VnExpress - Bao tieng Viet nhieu nguoi xem nhat

Thứ năm, 17/10/2024

Tôi bị xây xẩm, ói mửa... Trong một năm, tôi bị vài lần trong lúc sức khoẻ đang bình thường thì bị. Vài năm trước, bác sĩ khám, chẩn đoán rối loạn tiền đình. Cho thuốc uống hết nhưng bị lại hàng năm. Xin tư vấn. Cảm ơn bác sĩ.

Phan Viet Duc, 41 tuổi, Bình Định

TS.BS Trần Văn Hùng

Chào bạn,

Bạn nên đi khám bác sĩ nội thần kinh để được cho làm xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, từ đó, sẽ loại trừ những nguyên nhân rối loạn tiền đình khác trước khi chẩn đoán rối loạn tiền đình lành tính. Để thăm khám, làm các xét nghiệm chẩn đoán, bạn có thể tham khảo Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, TP HCM (số 2B, Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM) hoặc Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội (số 108 Phố Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội).

Ngày 16/3, tôi đi bệnh viện khám định kỳ, phát hiện huyết áp 190 mmgH. Sau đó, bác sĩ kiểm tra điện tim và làm xét nghiệm, kết quả huyết áp cao và thiểu năng vành. Đến nay 30/3, tôi uống thuốc theo bệnh viện kê đơn thì huyết áp 130-140 mmgH. Tôi muốn hỏi, thiểu năng vành có nguy hiểm không? Thỉnh thoảng tôi ...

Nguyễn Thị Thúy, 46 tuổi, Quận 12, TP HCM

BS.CKII Huỳnh Ngọc Long

Chào bạn,

Huyết áp 190 mmHg rất nguy hiểm. Huyết áp cao sẽ gây vỡ mạch máu não, gây xuất huyết não, hôn mê, liệt nữa người và tử vong. Huyết áp cần nhỏ hơn 139/84 mmHg. Bạn nên tiếp tục điều trị thuốc, điều chỉnh chế độ ăn, chế độ luyện tập để huyết áp ổn định hơn về lâu dài.

Thiểu năng vành hay còn gọi là thiếu máu cục bộ cơ tim là do quá trình hình thành mảng xơ vữa gây hẹp lòng mạch máu nuôi tim. Mức độ hẹp sẽ tăng dần 1% đến 70% và tắc hoàn toàn 100%. Khi mạch vành hẹp nhiều gây triệu chứng đau ngực. Nếu tắc hoàn toàn có thể gây nhồi máu cơ tim. Điều trị mạch vành bao gồm thuốc, nong mạch vành khi hẹp lớn hơn 70% hoặc phẫu thuật mổ bắc cầu. Huyết áp cao và thiểu năng vành đều nguy hiểm chết người. Bạn cần điều trị và theo dõi lâu dài để bảo vệ sức khỏe của bản thân.

Uống thuốc huyết áp có tác dụng phụ hại sức khoẻ không?

Nguyễn Quốc Hoàng Huy, 42 tuổi, Bình Dương

BS.CKI Hồ Thị Tuyết Mai

Chào bạn,

Tôi nhấn mạnh rằng, tăng huyết áp là bệnh không bao giờ hết, chỉ ổn định với thuốc điều trị, một tỷ lệ nhỏ ổn định mà không cần dùng thuốc, nhưng dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ. Nếu không điều trị tăng huyết áp thì lâu dần sẽ nhiều biến chứng như nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ, mờ mắt, suy thận... còn có trường hợp huyết áp tăng cao đột ngột dẫn đến đột quỵ ngay.

Mục tiêu chữa trị tăng huyết áp chính là phòng tránh, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Hơn nữa, duy trì dùng thuốc là chống tái phát và hạn chế tối đa những chuyển biến xấu của bệnh.

