Lúc còn nhỏ, tôi hay bị dị ứng nổi mề đay, nhưng 20 năm trở lại đây không bị dị ứng nữa. Tôi cũng đã từng mổ đẻ và sức khỏe bình thường. Tôi có tiêm vaccine phòng Covid-19 được không? Cám ơn bác sĩ.
Chào bạn,
Trường hợp của bạn có thể tiêm được vaccine Covid-19, vì có tiền sử dị ứng không đồng nghĩa với việc bạn sẽ bị dị ứng với vaccine Covid-19. Theo báo cáo ở Mỹ, tần suất phản vệ là 1/100.000 liều vaccine được tiêm và 80% những người bị phản vệ có tiền sử bị dị ứng. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bạn nên tiêm ở những cơ sở có khả năng cấp cứu nếu không may xảy ra trường hợp phản vệ thì cấp cứu kịp thời. Chúc bạn sức khỏe.
Tôi được biết VNVC đã đầu tư hệ thống kho lạnh âm sâu đến từ -86 đến -40 độ C. Năng lực bảo quản các loại vaccine cần bảo quản âm sâu tại VNVC hiện nay được bao nhiêu liều? Quy trình sử dụng vaccine đặc biệt này là gì? Làm thế nào để vận chuyển các loại vaccine này đến các điểm tiêm an ...
Chào bạn,
Chúng tôi khẳng định rằng vaccine là "chìa khóa", là lời giải cho bài toán phòng, chống dịch bệnh hiện nay. Do đó, không chần chừ, VNVC ngay lập tức đã tìm hiểu các kiến thức tiên tiến trên thế giới về phương pháp bảo quản vaccine âm sâu. VNVC nhanh chóng đầu tư hệ thống kho lạnh âm sâu đầu tiên tại Việt Nam dùng riêng cho việc bảo quản các loại vaccine Covid-19 và các loại vaccine khác, đòi hỏi điều kiện bảo quản đặc biệt. Số lượng có thể bảo quản trong cùng một thời điểm có thể lên đến 3 triệu liều vaccine cần bảo quản âm sâu.
Kho lạnh âm sâu này đã được thẩm định bởi Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, sẵn sàng cho việc nhập khẩu và bảo quản vaccine đòi hỏi điều kiện bảo quản khắc nghiệt. Đối với quy trình bảo quản vaccine đặc biệt này, chúng tôi cũng đã xây dựng những kế hoạch cho việc tổ chức tiêm chủng, cũng như là kế hoạch vận chuyển vaccine và tiêm chủng cho người dân nếu như được cho phép, với một kế hoạch tỉ mỉ.
Ngoài ra, VNVC cũng đã mở rộng Hệ thống tiêm chủng với mong muốn giúp người dân có thể tiếp cận được vaccine phòng Covid-19 một cách nhanh nhất. Chúng tôi cũng đã mở rộng thêm quy mô nhân sự, nâng cấp hệ thống phần mềm quản lý để có thể cùng lúc phục vụ tiêm chủng vaccine cho nhiều người.
Cảm ơn câu hỏi của bạn, chúc bạn nhiều sức khoẻ, trân trọng!
Em chuẩn bị làm IVF, cần tiêm vaccine trước bao lâu mới thực hiện được IVF? Nếu đã có thai có tiêm được vaccine không? Nếu được thì cần phải thực hiện những xét nghiệm gì trước khi tiêm để tránh sốc phản vệ với vaccine? Em xin cảm ơn!
Chào chị,
Hiện tại chưa có khuyến cáo của nhà sản xuất về các trường hợp tiêm vaccine cần khoảng cách bao lâu trước khi mang thai. Để vaccine đạt hiệu quả tốt nhất và sinh miễn dịch,chị nên hoãn thành 2 mũi vaccine Covid-19 ít nhất 1 tháng trước khi thực hiện IVF.
Hiện nay, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, chúng ta sẽ hoãn tiêm đối phụ nữ đang mang thai. Quy định hiện nay không khuyến cáo làm xét nghiệm dị ứng trước khi tiêm vaccine để tránh sốc phản vệ. Người được tiêm cần phải theo dõi tại cơ sở y tế ít nhất 30 phút và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 7 ngày, nếu có các dấu hiệu của phản vệ, chị cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất được xử trí kịp thời.
Cảm ơn câu hỏi của chị. Chúc chị nhiều sức khỏe.
