Kenyatta Leal sinh năm 1969 ở San Diego, California. Bố bỏ đi khi mình vừa 6 tháng tuổi khiến anh ta luôn tủi thân trước bạn bè. Kenyatta chưa bao giờ nhận được tấm thiệp sinh nhật, quà Giáng sinh, hay chỉ là cuộc điện thoại từ bố.
Anh trai thường nói cha nhất định sẽ quay về. Nhưng sự thật là chẳng bao giờ. Kenyatta trở nên bất an, kích động, chán chường và thù hằn xã hội.
Kenyatta may mắn sống trong cảnh yên bình, được học ở trường tốt. Mẹ anh thường làm một lúc 2-3 công việc để chăm sóc và đảm bảo hai con không thua kém bạn bè, ít nhất là về giáo dục. Nhưng xung đột nội tâm mới chính là nguồn gốc khiến con trai bà bắt đầu đưa ra những lựa chọn tồi.
Những năm 1980 là thời kỳ nở rộ của băng đảng ma tuý, tội phạm đường phố ở Mỹ. Kenyatta nhanh chóng bị dụ dỗ cuốn vào những công việc hứa hẹn "kiếm tiền nhanh".
Kenyatta nghiện ma túy, bán cần sa khi còn là thiếu niên trung học và dần chuyển sang cả trộm cướp, đánh người. Bất chấp lời khuyên của mẹ, và thậm chí đòn roi, anh ta vắng mặt thường xuyên hơn, đi chơi nhiều với đám bạn xấu và đỉnh điểm là bỏ học.
Người mẹ rất tức giận, đưa ra tối hậu thư năm Kenyatta 17 tuổi: "Nếu con muốn sống trong cái nhà này, thì con phải đi học".
Nhưng Kenyatta không muốn đi học mà muốn đi làm, nói đúng hơn là kiếm tiền và lêu lổng với bạn bè. Đỉnh điểm của sự rạn nứt gia đình là Kenyatta đóng sầm cửa bỏ đi.
Mẹ anh lần thứ hai trong đời bị những người đàn ông thân yêu nhất đời bỏ lại. Kenyatta nghe thấy tiếng bà khóc sau cánh cửa, nhưng không có gì níu nổi chân anh ta đến với đám bạn và những liều cocain, dao và súng đạn.
Khi nhìn lại cuộc đời mình, Kenyatta thừa nhận đã đưa ra rất nhiều lựa chọn không đúng đắn. Việc bỏ nhà đi, là tồi tệ nhất. Phần đời u ám nhất của anh ta cũng từ đó mở ra.
Năm 1991, ở tuổi 21, Kenyatta và một người bạn cùng băng đảng đã cướp một nhà hàng. Kẻ đồng phạm một mình quay trở lại một tuần sau đó để tiếp tục gây án. Khi bị bắt, anh ta chấp nhận thoả thuận với công tố viên để khai ra Kenyatta và hưởng mức án thấp hơn.
Kenyatta bị bắt và nhận án 5 năm về hai tội danh cướp có vũ trang. Mẹ anh gần như ngất lả ở băng ghế cuối phòng, nhưng người con không có dấu hiệu hối lỗi.
Anh ta khi đó luôn cho rằng đó là lỗi của cha mẹ không cho mình một mái ấm hạnh phúc, đầy đủ. Kenyatta đổ lỗi cho trường học tẻ nhạt, cho không ai hiểu mình, và đổ lỗi cho vị thẩm phán hà khắc.
Người tù trẻ thụ án ở Trung tâm Cải huấn ở Susanville, California và được hưởng chương trình đào tạo lính cứu hoả. Nhờ có hành vi tốt, Kenyatta được tha sớm 18 tháng.
Ra tù ở tuổi 25, Kenyatta có thể sử dụng các kỹ năng lính cứu hỏa để làm việc cho một dịch vụ môi trường của thành phố nhưng anh ta chọn trở lại cuộc sống băng đảng và tiếp tục gây ra những rắc rối tương tự. Khoảng 5 tháng sau khi được trả tự do, anh bị bắt cạnh một trạm xăng vì tội sở hữu súng - một trọng tội.
Trước đó không lâu, tháng 3/1994, Bộ Tư pháp Mỹ ban hành và thực thi luật Three strikes dành cho những người đã có hai tiền án. Nghĩa là, nếu người có 2 tiền án mà tiếp tục phạm tội thì lần thứ ba sẽ phải chấp hành hình phạt chung thân
Kenyatta bị áp dụng điều luật này nên tức giận với rất nhiều người, kể cả thẩm phán. 6 năm đầu tiên trong tù, Kenyatta chỉ tìm cách thu thập tài liệu và kháng cáo, dù bị bác bỏ.
