VnExpress - Bao tieng Viet nhieu nguoi xem nhat

Thứ sáu, 20/9/2024

Gia đình em 3 người được test nhanh tại nhà ngày 15/08 phát hiện 2 người bị dương tính. Đã báo cho y tế phường và được cho tự theo dõi tại nhà. Bé nhà em 4,5 tuổi, spo2 96, nhịp tim 110 nhiệt độ bình thường, bé khỏe, chơi bình thường, hơi có đàm và ho ít. Cách đây 1 tuần bé có ...

Nguyen Le Xuan, 32 tuổi, 174/32 Trần Xuân Soạn

ThS.BS Lê Phan Kim Thoa

Chào bạn,
Tôi rất cảm thông với lo lắng của bạn về tình trạng của gia đình hiện nay. Thông tin bạn cung cấp không nói rõ 2 người có test nhanh dương tính là những ai? Có bao gồm bé hay không? 2 người dương tính có tiếp xúc gần với bé không?

Hiện tại về mặt an toàn phòng tránh lây nhiễm Covid-19 thì gia đình nên cách ly hoàn toàn những người có test nhanh dương tính, cách ly trong phòng riêng và nên có toilet riêng, ăn uống dùng đồ riêng hoàn toàn, luôn dùng khẩu trang và kính che giọt bắn khi tiếp xúc người chưa mắc bệnh lẫn những người nghi ngờ dương tính trong lúc đợi kết quả PCR và sự hướng dẫn tiếp theo của y tế phường.

Tuy nhiên, nếu cả ba mẹ đều đã nhiễm bệnh, bé chưa mắc bệnh và không có ai khác có thể chăm sóc bé, thì bạn cần phải phòng ngừa lây bệnh cho bé bằng cách mang khẩu trang và kính che giọt bắn nếu có thể mọi lúc, mọi nơi cho cả ba mẹ và bé. Bạn nên theo dõi các triệu chứng bất thường của bé và làm xét nghiệm định kỳ cho bé theo hướng dẫn của y tế địa phương.

Nếu bé đã nhiễm bệnh, với tình trạng của bé thì nồng độ Sp02, nhiệt độ vẫn trong giới hạn bình thường, bé còn ho ít , nếu bé không có các bệnh mãn tính đi kèm thì bạn có thể tiếp tục theo dõi bé tại nhà và dùng các thuốc ho thảo dược an toàn như Prospan, Ho astex để bé dịu cơn ho. Ngoài ra bạn cần theo dõi bé nếu bé sốt, ho ngày càng tăng, thở nhanh bé thở từ 40 lần/ phút trở lên), SpO2 dưới 94%, thở mệt hay bé có các dấu hiệu nặng bất thường khác, bạn có thể liên hệ y tế phường hỗ trợ để bé được điều trị tại các bệnh viện có nhận bệnh nhi nhiễm Covid-19.

Chúc bạn sức khỏe!

Con em 11 tháng nặng hơn 8kg. Bé ăn cơm và thức ăn thô. Uống sữa công thức hoàn toàn theo nhu cầu. Tuy nhiên gần đây thỉnh thoảng bé bị đi ngoài ngày 3-5 lần, cá biệt có hôm 6 lần. Bé vẫn ăn ngủ và chơi bình thường, không khóc quấy. Bác sĩ cho em hỏi là con bị làm sao ạ? ...

thuclinhdhhn, 33 tuổi, TP.HCM

BS.CKI Nguyễn Thị Hạnh Trang

Chào em,

Bé con em 11 tháng, nặng hơn 8 kg và đã ăn được cơm và thức ăn thô là rất giỏi. Theo em mô tả là dạo gần đây bé đi ngoài nhiều lần, bác sĩ muốn hỏi thêm một số thông tin như: Phân của bé màu và mùi như thế nào, tính chất phân có tương tự những lần mọc răng trước đó hay không, chế độ ăn gần đây có gì thay đổi không. Biểu hiện của con em có thể do rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy cấp, viêm ruột, do mọc răng hoặc do những nguyên nhân ít gặp hơn như dị ứng với loại thực phẩm nào đó, ....

Vì bé vẫn chơi và ăn ngủ bình thường nên em có thể cho bé uống thêm men tiêu hóa như Bioflora 100mg hoặc Enterogermina ngày 3 lần, lần 1 gói/ ống trong 3-5 ngày. Em chú ý vệ sinh tay cho bé và cho bé ăn uống kỹ lưỡng. Nếu tình trạng của bé cải thiện, em có thể cho bé uống men tiêu hóa đủ 7 ngày. Nếu bé không cải thiện hoặc có một trong những dấu hiệu sau: sốt, đau bụng, đầy bụng, quấy khóc, tiêu máu, ói ... em đưa bé đi khám ngay.

Chào bác sĩ, bé nhà em 3 tuổi thường xuyên bị nhiệt miệng như vậy bé nhà em bị gì hay thiếu vitamin gì ạ? Mong bác tư vấn giúp em với ạ. Em cảm ơn bác sĩ.