Bố mẹ cháu đều có bệnh nền. Bố cháu đang điều trị ung thư đại tràng giai đoạn bốn, mẹ cháu bị cao huyết áp. Cả hai người đều có tiền sử sốc phản vệ thì tiêm vaccine Covid-19 có an toàn không? Nếu tiêm nên chọn loại nào ạ? Cháu cảm ơn.
Chào chị,
Trong trường hợp bố của chị có bệnh ung thư đại tràng giai đoạn 4 sẽ hoãn tiêm theo hướng dẫn khám sàng lọc cho đối tượng tiêm vaccine Covid-19 của Bộ Y tế. Đối với trường hợp mẹ của chị, có cao huyết áp, nếu đã điều trị ổn định có thể tiêm vaccine. Nhưng do cả hai bác đều có tiền sử sốc phản vệ (tức phản vệ độ II trở lên) rất tiếc là chống chỉ định tiêm chủng vaccine Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Cảm ơn câu hỏi của chị. Chúc gia đình chị sức khỏe. Trân trọng!
Tôi có huyết áp trung bình khoảng 140/90, trước tiêm có ngậm viên thuốc hạ huyết áp, sau đó đo lại thì huyết áp trong mức cho phép và được tiêm vaccine. Sau tiêm 12h, tôi có phản ứng ớn lạnh, sốt 37,4 độ C, khó ngủ đêm đầu tiên, chỗ tiêm hơi đau, sáng hôm sau thì hết hẳn. Huyết áp theo dõi các ...
Chào bạn,
Sau khi tiêm vaccine, bạn gặp tình trạng ớn lạnh nhưng đã tự khỏi. Vấn đề này chúng ta không cần phải lo lắng nữa. Còn về vấn đề huyết áp của bạn, bạn nên đến thăm khám tại các bệnh viện chuyên khoa để được bác sĩ hướng dẫn cụ thể từ việc ăn uống, sinh hoạt và sử dụng thuốc như thế nào là phù hợp với tình trạng huyết áp của bạn.
Cảm ơn câu hỏi của bạn. Trân trọng!
Tôi bị dị ứng với thuốc hạ sốt nên không thể uống mỗi khi sốt. Nếu tôi được tiêm vaccine phòng Covid-19 thì có phải thử phản ứng thuốc hay làm các xét nghiệm gì không? Mong được chuyên gia hồi đáp.
Chào bạn,
Hiện nay, Thông tư 51/BYT về cấp cứu phản vệ không quy định thử phản ứng cho tất cả các loại thuốc trước khi sử dụng và vaccine Covid-19 cũng không có chỉ định thử phản ứng trước tiêm. Bạn không cần xét nghiệm gì trước khi tiêm chủng. Bạn bị dị ứng với thuốc hạ sốt nên đến bệnh viện nơi có điều kiện hồi sức cấp cứu tốt để tiêm.
Cảm ơn câu hỏi của bạn. Trân trọng!
Có nhiều ý kiến cho rằng tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca có thể gây ra tình trạng đông máu, xuất hiện cục máu đông. Vậy chúng ta có cần đi xét nghiệm tình trạng đông máu của cơ thể hay không trước khi tiêm vaccine Covid-19?
Chào bạn,
Nói đến trường hợp đông máu của vaccine Covid-19, thứ nhất về tỷ lệ rất là hiếm, thứ hai chuyện phát hiện tác dụng đông máu không quá khó. Thời gian đầu ở các nước trên thế giới, việc phát hiện các trường hợp đông máu tương đối khó vì chưa có kinh nghiệm, tuy nhiên hiện nay cả thế giới đều có kinh nghiệm trong phát hiện sớm vấn đề đông máu. Ở Việt Nam cũng đã đưa ra những phác đồ cụ thể, thậm chí những nơi như ở mức bệnh viện, điểm tiêm chủng huyện vẫn có thể xử lý được.
Việc xét nghiệm đông máu cho chủng ngừa vaccine Covid-19 hoàn toàn không có giá trị gì vì không có tác dụng cụ thể trong việc giúp cho bác sĩ khám sàng lọc các quyết định trong việc chỉ định tiêm chủng. Cơ chế rối loạn đông máu của một người đang có với cơ chế tạo ra cục máu đông hoàn toàn khác nhau.
Cảm ơn câu hỏi của bạn, nếu còn thêm bất kỳ thắc mắc nào, bạn có thể gọi đến hotline 028 7300 6595 hoặc inbox cho fanpage trungtamtiemchungvnvc. Cảm ơn bạn.
