Em năm nay 41 tuổi, đi khám sức khỏe, mọi chỉ số đều bình thường, nhịp tim 50-55 một phút, huyết áp bình thường (vẫn chơi thể thao hai đến năm buổi mỗi tuần). Thời gian gần đây, thỉnh thoảng em thấy hơi nhói phía dưới sát ngực trái. Trước đó, em có làm điện tim nhưng cũng không thấy gì bất thường. Em có ...
Chào bạn,
Các triệu chứng bạn kể như đau nhói ngực trái có thể gặp ở nhiều bệnh lý khác nhau như tim mạch, hô hấp, thậm chí trào ngược dạ dày. Hơn nữa, em năm nay 41 tuổi, thường chơi thể thao nên các yếu tố nguy cơ tim mạch cũng thấp và nhịp tim của em có xu hướng hơi chậm (bình thường 60-100 lần/phút) nhưng có thể do em chơi thể thao thường xuyên. Nhịp tim chậm do chơi thể thao là hiện tượng hay gặp, khi vận động ở cường độ cao, đòi hỏi lượng máu cung cấp cho cơ bắp tăng lên. Để đáp ứng nhu cầu đó, tim phải đập nhanh lên. Bên cạnh đó, dần dần buồng tim cũng giãn ra và thành tim dày lên, nhờ đó lượng máu mỗi nhát bóp của tim cũng tăng lên (hiệu suất nhát bóp tăng).
Khi tập luyện hoặc khi thi đấu, nhịp tim sẽ tăng lên để góp phần làm tăng cung lượng máu. Nhưng khi nghỉ, nhu cầu cung cấp máu giảm đi, nhờ hiệu suất mỗi nhát bóp cao nên nên tim chỉ cần đập chậm cũng đủ cung cấp cung lượng máu cần thiết, tuy nhiên, nhịp tim trong khi nghỉ ngơi của người chơi thể thao thường xuyên được coi là quá thấp khi đi kèm với các triệu chứng khác. Chúng có thể bao gồm mệt mỏi, chóng mặt hoặc suy nhược. Các triệu chứng như vậy có thể là dấu hiệu cho một số vấn đề liên quan đến sức khỏe khác.
Như vậy, về triệu chứng lâm sàng, ngoài thông tin mà bạn cung cấp, chúng tôi cần biết thêm các yếu tố khác như bạn có cân nặng thế nào, có hút thuốc lá hay không, đau ngực có liên quan đến gắng sức hay ăn uống không? Do vậy, bạn cần đến khám tại các cơ sở y tế để được khám xét toàn diện, khi cần sẽ làm một số xét nghiệm cơ bản như chụp X-quang tim phổi, điện tâm đồ gắng sức, siêu âm tim, xét nghiệm máu... Từ đó, mới giúp đưa ra các phương pháp điều trị thích hợp giúp cải thiện triệu chứng của bạn.
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc bạn và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.
Tôi bị suy giãn tĩnh mạch sâu. Cách đây hai năm, đã bị tụ huyết khối vào phổi, gây khó thở. Tôi đã được các bác sĩ ở bệnh viện điều trị 10 ngày, sau đó, tiếp tục điều trị theo đơn thuốc và tái khám định kỳ ba tháng một lần.
Gần đây, bác sĩ cho biết sức khỏe đã tạm ổn. Tuy ...
Chào bác,
Theo thông tin bác cung cấp thì cách đây hai năm bác bị thuyên tắc động mạch phổi do huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới. Đây là tình trạng trong phổi xuất hiện một cục máu đông lọt vào mạch máu và làm tắc nghẽn dòng lưu thông bình thường của máu do cục máu đông di chuyển từ tĩnh mạch sâu chi dưới, một biến chứng hay gặp của giãn tĩnh mạch sâu mà không được phát hiện kịp thời. Đây là một bệnh lý rất nguy hiểm và bác rất may mắn khi đã được điều trị qua giai đoạn nặng.