Phạm khánh, 38 tuổi, Quận 12 tphcm

BS.CKI Phạm Ngọc Tường Vy

Chào bạn! Xin cám ơn những thông tin bạn đã chia sẻ về tình trạng của con bạn.
Nhiệt miệng là một bệnh lý hay gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh thường tái lại nhiều lần khiến trẻ đau đớn, quấy khóc, bỏ ăn. Thực chất nhiệt miệng là tình trạng viêm loét niêm mạc miệng do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên: do cọ sát làm tổn thương niêm mạc (ví dụ như đánh răng), do trong quá trình ăn uống trẻ vô tình cắn vào lưỡi hoặc mặt trong má làm tổn thương vùng miệng của trẻ, thiếu các khoáng chất và vitamin như: vitamin C, vitamin B12..; trẻ bị nhiệt vì ăn nhiều đồ nóng.

Trường hợp con bạn 3 tuổi thường xuyên bị nhiệt miệng thì bé có khả năng nằm trong 2 nhóm nguyên nhân trên. Bệnh này không nguy hiểm, có thể tự lành sau một vài tuần nhưng rất dễ tái phát. Sau đây là một số cách bạn có thể làm tại nhà để giảm bớt tình trạng nhiệt miệng của bé:
- Thiết lập thói quen tốt cho bé trong sinh hoạt hàng ngày như nghỉ ngơi có giờ giấc, không để bé thức khuya, cho bé ăn uống đúng giờ và không ăn quá no.
- Cho bé ăn với chế độ ăn phong phú, đa dạng đủ chất. Nên ăn những thức ăn có tính mát có tác dụng giải nhiệt như rau xanh có lá, dưa chuột, cam, trà xanh, cà rốt, lê.
- Giữ vệ sinh răng miệng tốt, hướng dẫn bé đánh răng đúng cách, tránh làm tổn thương niêm mạc miệng.
- Tập cho bé thói quen xúc miệng nước muối ấm hàng ngày để loại bỏ bớt vi khuẩn làm sạch khoang miệng.

Chúc bạn sức khỏe!

Chào bác sĩ, con trai em hiện 2 tuổi, nặng 11kg và cao 85cm, nhưng từ lúc 18 tháng đến nay tần suất bị nhiệt miệng, sưng đỏ nướu (có vài lần bị sốt, nướu nguyên hàm chuyển sang đỏ thẫm) hay xảy ra, ngoài sữa công thức và cháo, em rất hiếm cho bé ăn thức ăn chiên xào ngay cả bánh quy, ...

Đỏ Tóc xoăn, 34 tuổi, HCM

BS.CKI Phạm Ngọc Tường Vy

Chào bạn! Xin cám ơn những thông tin bạn đã chia sẻ về tình trạng của con bạn.
Viêm nướu răng là bệnh khá phổ biến ở trẻ em trong các bệnh về răng miệng. Viêm nướu răng có thể chỉ khu trú ở gai nướu, viền nướu một răng, một nhóm răng hoặc lan tỏa cả một cung hàm hay hai hàm.

Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm nướu ở trẻ, tuy nhiên nguyên nhân phổ biến nhất vẫn là do những mảng bám trên răng. Các mảng bám này có chứa các vi khuẩn bám chắc vào thành răng, khi không được được vệ sinh sẽ sản sinh độc tố gây kích ứng và làm hỏng nướu răng.

Ngoài ra còn 1 số nguyên nhân khác như: viêm nướu do mọc răng, đánh răng không đúng cách, vệ sinh răng miệng không sạch sẽ, trẻ bị nhiệt vì ăn nhiều đồ nóng. Sau đây là một số biện pháp đơn giản bạn có thể làm tại nhà để giúp phòng ngừa tình trạng viêm nướu của bé:
- Cho trẻ đánh răng ngày hai lần (sau khi ăn sáng và trước khi đi ngủ), mỗi lần ít nhất 5 phút, súc miệng bằng nước ấm.
- Sử dụng bàn chải đánh răng có lông mềm, thay bàn chải thường xuyên.
- Cho trẻ sử dụng kem đánh răng có chứa fluor và phù hợp với độ tuổi của bé.
- Hạn chế cho trẻ ăn vặt và những đồ ngọt vào buổi tối trước khi đi ngủ.
- Đưa trẻ đi để kiểm tra răng miệng thường xuyên, ít nhất 2 lần/năm.

Chúc bạn sức khỏe!

Chào Bác sĩ!
Con em được 23 tháng, bé trai cân nặng 11kg ăn uống và chơi bình thường, nhưng khi bé đi đại tiện rất khó đi, phân cứng và to, mỗi lần cháu đi như vậy ngồi rặn thật lâu và khóc không dám đi vì phải rặn, mỗi lần đi xong như vậy đều có máu tươi, xin hỏi bác sĩ ...

Trang Hoàng, 32 tuổi, Gò Vấp, Tp HCM

BS.CKI Đỗ Thị Kiều Oanh

Chào bạn!
Rất chia sẻ với tình trạng con bạn đang gặp phải. Với những dấu hiệu của bé thì khả năng bé bị táo bón là rất cao.
Trong trường hợp trẻ mình có những biểu hiện đau và máu tươi trong phân nguyên nhân của hiện tượng trên là do khi phân trở nên cứng và to sẽ cọ xát với hậu môn tạo thành các vết nứt trên da xung quanh hậu môn, từ đó tạo cảm giác sợ đi cầu do đau mỗi lần đại tiện.