Thuốc là một trong những biện pháp quan trọng để điều trị. Tất cả các thuốc điều trị bệnh nói chung và bệnh tăng huyết áp nói riêng đều có mặt tốt và một phần nhỏ không tốt. Bác sĩ sẽ là người cân nhắc quyết định dùng thuốc theo cách tốt nhất cho bệnh nhân, hạn chế những tác dụng phụ không mong muốn. Từng loại bệnh và cơ địa của mỗi người sẽ có thời gian điều trị ngắn hạn hay dài hạn, liều lượng thuốc ra sao. Đối với người này viên thuốc không sao nhưng với người khác có tác dụng phụ.

Với tầm quan trọng và lợi ích của việc điều trị tăng huyết áp như vậy, bạn dùng thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp hàng ngày và suốt đời để tránh những biến chứng nguy hiểm không mong muốn xảy ra. Bên cạnh đó, bạn cần tái khám để bác sĩ theo dõi những tác dụng phụ, nếu có vấn đề bác sĩ sẽ điều chỉnh thuốc kịp thời để tăng hiệu quả chữa bệnh tối ưu nhất, bằng cách ngưng thuốc và đổi qua dùng một loại thuốc khác phù hợp cho từng người bệnh. Bản thân ngưởi bệnh trong quá trình điều trị có vấn đề không ổn phải báo ngay cho bác sĩ.

Thực tế cho thấy, nhiều bệnh nhân sau khi điều trị tăng huyết áp một thời gian cảm thấy sức khỏe tương đối ổn định và ngưng thuốc. Tình trạng này rất nguy hiểm bởi dùng thuốc không chỉ không giúp bệnh nhân phòng tránh các biến chứng do tăng huyết áp mà còn gây ra những bất lợi lớn trong việc chữa bệnh.

Người bệnh cần phải tuân thủ nghiêm ngặt lịch uống thuốc huyết áp, giúp giữ cho huyết áp luôn trong trạng thái ổn định. Không nên vì thấy huyết áp đã bình thường mà người bệnh vô tình hoặc cố tình bỏ thuốc. Hiện nay, tại các bệnh viện, bệnh nhân nhập viện khẩn cấp do các biến chứng như đột quỵ, suy tim bởi huyết áp tăng đột biến khá nhiều. Dùng thuốc huyết áp là việc phải làm cả đời nếu đã mắc bệnh. Thân mến, chúc bạn nhiều sức khỏe.

Tôi đã thay van động mạch chủ cơ học và đang điều trị bằng thuốc chống đông. Hiện tôi cần nhổ răng, liệu tôi có phải ngưng thuốc kháng đông không? Ngưng bao lâu? Ngưng như vậy có ảnh hưởng đến van của tôi không? Cảm ơn bác sĩ.

Ngọc Phước, 37 tuổi, TP HCM

ThS.BS Huỳnh Khiêm Huy

Chào bạn,

Theo nhiều khuyến cáo hiện tại thì không cần ngưng thuốc kháng đông trước nhổ răng. Nguy cơ chảy máu khi nhổ răng cao hơn ở người đang dùng thuốc kháng đông, tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp đều có thể kiểm soát được mà không cần phải ngưng thuốc kháng đông trước đó (theo American Dental Association - Hiệp hội Nha khoa Mỹ).


Con tôi 12 tháng tuổi, được chẩn đoán hở van hai lá bẩm sinh, cách đây hai tháng đã phẫu thuật sửa van hai lá. Vừa rồi đi khám, bác sĩ báo tình trạng hở van của con tôi vẫn còn nặng, liệu có phải mổ lại không?

Thúy Loan Trần, 29 tuổi, Vĩnh Phúc

BS Nguyễn Minh Trí Viên

Chào bạn,

Hở van hai lá của cháu rất khó sửa. Kích thước trong những tháng đầu sau sinh của cháu khoảng chừng mười mấy mm. Vì vậy, cấu trúc tim và van của cháu thay đổi rất nhiều. Trong trường hợp này, chúng tôi sẽ cố gắng trì hoãn, điều trị nội khoa làm cho cháu vượt qua được những năm đầu. Sau đó, khi kích thước van đủ lớn, các bác sĩ mới tạo hình van được.

