VnExpress - Bao tieng Viet nhieu nguoi xem nhat

Thứ ba, 21/1/2025

Lúc sinh mổ hai bé, sau khi tiêm thuốc gây tê, tôi bị lạnh run và buồn nôn. Vậy có phải tôi có nguy cơ bị phản ứng phản vệ hay không ạ?

Ngọc Phước, 31 tuổi, TP HCM

Bác sĩ Trương Hữu Khanh

Chào bạn,

Tôi cho rằng các triệu chứng của bạn không có nguy cơ sốc phản vệ. Bởi phản ứng phản vệ với thuốc tê khác các triệu chứng bạn mô tả, nên có thể đây chỉ là cảm giác buồn nôn thông thường thôi. Tuy nhiên, khi đi chích ngừa, bạn vẫn có thể cung cấp thông tin này để bác sĩ đánh giá nguy cơ để quyết định có cần thiết tiêm ở bệnh viện hay không.

Chúc bạn nhiều sức khỏe. Trân trọng!

Người 62 tuổi có tiền sử cao huyết áp thì cần chú ý gì khi tiêm chủng, có nên uống hạ huyết áp trước đó hay không?

Hằng Nguyễn, 37 tuổi, TP HCM

BS.CKI Bạch Thị Chính

Chào bạn,

Đối với những người có tiền sử bệnh mạn tính như cao huyết áp thường xuyên phải uống thuốc. Chính vì vậy, bác ở tuổi 62 vẫn uống thuốc và sinh hoạt bình thường, an tâm tới các bác sĩ để tư vấn khi đi tiêm chủng. Nếu ngưng sử dụng thuốc đột ngột, huyết áp tăng cao, bác sĩ lại từ chối tiêm chủng. Uống thuốc thường xuyên để duy trì huyết áp ổn định là cần thiết.

Chúng tôi rất cảm ơn khi mà bác đã quan tâm đến việc tuân thủ vấn đề điều trị những bệnh mạn tính ổn định. Rất hoan nghênh bác đến VNVC để chúng tôi có thể thực hiện tiêm chủng cho bác đúng quy định và an toàn.

Chúc bạn nhiều sức khỏe. Trân trọng!

Tôi có tiền sử dị ứng thuốc kháng sinh. Theo tôi biết, tôi thuộc nhóm cẩn trạng khi tiêm vaccine Covid-19 và phải tiêm ở bệnh viện. Vậy những trường hợp như tôi muốn tiêm cần làm thế nào và nên đến bệnh viện nào để tiêm? Trước khi tiêm có cần phải thử phản ứng gì không?

Trần Văn Doanh, 34 tuổi, Nghệ An

BS.CKI Bạch Thị Chính

Chào bạn,

Như các bạn cũng biết, tiền sử dị ứng để các bác sĩ sàng lọc quyết định tiêm hay không thì người chủng ngừa cần phải thông báo những tiền sử dị ứng của mình cụ thể là gì, mức độ dị ứng nhẹ ví dụ như uống kháng sinh vào bị ngứa, ngưng không uống nữa... thì các bác sĩ sẽ có những lời tư vấn cụ thể. Còn trong trường hợp dị ứng kháng sinh nặng, phải nhập viện để điều trị thì nên tiến hành tiêm chủng tại bệnh viện. Còn về vấn đề tiêm chủng tại bệnh viện nào thì hiện nay đang đợi hướng dẫn, lộ trình của Bộ Y tế rằng những bệnh viện nào sẽ được tiêm vắc xin Covid-19.

Chúc bạn nhiều sức khỏe! Trân trọng!

Những bệnh cụ thể nào sẽ không được tiêm vaccine Covid-19? Có một quy định nào hay không thưa bác sĩ?

Kiên Hoàng, 30 tuổi, Hải Phòng

BS.CKI Bạch Thị Chính

Chào bạn,

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, mới đây nhất là quyết định 2995, Bộ Y tế đã quy định rất là rõ những người có tiền sử phản vệ từ độ 2 trở lên thì chống chỉ định tiêm, đồng thời chống chỉ định theo những quy định của nhà sản xuất. Chúng ta biết, không chỉ vaccine Covid-19 mà tất cả các vaccine khác, nếu bạn có dị ứng với thành phần của vaccine, phản ứng phản vệ thì chống chỉ định.