Nhằm cải thiện vấn đề trên ba mẹ nên cung cấp thức ăn đa dạng đặc biệt thêm chất xơ có trong rau củ quả trái cây như rau mồng tơi, rau khoai lang, củ khoai lang,… Cung cấp đủ nước cho trẻ, nên massage bụng cho bé theo chiều kim đồng hồ mỗi ngày làm 3-4 lần giữa các bữa ăn, thường xuyên cho trẻ vận động, mỗi ngày vào một khung giờ nhất định thường là sau bữa ăn cho trẻ ngồi bô để tạo tập thói quen đi cầu.

Nếu sau khi ba mẹ thực hiện những biện pháp trên mà trẻ vẫn không cải thiện, hoặc kèm với những triệu chứng như sốt, nôn ói, đau bụng, chướng bụng, biếng ăn, suy dinh dưỡng,… thì ba mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám. Từ đó đưa ra chẩn đoán chính xác tình trạng của con bạn và có phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Chúc bạn sức khỏe!

Chào Bác sĩ ,
Em có vần đề muốn hỏi , con em được 2 tháng tuổi, bé bú sữa mẹ và sữa bình thêm, nhưng 2 ngày nay bé không bú bình nhưng vẫn bú sữa mẹ bình thường. Vậy thì có sao không bác sĩ? Bé ngủ nằm sấp không nằm ngửa vì do giật mình ngủ không được sâu.
Xin bác ...

Huỳnh Trẩn Phương Thảo, 36 tuổi, 45 Nguyễn Khoái, phường 01, quận 4, TP Hồ Chí Minh

BS.CKI Đỗ Thị Kiều Oanh

Chào bạn!
Rất chia sẻ với tình trạng con bạn đang có. Đa phần các bé đang bú mẹ và bú bình thì sẽ thích bú mẹ hơn vì ti mẹ sẽ mềm mại và dễ chịu hơn, một số bé thích mùi vị sữa mẹ hơn sữa công thức. Vì vậy nếu sữa mẹ không đủ hoặc mẹ vẫn muốn bé bú bình xen kẽ với bú mẹ thì mẹ nên chọn loại núm ti bình mềm mại.

Nếu bạn muốn cho bé bú bình mà vẫn duy trì sữa mẹ thì có thể vắt sữa mẹ cho vào bình. Nếu bạn vắt sữa mẹ cho bé bú qua bình thì nên vắt sữa định kì mỗi 3 tiếng để duy trì lượng sữa mẹ cho bé. Khi cho bé bú bình thì mẹ cũng nên tránh lại gần chỗ bé vì có thể khi thấy mẹ bé sẽ không hợp tác bú bình.

Với tình trạng thích ngủ sấp của trẻ, do việc ngủ sấp vào ban đêm có thể tăng nguy cơ đột tử nên mẹ có thể” huấn luyện” lại cho trẻ việc ngủ ngửa ít nhất đến 1 tuổi bằng cách cho trẻ nằm ngửa từ đầu giấc ngủ, có thể dùng cuốn chăn hoặc gối chặn để hạn chế bé nằm sấp, nhưng trong ngày mẹ có thể cho trẻ nằm sấp chủ động gọi là “tummy time” để giúp cơ cổ và cơ vai của trẻ mạnh mẽ và thúc đẩy các kỹ năng vận động.

Chúc bạn sức khỏe!

Chào bác sĩ, bé trai nhà con được 3 tuổi, bé bị Amidan quá phát, trong năm nay đã bị lần thứ 4 và không có dấu hiệu xẹp nhỏ lại. Lần gần đây nhất là vào tháng 6, bé dùng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bệnh viện liên tục 1 tháng. Tới hôm nay vào giữa tháng 8 là bé có ...

Âu Chí Lân, 27 tuổi, 227 Đội Cung p9 q11

ThS.BS Lê Phan Kim Thoa

Chào bạn,
Amidan là mô bạch huyết nằm 2 bên thành sau họng, có nhiệm vụ là tuyến bảo vệ đầu tiên của hệ thống miễn dịch chống lại vi khuẩn và virus xâm nhập vào miệng của bé. Viêm amidan thường gặp hơn ở trẻ em vì chức năng miễn dịch của amidan hoạt động mạnh nhất trước tuổi dậy thì.

Mặc dù nhiệm vụ của amidan là bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật, có một số trường hợp cần cắt bỏ amidan như:
• Viêm Amidan tái phát từ 6 lần/năm; 5 lần năm/2 năm; 3 lần năm/3 năm.
• Amidan phì đại gây rối loạn nhịp thở, ngừng thở lúc ngủ, ngủ ngáy, khó nuốt, không tăng cân, nói ngọng...
• Viêm Amidan gây biến chứng thấp khớp, viêm vi cầu thận, viêm tai giữa, viêm xoang, abcess quanh amidan...
• Tình trạng viêm amidan mạn hốc mủ, sỏi amidan...

Theo thông tin bạn cung cấp, trong năm nay, bé của bạn bị viêm amidan tái phát 5 lần, có lần phải uống kháng sinh 1 tháng và amidan của bé có tình trạng quá phát; tuy nhiên, việc bé có chỉ định cắt amidan hay chưa còn tùy thuộc vào số lần bé bị viêm amidan được bác sĩ chẩn đoán trong những năm gần đây và mức độ quá phát của amidan. Do đó, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, bạn nên thu xếp đưa bé đến khám tại những bệnh viện có khoa Tai Mũi Họng Nhi để được tư vấn cụ thể hơn. Thân chào bạn!

