Dịch bệnh kéo dài khiến ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều hướng dẫn viên phải kiếm công việc khác để ổn định cuộc sống. Trần Ngọc Hải (sinh năm 1996, ở TP HCM), người đã gắn bó với nghề hướng dẫn viên 5 năm, cho biết sau khi hoàn thành tour Thái Lan vào đầu tháng 2/2020, anh ngừng mọi chuyến bay vì Covid-19.
Đầu năm 2021, anh cùng người chị quen là Châu Lạc Thảo quyết định chuyển hướng kinh doanh khi mở quán gỏi đu đủ Thái (Som tum) ở chợ Hồ Thị Kỷ (quận 10, TP HCM) để kiếm thu nhập. Nhờ thường xuyên dẫn các tour du lịch đến Thái Lan và có dịp thưởng thức món Thái ở nhiều quán ăn bản địa nên Hải rất có kinh nghiệm trong việc tạo ra món gỏi chuẩn vị Thái mà vẫn hợp khẩu vị người Việt. "Mắm để làm gỏi rất quan trọng. Mình đặt mắm từ bên Thái về để đảm bảo gỏi giữ được hương vị thơm ngon. Ngoài ra kỹ thuật bóp gỏi cũng cần có bí quyết. Mình cũng phải giảm độ cay để phù hợp hơn với người Việt", anh chia sẻ.
Quán bán nhiều món gỏi để thực khách lựa chọn, gồm Som tum ba khía, Som tum trứng muối, Som tum trứng bắc thảo và Som tum tôm khô. Ngoài ra. anh còn bán xôi xoài, món tráng miệng nổi tiếng của người Thái. Theo lời Hải, xe đồ ăn kinh doanh khá thuận lợi, nhận được sự ủng hộ từ nhiều bạn bè và người quen. Quán mở bán từ 17h đến 22h, có những hôm đắt khách chỉ đến 19h là hết món. Vào cuối tuần và dịp lễ, quán còn đông khách hơn.
Thái Lan là đất nước đầu tiên Hải tham gia dẫn tour và cũng là đất nước mà anh đến nhiều nhất. Trước dịch, vào những tháng cao điểm, Hải nhận 4-5 tour đi Thái một tháng. Chính vì vậy, quyết định mở quán gỏi Thái của chàng hướng dẫn viên bên cạnh lý do để ổn định cuộc sống trong mùa dịch còn xuất phát từ tình yêu của anh với xứ sở chùa Vàng, từ niềm đam mê và am hiểu ẩm thực Thái Lan.
"Dịch bệnh lấy đi của mình nhiều thứ nhưng cũng giúp mình có được công việc mới, trải nghiệm mới, biết được khả năng của bản thân tới đâu, có thể làm được những gì", Hải chia sẻ. Khi dịch Covid-19 vừa bùng phát ở Việt Nam, chàng hướng dẫn viên từng đi làm shipper với tâm thế chờ hết dịch để quay lại công việc. Nhưng dịch bệnh kéo dài gây khó khăn cho ngành du lịch và những hướng dẫn viên như Hải.
Từng có thời điểm, anh làm đến ba công việc cùng lúc: sáng tham gia hướng nghiệp tại công ty, chia sẻ các kỹ năng về giao tiếp, xử lý tình huống; buổi trưa nhận thêm việc thiết kế và quay dựng video theo yêu cầu; tối đi phụ việc tại một quán ăn ở Phú Nhuận. Không riêng gì Hải, nhiều hướng dẫn viên khác cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn, phải xoay sở bằng nhiều nghề khác nhau. Anh hai của Hải, làm hướng dẫn viên inbound (đưa khách nước ngoài vào Việt Nam), đã đổi sang làm công việc chạy giao hàng để trang trải cuộc sống. Đồng nghiệp của Hải cũng chuyển hướng làm shipper, hoặc đầu quân vào những công ty khác.
"Suốt thời gian nghỉ dịch, mình nhớ da diết những chuyến đi, nhớ những con người đã gặp, những thành phố đã đi qua và những món ăn đủ loại hương vị, màu sắc", chàng hướng dẫn viên tâm sự. Hải cũng thường xuyên chia sẻ lại những hình ảnh về các chuyến đi của mình lên mạng xã hội.
Đang khá hài lòng với công việc hiện tại, nhưng anh chàng vẫn mong dịch bệnh sớm qua để quay lại với công việc vì vẫn còn "hăng máu đi" lắm!
Yến Nhi