Việc chuyển phôi trữ hiện nay không quá khó khăn, tỷ lệ thành công khi chuyển phôi trữ cũng ngang bằng so với chuyển phôi tươi, thậm chí có những trường hợp còn cao hơn tùy theo sức khỏe và điều kiện của từng bệnh nhân.
Về việc chuyển phôi từ nơi này sang nơi khác, theo quan điểm cá nhân của tôi thì không nên vì trong quá trình chuyển cũng có thể có những ảnh hưởng lên phôi. Thêm vào đó ở nơi cũ các bác sĩ đã theo dõi cho anh chị từ trước sẽ nắm rõ tình trạng của anh chị.
Tuy nhiên, điều này không phải là không được phép chuyển phôi từ nơi này sang nơi khác. Nếu anh chị vì lí do nào đó vẫn muốn chuyển thì chúng tôi hoàn toàn có thế tiếp nhận, theo dõi và chuyển phôi cho anh chị. Về thủ tục thì anh chị chỉ cần đến nơi đang lưu trữ phôi của anh chị để nghị chuyển đi và mang phôi đó đến cho chúng tôi thì chúng tôi sẽ tiếp nhận tại bệnh viện.
Về các xét nghiệm thì anh chị là những người mới đến nên chúng tôi vẫn phải làm các xét nghiệm thăm dò chức năng của chị để có phác đồ điều trị tốt nhất để chuyển phôi cho chị được kết quả cao. Các xét nghiệm này cũng giống như những xét nghiệm các anh chị đã làm ở các trung tâm khác như xét nghiệm miễn dịch, phụ khoa, xét nghiệm đánh giá tử cung và buồng tử cung cũng như các phần phụ. Mong anh chị cân nhắc về việc chuyển phôi đi và chúng tôi cũng sẵn sàng tiếp nhận nếu anh chị vẫn muốn chuyển đến.
Trân trọng.
Vợ chồng cháu hiếm muộn 7 năm, đã làm IVF được hai lần, một lần được 5 phôi và một lần được 6 phôi. Vợ chồng cháu đã thực hiện chuyển phôi 6 lần nhưng chưa thành công. Lần đầu có Beta HCG nhưng thai sinh hóa, 5 lần sau thì không có thai. Cháu bị đa nang, làm xét nghiệm AMH lên tới 7.0.
...Chào chị,
Chị đã làm IVF hai lần, chuyển 6 phôi không thành công, một lần có thai sinh hóa - tức là thai làm tổ được. Nếu hai lần trở lên có thể gọi là thất bại làm tổ liên tiếp. Khi xảy ra trường hợp này chúng ta nên làm các thăm dò đánh giá, tìm nguyên nhân. Chị có một nguyên nhân là buồng trứng đa nang, chúng tôi cùng cần thực hiện thăm dò thêm.
Chị có đề cập đến việc phẫu thuật nội soi, thì phẫu thuật nội soi này cũng là một trong những chỉ định để thăm dò để đánh giá lại buồng tử cung, vòi tử cung và xung quanh tử cung xem có vấn đề gì, còn có thể can thiệp nếu thấy bất thường. Tuy nhiên đây không phải phương pháp duy nhất, còn rất nhiều phương pháp khác để có thể đánh giá và làm tăng khả năng làm tổ của phôi.
Chúng tôi đang áp dụng rất nhiều phương pháp như sinh thiết nội mạc tử cung, cào niêm mạc tử cung, bơm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân - đây là những phương pháp có thể thực hiện cho chị được. Chúng tôi rất mong chị đến thăm khám để xác định xem có thể làm những phương pháp nào để tăng tỷ lệ thành công.
Rất mong sớm được gặp chị. Trân trọng.
Em đã từng làm IVF 5 lần nhưng vẫn chưa may mắn tìm được con. Em nghe nói Bệnh viện Tâm Anh có xét nghiệm ERA giúp nâng cao tỷ lệ thành công trong IVF. Em muốn biết thêm thông tin về xét nghiệm này được không? Xét nghiệm được thực hiện như thế nào? Tác dụng cụ thể của xét nghiệm ERA với những ...