Ngoài ra, chúng ta có những quy định về vấn đề hoãn tiêm, những trường hợp nào cần hoãn tiêm, những trường hợp nào cần thận trọng ví dụ như phụ nữ đang có thai, phụ nữ đang cho con bú, mắc bệnh nền mãn tính, bệnh nền chưa kiểm soát được, người ung thư giai đoạn cuối, người đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, người đang điều trị hóa trị, xã trị. Cần hoãn tiêm với những người mắc Covid-19 vòng 6 tháng.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng hướng dẫn những người đang bệnh cấp tính/mãn tính triển cũng hoãn tiêm. Còn những trường hợp thận trọng là người có tiền sử dị ứng mà không phản vệ độ 2, các bác sĩ khám sàng lọc trước tiêm chủng sẽ đánh giá lại xem các tác nhân gây dị ứng đó, các tình trạng dị ứng như thế nào để có quyết định chính xác nhất, thận trọng có thể tiêm tại những cơ sở ngoài bệnh viện hoặc tại bệnh viện. Hiện tại VNVC đang thực hiện theo đúng hướng dẫn chung của Bộ Y tế.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn nhiều sức khỏe!

Những người bị dị ứng hải sản, hóa chất, phấn hoa, dị ứng histamin, mắc các bệnh nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thận, viêm khớp mãn tính, ung thư đang điều trị, mắc các bệnh thần kinh như alzheimer, parkinson... có thể tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca không? Phản ứng sau tiêm đối với các đối tượng này có nghiêm trọng ...

Hồng Ánh, 37 tuổi, Hà Nội

GS.TS Nguyễn Trần Hiển

Chào bạn,

Những người mắc các bệnh mãn tính như đái tháo đường, suy thận, tăng huyết áp... rất cần được tiêm vaccine Covid-19 vì nếu lỡ nhiễm bệnh thì có thể sẽ gặp những biến chứng rất nặng. Còn đối với nhóm đối tượng bị dị ứng với hải sản, phấn hoa... vẫn nên tiêm dưới sự giám sát của bác sĩ, riêng với những người dị ứng với thành phần của vaccine thì không nên tiêm. Nếu còn thêm bất kỳ thắc mắc nào, bạn có thể gọi đến hotline 028 7300 6595 hoặc inbox cho fanpage trungtamtiemchungvnvc.

Chúc bạn nhiều sức khỏe. Cảm ơn bạn.

Nhiều người đang truyền tai nhau rằng không biết bản thân có dị ứng với vaccine không, trong khi sốc phản vệ nguy hiểm, chúng ta có nên đi test dị ứng, nồng độ của cơ thể trước khi tiến hành tiêm chủng vaccine Covid-19 không thưa bác sĩ Trương Hữu Khanh? Điều này có chính xác hay không, có cần thiết thưa không ...

An An, 25 tuổi, Long An

Bác sĩ Trương Hữu Khanh

Chào bạn,

Thông thường, một người bị dị ứng kinh niên mới đi xét nghiệm dị ứng thành phần, còn những người bình thường không cần xét nghiệm, đặc biệt trong tiêm chủng không cần thiết làm xét nghiệm vì nó không có giá trị. Vì dù có làm xét nghiệm cũng không chắc các xét nghiệm đó chính xác hoàn toàn với các thành phần trong vaccine.

Khi thực hiện các xét nghiệm ở ngoài, người ta chỉ xét nghiệm các dị ứng thông thường như trứng, bụi nhà... Còn thành phần vaccine người ta không chế được các chế phẩm vaccine để làm xét nghiệm phát hiện có dị ứng hay không?

Điều quan trọng, nếu người có dị ứng nhẹ vẫn nên chích vaccine tại nơi chủng ngừa được trang bị đầy đủ dụng cụ giải quyết dị ứng đó, các bác sĩ sẽ xử lý được hết nếu có chuyện không may xảy ra. Dị ứng nặng có thể cần phải chích trong bệnh viện. Mọi người không nên lăn tăn rằng mình có cần xét nghiệm dị ứng trước khi chích ngừa. Nếu còn thêm bất kỳ thắc mắc nào, bạn có thể gọi đến hotline 028 7300 6595 hoặc inbox cho fanpage trungtamtiemchungvnvc.