Em chào bác sĩ!
Em có bé gái nay được 7 tuổi. Bé có vấn đề bệnh như sau :
- Năm bé 3,5 tuổi, trong miệng bé đau có quằn quằn (như triệu chứng lưỡi bản đồ) kèm theo lưỡi có đốm đỏ gây đau và rát khi ăn uống (bị sụt cân nhiều do không ăn uống được). Em có chở cháu ...

Huỳnh Duy Phương, 36 tuổi, 429A, Lê Khắc Xương, Khóm 4, Phường 6, TP. Cà Mau

BS.CKI Phạm Ngọc Tường Vy

Chào bạn!
Với những dấu hiệu mà bạn đã chia sẻ thì bác sĩ nghĩ con bạn đang bị tình trạng lưỡi bản đồ. Rất thông cảm với nỗi lo lắng của bạn. Đây là một bệnh kéo dài và hay tái phát nên thường khiến các bậc phụ huynh lo lắng nhưng sau đây bác sĩ sẽ cung cấp cho bạn 1 số thông tin để bạn hiểu về bệnh hơn.

Viêm lưỡi bản đồ ở trẻ em là một rối loạn lành tính, ảnh hưởng tới bề mặt lưỡi. Ở bệnh viêm lưỡi bản đồ, những vết trên bề mặt lưỡi không có nhú lưỡi và là một khoảng đỏ, nhăn, thường có viền bao quanh. Những tổn thương này khiến lưỡi có hình dạng giống như bản đồ, thường lành lại ở một khu vực và sau đó lại lan sang phần khác của lưỡi. Bệnh còn được gọi là viêm lưỡi di trú lành tính.

Nguyên nhân của lưỡi bản đồ hiện nay vẫn chưa được biết đến do đó không có cách nào để phòng bệnh. Nó là một rối loạn lành tính và không liên quan đến nhiễm trùng hay ung thư. Bệnh viêm lưỡi bản đồ thường bắt đầu bị từ khi còn nhỏ và kéo dài suốt đời.

Bệnh không có phương pháp điều trị triệt để, trong trường hợp trẻ ăn uống bình thường, không đau, không gây khó chịu gì thì không cần điều trị, chỉ cần chú ý thói quen ăn uống và vệ sinh răng miệng để làm giảm bớt tình trạng của bé và tránh bội nhiễm:
- Vệ sinh răng miệng bằng nước muối sinh lý.
- Chú ý các bệnh về răng miệng, thường xuyên lấy cao răng định kỳ 6 tháng/ lần.
- Hạn chế cho bé ăn đồ nóng, kích thích, có nhiều gia vị.
- Tăng cường ăn trái cây, uống sinh tố, ăn đồ nguội lỏng giúp bé đỡ đau và vết thương mau lành.

Nếu bé cảm thấy khó chịu, đau rát nhiều, ăn uống quá ít thì bạn có thể đưa bé đến bệnh viện có khoa Nhi để được thăm khám và cho chỉ định một số thuốc uống hay bôi tại chỗ giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn.

Chúc bạn sức khỏe!

Chào bác sĩ, em đang mang thai con đầu, em tiêm vaccine phòng uốn ván mũi 1 ngày 6/7, chỗ tiêm hẹn 1 tháng sau đi tiêm mũi 2 nhưng đến nay do dịch nên chưa đi tiêm mũi 2 được. Bác sĩ cho em hỏi mũi 2 có thể cách mũi 1 bao nhiêu lâu ạ?

Rosée Nguyễn, 26 tuổi, 342/62c trần thủ độ phú thạnh tân phú

BS.CKI Lê Thị Kim Ngân

Chào em,
Phụ nữ mang thai lần đầu sẽ được tiêm 2 mũi vaccine uốn ván, mũi 2 cách mũi 1 tối thiểu 4 tuần mục đích phòng ngừa uốn ván rốn cho trẻ sơ sinh. Bạn đã tiêm mũi 1 ngày 6/7, nên mũi sau ngày 6/8 có thể đi tiêm bất kỳ lúc nào, em nhé!

Chúc em sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, em có thể gửi câu hỏi về cho chương trình, hoặc liên hệ tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tại Hà Nội: 1800 6858 và tại TP.HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!

Chào bác sĩ,
Cho em hỏi, em đang ở Long Thành, em 39 tuổi, đang mang thai tuần 34. Em chăm sóc thai với bác sĩ Mỹ Nhi nhưng vì dịch em không vào bệnh viện để theo dõi được nên tạm khám tại địa phương. Em có dự định sẽ đăng ký sinh tại Bệnh viện Tâm Anh. Nhưng gần đây khuya em ...

Cao Ngọc Quyên, 39 tuổi, Long Thành, Đồng Nai.