Chào chị.
Chị đã làm IVF 5 lần không có thai thì cần phải làm các xét nghiệm cao cấp hơn để đánh giá. Một trong các phương pháp đó là dùng xét nghiệm ERA để đánh giá khả năng tiếp nhận của niêm mạc tử cung đối với phôi. IVF Tâm Anh đã tiến hành xét nghiệm ERA Test cách đây hai năm. Chúng tôi sẽ lấy sinh thiết nội mạc tử cung của chị sau đó đem đi phân tích về mặt gen, dựa trên 240 gen khác nhau để xác định xem thời điểm chuyển phôi của chị thế nào là hợp lý nhất.
Xét nghiệm ERA cho phép xác định thêm các bệnh khác của nội mạc như viêm nội mạc tử cung mãn tính. Bệnh này rất khó phát hiện trên lâm sàng, cần điều trị vì nó ảnh hưởng đến khả năng làm tổ của thai. Ngoài ra với xét nghiệm này, chúng tôi có thể xác định thêm về cân bằng môi trường vi khuẩn ở trong nội mạc tử cung. Vấn đề cân bằng môi trường cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc đánh giá, vì nó ảnh hưởng đến sự làm tổ của phôi, nếu có sự mất cân bằng thì cần phải điều trị cho cân bằng lại.
Xét nghiệm ERA có rất nhiều tác dụng và cũng là một trong những chỉ định dành cho những bệnh nhân thất bại làm tổ liên tiếp như chị. Chị có hỏi về chi phí, hiện tại ở Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh xét nghiệm ERA bao gồm cả xét nghiệm về thời điểm chuyển phôi, đánh giá về viêm nội mạc tử cung, đánh giá về cân bằng vi khuẩn trong môi trường tử cung là 33 triệu cho một lần.
Tuy nhiên, chúng tôi rất mong được trực tiếp thăm khám để tìm ra xem có cần làm thêm những xét nghiệm nào không hoặc có biện pháp nào tốt hơn cho chị để đạt hiệu quả cao nhất không. Rất mong được gặp chị tại bệnh viện.
Em bị dịch vết mổ đẻ, bác sĩ chỉ định phải phẫu thuật tạo hình vết mổ và hút dịch. Em còn bị tắc một bên vòi trứng, chỉ số dự trữ buồng trứng hiện tại là 1,1. Em năm nay 32 tuổi. Vậy em nên làm IVF để trữ phôi trước hay nên mổ hút dịch trước? Em lo lắng nếu để lâu chỉ ...
Chào chị, cảm ơn câu hỏi của chị.
Tình trạng tụ dịch vết mổ có thể điều trị bằng nhiều phương pháp. Đầu tiên là phương pháp nội khoa, tức có thể dùng thuốc hoặc hút dịch. Biện pháp ngoại khoa là phương pháp cuối cùng để điều trị, tỷ lệ thành công 60%. Tuy nhiên, còn phụ thuộc vào tính chất của vết mổ, nếu vết mổ cũ có thể tiến hành phẫu thuật ngoại khoa trước. Do đó, chị nên đến khám để xác định xem nên điều trị bằng phương pháp nào.
Về dự trữ buồng trứng, với trường hợp của chị (năm nay 32 tuổi), AMH 1,1 thì dự trữ buồng trứng cũng không cao. Do vậy, để xác định nên kích trứng trước hay điều trị vết mổ trước còn phụ thuộc vào tình trạng vết mổ và đáp ứng điều trị nội khoa của chị. Chị nên đến thăm khám sớm để bác sĩ cùng thảo luận với chị phương pháp điều trị nào thích hợp.