Chúc bạn nhiều sức khỏe. Cảm ơn bạn.

Mẹ của em 63 tuổi có bệnh thiếu tiểu cầu, máu không đông. Hiện tại, sức khỏe của mẹ, ăn uống, sinh hoạt bình thường nhưng cũng phải rất cẩn thận. Việc tiêm vaccine có ảnh hưởng đến bệnh của mẹ em hay không và cần lưu ý những gì?

Xuân Mai, 36 tuổi, TP HCM

BS.CKI Bạch Thị Chính

Chào bạn,

Với tình trạng bệnh của mẹ bạn, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đây là những trường hợp cần phải thận trọng. Trường hợp như vậy cần tư vấn của bác sĩ khám lâm sàng. Ví dụ như trong trường hợp, bác sĩ lâm sàng quyết định ình trạng bệnh lý của mẹ bạn ổn định, chúng tôi có thể tiêm chủng tại VNVC. Còn trong tình trạng bệnh lý không ổn định, mẹ bạn 54nên tiêm chủng tại bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa đánh giá cụ thể về tình trạng bệnh lý và đưa ra quyết định về tiêm chủng.

Còn trong những trường hợp có người bị giảm xuất huyết, hiện nay chúng ta đang dùng mũi kim 25 hoặc 23 sẽ có kỹ thuật tiêm tránh trường hợp chảy máu là giữ vết tiêm lâu hơn, tránh xuất huyết. Trường hợp mẹ bạn đến và cung cấp đầy đủ thông tin, chúng tôi sẽ tư vấn cặn kẽ. Với những trường hợp tiêm tại VNVC, điều dưỡng của chúng tôi sẽ thực hiện các kỹ thuật cần thiết để đảm bảo tiêm chủng an toàn nhất.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe. Trân trọng!

Tôi ược biết vaccine Covid-19 được sản xuất trước khi xuất hiện biến chủng Alpha và Delta. Vậy vaccine của AstraZeneca có thể phòng các biến chủng mới hay không?

Linh Chi, 31 tuổi, Khánh Hòa

BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Chào bạn,

Đây là một câu hỏi được rất nhiều người quan tâm. Biến chủng Delta hiện nay đã lây lan đến hơn 70 quốc gia trên thế giới. Thế giới cũng đang theo dõi các loại vaccine Covid-19 nói chung chứ không phải riêng vaccine AstraZeneca có bị biến chủng mới này vô hiệu hóa hay không.

Các nghiên cứu hiện nay cho thấy rằng, các loại vaccine Covid-19 đã dùng vẫn còn tác dụng bảo vệ đối với các biến chủng mới, đặc biệt vaccine có thể giảm triệu chứng nặng, tỷ lệ nhập viện và nguy cơ tử vong. Tuy nhiên, thông tin này rất thận trọng đối với các nhà khoa học, cần phải nghiên cứu tiếp kỹ hơn, đặc biệt như ở Anh, Mỹ.

Chúc bạn nhiều sức khỏe. Trân trọng!

Nhà em ở quận 2 muốn đi VNVC tiêm mà đang dịch nên lo quá. Bác sĩ cho em hỏi VNVC có phân luồng khách hàng trước khi vào trung tâm hay không, có phải khai báo y tế khi đi tiêm hay không, đi tiêm thời dịch thì cần lưu ý những gì? Mong bác sĩ tư vấn ạ.

Lý Lan, 29 tuổi, TP.HCM

BS.CKI Bạch Thị Chính

Chào bạn. Rất cảm ơn câu hỏi của bạn,

Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo là từ khi Covid-19 xuất hiện, có khoảng 80 triệu trẻ em trên 68 quốc gia đã bị lỡ hẹn tiêm chủng, có những quốc gia phải tạm ngưng dịch vụ tiêm chủng. Trong khi đó, tiêm chủng là vô cùng cần thiết đối với trẻ em và người lớn.