Con bạn là trường hợp khó, triệu chứng hở van rất nặng ngay sau sinh và bác sĩ bắt buộc phải mổ và sửa van, ưu tiên phẫu thuật tạo hình do kích thước tim của bé nhỏ không thể thay van được. Sau khi sửa xong, nếu vẫn hở, chiến lược điều trị là cần phải cố gắng điều trị nội khoa để giảm hở, duy trì sự phát triển, giảm các biến chứng như giãn tim, tăng áp lực động mạch phổi.
Nguy cơ sử dụng những thuốc kháng đông với trẻ nhỏ còn lớn hơn chuyện hở van. Do đó, gia đình phải chuẩn bị tinh thần chấp nhận cuộc sống của con sẽ có thể mổ nhiều lần. Cháu phải mổ đi, mổ lại để tạo ra một cái van có thể chấp nhận được, chờ đến khi cháu lớn thì có thể thay bằng van cơ học.

Van hai lá
 
 

Em thường bị tim đập nhanh, đánh trống ngực dồn dập khi leo cầu thang hay đói và bị căng thẳng, đầu óc mệt mỏi như thiếu máu lên não. Đây có phải biểu hiện bị rối loạn nhịp tim không? Em có thể làm xét nghiệm gì để chẩn đoán bệnh?

Huỳnh Thạnh Quân, 48 tuổi, Bình Thuận

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh

Chào bạn,

Leo cầu thang cảm thấy hồi hộp, bạn chưa chắc đã bị rối loạn nhịp tim, trường hợp này cũng có thể bị suy tim hoặc động mạch vành. Thường bác sĩ sẽ dựa theo tuổi và yếu tố nguy cơ để chẩn đoán. Nếu người ở độ tuổi 20, lên cầu thang cảm thấy hồi hộp, có thể bị rối loạn nhịp tim. Lúc này, bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm tầm soát; quan trọng nhất là làm Holter ECG, tức bác sĩ sẽ gắn máy đo điện tâm đồ 24h, 48h, ba ngày hoặc bảy ngày để phát hiện những cơn loạn nhịp như vậy. Bản chất của loạn nhịp nhằm giúp chẩn đoán, tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Hiện nay tại Hệ thống Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh cũng đã có đủ phương tiện để làm điều đó cho người bệnh.

rối loạn nhịp tim
 
 

Tôi bị tai biến do xơ vữa động mạch, hiện bác sĩ cho uống thuốc. Xin hỏi bác sĩ, uống thuốc có ảnh hưởng gì không? Tôi sợ uống thuốc lâu dài bị xuất huyết đáy mắt. Vậy phải làm thế nào mới đúng? Cảm ơn bác sĩ.

Trần Văn Tím, 74 tuổi, Trảng Bàng

TS.BS Trần Văn Hùng

Chào bạn,

Thuốc có thành phần hạ huyết áp, thuốc ngừa thành lập máu cục đông, thuốc làm giảm LDL- Cholesterol là ba loại thuốc quan trọng khi phòng ngừa tai biến tái phát do xơ vữa động mạch có tăng huyết áp. Bạn nên đi tái khám bác sĩ định kỳ để được tư vấn và điều trị tốt hơn.

Em bị rối loạn nhịp tim, chỉ định cần phải đốt điện tim. Cho em hỏi, những trường hợp mức độ như thế nào mới cần làm phương pháp này? Sự khác nhau giữa đốt điện tim 2D và 3D?

Nguyễn Thị Mỹ Ngọc, 29 tuổi, Bắc Giang

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh

Chào bạn,

Đốt điện tim là một tiến bộ trong y khoa, tuy nhiên không phải lúc nào cũng thành công. Trước khi đốt, thường các bác sĩ nội khoa tim mạch sẽ khám và dựa trên những tiêu chuẩn người đó, cùng thảo luận với bác sĩ chuyên về loạn nhịp để đốt cho người bệnh.

Nếu có phương tiện 3D, chắc chắn sẽ lợi hơn 2D, vì việc dò ra tất cả các bất thường trong tim dễ hơn và thời gian sẽ nhanh hơn. Do đó, các trung tâm lớn trên thế giới hiện nay đều tìm cách cho đốt 3D gọi là mapping 3D, vì dễ tìm điều bất thường của người bệnh nhằm đốt nhanh chóng.