Tuy nhiên, gần đây mặc dù sức khỏe bác tạm ổn nhưng chân phải bác bẫn có triệu chứng nặng tức, có thể đây là triệu chứng của tình trạng huyết khối mạn tính hoặc suy van tĩnh mạch sâu trên nền bác có giãn tĩnh mạch chi dưới. Việc điều trị tùy theo mức độ và bản chất của bệnh. Mục tiêu điều trị bao gồm giảm khó chịu, giảm phù, ổn định vẻ ngoài của da, loại bỏ giãn tĩnh mạch, điều trị vết loét (nếu có). Để giúp cho quá trình suy van tĩnh mạch giai đoạn hậu huyết khối một cách hiệu quả, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối chỉ dẫn của bác sĩ.
Ngoài ra, việc phòng bệnh tái phát cũng rất quan trọng, đối với những người làm việc phải đứng, ngồi nhiều hay những người đi tàu xe, máy bay thời gian lâu thì nên dùng vớ ép, luyện tập thể dục tại chỗ bằng cách nâng và hạ thấp gót chân. Khi ngủ kê cao chân, tập thể dục đều đặn, uống nhiều nước, giữ cân nặng và không hút thuốc...Việc sử dụng các thuốc bôi ngoài da không có tác dụng với các trường hợp suy van tĩnh mạch sâu như của bác. Vì vậy, bác cần được theo dõi bởi các bác sĩ chuyên khoa tim mạch để có kế hoạch điều trị lâu dài và đặc biệt là phòng thuyên tắc phổi tái phát, một biến chứng rất nguy hiểm cho sức khỏe của bác.
Cảm ơn bác đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc bác và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bác có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.
Cách đây bốn tháng, tôi bị tai biến do xơ vữa mạch máu. Bác sĩ cho uống nhiều thuốc, trong đó có thuốc loãng máu. Xin hỏi, mỗi ngày tôi ăn những thứ đều có vitamin K, vậy phải làm sao thưa bác sĩ?
Chào bác,
Thuốc kháng đông (người dân hay gọi thuốc loãng máu) hiện gồm thuốc kháng đông đường chích, thuốc kháng đông đường tiêm truyền và thuốc kháng đông đường uống. Trong thuốc kháng đông đường uống có hai loại là kháng đông thế hệ mới và kháng đông kháng vitamin K. Ở nước ta, thuốc kháng vitamin K thường sử dụng hai loại. Nhiều loại thực phẩm chứa vitamin K, gây cản trở tác dụng của thuốc này, ví dụ cải xoăn, bông cải xanh, cải bắp, củ cải, rau chân vịt, súp lơ, mùi tây, hành, rau muống, măng tây, rau diếp, mù tạc, trà xanh, bơ, gan động vật, thịt cừu, thịt bò, dầu đậu tương, đậu nành, dầu hướng dương, đậu (đậu Hà Lan, đậu xanh).
Hiện bác đang có chỉ định uống thuốc kháng đông và bác sĩ không rõ bác đang uống kháng đông loại gì. Nếu bác đang uống loại kháng đông kháng Vitamin K, mà bác ăn thức ăn hàng ngày đều có viamin k thì sẽ làm giảm tác dụng của thuốc. Vì thế bác cần một chế độ ăn ổn định, ít thay đổi và nên hạn chế ăn các loại thực phẩm có chứa vitamin K.
Bác nên lưu ý, việc sử dụng thuốc chống đông kháng vitamin K cho người bệnh là một "con dao hai lưỡi" nên bác cần:
- Uống đúng liều lượng theo đơn của bác sĩ, các thuốc kháng vitamin K đều có thể bẻ nhỏ để tiện cho việc chia liều.
- Không được tự ý uống thuốc hoặc cho người khác uống mà không có chỉ định của bác sĩ.
- Nên uống thuốc kháng vitamin K vào một giờ nhất định trong ngày.
- Nên uống thuốc liên tục đến ngày tái khám.
- Bác sĩ xác định liều thuốc chống đông ở mỗi bệnh nhân dựa theo thời gian đông máu thông qua xét nghiệm INR với khoảng cần đạt (2,5 - 3,5 đối với người mang van tim nhân tạo cơ học và hai đến ba trong những trường hợp còn lại). Bệnh nhân cần tuân thủ liều dùng và thời điểm cần xét nghiệm INR theo bác sĩ yêu cầu (thường hai đến bốn tuần một lần). Tránh dùng quá liều có thể gây ra chảy máu hoặc liều quá thấp có thể gây huyết khối.