BS.CKI Lê Thị Kim Ngân

Chào bạn,
Vào những tháng cuối thai kỳ, thai phụ thường gặp các cơn gò sinh lý, đau lưng do thay đổi tư thế, đau vùng chậu do dãn cơ và dây chằng... Tuy nhiên các cơn đau này thường là nhẹ và có thể hết khi nghỉ ngơi. Nếu cơn đau của bạn chỉ thoáng qua, tự hết và không kèm dấu hiệu nào khác thì có thể là cơn gò sinh lý. Nếu cơn đau lặp đi lặp lại nhiều lần với tần suất ngày càng nhiều và có thể có kèm ra huyết hoặc ra nước âm đạo, đó có thể là cơn gò chuyển dạ, bạn nên tới bệnh viện để Bác sĩ thăm khám nhé.

Chúc bạn sức khỏe!

Em tiêm vaccine Covid-19 mũi 1 xong 10 ngày sau đó em mất kinh nguyệt. Đi siêu âm thì phát hiện có thai. Như vậy em có để được không và nếu để có bị ảnh hưởng gì sau này không ạ?

Trần Thị Thủy, 36 tuổi, Hà Nam

BS.CKI Nguyễn Hoàng Tùng

Chào bạn! Theo hướng dẫn mới nhất của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ, khuyến nghị nên tiêm phòng vaccine Covid-19 cho phụ nữ trước có thai - trong - sau khi mang thai. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nên tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho thai phụ trên 13 tuần.

Với trường hợp của bạn đã tiêm phòng mũi 1 khi chưa phát hiện mang thai và hiện thai dưới 13 tuần nhưng Bộ Y tế cũng chưa có hướng dẫn đình chỉ thai nên bạn cứ theo dõi thai kỳ chặt chẽ, chưa cần đình chỉ thai vội. Hơn nữa, bạn có thể tạm dừng chưa tiêm mũi 2 vaccine Covid-19 để đợi hướng dẫn mới và theo dõi thai kỳ theo các mốc quan trọng nhằm dự phòng các trường hợp có thể xảy ra, các bác sĩ sẽ tư vấn hướng xử trí kịp thời cho bạn.
Chúc bạn có một thai kỳ khoẻ mạnh và an toàn!

Dạ em chào Bác sĩ.
Con em bé trai được 16 tháng, cháu hay lên cơn ho đờm khi ngủ, làm cháu khó thở. Khi thức thì cháu chơi bình thường không thấy ho. Hiện cháu đang uống thuốc và xông thuốc 3 ngày nay không thấy giảm. Rất mong bác sĩ tư vấn giúp ạ.
Cám ơn bác sĩ. Trân trọng!

Lê Thị Vân, 33 tuổi, 28 đường số 2, phường Tương Bình Hiệp, Thủ dầu một, Bình Dương

BS.CKI Nguyễn Thị Hạnh Trang

Chào em,
Có một số nguyên nhân gây ho khi ngủ như: Bé bị dị ứng, hen suyễn, bệnh lý tai mũi họng, bệnh trào ngược dạ dày thực quản, bé bị dị vật đường thở...

Về vấn đề ho đờm và khó thở của con trai em, bác sĩ cần hỏi thêm một số thông tin như:
● Bé bị tình trạng như vậy mấy ngày rồi?
● Các triệu chứng khác đi kèm: sốt, nôn ói,...
● Lúc khó thở ban đêm bé biểu hiện như thế nào?
● Tính chất của cơn ho, màu sắc đờm.
● Bé đang uống thuốc và xông thuốc gì?

Với tình trạng của bé, mặc dù em đã cho uống thuốc và xông thuốc 3 ngày nhưng chưa giảm, em nên cho bé đi khám để bác sĩ tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời cho bé. Mến chào em!

Bác sĩ ơi, bé nhà em được 7 tuổi, cháu đi khám da liễu được chuẩn đoán là chàm, viêm da cơ địa, cháu uống thuốc một thời gian có đỡ. Nhưng dịch bệnh cháu không đi khám lại được. Thời gian gần đây, cháu có biểu hiện hen, suyễn (ho dai dẳng nhiều tháng liền, kèm theo hắt hơi). Cháu xin bác sĩ ...

Trần Thị Thu Hiền, 38 tuổi, 808/c5 đường 30/4, p11, TP vũng tàu

BS.CKI Nguyễn Thị Hạnh Trang

Chào em,
Về vấn đề chàm da:
● Bé nhà em từng bị chàm (viêm da cơ địa) hiện tại dịch bệnh không đi khám được em nên cho bé tiếp tục thoa kem dưỡng ẩm theo toa bác sĩ da liễu đã kê. Giữ ẩm da trong bệnh viêm da cơ địa (chàm) có vai trò rất quan trọng, sẽ tạo hàng rào bảo vệ da bé, hạn chế việc bé bị bệnh nặng hơn.
● Ngoài ra, em tránh cho bé các yếu tố có thể gây kích ứng da như xà phòng, nên tắm bằng sữa tắm không chứa xà phòng và hương liệu, giữ cơ thể bé luôn thoáng mát, mặc quần áo thấm hút mồ hôi, tắm nước ấm, sau tắm lau nhẹ nhàng bằng khăn cotton và dưỡng ẩm.
● Khi nào da bé bị đỏ, rỉ dịch, bé bị sốt em sẽ liên lạc lại bệnh viện, tùy tình hình bác sĩ sẽ hướng dẫn em tiếp.