Tất nhiên việc phẫu thuật cần có chỉ định mổ, nếu chị đã có chỉ định và muốn bác sĩ thực hiện, chị chỉ cần gọi điện đến tổng đài của bệnh viện để được sắp lịch cụ thể. Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tại Hà Nội 1800 6858, tại TP HCM 028 7102 6789 để được hỗ trợ đặt lịch.
Tôi năm nay 37 tuổi, bạn gái (vợ chưa cưới) năm nay 36 tuổi. Bạn gái tôi đã ly hôn chồng trước vì không sinh con. Tôi có hỏi cô ấy đã thăm khám gì về sinh sản ở đâu chưa thì cô ấy bảo là chưa. Nay tôi muốn hỏi về vấn đề hiếm muộn ở nữ giới, chỗ nào là uy tín nhất ...
Chào anh, cảm ơn câu hỏi của anh gửi về chương trình.
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là một trong những bệnh viện có thế mạnh trong thăm khám sức khỏe sinh sản, điều trị vô sinh hiếm muộn ở cả nam và nữ. Tùy thuộc vào nhu cầu của anh và chị thăm khám để có con tự nhiên hay thực hiện hỗ trợ sinh sản làm IVF, IUI mà chi phí khác nhau. Anh chị có thể sắp xếp thời gian qua thăm khám trực tiếp để bác sĩ tư vấn phác đồ và chi phí cụ thể.
Nếu cần thêm thông tin, anh, chị vui lòng để lại tin nhắn hoặc gọi hotline Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội theo số 18006858 (Hà Nội) hoặc và 0287 102 6789 (TP HCM). Chúc anh, chị nhiều sức khỏe.
Chồng tôi có đi khám ở một số bệnh viện, bác sĩ bảo chồng tôi bị yếu tinh trùng, tinh trùng ít. Vậy cho tôi hỏi có biện pháp hay cách điều trị giúp vợ chồng tôi có con được không?
Chào bạn, xin cảm ơn câu hỏi của bạn.
Để đánh giá được chức năng sinh sản của hai vợ chồng, chúng tôi cần có đầy đủ thông tin về sức khỏe sinh sản của cả hai phía. Nếu chỉ đánh giá riêng về nam giới, một người đàn ông có khoảng trên 10 triệu con tinh trùng di động tốt trên một ml tinh dịch mỗi lần xuất tinh đã được đánh giá là có khả năng thụ thai tự nhiên.
Với người có tinh dịch đồ kém hơn, nhưng người vợ dự trữ buồng trứng bình thường, buồng tử cung bình thường và ít nhất một vòi trứng thông thì có thể hỗ trợ bằng phương pháp bơm IUI. Trường hợp người vợ dự trữ buồng trứng kém hoặc cả hai vòi trứng tắc, hoặc có thêm nguyên nhân gây vô sinh khác, thì có thể có chỉ định làm IVF.
Lời khuyên chung với chồng bạn là cải thiện lối sống, kiêng rượu bia thuốc lá, ăn nhiều rau xanh, hoa quả, các thực phẩm cung cấp các vitamin, các chất chống oxy hóa, hạn chế căng thẳng tâm lý, thể thao đều đặn và kiểm soát tốt cân nặng... Nếu nguyên nhân tinh trùng kém là do vấn đề bệnh lý thì có thể khám và điều trị tại các chuyên khoa nam học. Hai vợ chồng nên đi thăm khám sớm nhất có thể để được tư vấn kỹ hơn về tình trạng của mình cũng như lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Tôi bị nang to, ngày 20/12/2020 tôi có đi chọc nang ở bệnh viện. Từ đó đến nay tôi chưa có kinh nguyệt trở lại. Cho tôi hỏi là việc chọc nang có ảnh hưởng gì đến chu kỳ kinh nguyệt không?
Chào chị!
