VnExpress - Bao tieng Viet nhieu nguoi xem nhat

Chủ nhật, 7/7/2024
Em bị viêm đại tràng sigma đi ngoài phân lỏng, không ra khuôn kèm bệnh trĩ độ 2. Em đã điều trị uống thuốc 3 tháng hiện ngừng uống vẫn còn hiện tượng rối loạn tiêu hoá. Vậy theo bác sĩ hướng điều trị tiếp theo thế nào hiệu quả dứt điểm ạ?
Đinh Vinh, 37 tuổi, Quận 12, TP.HCM

Tôi bị trào ngược dạ dày thực quản không có HP nhưng điều trị cứ bị tái phát. Mới nội soi dạ dày thì hình ảnh cho thấy có "Viêm thực quản trào ngược LA độ A" và "viêm xước phẳng niêm mạc hang vị mức độ vừa". Xin bác sĩ cho biết tại sao lại có vết xước trong hang vị và bột nghệ ...

Trần Văn Phước, 70 tuổi, Quận 4, TP.HCM

ThS.BS.CKII Lê Thanh Quỳnh Ngân

Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh TP HCM

Chào bạn!

Bạn chưa mô tả cụ thể thời gian bị là bao lâu, triệu chứng chính như thế nào, điều trị bao lâu và tái phát về vấn đề gị: cụ thể như tái phát triệu chứng hay nội soi cho thấy trào ngược dạ dày thực quản tái phát. Tuy nhiên, qua lời kể của bạn cho thấy mới đây bạn nội soi tiêu hóa trên ghi nhận có Viêm thực quản trào ngược grade A theo LA, có nghĩa là có một hoặc nhiều vết trợt nhỏ hơn 5mm trên nếp gấp niêm mạc thực quản, đây là tổn thương nhẹ nhất trong 4 phân độ Viêm thực quản trào ngược theo Los Angeles (phân loại này gồm 4 độ là grade A, grade B, grade C và grade D. Viêm thực quản trào ngược thường do một số yếu tố thúc đẩy như chế độ ăn nhiều mỡ, chất béo, rượu, thuốc lá, chất kích thích, ở một số nhóm người có nguy cơ như thừa cân, béo phì, lối sống ít vận động, thói quen nằm ngủ ngay sau ăn. Về nguyên nhân viêm xước dạ dày có thể do nhiễm trùng, do virus, do rượu bía thuốc lá, do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori, do yếu tố căng thẳng tâm lý... Do bạn bi tái phát nhiều lần nên cần tuân thủ chế độ điều trị thích hợp, vì vậy bạn cần đến các cơ sở y tế lớn để được bác sĩ tư vấn và điều trị thích hợp. Về việc sử dụng bột nghệ mật ong thì chú ý đây là bài thuốc có tác dụng hỗ trợt rong dân gian và chưa được chứng minh có hiệu quả chữa lành bệnh trào ngược dạ dày thực quản hay Viêm loét dạ dày.

Về sử dụng nghệ, bạn cần lưu ý: nghệ gồm có 2 loại là nghệ vàng và nghệ đen. Nghệ vàng có tác dụng kháng viêm và chống oxy hóa tốt nên có hiệu quả bổ trợ trong điều trị các bệnh lý liên quan dạ dày. Nghệ đen có tính nóng, hoạt huyết ngược lại không có ích trong trường hợp viêm dạ dày. Đồng thời đây chỉ là thực phẩm hỗ trợ không phải là thuốc, và nếu không hiểu rõ về liều lượng và cách sử dụng nên có thể không đạt được hiệu quả như ý, vì vậy bạn cần được tư vấn ở bác sĩ chuyên khoa nội tiêu hóa và bác sĩ Đông y để việc điều trị đạt hiệu quả tốt hơn.

Trân trọng!

Nhờ các bác sĩ tư vấn giúp tôi cách điều trị dứt điểm rối loạn tiêu hóa. Hơn 6 năm nay tôi thường xuyên đi phân nát hoặc lỏng, rất ít khi phân thành khuôn. Mỗi ngày tôi đi cầu từ 1-2 lần, ăn uống bình thường không bị sụt cân. Hàng ngày vẫn tập thể dục đều khoảng 50 phút. Đã uống bổ sung ...

Vũ Văn Hùng, 51 tuổi, Quận 7, TP.HCM

ThS.BS.CKII Lê Thanh Quỳnh Ngân

Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh TP HCM

Chào bạn!