Về biểu hiện hen suyễn của bé (ho, hắt hơi...), không biết em bé đã từng được chẩn đoán hen chưa, hiện tại em đã cho bé dùng những thuốc gì. Tình trạng ho dai dẳng nhiều tháng liền trên cơ địa bé bị chàm da cũng có khả năng bé bị hen suyễn; tuy nhiên vẫn có nhiều nguyên nhân khác có thể dẫn tới tình trạng này như viêm mũi xoang, trào ngược dạ dày thực quản, viêm phế quản, giãn phế quản, lao phổi... Vì vậy tốt nhất em cho bé đi khám để có hướng chẩn đoán và theo dõi bé phù hợp.

Nếu bé chỉ bị ho từng đợt kéo dài vài ngày rồi hết, bé vẫn chơi, sinh hoạt bình thường, em có thể cho bé uống tạm siro ho thảo dược một vài ngày. Nếu tình trạng bé cải thiện em có thể theo dõi tại nhà thêm. Chú ý đưa bé đến ngay bệnh viện khi bé có một trong những dấu hiệu sau: khó thở, tím môi, đừ, nặng ngực, đau ngực, sốt ... hoặc ngay khi em cảm thấy bé có dấu hiệu bất thường.

Mến chúc bé và gia đình em khỏe mạnh, an toàn trong mùa dịch này. Mến chào em!

Xin chào các bác sĩ,
Con gái của em năm nay 4 tuổi bé rất hay bị chảy máu cam và mỗi lần chảy rất nhiều máu. Bác sĩ cho em hỏi tình trạng như vậy có ảnh hưởng đến sức khỏe của bé không ạ?
Chân thành cám ơn sự giải đáp từ các bác sĩ.

Phạm thị phương Loan, 32 tuổi, Gian nghĩa đăk nông

BS.CKI Nguyễn Thị Hạnh Trang

Chào bạn!
Chảy máu cam là một vấn đề sức khỏe thường gặp ở trẻ em. Hầu hết chảy máu cam ở trẻ em xảy ra ở phần trước của mũi gần với lổ mũi. Phần mũi này có nhiều mạch máu nhỏ li ti, nên dể bị vở gây chảy máu và thường tái phát Nhóm nguyên nhân thường gặp: chảy máu mũi vô căn chiếm 90%, lành tính và hay tái phát thường xuyên khiến các bậc cha mẹ lo lắng.

Một trong những nguyên nhân gây chảy máu mũi là chấn thương nhẹ do bé ngoáy mũi , dụi mũi, hắt hơi mạnh, ho mạnh. Ngoài ra khi niêm mạc mũi bị viêm, khô do tiếp xúc với môi trường nóng và khô quá lâu hay sử dụng thuốc xịt mũi dạng corticoid kéo dài cũng có thể gây chảy máu mũi. Các nguyên nhân ít gặp có thể gây chảy máu mũi bao gồm: dị vật mũi, polype mũi, dị dạng mạch máu mũi, khối u vòm họng hay bệnh lý huyết học.

Trong tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp và nếu con bạn không có những dấu hiệu nguy hiểm nào khác, bạn có thể xử trí tại nhà giúp máu ngưng chảy. Bạn cho bé ngồi dậy và hơi nghiêng người về phía trước, đùng để bé nằm để ngăn bé nuốt máu vì nuốt máu có thể làm bé bị nôn. Hướng dẫn bé thở ra bằng miệng. Nhẹ nhàng đè lên nơi tiếp giáp giữa phần mềm và phần cứng của cánh mũi trong 5 đến 10 phút.

Ngoài ra bạn cũng có thể chườm lạnh lên sống mũi nhưng không nhét khăn giấy hoặc gạc vào mũi của bé. Nếu máu không ngừng chảy, có thể lặp lại các bước trên một lần nữa. Khi máu ngừng chảy, dặn bé không được xoa, ngoáy hoặc xì mũi trong vòng 2 đến 3 ngày. Về lâu dài, khi điều kiện thuận lợi, để có thể có hướng điều trị cho bé, bạn có thể đưa bé đến khám tại khoa Nhi để bác sỹ thăm khám, làm xét nghiệm nếu cần và xác định nguyên nhân gây chảy máu cam.

Chúc bạn sức khỏe!

Con gái em 21 tháng tuổi, từ khoảng 2 tháng nay xuất hiện tình trạng ho, đêm thở khò khè. Đi khám bác sĩ chẩn đoán viêm họng và viêm tai giữa. Sau điều trị thì hiện tượng khò khè đã mất nhưng bé vẫn còn thi thoảng bị ho. Đêm nằm ngủ giật mình. Viêm tai giữa vẫn chưa dứt, mũi vẫn chảy ...

Hiếu Lê, 31 tuổi, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An

TTƯT.PGS.TS.BS Nguyễn Thị Yến

Chào chị,
Tôi rất hiểu sự lo lắng của chị về tình trạng của cháu vì bệnh đã có hiện tượng kéo dài 2 tháng nay. Con gái chị bị ho, khò khè, đêm ngủ không yên giấc, viêm tai giữa kéo dài và chảy dịch mũi trong, các triệu chứng này giảm đi khi dùng thuốc nhưng sau khi hết thuốc thì bé bị tái trở lại.

