Chiều đầu tháng 10, đứng bên trang trại có cơ ngơi 5.000 m2, nuôi hơn một vạn con vịt giống và thả nhiều loại cá ở thôn Bắc Văn, xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà, anh Trường chia sẻ đang cố gắng sống ngày càng tốt hơn để "trả nợ cuộc đời" vì trước kia "có lỗi với nhiều người".
Trùng giọng khi kể về quá khứ, anh cho hay tháng 10/2005, lúc 27 tuổi, đang làm bảo vệ cho một công ty ở huyện Thạch Hà, do mâu thuẫn với một số công nhân, anh gọi thêm bạn bè cùng quê đến đánh dằn mặt trả thù. Sau trận ẩu đả khiến một đối thủ nhập viện, Trường cùng 9 người bị bắt.
Là chủ mưu, giữa năm sau, Trường bị TAND huyện Thạch Hà tuyên mức án cao nhất - 2 năm tù. Những người liên quan lĩnh vài tháng tù treo đến 1 năm 3 tháng tù về tội Gây rối trật tự công cộng.
"Thấy một số bạn bè phải đi tù bởi phút suy nghĩ thiếu chín chắn của mình, tôi suy sụp, buồn bã không biết đứng dậy và trả nợ cuộc đời bằng cách nào", anh Trường nói.
Động lực để anh vượt qua khó khăn ban đầu chính là sự gắn bó, động viên của cô giáo trẻ mới cưới được 3 tháng. Chị Dương Thị Hiền tâm sự thời điểm đó vừa mang bầu, khá sốc khi vắng người nương tựa. Lương một tháng khoảng 300.000 đồng, chị làm thêm nghề bán chè đỗ đen để kiếm tiền chu cấp cho chồng.
Mỗi tháng vào trại thăm chồng hai lần, Hiền luôn bảo: "Không ai trách anh đâu, hãy yên tâm". Trong mắt vợ, anh Trường tính khá nông nổi, nhưng bản chất hiền lành, không ham rượu chè, tụ tập. Chị tin anh sẽ vượt qua giai đoạn này.
"Những lần gặp, anh đều hứa cải tạo tốt để hoàn lương", chị Hiền cho hay.
Sau vài tháng đầu bị tạm giam, anh Trường cùng hàng chục phạm nhân khác được đến lao động tại phân trại ở xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà. Một lần đi cắt cỏ và gom lá chuối, gặp người tên Sơn làm trang trại nuôi gia cầm gần sông Già, Trường trò chuyện và hỏi: "Bây giờ nuôi con gì thì hiệu quả?". Nhận câu trả lời "con vịt", Trường nghĩ sau này ra tù "thử một lần xem sao".
Nhờ cải tạo tốt, anh được đặc xá, ra tù trước thời hạn 4 tháng. Trở về nhà, Trường lên kế hoạch vào miền Nam làm thuê kiếm tiền phụ giúp gia đình song bố mẹ khuyên ở quê ruộng vườn nhiều, nếu chăm chỉ lao động thì "cuộc sống cũng không đến nỗi". Vợ lúc này đã sinh con, cũng không muốn chồng đi xa. Suy nghĩ nhiều ngày, anh quyết định đứng lên từ nơi vấp ngã, ở lại quê lập nghiệp với nghề nuôi vịt".
Được chính quyền cho thuê lại khoảng 5.000 m2 đất ruộng ở thôn Bắc Văn, Trường vay bạn bè, họ hàng 20 triệu đồng xây hệ thống chuồng trại, mua 500 con vịt giống "nuôi thử".
Vừa nuôi vừa học hỏi, vịt giống bị chết dần, thu nhập bấp bênh khi tiền bán trứng không đủ để trả nợ. Sau hai năm, mọi việc bắt đầu thuận lợi khi trang trại kết nối được với nhiều đối tác. Đầu ra cho trứng vịt dần ổn định. Nợ không còn.
Đến nay, anh Trường sở hữu hơn một vạn con vịt giống, mỗi năm thu nhập hơn một tỷ đồng tiền bán trứng, sau khi trừ các chi phí. Trại có 6 nhân công làm việc thường xuyên, lương mỗi tháng 6-11 triệu đồng.
Ông chủ giờ đã chuẩn bị sẵn diện tích đất hơn 6.000 m2 trong xã, dự định nuôi thêm hàng vạn con vịt để tạo thêm việc làm cho người dân trong vùng, phát triển kinh tế địa phương.
Người đàn ông 43 tuổi tâm sự, những bạn tù ngày xưa đa phần làm công nhân, lái xe tải, riêng anh theo nghề chăn nuôi. Thỉnh thoảng gặp nhau trò chuyện bên chén trà, ly rượu, ai cũng bảo đừng nhắc đến chữ "giá như", luôn xem sai lầm thời trẻ là động lực để phấn đấu.
"Tôi luôn chia sẻ câu chuyện vấp ngã của mình với rất nhiều người để biết mà tránh. Bởi khi mình đi tù, người chịu khổ và áp lực nhất chính là thân nhân", anh Trường nói.
Bí thư Đảng ủy xã, bà Trần Thị Hoa, cho biết thời kỳ đó, ban đầu chính quyền có hồ nghi về khả năng tái hòa nhập của Trường do nhiều lúc anh bi quan, tự ti, thỉnh thoảng dễ bức xúc. Sau đó, Trường dần xóa bỏ sự mặc cảm, trở nên thân thiện và lạc quan.
"Đơn thuê đất lập trang trại Trường được bố mẹ ký cam kết đảm bảo. Gia đình họ làm kinh tế giỏi ở địa phương nên xã khá yên tâm, đã giảm phí thuê trong ba năm đầu", bà Hoa kể và cho rằng Trường đã khẳng định quyết tâm "làm lại cuộc đời" bằng những việc làm và sự nỗ lực chứ không chỉ là lời nói suông.