Triệu chứng rối loạn tiêu hóa của bạn đã kéo dài trên 6 năm, chủ yếu rối loạn đi tiêu và thay đổi tính chất phân. Theo triệu chứng bạn mô tả thì có thể bạn bi hội chứng ruột kích thích hoặc viêm đại tràng mãn tính, Mặc dù không sụt cân nhưng triệu chứng đã kéo dài một thời gian dài nên cần được nội soi đại tràng và một số xét nghiệm sinh hóa máu, ký sinh trùng để chẩn đoán chính xác. Rối loạn tiêu hóa có thể do rất nhiều nguyên nhân như nhiễm trùng, ký sinh trùng, do thức ăn, do sử dụng rượu bia, do yếu tố thần kinh tâm lý, do căng thẳng trong công việc, hoặc do có tổn thương trên niêm mạc ruột (như viêm, loét).

Mặc dù bạn đã uống men vi sinh tuy nhiên đây không phải là phương pháp điều trị triệt để trong trường hợp rối loạn tiêu hóa kéo dài. Cần chú ý phân biệt giữa men vi sinh và men tiêu hóa. Men vi sinh là chế phẩm chứa các vi sinh vật có ích giúp lên men thức ăn và cải thiện sự cân bằng hệ vi khuẩn ruột, do đó một số chủng men vi sinh chứa những vi sinh vật không thường trú trong ruột như bào tử, nấm men thì không nên sử dụng lâu dài. Men tiêu hóa là những enzym do các tuyến trong cơ thể tiết ra để tiêu hóa và hấp thụ thức ăn, vì vậy chỉ sử dụng khi suy chức năng một cơ quan tiêu hóa nào đó của cơ thể. Vì vậy, việc lạm dụng thuốc kéo dài không theo chỉ định của bác sĩ khi chưa được chẩn đoán bệnh rõ ràng có thể có hại đối với cơ thể bạn. Bạn nên đến cơ sở y tế có uy tín để được các bác sĩ kiểm tra và tư vấn chính xác.

Trân trọng!

Tôi ăn rau muống hay đồ cay thường bị ra máu khi đi đại tiện, bác sĩ cho hỏi tội bị bệnh gì, tôi có nên đi tầm soát ung thư hay không?
Nguyễn Văn Duẫn, 38 tuổi, Thị xã Tân Uyên, Bình Dương

ThS.BS.CKII Lê Thanh Quỳnh Ngân

Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh TP HCM

Chào bạn!

Khi ăn thức ăn cay nóng sẽ dễ khiến tiêu ra máu, đó là do chất cay nóng dễ kích thích các tĩnh mạch ở vùng hậu môn trực tràng, có thể làm nặng hơn bệnh trĩ sẵn có, làm tăng cảm giác nóng rát và gây táo bón, chảy máu khi đi tiêu. Rau muống bản chất là chất xơ , theo quan niệm dân gian ăn nhiều có thể làm lồi thịt, tuy nhiên ngược lại do tính chất xơ giúp nhuận trường dễ đi tiêu, tuy nhiên nếu bạn bị tiêu ra máu khi ăn nhiều rau muống thì có thể là do những thức ăn đi kèm rau muống có tính chất cay nóng, nhiều dầu mỡ chất béo hoặc do tiêu chảy, đi tiêu nhiều lần dẫn đến kích thích viêm các tĩnh mạch trực tràng gây tiêu máu. Nếu bạn thường xuyên tiêu máu cần đến các cơ sở y tế lớn để nội soi xác định bệnh để có chẩn đoán và điều trị thích hợp.

Trân trọng!

Từ lúc khỏi Covid-19 đến nay đã được 3 tháng, em ăn no và hay ăn các món khó tiêu hoá, hoặc đói xong ăn no thì cơ thể cảm thấy mệt, tức ngực, khó thở, hơi buồn nôn và đi phân lỏng. Bác sĩ cho em hỏi triệu chứng của em là bị dạ dày hay bị hậu Covid-19 ạ? Cảm ơn bác sĩ.

Tuấn, 34 tuổi, Chau Thanh Tay Ninh

ThS.BS.CKII Lê Thanh Quỳnh Ngân

Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh TP HCM

Chào bạn!

Covid là một loại virus có khả năng bám dính trên bề mặt đường tiêu hóa nhờ vào một thụ thể trên bề mặt đường tiêu hóa là ACE2, sự bám dính này sẽ gây phản ứng viêm và xuất tiết trên niêm mạc dạ dày ruột, khoảng hơn 30% bệnh nhân Covid nhập viên và ngay sau điều trị khỏi sẽ có các triệu chứng tiêu chảy, buồn nôn, nôn, chán ăn, ăn không ngon. Đồng thời những triệu chứng này sẽ nặng hơn nếu trước đó bạn đã có sẵn bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng, khó tiêu chức năng, hội chứng ruột kích thích, tâm lý lo âu căng thẳng. Về một số di chứng khác về hô hấp và thần kinh có thể có bao gồm đau ngực, khó thở, hụt hơi. Các triệu chứng trên đã kéo dài hơn 3 tháng sẽ làm ảnh hưởng chất lượng sống và sức khỏe của bạn, vì vậy bạn cần đến các bệnh viện lớn để thăm khám và chẩn đoán, đồng thời các bác sĩ sẽ tư vấn chế độ điều trị và tập luyện thích hợp.