Tôi mắc ung thư vú đã điều trị ổn định được 11 năm, đã hóa trị, xạ trị, không uống thuốc. Sau điều trị ung thư, tiểu cầu luôn ở mức thấp 140-150. Sức khỏe hiện tại tốt. Tôi có chích ngừa Covid-19 được không?
Chào chị,
Trường hợp của chị bị ung thư vú đã điều trị ổn định được 11 năm, sau điều trị ung thư tiểu cầu của chị ở mức 140-150 G/L tức là hơi thấp so với mức bình thường. Nếu chị không có các rối loạn đông máu và bác sĩ khám đánh giá tình trạng sức khỏe ổn định thì chị vẫn được tiêm vaccine Covid- 19.
Tuy nhiên chị phải cung cấp đầy đủ các dữ liệu về bệnh và các chỉ số xét nghiệm cho bác sĩ khám sàng lọc. Bác sĩ sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng cho tiêm vaccine hay không. Chúc chị sức khỏe.
Cảm ơn câu hỏi của chị, nếu còn thêm bất kỳ thắc mắc nào, chị có thể gọi đến hotline 028 7300 6595 hoặc inbox cho fanpage trungtamtiemchungvnvc. Trân trọng!
Mẹ em 56 tuổi, bị bệnh nền Lupus ban đỏ hệ thống 13 năm nay, đang sử dụng thuốc kháng miễn dịch để điều trị, có khám bệnh Lupus định kỳ. Hiện các bộ phận tim gan thận... của mẹ bình thường thì có tiêm vaccine Covid-19 được không ạ? Nếu tiêm cần phải lưu ý gì không ạ? Em cảm ơn!
Chào bạn,
Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh tự miễn ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan trong cơ thể. Bệnh tiến triển từng đợt, xen kẽ với các đợt cấp là các đợt bệnh ổn định. Các thuốc chính yếu vẫn là ức chế miễn dịch, thuốc sinh học... thuốc được dùng dài ngày.
Nếu mẹ bạn đang bị đợt cấp và phải điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch với liều cao thì không được tiêm ngay. Khi điều trị bằng corticoid liều thấp (liều duy trì) vẫn có thể được tiêm. Bác sĩ khám trực tiếp sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại của mẹ bạn để có thể chỉ định tiêm chủng (sẽ cần phối hợp với ý kiến của bác sĩ điều trị). Bạn nên mang các giấy tờ liên quan đến bệnh và điều trị bệnh 3 tháng gần nhất để bác sĩ xem xét.
Bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống, có thể cơ thể sẽ không thể tạo ra đáp ứng miễn dịch hoàn hảo sau tiêm vaccine Covid-19. Cho nên mặc dù đã tiêm phòng vaccine, các bệnh nhân này vẫn nên tuân thủ việc phòng tránh tiếp xúc với môi trường hoặc các cá nhân nhiễm bệnh.
Chúc bạn và mẹ bạn sức khỏe. Trân trọng!
Năm nay, tôi 18 tuổi. Có lần, sau khi tôi tiêm một mũi vaccine, tôi bị sốt cao liên tục hơn 40 độ C. Tôi được nghe kể lại rằng khi đó là 9 tháng tuổi. Nay tôi muốn tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca có được hay không? Xin tư vấn giúp tôi. Xin cảm ơn!
Chào anh,
Anh đã có tiền sử chích ngừa vaccine sởi từ lúc 9 tháng tuổi, cũng đã gần 18 năm. Vấn đề sốt lúc đó là phản ứng tự nhiên, do đó, anh hoàn toàn có thể tiêm ngừa được. Đặc biệt, trong quá trình khám sàng lọc, anh cần phải cung cấp đầy đủ thông tin cho bác sĩ để bác sĩ biết được những trường hợp mà anh từng gặp phải sau khi tiêm chủng như thế nào để có thể hướng dẫn đầy đủ.
Cảm ơn câu hỏi của anh. Trân trọng!
Việt Nam hiện nay đang triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho các đối tượng ưu tiên thưa bác sĩ Chính? Bác sĩ có thể cho biết chúng ta đang sử dụng những loại vaccine nào để phòng Covid-19, vaccine nào đang được sử dụng nhiều nhất, tiêm bao nhiêu mũi, hiệu quả phòng bệnh như thế nào ạ?