Trẻ em 2-3-4 tháng tuổi đã phải tiêm vaccine phòng bệnh. Cũng có những bé ở lứa tuổi tiền học đường phải tiêm nhắc lại vaccine Việc gián đoạn tiêm chủng có thể khiến các dịch quay trở lại và bùng phát thành dịch. Chính vì vậy, việc bạn quan tâm tới tiêm chủng là vô cùng cần thiết.

Hiện nay, Hệ thống Tiêm chủng của VNVC có khoảng 56 trung tâm trên toàn quốc. Việc triển khai các biện pháp phòng dịch tại các trung tâm đều thực hiện đồng bộ theo chỉ đạo của nhà nước. Cụ thể, khi mới vào trung tâm, khách hàng sẽ thực hiện khai báo y tế, chúng tôi cũng đảm bảo thực hiện quy định về giãn cách, kiểm tra thân nhiệt, phân loại những trường hợp nào cần báo với CDC, trường hợp nào có thể tiêm chủng ngay.

Đặc biệt, hệ thống VNVC có bộ phận tổng đài thực hiện nhiệm vụ tư vấn về quy trình tiêm chủng đảm an toàn theo quy định của Nhà nước. Do đó, bạn cũng hãy an tâm rằng chúng tôi đã thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về vấn đề phòng chống dịch bệnh. Các khách hàng có thể gọi điện tư vấn tới Trung tâm Tiêm chủng VNVC nơi bạn đang sinh sống, tổng đài của chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách di chuyển để đảm bảo an toàn nhất.

Theo như VNVC đã thống kê, chỉ trong 6 tháng đầu năm, số lượng các bé đã đến để thực hiện tiêm chủng đã giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này chính là nguy cơ khiến nhiều bệnh truyền nhiễm quay trở lại, khiến dịch chồng dịch. Nếu chúng ta cứ chờ đợi vaccine Covid-19 hay lo lắng rồi không thực hiện tiêm chủng các vaccine khác có thể khiến dịch bệnh quay trở lại. Khi đó, gánh nặng dịch bệnh cho cả hệ thống y tế sẽ rất nặng nề. Vì vậy, rất mong bạn và những người nghe được thông tin này sẽ đến với VNVC để thực hiện tiêm chủng.

Chúc bạn nhiều sức khỏe. Cảm ơn bạn!

Làm thế nào để biết mình có phản ứng phản vệ khi tiêm vaccine Covid-19 hay không? Có những hướng dẫn cụ thể nào để mọi người tự nhận biết hay không? Những dấu hiệu cho biết mình bị phản ứng phản vệ như thế nào, cần phải làm gì khi bị phản ứng phản vệ thưa bác sĩ?

Anh Hào, 27 tuổi, Nghệ An

BS.CKI Bạch Thị Chính

Chào bạn,

Đầu tiên, không phải chỉ mỗi tiêm vaccine Covid-19 mới có phản ứng phản vệ mà với tất cả các loại vaccine, ngay cả với những loại thức ăn mà chúng ta sử dụng đều có thể bị phản ứng phản vệ. Ngay cả những người không có cơ địa dị ứng, họ vẫn có thể gặp phải tình trạng phản ứng phản vệ.

Chính vì vậy, khi tiêm một loại vaccine nào đó, chúng ta nên thông báo với bác sĩ về tình trạng của mình ví dụ như tình trạng phản ứng độ hai với thành phần trong vaccine hoặc các kháng nguyên khác. Các bác sĩ hay điều dưỡng khi tiêm sẽ có những dặn dò, hướng dẫn bạn rất cụ thể, đặc biệt là trong 30 phút theo dõi sau khi tiêm.

Những bác sĩ của VNVC được hướng dẫn rất cụ thể về việc thực hiện khám sàng lọc kỹ càng để khi bất kỳ người được tiêm chủng nào có những biểu hiện khác thường so với lúc trước khi tiêm đều sẽ đánh giá được và phát hiện được ngay.

Những dấu hiệu bất thường sau khi tiêm có thể là dấu hiệu ở da niêm (nổi mề đay, ngứa...), hô hấp (khó thở), ngất xỉu, đau quặn bụng... Những phản ứng phản vệ xuất hiện sớm thường rất nặng. Nhưng nếu chúng ta phát hiện sớm và xử trí kịp thời ngay khi nhận thấy những triệu chứng ban đầu sẽ giúp cho người được tiêm qua khỏi giai đoạn nguy kịch.