Thân mến!

Em được chẩn đoán viêm, trào ngược dạ dày phát hiện năm 2012, đã điều trị thời gian dài bằng cả tây và đông y nhưng chỉ ổn chứ không khỏi. Thường xuyên bị tái lại, hay bị chướng bụng, trào ngược, khám và điều trị thì chỉ bớt chứ không hết. Xin hỏi có phương pháp nào điều trị, ăn uống như thế ...

Nguyễn Thị Mỹ Hằng, 28 tuổi, Cái Bè, Tiền Giang

ThS.BS.CKII Lê Thanh Quỳnh Ngân

Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh TP HCM

Chào bạn!

Như vậy, bệnh trào ngược dạ dày thực quản của em đã kéo dài trên 10 năm, và chưa kiểm soát tốt. Tuy nhiên em không mô tả triệu chứng cụ thể của trào ngược là gì, các triệu chứng chính của bệnh trào ngược dạ dày thực quản thường là ợ nóng hoặc ợ chua, có thể kèm thêm triệu chứng đau ngực, khó thở, nuốt vướng, đầy bụng, ăn mau no. Triệu chứng bệnh có thể nhầm lẫn với loét dạ dày tá tràng, khó tiêu chức năng nếu em chưa được nội soi và thăm khám đúng chuyên khoa. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản thường có những yếu tố thúc đẩy như: béo phì, hút thuốc lá, chế độ ăn nhiều dầu mỡ, chất béo, lối sống ít vận động, nằm ngủ ngay sau ăn hoặc căng thẳng, stress. Do có nhiều yếu tố thúc đẩy nên bệnh trào ngược dạ dày khó điều trị khỏi bệnh, việc thay đổi lối sống và tuân thủ điều trị giúp bệnh kiểm soát tốt hơn. Có một số bệnh lý khác hay đi kèm trào ngược dạ dày thực quản như bất thường về giải phẫu chỗ nối dạ dày thực quản hoặc do suy yếu hàng rào chống trào ngược tự nhiên của cơ thể làm cho acid và dịch vị sẽ đi ngược từ dạ dày lên thực quản gây nên những triệu chứng khó chịu.

Trước hết, để giảm triệu chứng khó chịu em cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, tránh ăn no quá hoặc quá đói, giảm cân nếu em đang thừa cân, không ăn buổi tối quá gần giấc ngủ, khi ngủ nên kê đầu cao trên 15 cm, kiêng rượu bia thuốc lá, nước có gas, cữ thức ăn chua cay, bạc hà, sô cô la hoặc thức ăn nhiều dầu mỡ. Bên cạnh đó em cần được nội soi chẩn đoán và làm các xét nghiệm kiểm tra ở các bệnh viện lớn để các bác sĩ sẽ có một phác đồ hợp lý hơn trong kiểm soát triệu chứng bệnh.

Chúc bạn mau khỏe!

Năm nay tôi 36 tuổi. Tôi thường xuyên bị đầy hơi, ợ chua, đi nội soi thì cho kết quả viêm hang vị dạ dày. Tôi có uống thuốc theo chỉ dẫn gần một năm nay không thấy đỡ, nhiều lúc vừa ăn xong đã muốn đi ngoài, nhiều lúc bụng trướng căng lên cứ ợ ra mới thấy dễ chịu và thường xuyên xì ...

Đỗ Văn Nhàn, 35 tuổi, Ninh Bình

BSNT Đào Trần Tiến

Bác sĩ Khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội Thành viên Hội khoa học Tiêu hóa Việt Nam

Chào bạn!

Biểu hiện của bạn có thể do trào ngược dạ dày thực quản, phối hợp với khó tiêu chức năng và hội chứng ruột kích thích . Bạn dùng thuốc gần 1 năm là thời gian tương đối dài để điều trị bệnh. Với bệnh trào ngược dạ dày thực quản, phác đồ chuẩn điều trị trào ngược dạ dày thực quản, thời gian tối thiểu điều trị là 4 tuần, trung bình 3 tháng có thể đến 6 tháng. Vậy bạn điều trị thuốc gần 1 năm không thấy đỡ triệu chứng có thể do biểu hiện của hội chứng ruột kích thích gây ra là chính. Việc điều trị bệnh có hết hẳn không, thời gian điều trị phụ thuộc rất nhiều vào chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ra bệnh, có thể có nhiều bệnh trùng lắp ở một người bệnh nên thường rất khó chẩn đoán. Tốt nhất bạn nên đến khám lại với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để có hướng điều trị phù hợp. Trân trọng!