Chào bạn,
Như chúng ta được biết, VNVC với năng lực của mình cùng sự trợ giúp của các chuyên gia, lãnh đạo Bộ Y tế đã mang về hợp đồng 30 triệu liều vaccine Covid-19 AstraZeneca quý giá cho Việt Nam.
Bên cạnh đó, chương trình Covax cũng đã hỗ trợ rất nhiều cho chương trình tiêm chủng của chúng ta. Hiện nay, những vaccine đang được sử dụng cho đối tượng ưu tiên theo Nghị định 21 của Chính phủ là vaccine của công ty AstraZeneca. Vaccine này đã được Tổ chức Y tế thế giới phê duyệt sử dụng khẩn cấp khi tình hình dịch bệnh đang có nhiều diễn biến phức tạp và Bộ Y tế nước ta cũng cho phép lưu hành.
Phác đồ tiêm của vaccine AstraZeneca gồm 2 liều (mỗi liều là 0,5 ml), khoảng cách giữa liều vaccine 4-12 tuần tùy theo tình hình cung ứng vaccine hiện nay. Khan hiếm vaccine Covid-19 đang là vấn đề của toàn cầu. Việc đưa vaccine về Việt Nam sẽ tuân theo chủ trương của nhà nước và phải thực hiện quy định mà Chính phủ đề ra. Những đối tượng được ưu tiên là lực lượng tuyến đầu chống dịch gồm các bác sĩ, nhân viên y tế, người dân đang sống trong vùng dịch.
Nếu còn thêm bất kỳ thắc mắc nào, bạn có thể gọi đến hotline 028 7300 6595 hoặc inbox cho fanpage trungtamtiemchungvnvc.
Cảm ơn bạn. Chúc bạn nhiều sức khỏe!
Dị ứng dạng gì thì không nên tiêm vaccine Covid-19? Ví dụ người bị dị ứng từ nhỏ với một chất nào đó như tôm, phấn hoa, tỏi ... mà khi tiếp xúc, sử dụng các chất đó thì nhịp tiêm đập nhanh. Trường hợp như vậy tiêm vaccine có sao không?
Chào bạn,
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bạn thuộc nhóm đối tượng phải cẩn trọng khi tiêm vaccine do đó bạn cần phải tiêm chủng tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu.
Người có dị ứng khiến nhịp tim đập nhanh có nguy cơ phản vệ (sốc) cao hơn những người khác nên việc tiêm tại các cơ sở có khả năng cấp cứu tốt như các bệnh viện là phù hợp nhất. Tuy nhiên, không phải tất cả những người có tiền sử dị ứng sẽ phản vệ với vaccine.
Điều quan trọng là bạn cần phải biết các triệu chứng phản vệ sớm để thông báo hoặc đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời. Vì vậy, khi khám sàng lọc trước tiêm, bạn cần thông báo với bác sĩ về tình trạng dị ứng của bạn cũng như các triệu chứng mà bạn gặp phải để bác sĩ có thể quyết định chỉ định tiêm chủng và tư vấn cho bạn.
Chúc bạn sức khỏe. Cảm ơn bạn!
Tôi bị hẹp van tim đã được nong năm 2020, tôi có thể tiêm vaccine phòng Covid-19 hay không và có lưu ý nào không?
Chào chị,
Đối với tình trạng hẹp van tim của chị, nếu đã được điều trị ổn định chị hoàn toàn có thể tiêm được vaccine Covid-19, cũng như các vaccine khác. Sau tiêm, chị có thể gặp những phản ứng phụ sau tiêm như đau, đỏ tại vết tiêm hoặc những triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, sốt, đau xương khớp, đau cơ...
Các dấu hiệu này cần tiếp tục theo dõi và có thể sẽ tự khỏi trong vòng từ 2-3 ngày. Điều quan trọng chúng ta cần biết được những dấu hiệu phản vệ sớm để đến cơ sở y tế xử lý kịp thời.
Cảm ơn câu hỏi của chị. Chúc chị sức khỏe.
Xin Phó giáo sư Trần Đắc Phu cho biết vaccine Covid-19 AstraZeneca nên tiêm cho đối tượng nào? Giữa người cao tuổi và người trẻ tuổi đối tượng nào tiêm vaccine sẽ an toàn hơn?