Mặc dù chị không cung cấp cho chúng tôi là chị đã dùng thuốc gì, nhưng theo kinh nghiệm của tôi, bé có thể bị viêm mũi dị ứng hoặc viêm VA hoặc bị hen phế quản ở trẻ nhỏ. Để việc điều trị và dự phòng đạt hiệu quả cao theo tôi chị nên cho bé đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh khám để chúng tôi chẩn đoán cho bé và cung cấp biện pháp điều trị và dự phòng vì các bệnh này là những bệnh cần điều trị và dự phòng sớm. Cám ơn chị đã tin tưởng chúng tôi.

Chào bác sĩ. Bác cho em hỏi: bé nhà em được 6 tuổi, thỉnh thoảng có đau nhức bắp chân, đùi hoặc đầu gối vào ban đêm đặc biệt là những ngày thay đổi thời tiết. Em đã cho con đi khám vi lượng một thời gian trước, bé không bị thiếu canxi nhưng thiếu vitamin D, đã uống bổ sung theo liệu trình ...

Thu Nga, 32 tuổi, Hà Nội

TTƯT.PGS.TS.BS Nguyễn Thị Yến

Chào chị,
Chị đã làm rất đúng là đã cho bé đi khám và làm xét nghiệm để biết em bé có hiện tượng thiếu canxi và vitamin D không. Vì trẻ em đang trong độ tuổi lớn nếu đau xương dài và đầu gối vào ban đêm đặc biệt là những ngày thay đổi thời tiết thì bé có thể bị đau xương phát triển do thiếu hoặc rối loạn chuyển hóa canxi.

Tuy nhiên sau liệu trình điều trị bổ sung vitamin D kéo dài 6 tháng mà tình trạng đau chân của bé vẫn chưa hết thì đây không còn là hiện tượng sinh lý bình thường nữa mà có thể gặp trong một số bệnh của xương, khớp. Vì vậy theo tôi chị nên đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh khám lại để chẩn đoán cụ thể và chính xác bệnh lý cho bé. Chúc bé và gia đình khỏe mạnh.

Em đang mang thai 30 tuần, em muốn sinh con xong thì tránh thai bằng phương pháp thắt ống dẫn trứng thì sẽ thực hiện vào thời điểm nào thì hợp lý thưa bác sĩ? Thắt ống dẫn trứng có những tác dụng phụ gì đối với sức khỏe của người phụ nữ không ạ? Hiện BVĐK Tâm Anh có dịch vụ này không ...

Kim Thoa, 36 tuổi, Hà Nam

PGS.TS.BS Lưu Thị Hồng

Cảm ơn em đã tin tưởng gửi câu hỏi cho BVĐK Tâm Anh và tôi cũng chia sẻ với sự lo lắng của em! Vì với người phụ nữ, khi có dấu hiệu mang thai ngoài kế hoạch sẽ rất lo lắng, nhất là trong hoàn cảnh đang đại dịch như thế này hoặc tình hình kinh tế của gia đình không khá giả.
Như thông tin em trao đổi, em muốn tránh thai bằng biện pháp thắt ống dẫn trứng. Tuy nhiên em lại chưa cho tôi biết em có sinh mổ không. Nếu như em sinh mổ, thì trong lần sinh tiếp theo này, bác sĩ sẽ kết hợp luôn giữa việc mổ đẻ và thắt ống dẫn trứng.

Trong trường hợp em sinh thường, việc thực hiện thắt ống dẫn trứng có thể thực hiện ít nhất sau sinh 6 tuần. Hiện tại do dịch bệnh căng thẳng, chúng tôi khuyên em nên giữ sức khoẻ ổn định, có thể 6 tháng sau thực hiện cũng được, và thực hiện bằng phương pháp nội soi.

Tôi cũng giải thích thêm, vì có rất nhiều bạn còn e ngại phương pháp này, lo sợ bị "mất cảm giác" nhưng các bạn hoàn toàn yên tâm, vì nội tiết được sản sinh từ 2 buồng trứng. Chúng ta hình dung là việc thắt ống dẫn trứng là quá trình làm ngăn cản quá trình trứng gặp tinh trùng, để không thụ thai được.

Trong trường hợp sau này nếu muốn có con nữa thì em vẫn có thể đi làm thụ tinh ống nghiệm, vì việc thắt vòi trứng không ảnh hưởng gì đến tử cung hay nội tiết.

ID CLIP 87837_PGS Lưu Thị Hồng
 
 

Con em hiện nay 2 tháng 3 ngày tuổi, các chỉ số xét nghiệm máu cách đây 1 tháng chỉ thiếu máu nhẹ.
Em đang bổ sung vitamin d3 cho bé. Con em bú sữa công thức hoàn toàn vì mẹ bị mất sữa. Giờ e muốn bổ sung dha cho con thì nên cho con uống vào thời gian nào trong ngày để ...

Thanh nga, 25 tuổi, Nghệ an

TTƯT.PGS.TS.BS Nguyễn Thị Yến

Chào chị,
Ở lứa tuổi của bé, chị bổ sung vitamin D3 cho bé là rất đúng. Chị muốn bổ sung DHA cho con vì chị mất sữa nên cháu ăn sữa công thức là cần thiết. DHA là một loại acid béo Omega-3, chiếm đến 15 - 20% thành phần tạo nên não bộ con người. Omega-3 vẫn được biết là chất béo tốt cho mắt, cụ thể DHA cấu tạo nên 50 - 60% võng mạc mắt.