Tôi bị ợ chưa trên 5 năm. Liên tục uống esomeprasol 20mg 1 viên vào buổi tối và men tiêu hóa. Nếu ngưng thuốc là bị nóng ruột và tiêu chảy. Xin tư vấn chữa trị. Đã nội soi nhiều lần và không bị ung thư. Uống omeprasol liên tục có hại không?có thuốc khác để chữa khỏi bệnh trào ngược để không? Xin cám ...
hoangchuongvn, 63 tuổi, 31/13 Lê Lai, p3, GV

ThS.BS.CKII Lê Thanh Quỳnh Ngân

Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh TP HCM

Chào bạn!

Bạn đã có triệu chứng ợ chua trên 5 năm, tuy nhiên chưa ghi nhận bạn có được khám, nội soi và điều trị gì trước đây không, vì vậy chưa có chẩn đoán chính xác.

Theo mô tả của bạn, ngoài ợ chua bạn còn bị nóng ruột, triệu chứng bạn mô tả phù hợp với bệnh trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày tá tràng hoặc khó tiêu chức năng. Bạn uống liên tục Esomerprazole 20 mg một viên vào buổi tối và men tiêu hóa không phù hợp với triệu chứng hiện tại của bạn, vì vậy có thể không những không điều trị được bệnh mà còn có hại cho bản thân. Vì Esomerprazole là một thuốc thuộc nhóm ức chế tiết acid dạ dày mạnh nhất và có hiệu quả kéo dài nhất hiện nay. Thuốc có hiệu quả nhất khi dùng vào buổi sáng và trước ăn 30 phút để đạt được hiệu quả tối đa. Nếu dùng kéo dài không đúng chỉ định của bác sĩ sẽ gây các triệu chứng bất lợi như đau đầu, tiêu chảy, đau bụng, đầy hơi, và gây một số bệnh lý như viêm gan, viêm thận kẽ do thuốc, viêm teo niêm mạc dạ dày mãn tính, tăng nguy cơ nhiễm trùng, tăng nguy cơ gãy xương. Vì vậy, bạn không nên tự ý sử dụng kéo dài các thuốc trên. Trước hết, bạn cần đến cơ sở y tế có uy tín để được các bác sĩ thăm khám, nội soi tiêu hóa trên, có chẩn đoán chính xác bệnh và từ đó sẽ có chế độ điều trị thích hợp hơn.

Trân trọng!

Em không bị táo bón nhưng em bị trĩ hai năm nay. Gần đây trĩ sưng to và đau, khi nào sưng to quá thì bị chảy máu. Có cách nào trị mà không cần phẫu thuật không? Cám ơn bác sĩ.

Thanh Trúc, 40 tuổi, TP HCM

ThS.BS Nguyễn Văn Hậu

Bác sĩ khoa Hậu môn Trực tràng, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi Tiêu hóa, BVĐK Tâm Anh TP HCM

Chào bạn!

Đối với trường hợp này, bạn vui lòng đến khám với bác sĩ chuyên khoa hậu môn - trực tràng để bác sĩ kiểm tra xem loại trĩ nào (trĩ hỗn hợp hay trĩ nội), có nứt hậu môn, có co thắt hậu môn hay không thì mới có thể tư vấn phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả cho bạn.

Bạn có thể liên hệ đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh qua số 0287 102 6789 để đặt hẹn hoặc tư vấn thêm.

Chúc bạn mau khỏe!

Tôi là nữ văn phòng, 37 tuổi. Sau Tết có thể do ăn uống và ngủ nghỉ không đúng giờ nên tôi thấy thường xuyên đau lâm râm bụng dưới kèm tiêu chảy. Thỉnh thoảng tôi bị đau quặn lên ở phần đại tràng. Phần bụng thỉnh thoảng có cảm giác bị đầy, ăn không thấy ngon. Xin bác sĩ tư vấn cách điều trị ...

Minh Trang, 37 tuổi, Hà Nội

BS.TS Vũ Trường Khanh

Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Chào bạn!

Đối với một người 37 tuổi thì nguy cơ bị bệnh nặng, ác tính không nhiều ví dụ như ung thư đại tràng, nhưng các bệnh chức năng rất hay gặp. Bệnh chức năng thường xuất hiện các triệu chứng như đau bụng, đi ngoài phân lỏng, táo bón. Khi xuất hiện những triệu chứng này, bạn phải lưu ý để điều chỉnh. Đặc biệt là chế độ sinh hoạt thất thường như thiếu ngủ hoặc căng thẳng không ngủ được, làm việc quá sức, lo lắng vì công việc sẽ khiến bệnh trầm trọng hơn. Tuy nhiên, nếu bạn chưa bao giờ soi đại tràng thì cũng nên làm để chắc chắn rằng mình không bị các bệnh nguy hiểm. Nếu soi đại tràng hoàn toàn bình thường thì chúng ta có thể yên tâm để chẩn đoán bệnh chức năng. Còn trước mắt nên điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt, tức là ngủ nghỉ, sinh hoạt điều độ một chút. Cũng có thể ngày Tết chúng ta ăn rất nhiều thức ăn, ăn quá so với bình thường. Nếu triệu chứng giảm rồi thì thôi, còn nếu không thì bạn phải đi khám chuyên khoa để kiểm tra cho chắc chắn, chẩn đoán và điều trị bệnh.