Chào bạn,
Vaccine phòng Covid-19 AstraZeneca được chỉ định tiêm tại Việt Nam cho người từ 18 tuổi trở lên và không có giới hạn trên. Sở dĩ độ tuổi được quy định như vậy là do tình hình cần cung cấp vaccine khẩn cấp, các nhà sản xuất vaccine chỉ đánh giá thử nghiệm lâm sàng đối với các đối tượng trên 18 tuổi. Vaccine nào khi đưa vào sử dụng cũng sẽ được đánh giá về độ an toàn và hiệu quả cả, theo công bố của nhà sản xuất, vaccine AstraZeneca có hiệu quả lên đến 89%, tuy khu vực báo cáo hiệu quả thấp hơn hoặc cao hơn con số này.
Về độ an toàn, có một số trường hợp gặp phản ứng sau tiêm từ nhẹ đến nặng, cũng có người không gặp vấn đề gì. Hiệu quả vaccine cũng tương tự, những người đáp ứng tốt sẽ có được miễn dịch cao, tuy nhiên nhà sản xuất vaccine đã báo cáo hiệu quả mà vaccine này mang lại là trên 70% và vaccine cũng được WHO tiền thẩm định, đưa vào COVAX Facility, hội Dược Châu Âu công nhận. Cảm ơn câu hỏi của bạn.
Chúc bạn nhiều sức khỏe. Trân trọng!
Hiện nay tình hình dịch bệnh tại TP HCM như thế nào thưa bác sĩ Trương Hữu Khanh? Chúng ta có thể nghĩ rằng đã đạt đỉnh trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 này chưa và nếu chưa thì diễn biến sẽ đi đến đâu ạ?
Chào bạn,
Chưa thể khẳng định rằng hiện tại dịch bệnh đã đạt đỉnh hay chưa, theo tôi các ca bệnh sẽ còn tăng nữa bởi vì dân số TP HCM rất đông, các ca bệnh dàn trải khắp nơi, vẫn còn nhiều ca cần truy vết trong cộng đồng.
Báo chí đã đưa tin TP HCM đạt kỷ lục số ca nhiễm với hơn 600 ca. Với tôi, con số này không cần chú ý bằng số ca cần phải truy vết, vì đây mới là con số quan trọng nếu như không còn ca nào cần truy vết nguồn lây nữa thì tình hình mới ổn định.
Với tình hình hiện nay, nếu người dân thụ động cứ ngồi chờ hết dịch mà không hợp tác chống dịch thì không có lý do nào để mong chờ dịch bệnh sớm kết thúc cả. Đối với đại dịch này, nếu để đạt được miễn dịch tự nhiên còn phải chờ rất lâu, cònviệc có thể ngừng được sớm hay không còn tùy vào ý thức của mỗi người, đặc biệt là độ bao phủ vaccine nhanh hay chậm. Chúng ta phải cùng làm nếu không số ca bệnh tại TP HCM còn tăng nhiều hơn nữa.
Nếu còn thêm bất kỳ thắc mắc nào, bạn có thể gọi đến hotline 028 7300 6595 hoặc inbox cho fanpage trungtamtiemchungvnvc.
Cảm ơn bạn. Chúc bạn nhiều sức khỏe.
Tôi đang điều trị bệnh hen phế quản và viêm mũi dị ứng. Tôi có thể tiêm vaccine Covid-19 được không? Mong bác sĩ tư vấn.
Chào chị,
Đối với tình trạng hen phế quản, viêm mũi dị ứng, nếu bệnh đã ổn định, chị vẫn có thể tiêm được vaccine Covid-19. Tuy nhiên, những người có cơ địa dị ứng như hen phế quản, viêm da cơ địa, dị ứng thời tiết có thể có nguy cơ phản ứng với vaccine cao hơn những người khác.
Vì vậy, khi khám sàng lọc, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe của chị cũng như có những hướng dẫn phù hợp để chị biết được những triệu chứng sớm của phản vệ như tím tái, khó thở, đau quặn bụng, nôn và buồn nôn. Chị cần phải tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ ở lại cơ sở tiêm chủng ít nhất 30 phút sau tiêm cũng như tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 7 ngày. Nếu như có bất kỳ dấu hiệu nào cũng phản vệ nêu trên, chị hãy liên hệ ngay với nhân viên y tế hoặc cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Chúc chị thật nhiều sức khỏe. Trân trọng!
Cho tôi hỏi bao giờ người dân được tiêm vaccine Covid-19 dịch vụ? Khi đó, những cơ sở tiêm chủng dịch vụ nào sẽ tiêm vaccine cho người dân?