đốt điện tim 2D
 
 

Bố tôi đang ở nước ngoài và có tiền sử mắc bệnh suy tim. Theo tôi tìm hiểu, những người mắc bệnh suy tim nói riêng và tim mạch nói chung sẽ có nguy cơ biến chứng nặng khi mắc Covid-19 so với các nhóm đối tượng khác. Điều này có đúng không thưa bác sĩ? Nếu đúng cần làm gì để phòng ngừa?

Lý Lan, 39 tuổi, Hà Nội

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh

Chào bạn,

Những người mắc bệnh tim mạch có nguy cơ biến chứng nặng hơn khi mắc Covid-19 so với các nhóm đối tượng khác. Điều này rất đúng. Covid-19 không chỉ gây biến chứng ở phổi, tim, mạch máu, thậm chí lên não và gây đột quỵ. Covid-19 tạo thành những cục máu đông, gây nghẽn vùng đó, khi người suy tim mắc bệnh chắc chắn tiên lượng sẽ nặng hơn người bình thường.

Trường hợp này, việc phòng ngừa là rất cần thiết. Hiện nay, chúng ta đã có vaccine chủng ngừa, nếu không may mắc Covid-19 cũng sẽ nhẹ hơn rất nhiều. Mới đây, nghiên cứu ở Mỹ thấy rằng, vaccine của Astrazenaca cho hiệu quả bảo vệ trung bình đạt 62% đến 90%. Những người tiêm vaccine thì 100% không bị bệnh nặng. Vaccine là một thành tựu khoa học và ở Mỹ đã có 30.000 người được tiêm loại vaccine này. Trường hợp nếu có bệnh hoặc bệnh có sẵn như suy tim thì bạn nên tiến hành tiêm chủng sớm nhằm tránh trường hợp bệnh chuyển biến xấu.

Bi suy tim
 
 

Tôi năm nay 50 tuổi, khỏe mạnh và có hút thuốc lá khoảng 10 điếu một ngày, huyết áp 150/60 mmHg. Tôi có khả năng mắc bệnh tim không? Tôi nên tầm soát bao lâu một lần? Cảm ơn bác sĩ.

Nguyễn Quốc Phúc, 50 tuổi, Châu Đốc, An Giang

TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến

Chào bạn,

Bạn có tiền căn hút thuốc lá nhưng không nói rõ đã hút trong bao nhiêu năm. Huyết áp tăng 150/60 mmHg nhưng bạn không cho biết đã đo bao nhiêu lần. Nếu bạn đo vài lần mà huyết áp luôn dưới 140 mmHg, bạn đã bị tăng huyết áp. Hơn nữa, sự khác biệt giữa trị số huyết áp cao nhất và thấp nhất của bạn lớn 150-60 mmHg = 90 mmHg, dễ gây nguy cơ tim mạch. Ngoài ra, bạn còn có nhiều yếu tố nguy cơ mắc bệnh mạch vành. Do đó, bạn nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch sớm được bác sĩ khám, kiểm tra cận lâm sàng, chẩn đoán và điều trị thích hợp.

Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình hoặc liên hệ tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tại Hà Nội 1800 6858 và tại TP HCM 028 7102 6789 để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng.


Tôi bị béo phì từ nhỏ. Gần đây, tôi có triệu chứng đau thắt vùng ngực, tim đập bất thường ngay cả khi làm việc thường ngày. Sau khi chụp CT và điện tim đồ, được chẩn đoán bị bệnh động mạch vành, hẹp 50% một nhánh.Bệnh của tôi có nguy hiểm không? Tôi chỉ đi khám ở bệnh viện tỉnh, chưa đi các ...