Trân trọng!

Tư vấn tiêu hóa
 
 

Đợt Tết vừa rồi, gia đình tôi đi du lịch nên chế độ ăn khá nhiều chất đạm như tôm, cua, ghẹ, cá... Sau thời gian đi du lịch, tôi thường xuyên bị đau bụng, tiêu chảy, người mệt mỏi, giảm cân, chán ăn. Thỉnh thoảng, tôi thấy đau gần hoặc xung quanh hậu môn. Bác sĩ có thể tư vấn giúp tôi cách chữa ...

Trúc Anh, 41 tuổi, Hà Nội

BS.TS Vũ Trường Khanh

Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Chào bạn!

Thường đối với người ăn quá nhiều chất đạm sẽ gây nên tình trạng thừa, tức là cơ thể không thể tiêu hóa hết sẽ dẫn đến rối loạn hệ vi khuẩn trong ruột. Đó có thể là nguyên nhân gây nên tình trạng đi ngoài phân lỏng. Hoặc cũng có thể trong quá trình đi du lịch, gia đình bạn ăn phải những thực phẩm bị nhiễm khuẩn cũng có thể gây nên triệu chứng. Để hạn chế tình trạng này, đầu tiên gia đình phải cân bằng các chất bổ sung cho cơ thể, giảm ăn các thực phẩm nhiều đạm. Nếu tình trạng không đỡ, cần tới cơ sở y tế có chuyên khoa tiêu hóa để kiểm tra xem có nhiễm khuẩn đường ruột hay không và đồng thời loại trừ các bệnh nguy hiểm. Từ đó, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng của bạn.

Chúc bạn mau khỏe!

Tư vấn tiêu hóa
 
 

Tôi 50 tuổi, khoảng hai năm nay tôi bị rát cổ kinh niên, không sốt, không đàm, không ho, bụng hay bị sôi. Tôi từng nội soi dạ dày không có vi khuẩn HP. Vậy tôi có bị trào ngược dạ dày thực quản không? Nếu bị trào ngược thì có chữa khỏi được không?

Phạm Thị Kim Oanh, 50 tuổi, 23/7, tổ 4, khu phố 2, Thị trấn Hóc Môn, TP HCM

ThS.BS.CKII Lê Thanh Quỳnh Ngân

Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh TP HCM

Chào bạn!

Bạn có triệu chứng rát cổ kinh niên nhưng không mô tả có kèm ho, khàn tiếng, nuốt vướng, nuốt đau hay nuốt nghẹn không và các thói quen ăn uống, hút thuốc, uống rượu bia cũng như chưa đề cập đến việc điều trị trước đây. Tuy nhiên theo mô tả của bạn có thể nghĩ đến bệnh Viêm thực quản trào ngược hoặc viêm thanh quản.Ở người lớn tuổi rát cổ kéo dài cũng có thể là dấu hiệu của một bệnh lý ác tính như ung thư thanh quản, ung thư vòm họng. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản ngoài rát cổ còn biểu hiện ợ chua, ợ hơi, tăng tiết nước bọt, đau bụng, đầy hơi, đau ngực, khó thở... và có đáp ứng điều trị với thuốc ức chế tiết acid. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản thường xuất hiện trên một số cơ đia thuận lợi như nam giới, béo phì, béo bụng, lối sống ít vận động, nằm ngủ ngay sau ăn, thức ăn nhiều chất cay nóng, chất béo, sử dụng rượu bia, thuốc lá hoặc do yếu tố căng thẳng, stress. Vì vậy, rất khó chữa khỏi bệnh trào ngược dạ dày thực quản mà việc điều trị phải kết hợp giữa thay đổi lối sống (gồm có chế độ ăn, tập luyện thể dục. tránh căng thẳng, giảm cân...) phối hợp với chế độ điều trị bằng thuốc tích cực và đảm bảo tuân thủ điều trị. Vì vậy, bạn nên đến khám và tư vấn ở các cơ sở y tế lớn, có uy tín để hiệu quả điều trị được tốt hơn.

Trân trọng!