- Thường xuyên cảnh giác theo dõi các tác dụng phụ.
- Theo dõi hiệu quả điều trị thường xuyên theo lịch của bác sĩ.
- Không được tự ý dùng thuốc.
- Tránh uống rượu.
- Không tham gia hoạt động thể thao mà có thể dẫn đến va chạm mạnh.
- Duy trì chế độ ăn ít thay đổi, hạn chế ăn nhiều rau xanh, thực phẩm có nhiều vitamin K.
- Không cố gắng để thay đổi trọng lượng của bạn bằng cách ăn kiêng.
Cảm ơn bác đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc bác và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bác có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.
Tôi sau khi sinh hoạt vợ chồng thường đầu não bị căng đau nhói, sau đó muốn hơi nôn, xin hỏi triêu chứng như vậy có ảnh hưởng đến mạch máu não không? Mong bác sĩ giải đáp.
Chào chị,
Triệu chứng đau đầu và cảm giác buồn nôn của chị có thể là dấu hiệu cảnh báo của bệnh lý mạch máu não. Chị nên đến khám chuyên khoa nội thần kinh để được khám và tư vấn chi tiết hơn.
Cảm ơn chị đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc chị và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.
Tôi đi khám thì được bác sĩ chẩn đoán là bị bệnh thiếu máu cơ tim. Thường khi tim tôi đập không đều, có lúc nghỉ từ một đến hai nhịp, lúc đấy tôi thấy trong người rất mệt. Nhờ bác sĩ tư vấn nên sử dụng thuốc nào được và cách điều trị? Tôi chân thành cảm ơn.
Chào bác,
Triệu chứng bác mô tả có thể là tim bác bị rối loạn nhịp. Bác nên khám ở chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán xác định và tìm nguyên nhân để có điều trị phù hợp. Bác sĩ cần hỏi thêm thông tin về các yếu tố nguy cơ và bệnh đi kèm như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá, tiền sử gia đình, khám lâm sàng và làm một số cận lâm sàng như xét nghiệm máu, đo điện tim, siêu âm tim, X-quang tim phổi, trắc nghiệm gắng sức, theo dõi điện tim 24 giờ (Holter ECG) và chụp MSCT mạch vành (nếu cần). Sau khi có đầy đủ các thông tin và kết quả ở trên bác sĩ mới có thể điều trị tốt nhất cho bác.
Cảm ơn bác đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc bác và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bác có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.
Tôi đang điều trị tim mạch với chẩn đoán là bệnh van tim hậu thấp, cơn rung nhĩ kịch phát, suy tim. Kết quả siêu âm gần đây là hẹp van hai lá khít, hở van hai lá nhẹ và vừa, Wilkins tám điểm. Hở van chủ vừa, hẹp van chủ nhẹ, hở ba lá nhẹ. Với kết luận như trên, bệnh của tôi có ...
Chào bác,
Bệnh hẹp van hai lá hậu thấp là tình trạng giảm diện tích mở lỗ van hai lá do dính dần các mép van, xơ hóa và co rút bộ máy van và dưới van, cuối cùng là tình trạng vôi hoá dày đặc của toàn bộ bộ máy van tim. Hẹp van hai lá gây cản trở dòng máu từ nhĩ trái về thất trái. Từ đó, gây ra các biến chứng như rung nhĩ do giãn nhĩ trái quá mức, suy tim phải, phù phổi cấp, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.
Điều trị bệnh hẹp van hai lá có ba phương pháp chính là điều trị nội khoa, nong van hai lá bằng bóng qua da, phẫu thuật thay van hai lá.
Trường hợp của bác hẹp van hai lá khít, hở van hai lá nhẹ, vừa đã có cơn rung nhĩ kịch phát. Như vậy bác đã có chỉ định cần phải nong van hoặc phẫu thuật thay van. Rất may mắn, hình thái van hai lá của bác rất phù hợp cho nong van hai lá bằng bóng qua da (Wilkins tám điểm). Cách thực hiện kỹ thuật này là thông qua một vết chọc tĩnh mạch đùi nhỏ, bác sĩ đưa ống thông đầu có bóng vào nhĩ trái thông qua chọc vách liên nhĩ rồi nong van hai lá theo từng cỡ tăng dần để làm tách hai mép van hai lá cho đến khi đạt được kết quả mong muốn. Ưu điểm tuyệt đối của phương pháp này là ít xâm lấn, không cần gây mê, không để lại sẹo, thời gian nằm viện ngắn hơn, ít tốn kém hơn so với phẫu thuật.