Huỳnh Bảo, 58 tuổi, Thái Bình

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh

Chào bạn,

Trường hợp của bạn đã được chụp CT mạch vành, phát hiện hẹp 50% một nhánh thực sự chưa nguy hiểm và nếu 50% đó không phải nằm ở thân trung động mạch vành, bác sĩ vẫn có thể thực hiện điều trị ổn định cho bệnh nhân. Tuy nhiên, đây là dấu hiệu yêu cầu bạn phải quan tâm đến lối sống và điều trị giảm các yếu tố nguy cơ. Ngoài ra, mỗi năm bạn cần làm thêm trắc nghiệm gắng sức và tiến hành kiểm tra kĩ xem bệnh có tiến triển nặng hay không.

hẹp 50% nhánh
 
 

Em đang điều trị bệnh rối loạn thần kinh tim và đang dùng thuốc. Em dùng được hơn một năm rồi và không biết khi nào dừng, liệu em có phải dùng suốt đời không? Dạo gần đây, em cứ hay mệt mỏi, nhức đầu vào cuối ngày. Xin bác sĩ tư vấn cho em.

Vũ Hùng Anh, 35 tuổi, TP.HCM

ThS.BS Phạm Đỗ Anh Thư

Chào bạn,

Rối loạn thần kinh tim là tình trạng rối loạn hệ thần kinh tự chủ chi phối tim, thường gây ra do stress tâm lý. Tuy nhiên cấu trúc và chức năng tim của bạn gần như bình thường. Nên bạn không cần quá lo lắng khi bị bệnh này. Bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn và không cần phải dùng thuốc suốt đời. Nếu bạn còn mệt mỏi, nhức đầu vào cuối ngày, bạn cần đến bác sĩ tim mạch để được đánh giá và kiểm tra toàn diện, chẩn đoán chính xác. Từ đó đưa ra cách điều trị phù hợp nhất cho bạn.

Chụp mạch vành có nguy hiểm không? Mong bác sĩ tư vấn.

Phạm Hoa, 58 tuổi, Thủ Đức, TP HCM

BS.CKII Huỳnh Ngọc Long

Chào bạn,

Chụp mạch vành được phát triển từ năm 1950, đến nay hơn 70 năm trôi qua, sự phát triển của khoa học, dụng cụ, máy móc ngày càng tốt hơn, kinh nghiệm tay nghề của các bác sĩ cũng được nâng cao. Chụp mạch vành có mức nguy hiểm rất thấp, tổng tất cả các biến chứng < 1%. Các nguy hiểm được ghi nhận tích lũy từ đầu đến hiện tại như chảy máu chỗ chích động mạch, loạn nhịp thoáng qua, dị ứng cản quang, bóc tách lỗ động vành khi cài ống thông vào, suy thận năng thêm do thuốc cản quang.

Dạo gần đây, tôi hay bị đau ở ngực, khó thở mỗi khi tôi gắng sức để làm gì đó, không biết liệu đó có phải là triệu chứng của bệnh suy tim không? Nhờ bác sĩ chia sẻ thêm các triệu chứng của bệnh và hướng dẫn tôi cách điều trị bệnh. Tôi cảm ơn.

Anh Thơ, 42 tuổi, Hải Phòng

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh

Chào bạn,

Bạn bị đau ngực, khó thở khi gắng sức thì điều đầu tiên bác sĩ nghĩ đến là bị mạch vành, dĩ nhiên tùy theo tuổi. Nếu tầm 50 tuổi và nghiện thuốc lá, chắc chắn bạn có nhiều nguy cơ mắc bệnh mạch vành. Nhưng ở người 20 tuổi, bạn có thể mắc bệnh tim bẩm sinh hoặc cơ tim phì đại. Ba triệu chứng chính của bệnh cơ tim phì đại là đau thắt ngực, khó thở hoặc ngất khi gắng sức. Trong trường hợp này, bác sĩ cần phải thăm khám, làm siêu âm, điện tâm đồ hoặc chụp X-quang để biết chính xác bệnh. Bạn nên thăm khám sớm, mang theo các kết quả xét nghiệm đã từng thực hiện trước đây.


Tôi 60 tuổi, thường xuyên đi bộ và bơi, không nghĩ rằng mình có bệnh lý tim mạch nên chưa từng đi khám chuyên khoa. Đợt vừa rồi hơi tức ngực, tôi có đi khám sàng lọc và chụp cắt lớp CT, được chẩn đoán bị hẹp động mạch vành khít. Tôi có nguy cơ nhồi máu cơ tim không? Cần điều chỉnh gì ...