Tôi năm nay 32 tuổi, đã sinh con thứ hai được gần hai năm. Tình trạng trĩ của tôi tuy không đau, không ngứa nhưng búi trĩ bị sa ra ngoài. Tôi từng uống nhiều loại thuốc nhưng búi trĩ không co lại, lấy tay đẩy búi trĩ lên nhưng lại bị sa xuống. Xin bác sĩ cho biết, tôi có cần phải phẫu thuật ...

Mỹ Nhi, 32 tuổi, Hà Nội

BS.TS Vũ Trường Khanh

Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Chào bạn!

Đối với người mắc búi trĩ sau khi sinh con sau đó hết viêm, hết đau thì có thể tạo thành những búi da thừa, nó luôn luôn ở đó chứ không bị sa ra. Nhưng cũng có trường hợp đó là búi trĩ nội và đang có tình trạng sa ra ngoài chứ không phải trĩ ngoại. Như vậy, với trường hợp trĩ không có triệu chứng thì bạn cần hạn chế các nguyên nhân gây nên trĩ như ngồi nhiều, táo bón. Nếu như tính chất công việc của bạn cần ngồi nhiều thì bạn cần vận động, cứ khoảng hai tiếng đứng dậy đi lại một lần. Bên cạnh đó, chế độ ăn cần bổ sung nhiều chất xơ, ăn uống đủ chất và khoa học để hạn chế táo bón. Nếu triệu chứng vẫn còn thì bạn nên đi kiểm tra tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tiêu hóa. Khi có kết quả chẩn đoán, các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng bệnh của bạn.

Chúc bạn mau khỏe!

Tư vấn tiêu hóa
 
 

Tôi năm nay 32 tuổi, gần đây hay lo lắng, bồn chồn, cồn cào ruột gan, ăn nhanh no và nhanh đói, đi đại tiện thì bị phân sống. Tôi muốn đi khám tiêu hóa thì cần thực hiện những xét nghiệm gì? Mong bác sĩ giải đáp.

Ái Mỹ, 32 tuổi, Lạng Sơn

BS.TS Vũ Trường Khanh

Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Chào bạn!

Dấu hiệu cồn cào khi đói có thể là triệu chứng của bệnh dạ dày nhưng đôi khi chỉ bị bệnh chức năng. Bệnh chức năng tức là khi bạn đi nội soi sẽ không phát hiện tổn thương hoặc chỉ phát hiện viêm, lúc đó bạn cần sử dụng thuốc giảm tiết axit thì tình trạng sẽ thuyên giảm. Tuy nhiên, trường hợp của bạn có biểu hiện lo lắng kèm triệu chứng rối loạn phân. Chính vì vậy, có thể bạn mắc chứng khó tiêu chức năng kết hợp hội chứng ruột kích thích. Ở những người trẻ dưới 40 có nguy cơ bị bệnh ác tính nhưng tỷ lệ này rất thấp. Để hạn chế tình trạng này, việc đầu tiên bạn cần điều chỉnh chế độ ăn, chế độ sinh hoạt. Nếu tình trạng không thuyên giảm, bạn nên tiến hành kiểm tra sức khỏe, thực hiện một số phương pháp chẩn đoán như nội soi dạ dày, đại tràng để loại trừ nguyên nhân không nguy hiểm và điều trị.

Chúc bạn mau khỏi bệnh!

Tư vấn tiêu hóa
 
 

Hay đầy bụng, ợ hơi sau bữa ăn có phải đau dạ dày không ạ? Tôi thấy nhiều người mách ăn tỏi nướng chữa đầy hơi, cách này có tác dụng không bác sĩ? Tôi nên làm gì để cải thiện tình trạng này?

Văn Nam, 29 tuổi, Hà Nội

BS.TS Vũ Trường Khanh

Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Chào bạn!

Đầy bụng sau ăn có thể là triệu chứng của rất nhiều bệnh như: loét dạ dày, loét hành tá tràng, khó tiêu chức năng... Vậy để hạn chế tình trạng này thì đầu tiên bạn cần điều chỉnh chế độ ăn và chế độ sinh hoạt. Hạn chế sử dụng thực phẩm cay, chua; ngủ đủ giấc, sinh hoạt khoa học. Nếu bạn đã thay đổi nhưng tình trạng vẫn còn thì bạn nên đi khám chuyên sâu để có chỉ định chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Chúc bạn mau khỏe!

Tư vấn tiêu hóa
 
 

Gần đây em hay bị ợ hơi, đau bụng phần trên và nóng rát cổ họng, nôn trớ nếu ăn quá no. Vậy có phải là triệu chứng của bệnh đau dạ dày không? Em có thể kiểm tra dạ dày bằng phương pháp nào?

Minh Quân, 36 tuổi, Hà Nội

BS.TS Vũ Trường Khanh

Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Chào em!