Tuy nhiên để thực hiện kỹ thuật này, bác cần được đánh giá lại chính xác xem có các chống chỉ định của phương phương pháp này không. Vì vậy, bác có thể đăng ký khám tại bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại hàng đầu, chúng tôi sẽ khám và đưa ra chỉ định phù hợp nhất để điều trị hiệu quả căn bệnh của bác.
Cảm ơn bác đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc bác và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bác có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.
Em không hút thuốc, thỉnh thoảng uống bia, cũng không béo phì (nặng 65 kg, cao 1,65 m). Nhưng mỗi lần đi khám sức khỏe thì huyết áp của em vào khoảng 155/100. Xin hỏi bác sĩ em nên uống thuốc gì để điều hòa huyết áp. Em xin cảm ơn.
Chào bạn,
Huyết áp của bạn đo tại phòng khám khoảng 155/100 mmHg thì có thể xảy ra hai trường hợp là huyết áp của bạn cao thật sự hoặc bạn có tăng huyết áp áo choàng trắng (nghĩa là huyết áp đo tại phòng khám cao, nhưng khi đo huyết áp tại nhà thì bình thường). Cách tốt nhất bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa tim mạch để được thăm khám toàn diện và thực hiện các cận lâm sàng cần thiết như siêu âm tim, đo điện tim, gắn máy theo dõi huyết áp trong 24 giờ... nhằm chẩn đoán xác định xem bạn có thật sự bị tăng huyết áp hay không. Từ đó mới có cách điều trị thích hợp cho bạn.
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc bạn và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.
Để thăm khám, làm các xét nghiệm chẩn đoán, bạn có thể tham khảo Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, TP HCM (số 2B, Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM) hoặc Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội (số 108 Phố Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội).
Để đặt lịch khám và tư vấn, bạn có thể gọi lên tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tại Hà Nội 1800 6858, tại TP HCM 0287 102 6789 để được hỗ trợ.
Tôi 54 tuổi, thường bị đau tức và nhoi nhói vùng ngực trái, không biết có phải bị bệnh về tim không. Tôi đang chữa huyết áp bằng thuốc uống hằng ngày. Cứ khoảng ba tuần hoặc hơn một tháng, huyết áp trong ngày có đợt lên 173/90/80. Có khi 179/90/115. Xin hỏi làm sao cho huyết áp luôn ổn định. Tôi hay bị hồi ...
Chào chị,
Huyết áp của chị có khi là 179/90 mmHg, nghĩa là còn cao, chưa ổn định với điều trị hiện tại, vì mục tiêu điều trị là huyết áp < 130/80 mmHg. Đồng thời chị cũng có triệu chứng hồi hộp, đau tức vùng ngực trái, có thể là triệu chứng của thiếu máu cơ tim.
Chị nên đến bác sĩ chuyên khoa tim mạch để được thăm khám toàn diện và thực hiện các cận lâm sàng cần thiết như siêu âm tim, đo điện tim, nghiệm pháp gắng sức bằng thảm lăn, MSCT động mạch vành, siêu âm động mạch chủ - thận, và các xét nghiệm máu đánh giá chức năng gan, thận, chức năng tuyến giáp... để tìm nguyên nhân tăng huyết áp (nếu có), đánh giá tình trạng thiếu máu cơ tim. Từ đó, có thể đưa ra cách điều trị thích hợp cho chị.
Cảm ơn chị đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc chị và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, chị có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.
Tôi bị tiểu đường tám năm, bị cao huyết áp hai năm. Về thuốc điều trị bệnh huyết áp, lúc đầu uống theo toa bác sĩ cho nhưng sau đó tôi bị tuột huyết áp nên bác sĩ giảm xuống còn 1/2 viên. Tôi tập thể dục đều đặn sáng 30 phút, tối 30 phút nhưng vẫn còn bị tụt huyết áp (huyết áp 100-110/60-70).
