"Tôi tin số phận mình đã được viết sẵn. Tôi sẽ đi trên con đường tội lỗi và phải tìm kiếm sự tha thứ", Akinsanya mở đầu những dòng tự thuật đăng trên tờ Toronto Life. Trong bài viết hơn 10.000 chữ, tên tội phạm thiếu niên nổi tiếng một thời của thành phố kể về những cú trượt dài của tuổi trẻ và hành trình thành người lương thiện.
"Tôi sinh tháng 12/1987 tại Lagos, Nigeria. Cha mẹ đặt cho cái tên truyền thống của châu Phi: Olufemi Akinsanya. Olufemi là "Chúa thương xót," còn Akinsanya, nghĩa là "chiến binh hận thù".
Khi tôi hai tuổi, gia đình chuyển đến Canada và định cư ở vùng nông thôn Quebec. Trong vài năm đầu tiên, tất cả đều tốt đẹp. Cha tôi là nhà nghiên cứu hoá học, mẹ làm y tá. Tôi đã giành được giải thưởng toán học ở trường và làm nhiều bài luận bố giao. Ông muốn con trở thành bác sĩ.
Mọi thứ thay đổi vào một ngày cuối tuần tháng 2/1996. Một sĩ quan cảnh sát gõ cửa nhà, báo tin mẹ chết khi lái xe qua một cơn bão tuyết. Chiếc xe tải phía sau tông vào, hất bà xuống vực. Khi ấy, mới 8 tuổi, cú sốc tâm lý quật ngã tôi. Trong vài năm sau đó, tôi liên tiếp gây sự ở trường và trở về nhà mỗi ngày với môi đầy máu.
Năm 1999, tôi bắt đầu giao du với một nhóm nam sinh cùng tuổi. Nhóm chúng tôi chơi thân với một thanh niên ngoài 20 tuổi. Anh ta thi thoảng cho chúng tôi 5 USD, đối xử tốt khiến tôi luôn nghĩ cách đền ơn. Ngày ấy sớm đến. Sáng hôm ấy, anh ta đưa tôi chiếc túi giấy màu nâu, bảo đứng bên ngoài tiệm tạp hoá để giao cho một gã khác. Tôi không nhìn vào trong chiếc túi, nhưng biết chứa đầy ma túy.
Vài tuần sau, nhóm tôi bị bắt quả tang đang ăn trộm một đồ chơi trong cửa hàng ở góc phố khác. Khi cảnh sát mang tôi về nhà, bố thất vọng ra mặt. Nhưng ông không biết, mọi chuyện mới chỉ bắt đầu.
Tôi tham gia một "băng đảng" - nhóm thiếu niên lêu lổng, hay tụ tập ở ngoài đường. Thời kỳ đó, ước tính có khoảng 6.000 trẻ em tham gia vào hoạt động băng đảng, riêng ở Toronto. Hầu hết xuất thân từ các khu dân cư có thu nhập thấp hoặc khu nhà ở cộng đồng.
Tôi bước vào thế giới đó khi bố tôi vẫn đang điều hành công việc kinh doanh và đi công tác rất nhiều. Tôi hầu như không nhìn thấy ông, cảm thấy như mình không có bất kỳ ai để bấu víu trong cuộc đời mình.
Mùa hè năm lớp 9, tôi gặp cậu bạn cùng tuổi ở khu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp. Cả nhóm đi chơi mọi lúc, hút cỏ và uống rượu, đánh bạc mỗi ngày. Anh trai của cậu ta là thành viên một băng nhóm thành lập cuối những năm 1980 và trong ba thập kỷ tiếp theo đã "ăn tiền" bằng buôn bán ma túy, vũ khí và mại dâm. Tôi muốn giống như họ, vì vậy bắt đầu đeo phù hiệu băng đảng, khăn rằn màu xanh của băng này như một cách để cho cả thế giới biết tôi cũng là một phần của nó.
Tôi đi vòng quanh với một cây gậy bóng chày để đe dọa mọi người. Tôi không muốn trở thành chàng trai học giỏi ru rú làm bài tập trong góc lớp. Một ngày nọ, chúng tôi cướp một chiếc đầu đĩa xịn của thằng nhóc không quen biết đang đi trên đường để bán lấy tiền ăn tối và đánh bạc. Đêm đó, cảnh sát gõ cửa nhà tôi, đứa trẻ đã báo cáo vụ trộm. Tôi bị quản thúc tại gia một năm.
