Sinh ra và lớn lên trong gia đình 7 anh chị em ở bản nghèo cách Sa Pa chừng 30 km, ký ức tuổi thơ của Chảo Láo Sử (29 tuổi) là những mái nhà không đủ ấm khi mùa đông gió và những ngày theo mẹ cha phơi nắng trên nương. Vì vậy từ nhỏ, Sử nung nấu giấc mơ thoát nghèo từ học tập.
Anh luôn là một trong những học sinh giỏi của xã, được gửi đi học phổ thông tại trường nội trú tỉnh, rồi có suất tuyển thẳng vào Đại học Bách Khoa Hà Nội. Nhưng năm 2010, theo phong tục địa phương, khi vừa 18 tuổi, anh lập gia đình. Thương cha mẹ còn nghèo khó cùng người vợ mới cưới, anh quyết định bỏ lại giấc mơ đi Hà Nội, ở tỉnh vừa đi làm vừa học Trung cấp Y tế Lào Cai, miễn có một tấm bằng.
![Trước đây Sử chưa bao giờ nghỉ, đôi bàn tay chai sần vì bưng bê gạch đá nay có thể tỉa rau củ thành những hình hài mềm mại, uyển chuyển. Ảnh: NVCC.](https://vcdn1-dulich.vnecdn.net/2021/06/03/160454baoxaydung-1-jpeg-6213-1622694550.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-lwFieAPNEtob23YUAkolg)
Trước đây Sử chưa bao giờ nghỉ, đôi bàn tay chai sần vì bưng bê gạch đá nay có thể tỉa rau củ thành những hình hài mềm mại, uyển chuyển. Ảnh: NVCC.
Hơn 2 năm đi học xa nhà, mỗi chiều tan lớp, Sử lại đi làm khuân vác. Mỗi tối vác vài trăm cân hàng, anh được khoảng 10.000 đồng, vừa để lo chi phí ăn học, còn lại gửi về cho vợ và cha mẹ ở nhà. Nhưng sau tốt nghiệp, tấm bằng anh mong ước lại phải cất góc tủ, vì hồ sơ xin việc vào trạm xá nhiều năm không được chấp thuận. Năm ấy, đứa con đầu lòng của Sử tròn một tuổi, gia đình nhỏ chuẩn bị đón thêm thành viên, anh bỏ về xã làm nương rẫy, phụ xây và vay thêm vốn chăn nuôi. Nhưng do không có kinh nghiệm chăn nuôi, đàn gia súc của Sử ngày càng gầy mòn, bệnh tật còn việc đồng áng vụ được vụ mất.
Quanh quẩn, bế tắc với cảnh nghèo khó, năm 2015, thông tin về khu du lịch mới xây dựng ở Sa Pa cần tuyển nhân viên như "phao cứu sinh" của Sử. Anh xin vào vị trí tạp vụ nhà hàng Vân Sam, ở nhà ga cáp treo đi Fansipan để có một công việc ổn định, dù vẫn ấp ủ một ngày được về làm ngành y.
Hằng ngày, Sử đi trên chiếc xe cũ gần 30 km đường đèo, gập ghềnh ổ gà để tới chỗ làm. Lần đầu làm việc trong môi trường bếp hiện đại, Sử không ngại làm việc quét dọn, cọ nồi, nhặt rau... vì so với nghề phụ xây, phu khuân vác thì còn nhẹ nhàng lắm. Trong những giờ làm việc, được đồng nghiệp chỉ dạy gì, Sử lại lôi giấy bút ra ghi chép, khi mọi người nghỉ ngơi, anh ở lại luyện thêm. Những ngày được bếp chính, bếp trưởng đào tạo, anh chăm chú như muốn nuốt trọn từng câu, từng chữ. Đôi khi đầu bếp là người nước ngoài, không thể giao tiếp bằng ngoại ngữ, anh âm thầm quan sát rồi làm theo.
"Nhiều lúc, mình cũng thấy nản lòng vì phải học cách làm tỉ mỉ, khéo léo từ cầm dao, thái thịt, chặt xương; song nghĩ đến gia đình sẽ khổ nếu bỏ nghề, mình lại quyết tâm rèn luyện", Sử nói về những ngày đầu tiên làm bếp. Rồi mỗi tối tan ca, anh lòng vòng quanh Sa Pa nhận chở khách đi xe ôm, trước khi về nhà với vợ con khi đã tối mịt.
![Sử là một trong số ít những người được đề xuất từ tạp vụ lên làm bếp, vì tinh thần ham học hỏi và quyết tâm cao. Ảnh: Giang Huy.](https://vcdn1-dulich.vnecdn.net/2021/06/03/HUY-5626-9621-1622694550.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Xbn4HAdSFW1Q64s-ci6I-Q)
Sử là một trong số ít những người được đề xuất từ tạp vụ lên làm bếp, vì tinh thần ham học hỏi và quyết tâm cao. Ảnh: Giang Huy.
Khi nhận lương hơn 2 triệu đồng, anh thật sự hạnh phúc vì cả đời chưa bao giờ được cầm nhiều tiền đến vậy, lúc bấy giờ người bản kiếm ra 1 triệu đồng đã là lớn lắm. Được đồng nghiệp khích lệ là có năng khiếu, Sử dần thấy mình mê nghề đầu bếp. Cả đời anh chưa bao giờ nghĩ, đôi bàn tay chai sần vì cầm cuốc, bê gạch nay có thể uyển chuyển mạ đồ, tỉa rau củ thành những bông hoa, con vật mềm mại, sống động.
Dần dà, với năng khiếu và tinh thần ham học hỏi, Sử được đề xuất lên làm phụ bếp. Tròn một năm làm việc, khi nhiều người cùng làm tạp vụ như Sử nghỉ vì chán nản, anh đã thành thạo cách nấu các đặc sản địa phương, đến món Á, món Âu. "Trước đây, mình chưa một lần nghĩ sẽ vào bếp nấu ăn, chứ đừng nói đến việc ghi nhớ từng công thức nấu nướng, làm ra một món ăn ngon miệng, đẹp mắt như bây giờ", anh nói.
Đến nay, Sử trở thành bếp chính trong nhà hàng, mức lương cũng cao hơn xưa gấp nhiều lần, anh không còn phải đi xe ôm để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Năm 2018, với đợt tuyển nhân sự mới của khu du lịch, vợ của Sử cũng được nhận vào làm tạp vụ. Cuộc sống của gia đình từ lo "cái ăn cái mặc" thành lo "ăn sạch mặc đẹp".
Hằng ngày, Sử vẫn sáng đi, tối về gần 60 km để ở cùng con và bố mẹ lớn tuổi nhưng con đường về bản Kim nhà anh nay được trải bê tông, không còn lỗ chỗ ổ voi, ổ gà. Đứng trước ngôi nhà sàn đang xây dựng khang trang hơn, Sử chia sẻ về tâm nguyện lớn nhất của anh là cho 2 đứa con được học thật cao, để tương lai của chúng sẽ xán lạn.
Lan Hương