...Chào anh,
Anh bị tăng huyết áp hai năm, không nói rõ mức huyết áp cao nhất là bao nhiêu trước khi điều trị. Chỉ số huyết áp của anh 100 -110/ 60 -70 mmHg, như vậy chưa được gọi là thấp, vì huyết áp thấp là khi huyết áp tâm thu < 90 mmHg và (hoặc) huyết áp tâm trương < 60 mmHg hoặc huyết áp của anh không < 90/60 mmHg, nhưng anh có triệu chứng chóng mặt, xay xẩm khi thay đổi tư thế (không cung cấp triệu chứng). Liều thuốc anh đang dùng là liều thấp và anh đã tự ngưng thuốc, theo dõi huyết áp cũng như trên. Do đó, anh có thể tạm ngưng thuốc trong hai ngày nếu không cảm thấy khó chịu, sau đó đến bác sĩ tim mạch để được thăm khám và thực hiện các kiểm tra cận lâm sàng cần thiết như gắn máy theo dõi huyết áp trong 24 giờ, siêu âm tim, đo điện tim... để xác định chính xác mức huyết áp của anh. Từ đó có thể tư vấn và điều trị thích hợp cho anh.
Cảm ơn anh đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc anh và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, anh có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.
Mạch của em nhanh trên 90 nhưng huyết áp bình thường, lúc mệt hay thời tiết thay đổi cảm thấy như thiếu oxy, phải hít thở thật sâu. Có lúc phải ngồi mới thấy đủ oxy. Đi khám tim mạch được các bác sĩ siêu âm tim và đo tim gắng sức không phát hiện bệnh lý gì. Xin hỏi bác sĩ, triệu chứng này ...
Chào em,
Mạch của em trên 90 nhịp/ phút thường xuyên hay chỉ khi mệt và thay đổi thời tiết, em có tiền sử bệnh hen phế quản không? Nhịp tim của người bình thường lúc nghỉ ngơi từ 60-100 nhịp/phút, nhịp tim trên 90 nhịp/phút là ở ngưỡng cao của bình thường.
Nếu nhịp tim em thường xuyên cao như vậy thì em cần khám loại trừ các bệnh lý cường giáp, cường hệ thần kinh giao cảm. Nếu nhịp tim em nhanh theo từng cơn, dao động từ 140-250 nhịp/phút thì có thể liên quan đến rối loạn nhịp tim. Trường hợp liên quan đến bệnh lý này, em nên theo dõi điện tim bằng máy Holter điện tim 24h sẽ tránh bỏ sót bệnh lý.
Khi có triệu chứng bất thường, nên chủ động theo dõi nhịp tim, huyết áp tại nhà bằng máy đo tự động, như vậy khi thăm khám có thể cung cấp cho bác sĩ thông tin đầy đủ hơn. Hàng ngày, nên tránh những căng thẳng xúc động hoặc tâm lý lo lắng sẽ ảnh hưởng đến nhịp tim của em.
Cảm ơn em đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc em và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, em có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.
Khoảng hai, ba tháng nay tôi bị đau thắt ngực trái, đau vào ban đêm khoảng 10-30 phút, đau lan đến lưng, có hơi nghẹn ở cổ họng. Tôi không hút thuốc hay uống rượu, huyết áp nếu dùng thuốc thì ổn định mức 80/120. Cách đây năm năm, tôi đã chụp động mạch vành tắc một nhánh nào đó khoảng 30-40%. Vậy tôi cần ...
Chào bác,
Bác có đau ngực và tăng huyết áp đã được chụp mạch vành có hẹp 30-40% một nhánh cách đây năm năm. Hiện tại, bác vẫn có các cơn đau ngực trái vào ban đêm, lan sau lưng, kèm theo nghẹn cổ họng, cơn đau kéo dài 10-30 phút. Để chẩn đoán chính xác tình trạng đau ngực này có phải do hẹp mạch vành tiến triển nặng lên gây ra không hay nguyên nhân nào, bác nên đến khám để chúng tôi có thể đánh giá lại chính xác các triệu chứng.
Có rất nhiều phương pháp thăm dò chức năng cũng như giải phẫu động mạch vành như điện tim, siêu âm tim, siêu âm tim gắng sức, điện tim gắng sức, chụp cắt lớp đa dãy động mạch vành... Lựa chọn phương pháp nào phù hợp với bác cần phải được bác sĩ giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này khám và chỉ định.