Chào chị,
Hiện tại, Chính phủ và Bộ Y tế vẫn đang triển khai tiêm cho các đối tượng được ưu tiên. Vì vậy, nếu chị thuộc diện được tiêm theo chính sách thì chị có thể đăng ký tại nơi mình sinh sống hoặc nơi mình công tác. Ngoài ra, nếu chị chưa thuộc nhóm đối tương ưu tiên theo Nghị định 21-CP, chị vui lòng chờ hoặc đăng ký nhu cầu của mình qua hệ thống tổng đài VNVC. Ngay khi có thể được đáp ứng và cho phép của Bộ Y tế về cơ chế tiêm dịch vụ, chúng tôi sẽ thông báo và mời khách hàng đến tiêm.
Nếu còn thêm bất kỳ thắc mắc nào, chị có thể gọi đến hotline 028 7300 6595 hoặc inbox cho fanpage trungtamtiemchungvnvc. Trân trọng!
Bác sĩ Bạch Thị Chính đã gặp trường hợp nào thuộc nhóm đối tượng mắc bệnh nền hoặc dị ứng chưa? Những phản ứng sau tiêm thường gặp là gì và xử lý như thế nào ạ?
Chào bạn,
VNVC đã chuẩn bị công tác tiêm chủng vaccine Covid-19 rất bài bản, kỹ lưỡng về kiến thức, kỹ năng cho cán bộ Y tế. Hướng dẫn từng bước cho đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng thực hiện tiêm và theo dõi chặt chẽ đối với các trường hợp đặc biệt như dị ứng, có bệnh lý nền, theo quy định của Bộ Y tế.
Đối với những đối tượng bị phản ứng phản vệ độ 2 trở lên, dị ứng với bất thành phần nào của vaccine mà phải nhập viện cấp cứu thì sẽ chống chỉ định tiêm. Trường hợp người được tiêm có những phản ứng nhẹ sẽ được hội chẩn và tiến hành tiêm chủng.
Tại VNVC ngoài việc cập nhật kiến thức thường xuyên, trung tâm có riêng đội ngũ xử lý các phản ứng không mong muốn sau tiêm, hướng dẫn khách hàng theo dõi 30 phút sau tiêm và sau khi về nhà. Một cơ sở có đầy đủ năng lực tổ chức về hồi sức cấp cứu có thể tiêm cho các đối tượng có bệnh nền hoặc có bệnh nền ổn định như bị cao huyết áp, tiểu đường đã được điều trị vẫn có thể tiêm tại VNVC.
Tôi sẽ tiêm vaccine Covid-19 nên rất lo, cần lắm lời khuyên trước và sau khi tiêm vaccine Covid-19. Tôi cần lưu ý những gì để có thể an tâm đi tiêm.
Chào bạn,
Thông thường, đối với vấn đề tiêm vaccine, người lớn sẽ có tâm lý lo ngại hơn trẻ em, bởi trẻ nhỏ được bố mẹ ẵm đi tiêm nên không phải lo gì nhiều. Tại sao người lớn lo ngại nhiều trước khi tiêm vaccine Covid-19 vì người lớn đọc nhiều thông tin quá và người ta có xu hướng nghe thông tin xấu hơn là thông tin tốt, thành ra lo lắng là có thật.
Thứ hai, hiện tại đã có rất nhiều liều vaccine Covid-19 được tiêm, ở Việt Nam thì vài triệu liều, các nước khác thì vài chục triệu liều. Do vậy, mình phải suy nghĩ theo hướng tích cực.
Thứ ba, trước khi đi chích không cần lưu ý gì đặc biệt, ăn uống, nghỉ ngơi bình thường, không vận động mạnh bởi vì đi nhanh, đi nhiều có thể khiến huyết áp sẽ tăng, huyết áp cao sẽ hoãn tiêm nên sẽ mất đi cơ hội được tiêm vaccine. Có một số người lo quá, uống 2-3 cữ cafe, tim sẽ đập nhanh nên cũng không tiêm được.
Tuy nhiên, đối với người bình thường, trước giờ không cao huyết áp nên đo huyết áp trước khi đi tiêm. Tóm lại, trước khi đi chích ngừa cần phải bình tĩnh. Trong khi chích cần phải lắng nghe rất rõ hướng dẫn của bác sĩ như chờ 30 phút sau tiêm, quan sát những phản ứng gì, thấy điều gì bất thường thì thông báo cho bác sĩ. Thông thường, khi có dấu hiệu tức ngực, khó thở, đau bụng, choáng váng, da nổi mày đay rất là nhanh... cần báo ngay cho bác sĩ để được xử trí. Sau theo dõi 30 phút ở nơi tiêm chủng, người được tiêm chủng có thể đi về bình thường, các bác sĩ cũng sẽ phát cho người tiêm phiếu theo dõi.