Anh ta điên cuồng gọi điện cho một người bạn, chửi rủa và than trách số phận. "Thẩm phán không tống cậu vào tù. Là cậu tự đưa mình vào tù", một người bạn từng giải thích với Kenyatta.
Kenyatta bắt đầu đổ lỗi, cho rằng người kia không phải là bạn tốt, nhưng những lời anh ấy nói cứ văng vẳng bên tai.
Anh quay trở lại phòng giam và bắt đầu nghĩ về những điều vừa nghe: "Vậy ra, tôi là vấn đề. Tôi lựa chọn con đường này sao. Không thể nào. Không ai chọn vào tù cả". Kenyatta như con giun thu mình trong mớ suy nghĩ rối tung, muốn thoát ra khỏi bi kịch này nhưng không biết bắt đầu từ đâu.
Nhiều người cho rằng, trong tù, phạm nhân chỉ dành thời gian để bắt nạt lần nhau và âm mưu cho tội ác tiếp theo khi ra ngoài. Nhưng Kenyatta dần nhận ra, có rất nhiều tù nhân như mình, đang trên quỹ đạo thay đổi cuộc sống. Khi dần nhận ra một năng lượng rất khác ở họ, anh bắt đầu lại gần và làm quen.
Ở nhà tù San Quentin, có rất nhiều chương trình đào tạo, trang bị kỹ năng tái hoà nhập, khoá giáo dục đại học các ngành nghề khác nhau mà tù nhân muốn thay đổi có thể tự do đăng ký. Kenyatta lập tức đăng ký.
Mẹ anh ta dù đau lòng nhưng chưa một lần mất hy vọng vào con trai. Kenyatta tươi cười nhiều hơn với mẹ mỗi khi bà đến thăm; trân trọng những bức thư tay bà viết và những khoản tiền nhàu nhĩ được nhận. "Mẹ luôn là ánh sáng cuối đường hầm của tôi", anh nói.
Kenyatta trở thành người đầu tiên trong gia đình có bằng đại học, làm điều đó khi ở trong tù.
Tại nhà tù San Quentin, Kenyatta nhìn thấy người đầu tiên lãnh án chung thân được ân xá và tiếp tục giúp đỡ những người còn ngồi lại sau sóng sắt như mình. Điều này càng khiến anh có thêm độc lực và hy vọng vào ngày được tự do.
Năm 2012, California thông qua đự luật 36, sửa đổi một số điều của Three Strikes. Do đó, Kenyatta đủ điều kiện kháng cáo.
Kenyatta ra hầu tòa, gặp lại chính thẩm phán năm xưa đã tuyên án tù chung thân, và chứng minh cho ông ta thấy anh không còn là mối nguy hiểm cho cộng đồng. Kenyatta không thuê luật sư mà tự trình bày những điều đã làm được và đã thay đổi được khi ngồi tù.
Lần này, vị thẩm phán nhận ra chàng trai có đôi mắt oán hận năm xưa đã thay đổi. Ông chấp thuận đơn kháng cáo. Khoảng năm ngày sau khi tuyên án, tháng 7/2013, Kenyatta bước ra khỏi nhà tù San Quentin, tự do sau 19 năm ngồi tù.
Kenyatta tiếp tục điều hành một loạt các chương trình khác nhau hỗ trợ tù nhân, trong đó có dự án táo bạo kết nối doanh nghiệp với nhà tù. Anh đã đưa những nhà khởi nghiệp đến thăm San Quentin và khiến họ ngạc nhiên vì một cộng đồng nam tù nhân thông minh, dấn thân, tập trung vào kinh doanh và muốn học hỏi, khát khao tự do, thay đổi bản thân.
"Hãy cho tôi một cơ hội. Tôi không quan tâm sẽ phải làm gì, dù là dọn nhà vệ sinh hay cạo bã kẹo cao su", Kenyatta nói gần như khóc trong ngày nhận việc. Nhưng tất nhiên, anh đã không phải làm những việc này. Anh là cựu tù nhân đầu tiên được một công ty công nghệ tại thung lũng Silicon mời làm nhân viên IT và là gương mặt tiên phong của Last Mile, chương trình hỗ trợ việc làm cho tù nhân sau khi tái nhập cộng đồng.
Nhìn lại 22 năm ngồi tù, anh không biết đó là "quả đắng, hay món quà" vì là nơi không ai muốn vào, nhưng lại là nơi anh tái sinh.
"Tôi thường ước giá có thể dồn niềm vui này vào một cái chai, cầm nó và đi xung quanh, và rót cho mỗi người một cốc để họ hiểu cảm giác của tôi như thế nào. Thật tuyệt vời được là một người tự do, lương thiện", anh nói.
Hải Thư (Theo The Atlantic, PCmag, Last Mile, a2aalliance)