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh chúng tôi tự hào với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, trang thiết bị máy móc hiện đại bậc nhất sẽ đáp ứng hoàn toàn được yêu cầu khám, chữa bệnh của bác. Bác có thể đăng ký khám trực tiếp hoặc gọi điện đăng ký lịch khám với tổng đài bệnh viện nếu như không muốn chờ đợi hoặc công việc bận rộn.
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc bạn và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.
Tôi đi khám sức khỏe, có đo điện tim, kết quả điện tim tái cực sớm, bác sĩ bảo bình thường. Xin hỏi bệnh của tôi có nguy hiểm không? Tôi có cần phải khám bệnh không? Nếu khám, tôi cần phải chuẩn bị gì? Xin cảm ơn bác sĩ.
Chào bạn,
Đối với trường hợp tái cực sớm trên người trẻ có thể nguy hiểm. Trước kia, khi y học chưa phát triển, tái cực sớm được nhận định chỉ xảy ra ở các vận động viên và không nguy hiểm. Nhưng cho đến ngày nay, người ta đã thấy được rằng có những trường hợp tái cực sớm dẫn đến đột tử ở người trẻ.
Do đó, trong trường hợp này, bệnh nhân nên được đến khám tại các bệnh viện chuyên khoa tim mạch để xác định nhóm tái cực sớm đó có nguy hiểm hay không. Nếu có, chúng ta phải đặt máy phá rung để ngăn ngừa đột tử cho người bệnh.
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc bạn và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.
Tôi bị nhịp tim nhanh kịch phát trên thất, đã khảo sát điện tim sinh lý. Nhưng bây giờ lâu lâu, tim tôi bị ngưng một nhịp, phải uống thuốc mỗi ngày. Nhờ bác sĩ tư vấn có phải tình trạng tôi chưa hết? Hiện mức độ bệnh của tôi có nguy hiểm không?
Chào bạn,
Tình trạng nhịp tim nhanh kịch phát trên thất thường kéo dài. Khi khảo sát điện sinh lý tim, các bác sĩ cũng đã xác định được cơ chế nhịp nhanh. Tuy nhiên, đối với tình trạng đôi khi ngưng một nhịp tim của bạn, có thể bệnh đã ảnh hưởng đến ngoại tâm thu. Do đó, bệnh nhân cần tái khám để được các bác sĩ chuyên khoa tim mạch thăm khám và chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, từ đó đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc bạn và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.
Tôi hiện bị phì đại cơ tim không tắc nghẽn, bờ dày thành tim khoảng 30 mm, nhịp tim dao dộng 50-60 lần một phút. Tôi không có triệu chứng gì đặc biệt, ngoài việc mau xuống sức khi làm việc nặng hoặc chơi thể thao cường độ cao. Xin bác sĩ tư vấn tình trạng bệnh của tôi có nặng lắm không? Có cần ...
Chào bạn,
Đối với tình trạng của bạn, vách tim trên 30mm thuộc về bệnh cơ tim phì đại nặng, cần được thăm khám và điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa tim mạch giỏi, có bề dày kinh nghiệm sâu. Khi tiến hành thăm khám, bác sĩ sẽ chẩn đoán nguy cơ đột tử bằng phương pháp siêu âm tim gắng sức, xem bệnh nhân có bị nghẽn đường ra thất trái hay không. Nếu có, bác sĩ sẽ tiến hành đốt cồn hoặc phẫu thuật cho bớt dày. Xác định và chẩn đoán kịp thời nguy cơ đột tử giúp các bác sĩ ngăn chặn nguy cơ bằng cách đặt máy phá rung.
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc bạn và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.
Tôi bị block nhánh phải không hoàn toàn và thỉnh thoảng có tăng huyết áp (khoảng 145/95) và rối loạn nhịp tim nhanh, tập thể dục, leo cầu thang mau mệt. Xin hỏi bác sĩ, block nhánh phải có nguy hiểm không? Có điều trị được không? Tăng huyết áp uống thuốc huyết áp ổn định thì có tiếp tục uống nữa không? Cảm ơn ...