Triệu chứng sau khi ăn mà đầy bụng, đặc biệt là ăn nhiều mà ợ nóng lên tận cổ thường là biểu hiện của trào ngược dạ dày thực quản. Tức là khi thức ăn ở trong dạ dày có dịch axit trào vào thực quản, gây ra triệu chứng khó chịu và nóng rát ở thực quản. Đầu tiên, em cần điều chỉnh lối sống trước, hạn chế ăn no nhiều hoặc ăn xong đi nằm ngay. Trường hợp đã điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt rồi mà không hết thì em nên đi kiểm tra xem có thực sự tổn thương ở thực quản hay dạ dày không. Mong rằng sau khi em điều chỉnh chế độ ăn thì mọi chuyện sẽ tốt lên, nếu không em nên đi kiểm tra chuyên khoa về tiêu hóa để phát hiện bệnh và điều trị.

Thân mến!

Tôi bị đi ngoài 3-4 lần trong ngày, phân lỏng và đi tiểu nhiều lần vào buổi chiều (đã phẫu thuật tuyến tiền liệt). Xin bác sĩ giải thích và cho ý kiến bệnh viện chuyên khoa nào có thể điều trị được các triệu chứng này?

Nguyen The Cong, 83 tuổi, Home City, Nguyễn Chánh, Yên hòa, Cầu Giấy, Hà nội

BSNT Đào Trần Tiến

Bác sĩ Khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội Thành viên Hội khoa học Tiêu hóa Việt Nam

Chào bác!

Bác bị đi ngoài ngày 3-4 lần, phân lỏng có thể là biểu hiện của bệnh thực thể những cũng có thể là biểu hiện của bệnh chức năng như bệnh đại tràng co thắt. Nhưng bác tuổi cao, trước khi kết luận rối loạn phân là bệnh chức năng, bác cần được bác sỹ chuyên khoa Tiêu hóa thăm khám cẩn thận để loại trừ ung thư đại trực tràng hoặc viêm tại niêm mạc đại tràng cũng có thể có các biểu hiện trên. Còn biểu hiện đi tiểu nhiều vào buổi chiều là của rối loạn tiểu tiện, có thể do nhiều nguyên nhân từ bàng quang, thận, niệu quản, tiền liệt tuyến, bác cần được chuyên khoa Thận tiết niệu thăm khám đánh giá để xác định nguyên nhân gây ra rối loạn tiểu tiện.

Chúc bác mau khỏe!

Em bị đau phần dạ dày và trào ngược thực quản. Ra tiệm thuốc thì dược sĩ kê toa omeprazole và sucrafale để uống. Ở nhà em còn dùng thêm nghệ với mật ong. Hiện tại, em đã bớt đau dạ dày, bụng không còn sôi và ợ chua, ợ nóng, nhưng em đi ngoài phân màu vàng, có một chút nhớt màu hồng thì ...

Đại Quân, 34 tuổi, Quận 6, TP HCM

ThS.BS.CKII Lê Thanh Quỳnh Ngân

Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh TP HCM

Chào bạn!

Bạn có triệu chứng trào ngược và đau bụng, tuy nhiên chưa được tái khám và nội soi chẩn đoán, việc điều trị của bạn là thuốc được dược sĩ kê toa gồm Omerprazole và sucrafate. Đây là những thuốc không nên dùng kéo dài và cần uống theo chỉ định của bác sĩ sau khi đã thăm khám và nội soi có chẩn đoán phù hợp. Nếu lạm dụng thuốc kéo dài có thể có một số tác dụng bất lợi đối với cơ thể. Bạn đi tiêu phân vàng có nhớt hồng chưa đủ khẳng định là tiêu máu, có thể phụ thuộc vào thức ăn như dưa hấu, thanh long ruột đỏ... nếu xác định là tiêu máu lẫn theo phân vàng tái phát nhiều lần có thể do tổn thương kèm theo ở vùng hậu môn trực tràng như bệnh trĩ, nứt hậu môn, viêm trực tràng... Như trên đã nói, nghệ và mật ong chỉ là thực phẩm hỗ trợ thêm, không có tác dụng chữa lành bệnh và cần được lưu ý sử dụng đúng cách. Vì vậy, bạn cần đến cơ sở y tế uy tín được bác sĩ thăm khám, nội soi dạ dày và nội soi đại tràng để chẩn đoán và điều trị thích hợp.

Trân trọng!

Em bị táo bón từ rất lâu rồi, khoảng 3-4 năm trở lại đây. Khoảng một tuần em mới đại tiện 1-2 lần mặc dù đã cố gắng ăn rất nhiều rau và bổ sung đầy đủ nước. Em có nên sử dụng men tiêu hóa, men vi sinh không thưa bác sĩ vì e sợ lạm dụng men tiêu hóa, men vi sinh về ...

Trường Giang, 31 tuổi, Hà Nội

BSNT Đào Trần Tiến

Bác sĩ Khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội Thành viên Hội khoa học Tiêu hóa Việt Nam

Chào bạn!