Bình Nguyễn Kiên, 60 tuổi, Hậu Giang

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh

Chào bạn,

Những người chơi thể thao nhiều như thể thao đỉnh cao hoặc tập luyện với cường độ cao bị bệnh mạch vành nhưng không bị đau ngực thường khó chẩn đoán. Vì những bệnh nhân đó khi đi sàng lọc, làm trắc nghiệm gắng sức cũng không phát hiện ra các rối loạn.

Khi bệnh nhân 60 tuổi đến khám, dù có bơi lội nhiều, bác sĩ vẫn sẽ hỏi về yếu tố gia đình, có ai mắc bệnh mạch vành hay không; thứ hai, hỏi về triệu chứng; thứ ba, hỏi về bốn yếu tố nguy cơ chính như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường và thuốc lá. Nếu còn nghi ngờ, bác sĩ sẽ chụp cắt lớp MSCT tìm mạch vành, đây là phương pháp giúp phát hiện bệnh sớm hơn.

hẹp động mach vành khít
 
 

Ở Việt Nam hiện nay đã thực hiện ghép tim cho những người suy tim giai đoạn cuối chưa? Nếu có thì đòi hỏi những điều kiện gì cho cuộc phẫu thuật?

Linh Anh, 45 tuổi, Hải Phòng

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh

Chào bạn,

Hiện tại, Việt Nam đã thực hiện được việc ghép tim cho những người suy tim giai đoạn cuối. Ở miền Bắc, miền Nam và Huế (miền Trung), các bác sĩ đều đã có thể thực hiện việc ghép tim được.

Vấn đề lớn nhất của ghép tim chính là phải có nguồn tim được cho. Trong khi ở phương Tây, họ thường có suy nghĩ về việc quyên tặng nội tạng khi mất thì người Á Đông lại thường không có thói quen này. Do vậy, việc ghép tim ở Việt Nam đang gặp vấn đề lớn nhất là nguồn cho. Ngoài ra, chi phí ca ghép cũng tương đối tốn kém.

Hiện nay, Nhật Bản là nước có nền y tế phát triển cao nhưng việc ghép tim vẫn chưa có phát triển gì nhiều. Cảm ơn câu hỏi rất hay của bạn. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình.

Ghép tim
 
 

Tôi được chẩn đoán bệnh cơ tim phì đại, đã được làm xét nghiệm di truyền và phát hiện gen đột biến. Con trai tôi cũng được xét nghiệm di truyền và cũng mang gen đột biến tương tự, tuy nhiên cháu chưa có bệnh cơ tim phì đại trên siêu âm tim. Liệu con tôi có cần phải theo dõi thêm không? Bao lâu ...

Ngọc Nga, 32 tuổi, TP HCM

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh

Chào bạn,

Thứ nhất, cháu bé có thể tập thể dục, đánh bóng bàn và các môn thể thao nhẹ nhưng cháu không được chơi các môn thể thao đỉnh cao.

Thứ hai, cháu có thể bây giờ chưa có bệnh nhưng khi lên 10, 20, 30, 40 tuổi mới phát hiện ra bệnh. Cháu cần được chăm sóc và theo dõi siêu âm một đến hai năm một lần. Nếu có điều kiện, gia đình nên cho cháu thử gen để biết bệnh nằm trên loại gen nào. Từ đó, bác sĩ sẽ biết được bệnh có nặng nhanh không và theo dõi sát hơn cho cháu.

Bi suy tim
 
 

Ngoại em nay đã ngoài 70 tuổi, bị bệnh suy tim mãn tính và cao huyết áp. Khoảng hai tuần nay, bà thường bị khó thở, cơ thể rất mệt mỏi, huyết áp 160-180 mmHg và phải nhập viện cấp cứu. Cao huyết áp có làm ảnh hưởng xấu tới bệnh tim của bà không? Làm sao khắc phục tình trạng cao huyết áp?