Chào bạn,
Bạn chỉ mới 47 tuổi và bị tăng huyết áp là hơi sớm. Còn tình trạng block nhánh phải không hoàn toàn thường không nguy hiểm. Một người bình thường vẫn có thể bị block nhánh phải không hoàn toàn, nhưng nếu cộng thêm tình trạng mau mệt ở tuổi 47 thì bác sĩ sẽ cần khảo sát để xác định bệnh nhân có bị thêm bệnh tim thiếu máu cục bộ hay không. Bên cạnh đó, tăng huyết áp phải được điều trị liên tục, không nên ngưng thuốc ngay sau khi bớt bệnh vì như vậy sẽ cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe bệnh nhân.
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc bạn và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.
Tôi bị loạn nhịp nhanh kịch phát trên thất, có khi nhịp tim tăng lên đến 205 nhịp/ phút trong thời gian hơn 30 phút. Tháng 7/2019, tôi đã được các bác sĩ làm thủ thuật cắt đốt, từ thời gian đó cho đến nay tôi vẫn uống thuốc. Các vấn đề tôi quan tâm hiện nay như sau, mong các bác sĩ tư vấn ...
Chào bạn,
Đầu tiên, khi đã cắt đốt rồi, không phải hết hoàn toàn bệnh. Ví dụ như có đường phụ, khi chúng ta cắt một đường phụ, bệnh nhân vẫn có thể có đường phụ thứ hai. Nếu bệnh nhân có tái lại bệnh cũng đừng buồn, hãy đến lại bác sĩ chuyên khoa đó để được tái khám.
Thứ hai, việc dùng thuốc lâu dài thật sự tôi cũng không khuyến khích. Việc dùng thuốc lâu dài sẽ gây nhiều tác dụng phụ, thứ nhất là bị sạm da, thứ hai là bị xơ phổi, thứ ba là biến chứng về tuyến giáp mà cụ thể là suy giáp và cường giáp, thứ tư là biến chứng về gan. Do đó, quý bệnh nhân nên đề nghị với bác sĩ điều trị đổi thuốc khác, do việc sử dụng thuốc đó lâu dài trong trường hợp này chắn chắc sẽ có biến chứng.
Về trường hợp này, tôi nghĩ đã được cắt đốt rồi, biết đường phụ rồi thì chúng ta có thể yên tâm kiểm tra ít nhất sáu tháng trên một lần với bác sĩ chuyên khoa.
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc bạn và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.
Để thăm khám, làm các xét nghiệm chẩn đoán, bạn có thể tham khảo Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, TP HCM (số 2B, Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM) hoặc Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội (số 108 Phố Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội).
Để đặt lịch khám và tư vấn, bạn có thể gọi lên tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tại Hà Nội 1800 6858, tại TP HCM 0287 102 6789 để được hỗ trợ.
Tôi được chẩn đoán bị hội chứng Brugada. Bệnh này có điều trị hết được không? Điều trị ở đâu? Tôi đang bị bệnh tiểu đường thì hội chứng Brugada có phải là biến chứng của bệnh tiểu đường không? Xin cảm ơn bác sĩ.
Chào bạn,
Tôi có thể trả lời ngay rằng, hội chứng Brugada không phải là biến chứng của bệnh tiểu đường, đây là một căn bệnh di truyền. Do đó, những người thân của bạn cần được thăm khám để chẩn đoán nhằm xác định hội chứng Brugada.
Tôi lưu ý thêm, đây là hội chứng khá nguy hiểm và có thể dẫn đến đột tử ở người trẻ. Trường hợp này cần được khảo sát bởi các đơn vị tim mạch chuyên sâu để có thể đưa ra chỉ định điều trị cho người bệnh.
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc bạn và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.
Em bị nhịp tim nhanh trên thất khoảng sáu năm nay. Nếu thức khuya, người mệt mỏi, chỉ cần cúi xuống là tim đập rất nhanh phải vào viện tiêm thuốc cho nhịp tim trở lại bình thường. Một năm em bị khoảng một hoặc hai lần.
Các bác sĩ bệnh viện khuyên em đi đốt, nhưng em không biết đốt cái gì và ...