Đó là cáo buộc hình sự đầu tiên của tôi. Chẳng mấy chốc sau khi hết thời gian quản chế, tôi cùng đám bạn mang theo dao, đi cướp ở các ga tàu điện ngầm. Mục tiêu của chúng tôi là bất kỳ ai có trông giàu có, mặc đồ đẹp. Tài sản lấy đi là tai nghe, giày, kính, bất cứ thứ gì có thể đem cầm đồ. Hầu hết mọi người không bao giờ la hét hoặc chống lại: Họ chỉ giao đồ và run rẩy im lặng, song ít khi báo cảnh sát.
Tôi học lớp 10 ở một trường trung học Công giáo. Tôi đã nói với bạn mới của mình về tất cả việc tôi đã làm và nhanh chóng thành "thủ lĩnh" ở trường, nhận mọi lời thách đấu.
Trong một cuộc giao đấu với gã thư sinh tôi chẳng buồn nhớ tên, có đến nửa nam sinh của trường học đến xem. Thằng này mặt tái nhợt, run rẩy, lùi lại khi tôi mới chỉ khoanh tay đứng trước mặt hắn. Tôi quyết định không làm gì, bắt nó cởi quần dài và đi về nhà với chiếc quần sịp.
Nạn nhân sau đó gọi cảnh sát và phóng đại câu chuyện. Trong phiên bản, nó khai tôi đã rút dao và đe dọa giết. Ngày hôm sau, tôi bị bắt tại trường, bị buộc tội tống tiền, sở hữu vũ khí, đe dọa chết người và vi phạm thời gian quản chế. Tôi bị kết án thêm ba năm quản chế và 150 giờ phục vụ cộng đồng. Bố đã rất tức giận, cấm tôi qua lại với "bọn đầu đường xó chợ".
Nhưng ông vẫn làm việc và đi du lịch rất nhiều, và tôi đã tận dụng điều đó. Ngay sau khi bố đi, tôi đã trở lại với bạn bè để "hút cỏ" và gây rối. Ba chị gái tôi luôn là học sinh top đầu của trường công lập danh tiếng đều buồn bã về tôi, nhưng họ không có cách nào khuyên ngăn.
Sau sáu tháng, tôi bị đình chỉ trong phần còn lại của học kỳ vì say rượu ở trường, "ảnh hưởng xấu đến các bạn cùng lứa". Trong khi các chị gái tôi chuẩn bị vào đại học, tôi bắt đầu học lớp 11 tại một ngôi trường dành riêng cho bọn nam sinh "không ai chịu dạy". Chúng tôi chỉ đi học nửa ngày. Thời gian còn lại, tôi đánh bạc, hút thuốc, tán gái và tiếp tục đánh nhau.
Xe cảnh sát xuất hiện trước cửa nhà tôi như cơm bữa, cho đến một ngày, họ kết án tôi 30 ngày tại trung tâm giam giữ trẻ vị thành niên Brookside, cách Toronto gần 100 km. Ngày tôi được thả, không có ai đến đón, tôi bắt xe bus về nhà. Đến nơi, tôi thấy tất cả cửa đều khóa chặt, có dán tờ lệnh thu hồi nhà đất. Tôi đột nhập vào, nhận ra gia đình tôi đã không ở đó một thời gian dài. Nhà đầy bụi và tủ lạnh đầy thực phẩm ôi thiu.
Tôi ngủ tại ngôi nhà bỏ hoang của mình một tuần thì nhận được cuộc gọi từ chị gái. Bố tôi bị tiểu đường giai đoạn cuối, đã nghỉ việc và đến sống với người họ hàng. Các chị gái tôi chuyển ra ngoài. Chị cả đang theo học ngành quản lý sức khỏe tại York, đã đồng ý để tôi chuyển đến sống cùng và học tại một trường dân lập.
Trong năm đầu sống tại đây, tôi chỉ kiếm được khoảng 15.000 USD từ việc cướp bóc và bán cần sa. Tôi không ở trong bất kỳ băng nhóm cụ thể nào mà kết bạn với rất nhiều nhóm, ai cũng mang theo súng.
Ngày 20/4/2006, làm xong bài kiểm tra tiếng Anh ở trường, tôi đi kiếm cần sa với lũ bạn. Trong khi lũ bạn ở trong bar để "mua hàng", tôi đứng canh cửa cùng với một thằng râu ria của băng đảng đối tác. Chúng tôi trò chuyện và tình cờ nhận ra, một tên trong số này từng bị tôi cầm ống kim loại phang vào đầu để cướp xe. Mọi chuyện nhanh chóng nóng lên.