Táo bón biểu hiện bằng việc đi ngoài khó, tần suất đi ngoài rất thấp dưới 3 lần/tuần, phân cứng, có thể nhỏ. Có rất nhiều nguyên nhân gây táo bón, chẳng hạn do dùng thuốc, chế độ ăn, lối sống. Một số trường hợp phụ nữ có thai, người có bệnh lý đại tràng hoặc hội chứng ruột kích thích cũng dễ xuất hiện táo bón. Điều trị táo bón phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.

Trong đó, người ta thường nói đến việc sử dụng hai loại men là men tiêu hóa và men vi sinh, nhưng nhiều người rất hay nhầm lẫn giữa chúng. Men tiêu hóa chỉ bổ sung ở những người thiếu hụt men tiêu hóa như trẻ nhỏ, người mắc các bệnh lý rối loạn bài tiết dịch tụy, còn lại các trường hợp khác không có chỉ định sử dụng. Men vi sinh, hay còn gọi là probiotic, thường là các vi khuẩn có lợi trong đường ruột, khi sử dụng sẽ làm tăng lượng vi khuẩn có lợi và hạn chế vi khuẩn có hại. Các vi khuẩn có lợi sẽ sản sinh ra vitamin, axit béo, hấp thu lại các axit mật, cải thiện tần suất và chất lượng phân, nhờ vậy giảm táo bón.

Tuy nhiên, men vi sinh chỉ sử dụng ở những bệnh nhân táo bón mà có biểu hiện rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột, chẳng hạn ở trẻ em do hệ vi khuẩn chưa hoàn chỉnh hoặc ở những người sử dụng thuốc như sắt, thuốc kháng sinh làm rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột, hoặc phụ nữ có thai. Những trường hợp táo bón do nguyên nhân khác không cần thiết phải sử dụng men vi sinh này.

Men vi sinh khá an toàn, nhưng khi sử dụng không đúng cách cũng có thể gây ra triệu chứng đầy bụng, chướng hơi hoặc nhiễm trùng đường ruột đối với trường hợp suy giảm miễn dịch. Khi sử dụng men vi sinh cần phải biết loại men đó có đúng là loại vi khuẩn có lợi cho đường ruột không. Có hai loại vi khuẩn phổ biến có lợi cho đường ruột trong men vi sinh, là vi khuẩn lactobacillus và bifido bacteria. Người ta cũng thấy muốn sử dụng men vi sinh hiệu quả thì số lượng vi khuẩn trong men phải đủ số lượng trên một tỷ vi khuẩn thì mới có hiệu quả. Số lượng ít quá cũng không đảm bảo hiệu quả cho đường tiêu hóa.

Ngoài ra, dạng bào chế men vi sinh cũng rất quan trọng, vì dạng bào chế thích hợp mới bảo đảm lượng men sống sót qua đường tiêu hóa, qua dạ dày, ruột và có hiệu quả ở đại tràng. Men vi sinh còn xuất hiện trong một số loại thức ăn như sữa chua, kim chi, dưa muối, do vậy chúng ta hoàn toàn có thể bổ sung men vi sinh nhờ chế độ ăn chứ không nhất thiết phải sử dụng dưới dạng bào chế.

Nếu bạn có thắc mắc thêm, xin vui lòng liên hệ đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh qua số điện thoại 0287 102 6789 để được hỗ trợ. Trân trọng!

Em là nữ văn phòng, 24 tuổi. Em đang có biểu hiện của bệnh trĩ nội giai đoạn sớm. Bác sĩ cho em hỏi các phương pháp điều trị bệnh trĩ ạ. Đối với giai đoạn của em thì nên áp dụng phương pháp nào?

Thủy Tiên, 24 tuổi, Hà Nội

BSNT Đào Trần Tiến

Bác sĩ Khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội Thành viên Hội khoa học Tiêu hóa Việt Nam

Chào bạn!

Trĩ là bệnh lý đường tiêu hóa rất phổ biến, với biểu hiện là ngứa rát hậu môn, chảy máu, hoặc một số trường hợp phát hiện các khối lồi trong hậu môn. Đối với trĩ, người ta thường chia thành các mức độ 1-4 theo độ nặng nhẹ, dựa trên việc búi trĩ có sa ra phía ngoài hoặc gây biến chứng không. Điều trị trĩ nội phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh. Trường hợp của bạn có thể đang ở giai đoạn một, nếu không có triệu chứng hay biến chứng như chảy máu thì chỉ cần thay đổi lối sống và chế độ ăn. Những trường hợp có biến chứng có thể dùng thuốc làm giảm áp lực búi trĩ hoặc sử dụng phương pháp nội soi để thắt búi trĩ nếu có chảy máu.

Chúc bạn mau khỏe!