Chào bạn,
Bạn bị nhịp nhanh trên thất một năm khoảng một đến hai cơn thì có thể chưa cần đốt, tuy nhiên nếu chúng ta cúi xuống hoặc tập thể dục mà cảm thấy mệt thì ở tuổi 44 chúng ta nên tìm nguyên nhân khác nữa. Vì ở tuổi này, chúng ta có thể cảm thấy khó thở, suy tim do nhiều nguyên nhân khác không chỉ riêng vì loạn nhịp, bởi vì hai cơn trên một năm thường không dẫn đến suy tim. Trong trường hợp này, tôi nghĩ bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa để tìm nguyên nhân khi mà cúi xuống lại dẫn đến khó thở như vậy.
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc bạn và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.
Trước đây, gia đình em có người thân mất do nhồi máu cơ tim và bệnh lý giãn nở cơ tim. Mới đây, em có người anh trai khám và xét nghiệm thì kết quả bệnh lý di truyền do đột biến gen khi đến tuổi trung niên. Em phải làm thế nào để ngăn chặn sự đột biến đó? Gia đình em rất lo ...
Chào bạn,
Theo tôi đánh giá, đây là một vấn đề rất khó vì bệnh cơ tim rất nguy hiểm, ngày nay người ta đã tìm ra 100 gen gây ra bệnh này và điều trị can thiệp vào gen chúng ta chưa giải quyết được.
Nếu gia đình bạn đã từng có tiền sử bệnh thì những thành viên còn lại chưa mắc bệnh nên tiến hành thử gen để theo dõi sát hơn, đồng thời đến thăm khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch để có những biện pháp điều trị nội khoa kể cả đặt máy phá rung và cuối cùng là ghép tim. Có như vậy, chúng ta mới được chăm sóc kỹ và duy trì cuộc sống khỏe mạnh.
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc bạn và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.
Trước đây, tôi từng ngất ba lần (mỗi lần cách xa nhau tầm 10 năm) lần gần nhất là 2020. Trước khi ngất, tôi có cảm giác nhịp tim nhanh, vả mồ hôi, người ngộp khó thở và ngất đi. Khi vào cấp cứu, bác sĩ không tìm thấy nguyên nhân bất thường về huyết áp, tim mạch, đường huyết, MRI đầu và siêu âm ...
Chào bạn,
Câu hỏi của bạn là một vấn đề mà rất nhiều bệnh nhân thường gặp. Thường gây ngất ở người lớn do 3 nhóm nguyên nhân chính:
Thứ nhất do phản xạ phó giao cảm, đây là mức độ ngất nhẹ nhất. Ví dụ khi chúng ta đang đi trên đường thấy đám đông đánh nhau, thấy có người té chảy máu, chúng ta sợ quá ngất đi, thì đó là ngất do phản xạ phó giao cảm. Thường cái ngất đó chúng ta trắc nghiệm bàn nghiêng để chẩn đoán và điều trị khỏi được, thường không nguy hiểm đến tính mạng.
Nguyên nhân nhất thứ hai do hạ huyết áp tư thế đứng, thường mà bệnh nhân có ngất đứng thì đến bệnh viện chúng tôi sẽ nhờ bác sĩ hoặc điều dưỡng đo huyết áp khi nằm, đo huyết áp khi đứng 1 phút, đo huyết áp khi đứng 3 phút, thì chúng ta xem có hạ huyết áp ở tư thế dứng hay không? Hiện nay, chúng ta có đủ các phương tiện, trang thiết bị điều trị hạ huyết áp ở tư thế đứng.
Nguyên nhân thứ ba do tính bệnh lý cấu trúc của tim. Hiện nay, một số trường hợp suy tim nặng, một số trường hợp sau nhồi máu cơ tim hay sau bệnh cơ tim thì có thể dẫn đến ngất. Với những phương tiện, kỹ thuật hiện nay của chúng ta tại TP. Hồ Chí Minh, có thể chẩn đoán những nguyên nhân này, theo đó chúng ta tiến hành làm Holter ECG, chụp mạch vành, sieu âm để xác định nguyên nhân, chúng ta cũng có thể phòng ngừa cơn ngất cho người bệnh được.
Như vậy, với trường hợp này người bệnh không nên quá lo lắng, bởi có thể điều trị được. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi. Chúc bạn và gia đình khỏe mạnh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi cho chương trình để được hỗ trợ, tư vấn. Trân trọng.