Tám Bảy, 30 tuổi, Đồng Xoài, Bình Phước

BS.CKI Hoàng Thị Bình

Chào bạn,

Bệnh tăng huyết áp rất phổ biến ở người cao tuổi và là một trong những nguyên nhân dẫn tới suy tim (gây mệt mỏi, khó thở, hạn chề vận động, phù chân...) nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách. Vì vậy, bạn cần đưa bà tới khám tại cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để theo dõi và điều trị thích hợp. Tại đây, bà phải làm các xét nghiệm máu, đo ECG, siêu âm tim, siêu âm mạch máu, khám mắt (soi đáy mắt), tầm soát rối loạn mỡ máu, bệnh tiểu đường nhằm xác định biến chứng của tăng huyết áp tới tim, não, thận, mạch máu.

Ngoài việc tuân thủ điều trị uống thuốc theo toa của bác sĩ, tái khám định kỳ, bà còn phải thay đổi lối sống đề giảm tiến triển của suy tim như không ăn mặn, bổ sung nhiều rau xanh, cá, ngũ cốc nguyên hạt, uống đủ nước, hạn chế thức ăn nhiều cholesterol, giảm cân, tránh gắng sức quá mức.


Bệnh mạch vành và xơ vữa động mạch có phải là một không? Bệnh này thường kéo theo các bệnh khác như cao huyết áp, đái tháo đường, béo phì, rối loạn mỡ máu... có đúng không? Mong bác sĩ giải thích thêm.

Thanh Mai, 51 tuổi, Long An

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh

Chào bạn,

Ý nghĩa của xơ vữa động mạch lớn hơn nhiều, xơ vữa động mạch có thể gây ra bệnh lý ở mạch vành, động mạch chủ, mạch máu não, mạch máu trong ruột và mạch máu ở chi. Như vậy, những xơ vữa này có ảnh hưởng rất lớn.

Bệnh mạch vành và nhồi máu cơ tim không bắt buộc 100% phải có xơ vữa động mạch, có thể do nhiều vấn đề khác nhau như dị dạng động mạch vành do động mạch vành. Do vậy, người bị xơ vữa động mạch có thể mắc bệnh mạch vành hoặc có thể mắc các bệnh của cơ quan khác trong cơ thể.

bệnh mạch vành
 
 

Cách nay tám năm, tôi được chẩn đoán bệnh cơ tim giãn nở, suy tim độ ba. Hiện nay, tôi ở nhà phải thở oxy, tháo ra vẫn được nhưng hơi nặng ngực, các thao tác nếu không thở oxy thì khó làm. Tôi đã suy tim độ bốn chưa? Xin hỏi bác sĩ:

- Tôi muốn ghi hồ sơ chờ thay tim được ...

Phạm Minh Hà, 41 tuổi, Huỳnh Thúc Kháng, K7, phường 7, Cà Mau

ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều

Chào bạn,

Bạn bị bệnh cơ tim dãn nở đã tám năm, đang điều trị. Theo phân độ nặng suy tim (NYHA), nếu bạn có triệu chứng khi thực hiện các hoạt động nhẹ trong sinh hoạt là suy tim độ ba. Nếu các triệu chứng này xảy ra cả lúc ngồi nghỉ là độ bốn.

Bạn chỉ nên thở oxy khi khó thở, đo độ bão hòa oxy trong máu (SpO2) giảm dưới 90%. Thở oxy thường xuyên cũng không tốt, nhất là thở liều cao sẽ gây co mạch, không có lợi cho tim. Điều trị suy tim có nhiều thuốc, trong đó có một số loại thuốc giúp giảm phù nề, sung huyết phổi, liều lượng thay đổi tùy từng trạng bệnh nhân.

Để được điều trị phù hợp, bạn nên đến bệnh viện, khám chuyên khoa tim mạch. Bác sĩ cần khám, đánh giá người bệnh, làm các xét nghiệm cần thiết để cho thuốc điều trị thích hợp. Bạn cũng cần tái khám định kỳ để bác sĩ cân chỉnh liều thuốc theo tiến triển của bệnh. Thân mến. Chúc bạn khỏe và lạc quan.