Độc giả đặt câu hỏi tại đây
Tham gia buổi tư vấn trực tuyến có bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC; TS.BS Lê Khắc Bảo, Phó trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định; BS.CKI Nguyễn Hoàng Anh, bác sĩ điều trị, Đơn vị bệnh nhiễm, khoa Nội tổng hợp, BVĐK Tâm Anh TP HCM.
Theo thông tin Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường, ngày 2/1, chỉ số chất lượng không khí tại ba trạm quan trắc ở Hà Nội lần lượt là 161, 158 và 179. Mức này cho thấy chất lượng không khí ở mức rất xấu. Còn tại TP HCM, hai điểm quan trắc cho thấy chỉ số chất lượng không khí là 94 và 100 - mức trung bình. Cùng với thời tiết giao mùa ở cả hai miền, nhiều người mắc bệnh hô hấp, phải nhập viện.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TS.BS Nguyễn An Nghĩa, Phó khoa Nhiễm - Thần kinh, cho biết tỷ lệ trẻ mắc viêm tiểu phế quản, viêm phổi... tăng mạnh từ tháng 11. Tỷ lệ tăng 15-20% so với các tháng trong năm, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 và cao hơn so với mức trung bình trong 5 năm qua. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận cấp cứu 15-20 trẻ viêm phế quản, viêm phổi bội nhiễm, hen suyễn... hầu hết dưới 5 tuổi. Hơn 250 trẻ đang điều trị nội trú về bệnh đường hô hấp.
Còn thống kê của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh và Phòng khám Đa khoa quận 7 TP HCM vào đầu tháng 12/2024, số ca bệnh đường hô hấp trên như viêm họng, viêm mũi xoang, viêm thanh quản, viêm amidan... tăng 30% so với tuần trước đó. Nhiều trường hợp viêm mũi họng tiến triển thành áp xe hầu họng, viêm đường hô hấp dưới như viêm phổi, viêm phế quản.
Các nguyên nhân khiến trẻ em và người lớn dễ viêm đường hô hấp gồm virus RSV, cúm, vi khuẩn phế cầu, H.Influenza, tụ cầu vàng (S.Aureus), phế trực khuẩn (klebsiella pneumoniae), nấm mốc...
Người có sẵn các bệnh lý như viêm xoang, hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường... dễ diễn tiến nặng hơn. Ví dụ bụi mịn xâm nhập đường hô hấp của bệnh nhân viêm xoang, dễ gây viêm phù nề, tắc đường dẫn lưu của các xoang, ứ đọng dịch nhầy, viêm xoang tái phát với các triệu chứng nặng hơn.
Ngoài ra, một số gia đình áp dụng phương pháp chăm sóc sức khỏe chưa đúng, khiến bản thân và trẻ nhỏ mắc bệnh. Một số sai lầm phổ biến như: phòng ở quá ẩm, kiêng tắm, cho trẻ mặc quá ấm hoặc quá mỏng, không vệ sinh mũi họng hàng ngày...
Đề phòng bệnh, có thể dùng vaccine cho trẻ em và người lớn. Hiện nay thị trường có nhiều loại như: vaccine phòng 4 chủng cúm A (H1N1, H3N2) và cúm B (Yamagata, Victoria); ba loại phòng phế cầu phòng 10, 13 và 23 chủng phế cầu gồm Synflorix (Bỉ), Prevenar 13 (Mỹ), Pneumovax (Mỹ); mũi ngừa sởi, thủy đậu, 5 nhóm vi khuẩn não mô cầu gồm A, B, C, Y, W-135... Một số vaccine tiêm chủng cho trẻ em như 6 trong 1 Hexaxim (Pháp) và Infanrix Hexa (Bỉ).
Vậy, làm thế nào để phòng bệnh? Ở người có bệnh nền, nhóm nguy cơ cao, cách nào phòng bệnh hiệu quả nhất và nên tiêm vaccine khi nào, ra sao?
Những thắc mắc của độc giả xung quanh vấn đề trên, được các chuyên gia từ VNVC, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, Bệnh viện Nhân dân Gia Định giải đáp trong buổi tư vấn trực tuyến vào tối 3/1. Chương trình có chủ đề "Tiêm vaccine gì để bảo vệ người lớn, người có bệnh nền?", được phát sóng trên các kênh truyền thông của VnExpress, VNVC, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, phòng khám dinh dưỡng Nutrihome.
Diệu Thuần