Dựa trên thông tin của chị cung cấp chúng tôi chưa có đủ dữ kiện để tư vấn chính xác và cụ thể được cho chị. Thứ nhất, chị nói "nang to" ở đây có lẽ là nang buồng trứng, tuy nhiên chưa rõ là nang gì. Chúng tôi cần biết cụ thể về tình trạng của chị khi có cái "nang" đó: kinh nguyệt của chị lúc đó thế nào, chị có triệu chứng cơ năng nào khác liên quan không như đau bụng, ra máu hay viêm nhiễm, các chỉ số xét nghiệm nội tiết sinh sản, AMH, các marker ung thư, vị trí nang, kích thước hình dạng nang? Ngoài ra "nang" của chị khi chọc hút ra thì bản chất là gì... Từ các dữ kiện đó kết hợp với tình trạng hiện tại của chị chúng tôi mới có thể đưa ra kết luận.
Thông thường với nang buồng trứng thực thể, nếu chỉ chọc hút nang, không phải mổ bóc tách hoặc mổ cắt u nang thì thường ít gây ảnh hưởng đến chức năng và dự trữ buồng trứng. Tuy nhiên cũng chưa thể loại trừ trường hợp chị có tình trạng suy buồng trứng đồng thời. Chị nên tới thăm khám sớm nhất và mang theo hồ sơ đã có để được tư vấn cụ thể hơn.
Cháu muốn làm IVF ở Bệnh viện Tâm Anh. Bác sĩ có thể giải thích cho cháu rõ hơn, IVF sẽ có mấy giai đoạn chính và trong thời gian bao lâu thì xong? Cháu đã mang thai và cả hai lần đều là thai ngoài tử cung nên đã phải cắt cả hai bên vòi trứng. Hiện giờ cháu biết là mình chỉ có ...
Chào bạn,
Rất là chia sẻ với bạn bởi vì rất tiếc cả hai lần đều là mang thai ngoài tử cung cả, không rõ là bạn điều trị bằng phẫu thuật hay sử dụng thuốc, tuy nhiên nếu vòi trứng đó bị hỏng rồi, thì đúng là chỉ có IVF mới có thể giúp cho bạn mang thai tiếp theo được. Quy trình làm IVF các nơi đều giống nhau. Thứ nhất, phải kích thích buồng trứng của người phụ nữ cho nó phát triển nhiều nang trứng lên thay vì chỉ một nang trứng trong một chu kỳ kinh, thứ hai sẽ phải lấy trứng ra khi nó đạt đủ kích thước, đủ khả năng trưởng thành, rồi cho thụ tinh với tinh trùng, tạo ra phôi. Phôi đó sẽ được chuyển vào trong tử cung của người phụ nữ, để người phụ nữ mang thai. Vậy thì quá trình làm IVF nó sẽ bao gồm:
Cả hai vợ phải đến khám xem tình trạng chung về sức khỏe sinh sản là gì, có vấn đề gì liên quan khả năng mang thai, khả năng làm IVF hay không? Các xét nghiệm cần thiết làm, các bác sĩ sẽ hướng dẫn. Sau đó, khi đủ hết tất cả các thăm khám cơ bản, không có vấn đề gì khác thì sẽ bắt đầu quá trình kích thích buồng trứng.
Kích thích buồng trứng sẽ diễn ra trong khoảng 10-12 ngày và tạo phôi. Trong trường hợp, chị có thể chuyển phôi tươi được thì chị sẽ chuyển phôi vào ngay chu kỳ đó, sau khi mà có phôi nuôi được 3-5 ngày. Nếu trong trường hợp mà điều kiện không đủ tốt, chị có thể đông trữ phôi toàn bộ lại và chờ hành kinh tiếp theo. Sau khi xử lý xong những khó khăn đó, chị sẽ bắt đầu theo dõi chuẩn bị niêm mạc tử cung cũng là từ ngày thứ hai chu kỳ kinh. Thường là sẽ theo dõi khoảng 2-3 tuần là sẽ chuyển phôi vào. Nếu đậu thai thì chị sẽ bắt đầu mang thai và khám theo dõi thai như bình thường.