Vì vậy, chúng ta cũng không nên lo lắng nhiều quá vì dù có tiền sử dị ứng hay không, phản ứng phản vệ là một phản ứng rất thường gặp, có thể xảy ra với bất kỳ ai.

Chúc bạn nhiều sức khỏe. Trân trọng!

Tôi đọc một thông báo từ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh triển khai xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp sinh học phân tử Realtime-PCR để khẳng định Covi-19. Bác sĩ Khanh có thể cho tôi biết phương pháp Realtime-PCR khác gì so với test nhanh? Nếu tôi mong muốn xét nghiệm Covid-19 phải lựa chọn phương pháp nào?

Khánh Anh, 25 tuổi, Hà Nội

Bác sĩ Trương Hữu Khanh

Chào bạn,

Để xét nghiệm Covid-19 thì có rất nhiều loại, có loại Realtime-PCR, có loại kiểm tra nhanh tìm kháng nguyên, kiểm tra nhanh tìm kháng thể và lấy máu. Kiểm tra nhanh có kết quả nhanh trong vòng 15-30 phút, còn xét nghiệm PCR thì phải chờ thời gian lâu hơn. Test Realtime-PCR được đánh giá là loại test gần như là chính xác nhất hiện nay. Muốn xét nghiệm Realtime-PCR đòi hỏi phòng xét nghiệm phải đủ chuẩn, nếu một cơ sở có test nhanh và kèm luôn Realtime-PCR thì sẽ rất an toàn. Nếu gấp thì có thể làm test nhanh, sau đó có thể làm thêm Realtime-PCR. Tôi biết hiện nay có một nhu cầu rất lớn, là muốn đi xét nghiệm nhưng không biết đi đâu, chúng ta nên tìm hiểu xem nơi nào có khả năng xét nghiệm khi mình có triệu chứng nghi ngờ thì đến đó làm sẽ an toàn hơn.

Chúc bạn nhiều sức khỏe. Trân trọng!

Tôi là nữ 47 tuổi, thường xuyên dị ứng với các loại kháng sinh, kháng viêm. Tôi nổi mề đay, ngứa toàn thân và tê cứng môi. Tôi có tiêm vaccine Covid-19 được hay không?

Nguyễn Thị Hoa, 47 tuổi, Bình Dương

BS.CKI Bạch Thị Chính

Chào bạn,

Xin cảm ơn câu hỏi của bạn. Đối với các trường hợp dị ứng dị ứng nặng như trường hợp của bạn, theo khuyến cáo của Bộ Y tế bạn nên tiêm chủng ở các bệnh viện để có thể đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình. Đối với những trường hợp dị ứng nhẹ hơn có thể tiêm chủng ở các cơ sở ngoài bệnh viện như VNVC.

Chúc bạn nhiều sức khỏe. Trân trọng!

Trong nhà em đang có một cuộc tranh luận, hai phe rất rõ ràng, em muốn đưa con đi tiêm chủng cho đúng lịch nhưng nhà em lại có ý kiến cho rằng không nên đi tiêm lúc này vì lo sợ bị lây Covid-19. Bác sĩ Khanh có thể cho em ý kiến về vấn đề này không ạ?

Bình An, 33 tuổi, Kiên Giang

Bác sĩ Trương Hữu Khanh

Chào bạn,

Đây cũng là câu hỏi của khá nhiều người. Chúng ta cũng biết là trong quy định về giãn cách có nói không ra khỏi nhà khi không cần thiết nhưng tiêm vaccine là cần thiết. Thực ra, khi đi ra đường hoặc tới đâu đó nhưng nếu thực hiện đúng hướng dẫn vẫn có thể đảm bảo an toàn.

Ví dụ như mình đeo khẩu trang, mang mũ che giọt bắn hoặc đi chích ngừa mà có hẹn giờ, chỉ cần ngồi đúng vị trí, không di chuyển tới những khu vực khác.... mình vẫn có thể đảm bảo an toàn được cho bản thân và người thân. Nếu chúng ta không đi tiêm chủng mà tới những khu vực khác nhưng không thực hiện các nguyên tắc phòng dịch vẫn có thể bị bệnh.