Chúng ta nhớ rằng, mỗi người mỗi kiểu "hành" khác, không nhất thiết người khỏe mạnh bị "hành" ít, người nhỏ nhắn yếu ớt "hành" nhiều, điều này không đúng. Suy nghĩ người lớn tuổi có hệ miễn dịch yếu sẽ bị "hành" nhiều cũng sai luôn. Do vậy, người tiêm chủng cũng không nên suy nghĩ sau khi tiêm chủng mình sẽ bị "hành" nhiều hay ít.
Có 4 kiểu "hành" chính sau khi tiêm vaccine gồm: thứ nhất, chích vào thấy vẫn khỏe, không gặp phản ứng gì; thứ hai, chích vào khoảng 12 tiếng sẽ bị mỏi mệt, khó ngủ, nhức đầu, sốt (loại phổ biến nhất); thứ ba, chích xong khoảng 12 tiếng sau sốt cao, lạnh run, uống thuốc hạ sốt và sau đó sẽ hết; thứ 4 gây phiền toái nhất là mắc ói, đi ngoài,... nếu như chịu đựng được có thể ở nhà, nhưng cảm thấy khó chịu quá nên tới bệnh viện. Thông thường, tất cả các phản ứng sẽ chỉ kéo dài trong khoảng 24-36 tiếng hay 48-72 tiếng, chứ không ai kéo dài trên 72 tiếng. Do vậy, trước khi đi tiêm đừng suy nghĩ nhiều quá, thoải mái, tin tưởng thì sẽ ổn.
Đối với Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, đội ngũ bác sĩ khám sàng lọc sẽ tư vấn đầy đủ cho anh chị những trường hợp nào được tiêm tại VNVC, những trường hợp nào chờ đợi hướng dẫn của Bộ Y tế. Chúng tôi phải lắng nghe những phản ứng của cơ thể sau khi chích ngừa, đối với những bất thường đều chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị, cơ sở y tế.
Trong trường hợp phòng phản vệ sau tiêm, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng tại bàn tiêm những thuốc cấp cứu, thiết bị cần thiết để sử dụng ngay, ngoài ra, đội ngũ theo dõi phản ứng sau tiêm thường quy chúng tôi đã thực hiện, hiện nay càng quan sát cẩn thận hơn tất cả những phản ứng để mang lại sự an toàn tối đa cho người được tiêm chủng.
Đồng thời, những lời khuyên của chúng tôi đến với người được tiêm chủng đều là những lời khuyên để đảm bảo tiêm an toàn. Những trường hợp nào cần hoãn tiêm/ thận trọng chúng tôi cũng cung cấp đầy đủ thông tin. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong mỏi tất cả những điều về dịch vụ, tư vấn của bác sĩ với mong muốn cho người được tiêm chủng an toàn nhất. Do vậy, trước khi tiêm chủng mong mọi người cung cấp đầy đủ những thông tin để chúng tôi có thể phục vụ tốt nhất.
Chúc bạn nhiều sức khỏe. Trân trọng!
Em nghe mọi người truyền tai nhau trước và sau khi tiêm vaccine không được ăn trứng. Điều này đúng hay sai? Xin bác sĩ cho ý kiến về vấn đề này.
Chào bạn,
Thứ nhất, đây là quan niệm hoàn toàn sai. Việc ăn trứng không ảnh hưởng gì đến việc tiêm vaccine, vì trong vaccine Covid-19 không có bất cứ thành phần gì liên quan đến trứng.
Chỉ có vaccine cúm mới có mối liên hệ với trứng vì có thành phần được làm từ phôi gà. Mọi người cứ nghĩ virus Covid-19 này giống với chủng virus cảm cúm nhưng thực tế đây là hai loại virus hoàn toàn khác nhau.
Kết luận, trứng không có bất cứ mối liên hệ nào với vaccine phòng Covid-19. Chúng ta có thể ăn trứng bình thường, không cần kiêng cử khi có kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19.
Chúc bạn nhiều sức khỏe. Trân trọng!