Với trẻ nhỏ, DHA không thể thiếu cho việc cấu tạo hoàn thiện và phát triển chức năng của não bộ và mắt. Bổ sung DHA cho trẻ sơ sinh và trẻ sinh non được khuyến khích vì hai đối tượng này chưa đủ khả năng chuyển hóa tiếp nhận DHA từ thực phẩm hay sữa mẹ.

Nếu trẻ bú mẹ thì trong sữa mẹ đã có đủ hàm lượng DHA cần thiết cho bé. Nếu mẹ không đủ sữa, trẻ uống sữa công thức thì nên chọn loại sữa có bổ sung DHA. Còn nếu sữa công thức không có hoặc có ít DHA thì có thể bổ sung thêm DHA, thuốc này có thể uống vào buổi sáng hoặc buổi tối nhưng tốt nhất là uống trong bữa ăn, vì khi dùng chung với bữa ăn, axit béo Omega-3 được hấp thụ tốt hơn vì chất béo kích thích các enzyme lipase hoạt động, giúp các Omega-3 bị phân hủy và được hấp thụ vào cơ thể. Cảm ơn chị đã gửi câu hỏi về chương trình. Thân mến!

Bé nhà em sinh mổ 3,2kg, mắt bé có tiết rỉ mắt từ lúc đẻ tới giờ gần 4 tháng rồi không đỡ (rỉ ít màu trắng, có tiết nước mắt, không bị đỏ), mặc dù hàng ngày đều được vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý 3-4 lần (có day tuyến lệ). Mong bác sĩ tư vấn cho em ạ!

Thanh Mai, 33 tuổi, Hà Nội

TTƯT.PGS.TS.BS Nguyễn Thị Yến

Chào chị,
Hiện tại, bé đã được 4 tháng rồi mà rỉ mắt không đỡ, rỉ mắt màu trắng, có tiết nước mắt, mắt không đỏ mặc dù chị đã vệ sinh mắt cho bé 3-4 lần/ngày bằng nước muối sinh lý và day tuyến lệ cho bé, trong trường hợp này bé có thể bị tắc lệ đạo. Ngoài cách vệ sinh mắt cho bé thường xuyên và massage cho bé, nếu thấy không hiệu quả thì mẹ nên đưa bé đến bác sĩ khoa mắt để điều trị tắc lệ đạo cho bé bằng cách bơm rửa lệ đạo và dùng kháng sinh tại chỗ. Chúc bé khỏe mạnh!

Chúc bạn sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình, hoặc liên hệ tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tại Hà Nội: 1800 6858 và tại TP.HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!

Con cháu nay 16 tháng, nặng 9,5kg, cao 72cm. Hiện cháu đang bổ sung vitamind3k2mk7 vào buổi sáng. Trưa uống canxi hartus, chiều uống kẽm zinc. Ngoài các bữa ăn chính là cháo với cơm (ba bữa ăn trong ngày) thì cứ hai ngày cháu bổ sung một lần yến sào tự chưng và phomai, sữa chua, hoa quả. Sữa 700ml/ngày.
Bác sĩ cho ...

Thanh nga, 25 tuổi, Nghệ an

TTƯT.PGS.TS.BS Nguyễn Thị Yến

Chào chị!
Bé 16 tháng được ăn 3 bữa ăn chính (mặc dù chị chưa cung cấp chi tiết là mỗi bữa bé ăn bao nhiêu), bé có ăn thêm phô mai, sữa chua, hoa quả và 700 ml sữa/ngày. Như vậy chị đã cung cấp chế độ dinh dưỡng rất phù hợp với tuổi và thể trạng của bé. Tuy nhiên để có thể đánh giá hiệu quả của một chế độ ăn tốt cần phải theo dõi sự phát triển (thông qua sự tăng cân và tăng chiều cao) và khả năng tiêu hóa (thông qua triệu chứng tiêu hóa như trẻ ăn ngon miệng, thích ăn, không nôn, phân bình thường tiêu hóa hết thức ăn nạp vào cơ thể...).

Hiện nay, bé vẫn đang được bổ sung vitaminD3/K2 vào buổi sáng, bé còn đang được uống canxi và kẽm. Vitamin D3 và vitamin K2 là cần thiết và có thể sử dụng cho mọi độ tuổi, tuy nhiên trong những tháng đầu sau sinh bé rất cần vitamin K để dự phòng xuất huyết não ở trẻ sơ sinh.

Đối với trẻ uống sữa mẹ hoàn toàn thì nên bổ sung vitamin cho trẻ từ giai đoạn sơ sinh, mỗi ngày 1 giọt tương đương 400 đơn vị, bổ sung cho đến khi trẻ biết đi và có đi ra ngoài nhiều, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời kết hợp với chế độ ăn đa dạng, đầy đủ dưỡng chất. Theo tôi chị nên chú ý liều lượng Vitamin D3/vitamin K2, canxi và kẽm vì nếu chị bổ sung kéo dài và liều cao thì có khả năng các vi chất này sẽ dư thừa cũng không tốt cho bé. Nếu chị còn băn khoăn về vấn đề này chị nên đưa bé đến gặp các bác sĩ chuyên khoa Nhi để được tư vấn chi tiết hơn.

Chúc bé luôn khỏe mạnh!