Có những thực tế xảy ra trong thời dịch như sau:

Thứ nhất, phụ huynh thấy con mắc bệnh nhưng không mang đi khám. Đến khi bệnh nặng, việc chữa bệnh rất khó khăn. Do đó, nếu cần thì chúng ta nên tới bệnh viện để thực hiện thăm khám kịp thời.

Thứ hai, rất nhiều em bé không được thực hiện chích ngừa đúng lịch. Chúng ta biết 6-9 tháng đầu là những mũi vaccine rất quan trọng, không chỉ ngay tại thời điểm đó mà còn quan trọng với những giai đoạn sau. Với những mũi tiêm cơ bản, chúng ta phải chích ngừa đúng lịch. Nếu bỏ qua giai đoạn đó, khả năng bảo vệ sẽ giảm xuống, trẻ em sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Sau khi hết Covi-19 hoặc khi dịch tạm lắng, trẻ em sẽ hòa nhập lại với cuộc sống, người lớn cũng vậy và có thể mang theo nguồn lây về cho trẻ. Vậy nên, trẻ em phải được hưởng cơ hội chích ngừa nên các bậc phụ huynh cần cố gắng thu xếp thực hiện tiêm chủng cho trẻ. Nếu chúng ta cứ chờ tới khi hết dịch nhưng cũng chưa biết chờ tới khi nào cũng sẽ làm mất cơ hội tiêm chủng cho trẻ.

Chúc bạn nhiều sức khỏe. Trân trọng!

Tôi bị bệnh gan mãn tính, đã uống thuốc điều trị thường xuyên. Tôi được bác sĩ khuyến cáo không nên tiêm vaccine phòng Covid-19 nhưng tôi vẫn muốn được tiêm có được hay không?

Mai Thị Lan, 55 tuổi, TP HCM

BS.CKI Bạch Thị Chính

Chào bạn,

Trong những hướng dẫn về tiêm vaccine Covid-19 cho những đối tượng bị bệnh gan có nói rằng, đối với trường hợp xơ gan mất bù cần thận trọng hoặc hoãn tiêm. Tôi chưa rõ tình trạng bệnh gan của bạn như thế nào. Trong đa số những trường hợp bạn đang điều trị bệnh gan, duy trì ở mức độ ổn định vẫn có thể tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19.

Chúc bạn nhiều sức khỏe. Trân trọng!

Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC đã làm thế nào để ký kết thành công hợp đồng đặt mua 30 triệu liều vaccine phòng Covid-19 trong bối cảnh vaccine đang khan hiếm trên toàn thế giới, rất nhiều nước đang cạnh tranh để có từng liều vaccine?

Tuấn Trần, 30 tuổi, Đà Nẵng

ThS Dược sĩ Vũ Thị Thu Hà

Chào bạn,

Vào quý III/2020, bên cạnh việc phòng chống dịch Covid-19 trên toàn cầu, các quốc gia cũng bắt đầu bước vào cuộc đua tìm kiếm vaccine. Thời điểm này, VNVC với năng lực, uy tín và kinh nghiệm nhiều năm của một Hệ thống tiêm chủng lớn cùng sự trợ giúp của các chuyên gia, lãnh đạo Bộ Y tế đã tiếp cận được với AstraZeneca (Vương quốc Anh).

AstraZeneca là một tập đoàn dược phẩm lớn trên thế giới, trong giai đoạn này họ đang nghiên cứu hợp tác với trường đại học Oxford. Đến tháng 11/2020, khi vaccine này đang ở giai đoạn nghiên cứu từ phase 2 lên phase 3, VNVC đã được sự đồng ý của Bộ Y tế, mạnh dạn đặt cọc hợp đồng mua vaccine Covid-19 của AstraZeneca với số tiền là 30 triệu đô la. Điều này đồng nghĩa với việc nếu vaccine được nghiên cứu thành công, VNVC sẽ là đơn vị được quyền mua vaccine sớm nhất, còn ngược lại sẽ mất trắng khoản tiền này và phải thêm chi phí đầu tư cho các nghiên cứu tiếp theo.