Đột nhiên tôi cảm thấy như bị đấm vào đầu hai lần. Tôi quay lại thấy một tên đang cầm một con dao có cán rồng lao tới. Tôi vật lộn với cái gáy ướt sũng, giằng được con dao, đâm lại.
Tôi và đám bạn bỏ chạy, vứt chiếc áo hoodie dính máu của mình trong công viên. Truyền thông bắt đầu đưa tin về án mạng. Tôi tiếp tục xem tin tức, bụng đau nhói như chực nôn mửa. Mặt tôi ướt đẫm mồ hôi và gần như không thở được. Tôi biết cuộc đời mình sắp thay đổi mãi mãi. Tôi đến công viên và ngồi trên một chiếc ghế dài, cố gắng tìm ra bước đi tiếp theo của mình.
Tôi vẫn đi đến lớp, làm các bài kiểm tra không thể nghĩ về bất cứ điều gì ngoài cái con dao sũng máu và nạn nhân nằm trên hè. Bốn ngày sau, truyền thông đưa tin, cảnh sát đã thu thập được cảnh quay ngoài quán bar. Tôi nhận ra, thời gian của mình đã hết.
Ngày diễn ra phiên toà, tất cả bạn bè và gia đình của nạn nhân ngồi chật kín một phía phòng xét xử. Mẹ nạn nhân khóc, kể con trai từng hy vọng trở thành kỹ thuật viên máy tính, còn người cha gốc Philipines nói đã làm việc chăm chỉ như thế nào để đảm bảo tương lai cho những đứa con.
Tôi bị kết án 5 năm tù vì tội ngộ sát và được ân xá vào tháng 2/2009, ở tuổi 21, sau 2 năm thi hành án. Chị gái đến đón, tôi đã nhảy cẫng lên trước nhà tù và khóc như ngày biết tin mẹ mất. Tôi nhớ mình đã nhìn lại cánh cổng chăng kín những cuộn gây thép gai và ý thức được cái giá của bước chân tự do hơn bao giờ hết.
Tôi bắt đầu xây dựng những chương trình giúp đỡ trẻ em, vị thành niên và lấy chính câu chuyện đời mình mong kéo chúng ra khỏi cánh cửa tội lỗi trước khi quá muộn.
Tháng 12/2009, một tổ chức hỗ trợ các dự án do thanh niên điều hành quyết định tài trợ 5.000 USD vào kế hoạch của tôi. Tôi khuỵu xuống và khóc vì cảm kích, không phải vì số tiền, mà vì cảm giác được ai đó tin tưởng. Tôi đã dùng số tiền này để bắt đầu một chương trình kỹ năng sống vào các ngày thứ ba và thứ năm cho những đứa trẻ trong khu phố lao động thu nhập thấp.
Do hiệu quả nó đem lại, dự án bắt đầu được nhiều tổ chức và cả chính quyền Toronto để mắt tới, những khoản tài trợ nhiều chục nghìn USD cũng đến theo. Tôi đã sử dụng tất cả để mở rộng các chương trình của mình, dạy bọn trẻ cách vượt qua những khuôn mẫu, những cám dỗ và xây dựng vốn sống xã hội.
Sau hai năm, tôi là một trong 8 thanh niên "sa ngã" được nhận vào Chương trình trị giá 2 triệu USD của Toà án tối cao, nhằm Giáo dục Tư pháp cho Thanh thiếu niên Canada gốc Phi. Nhận được công việc được trả lương đầu tiên trong đời, tôi chỉ biết khóc thay niềm vui sướng.
Từ tiền lương, tôi bắt đầu chương trình cử nhân địa lý nhân văn tại Đại học Toronto. Ở tuổi 28, tôi sẽ không nói mình "thành công" theo bất kỳ nghĩa thông thường nào của từ này. Hôm nay, tôi còn sống để tôi có thể chia sẻ câu chuyện này và chữa lành những vết thương là vì một người vô tội đã chết dưới tay mình.
Cả cuộc đời, tôi đã muốn trở thành một điều gì đó lớn lao, nhưng luôn tìm kiếm điều đó theo những cách tiêu cực. Bây giờ, tôi là một phần của những công việc lương thiện và hữu ích. Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm ơn bố mẹ vì cái tên họ đã ban cho mình".
Hải Thư (Theo Toronto Life)