Đây cũng là một quyết định rất rủi ro với một doanh nghiệp như VNVC, số tiền bỏ ra tương đương 700 tỷ đồng. Nhưng nếu như may mắn, vaccine thành công, chúng ta sẽ là quốc gia đầu tiên trong khu vực được tiêm chủng vaccine Covid-19. Ngoài năng lực bảo quản vaccine, VNVC phải chứng minh được năng lực về tổ chức các kế hoạch tiêm chủng cũng như năng lực về mặt tài chính dựa trên kinh nghiệm, uy tín của VNVC đối với các hãng vaccine.

AstraZeneca đã nhanh chóng có quyết định hỗ trợ cho Việt Nam và VNVC có thể tiếp cận được vaccine COVID-19 sớm và nhanh nhất. Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Nếu còn thêm bất kỳ thắc mắc nào, bạn có thể gọi đến hotline 028 7300 6595 hoặc inbox cho fanpage trungtamtiemchungvnvc để được giải đáp. Cảm ơn bạn.

Vaccine Covid-19 của AstraZeneca có hiệu lực phòng bệnh trong bao lâu? Mũi một và mũi hai có nhất thiết tiêm cùng một loại vaccine hay không thưa bác sĩ?

Mai Ngọc Huyền, 30 tuổi, Bắc Giang

PGS.TS Trần Đắc Phu

Chào bạn,

Hiện nay, để sản xuất một loại vaccine, các nhà khoa học phải mất 4-5 năm, thậm chí có những loại vaccine phải mất đến 10 năm mới ra đời và có những bệnh đến hiện tại vẫn chưa có vaccine phòng ngừa. Ví dụ HIV/AIDS rất nhiều năm mà vẫn chưa có vaccine phòng ngừa hoặc là vaccine sốt xuất huyết chẳng hạn. Sau khi sản xuất vaccine sốt xuất huyết lại phải ngừng, không tiếp tục tiêm được bởi vì tính an toàn của vaccine.

Vaccine Covid-19 sản xuất chưa đầy một năm đã ra đời và triển khai tiêm chủng cho người dân trên thế giới. Chính vì vậy, tất cả vaccine Covid-19 đã đưa vào sử dụng đều được cấp phép khẩn cấp và một số đánh giá có thể chưa theo dõi được hết vì còn những hạn chế về thời gian.

Bình thường, một vaccine sau khi tiêm xong sau khoảng 14 ngày sẽ sản sinh ra kháng thể bảo vệ cơ thể và sau khi tiêm vaccine mũi 2 đối với những vaccine tiêm 2 mũi sẽ có miễn dịch mạnh mẽ, đầy đủ hơn.

Còn vấn đề hiện nay vaccine kéo dài miễn dịch trong bao nhiêu lâu, bảo vệ bao lâu... thì thực tế chưa có được báo cáo rõ ràng. Vaccine Covid-19 phòng ngừa được nguy cơ lây nhiễm bao nhiêu thì cũng chưa có được những báo cáo rõ ràng, tùy thuộc vào từng loại vaccine khác nhau.

Có những loại vaccine báo cáo 60-70% hiệu quả, có loại vaccine báo cáo 80-90% hiệu quả. Điều quan trọng, các nhà khoa học đã khẳng định chắc chắn rằng, tiêm vaccine Covid-19 giảm được triệu chứng nặng, nguy cơ nhập viện và tử vong của những người mắc Covid-19.

Theo nguyên tắc, đối với loại vaccine Covid-19 tiêm 2 mũi thì nên tiêm cùng một loại. Các bạn tiêm mũi một sau thời gian khuyến cáo sẽ tiếp tục tiêm mũi vaccine thứ hai. Ví dụ, sau khi bạn tiêm mũi một của vaccine AstraZeneca, bạn ra nước ngoài không tiêm vaccine AstraZeneca nữa mà tiêm một loại vaccine khác (chẳng hạn Pfizer) thì các bạn nên tiêm hai mũi Pfizer theo quy định được khuyến cáo.

Ung thư vú giai đoạn 2 nhưng không phải vô thuốc hóa trị, xạ trị và đã uống thuốc được 5 năm thì có được phép chích ngừa Covid-19 hay không?

Lan Hương, 37 tuổi, Bình Dương

BS.CKI Bạch Thị Chính

Chào bạn,

Trước đây, theo hướng dẫn Bộ Y tế, ung thư thuộc về trường hợp hoãn tiêm vaccine Covid-19. Tuy nhiên, theo hướng dẫn mới nhất từ Bộ Y tế, chỉ hoãn tiêm vaccine trong trường hợp ung thư giai đoạn cuối. Trường hợp của bạn đã điều trị bệnh ở giai đoạn ổn định vẫn có thể tiêm vaccine phòng Covid-19 bình thường.

Theo hướng dẫn tiêm phòng vaccine Covid-19, chúng ta cũng có thể thấy rằng, đối với những trường hợp điều trị ung thư bằng phương pháp xạ trị, hóa trị chỉ cần hoãn tiêm 14 ngày sau đó là có thể tiêm vaccine Covid-19 bình thường.

Chúc bạn nhiều sức khỏe. Trân trọng!

VNVC có chương trình khuyến mãi cho khách hàng trong thời dịch không?

Nguyễn Ngọc Loan, 32 tuổi, TP HCM

ThS Dược sĩ Vũ Thị Thu Hà

Chào Anh/Chị,

Trong mùa dịch này tâm lý của người dân thường lo ngại đưa con hoặc tự mình đến tiêm chủng, tuy nhiên tại VNVC, ngoài công tác đảm bảo phòng chống dịch bệnh theo đúng quy định của Bộ Y tế thì VNVC cũng có những động thái để có thể hỗ trợ cho người dân trong mùa dịch này, ví dụ VNVC đã có chương trình hỗ trợ trả góp cho gói vaccine, ưu đãi 5% gói vaccine, chúng tôi mong muốn hỗ trợ cho người dân trong vấn đề thanh toán cũng như chia lẻ chi phí thanh toán cho người dân giảm gánh nặng tài chính, chúng tôi hy vọng rằng có thể hỗ trợ cho người dân phần nào để giúp người dân tiếp cận với vaccine đúng lịch đủ liều để bảo vệ cho con em mình bằng vaccine, tránh sự trì hoãn trong tiêm chủng.

Cảm ơn câu hỏi của Anh/Chị. Trân trọng!

Em bị bệnh lao phổi năm 15 tuổi đã chữa trị. Hiện em đã 33 tuổi, không bị tái phát lại, thì có thể tiêm vaccine phòng Covid-19 được hay không?

Quốc Phong, 33 tuổi, Bình Phước

BS.CKI Bạch Thị Chính

Chào bạn,

Trường hợp của bạn hiện bệnh đã khỏi, có nghĩa rằng bạn cũng giống như những người khác, có thể tiêm vaccine phòng Covid-19 để có thể bảo vệ bản thân và cộng đồng. Bệnh từ quá khứ của bạn không còn là một vấn đề mà chúng ta cần phải quan tâm nên bạn có thể an tâm. Nếu bạn thuộc đối tượng được Nhà Nước cho phép tiêm chủng trong những đợt tiêm như thế này thì nên đến các cơ sở y tế hoặc những địa điểm được chỉ định để tiêm phòng.

Chúc bạn sức khỏe.

Nếu người đã bị nhiễm Covid-19 nhưng không phát hiện mà vẫn tiếp tục đi tiêm vaccine Covid-19 thì có bị sao không ạ?

Mỹ Anh, 25 tuổi, TP HCM

Bác sĩ Trương Hữu Khanh

Chào bạn,

Thực tế, khi đã mắc Covid-19 mà lỡ có tiêm vaccine phòng bệnh cũng không bị sao cả. Có nhiều quan niệm sai lầm rằng tiêm vaccine phòng bệnh là đưa virus vào cơ thể nhưng thực tế không phải vậy. Trong vaccine chỉ chứa một đoạn rất nhỏ gen của virus để kích thích cơ thể tạo nên kháng thể phòng bệnh, nên tiêm vaccine không khiến bản thân người đó nhiễm virus. Thậm chí, ở nước ngoài, sau 6 tháng mắc Covid-19, người ta khuyên nên tiêm thêm một mũi vaccine để tăng khả năng bảo vệ của cơ thể, giúp hiệu quả bảo vệ được kéo dài hơn.

Chúc bạn nhiều sức khỏe. Trân trọng!