19h, ông Trần Văn Long, Giám đốc Công ty Du lịch Việt (TP HCM) vẫn có mặt giám sát nhà máy khẩu trang ở Long An để kịp những lô hàng xuất khẩu đi các nước theo hợp đồng đã ký. Ông cho biết đợt này, hàng trăm nhân viên phải làm tăng ca, 3 nhà máy gần như hoạt động 24/24 để đạt công suất 10 triệu chiếc khẩu trang mỗi ngày.
"Đợt cao điểm, tôi phải đối mặt những căng thẳng, áp lực từ phía khách hàng, có những ngày ở nhà máy đến tối khuya mới về nhà. Nhưng tất cả điều đó đang khẳng định thành công bước đầu của tôi khi chuyển sang lĩnh vực mới, để nuôi sống đam mê làm du lịch", ông Long nói về quyết định đầu tư mạo hiểm của mình.
Sau Tết Nguyên Đán năm 2020, làn sóng Covid-19 đầu tiên ập đến khiến công ty du lịch của ông Long chao đảo, khi mọi tour trong nước và quốc tế buộc phải dừng. Để duy trì công ty, giữ lại hàng trăm nhân viên đã gắn bó lâu năm, ông đầu tư đủ mọi ngành nghề từ bán nông sản, hợp tác sản xuất nước rửa tay... nhưng không đem lại hiệu quả.
Đến tháng 4/2020, khi dịch bệnh vẫn diễn ra phức tạp, ông quyết định bán nhà, bán xe cộ để đầu tư vào lĩnh vực sản xuất khẩu trang y tế khi ấy rất tiềm năng. Những ngày mới chuyển nghề, công ty chưa có kinh nghiệm trong việc nhập máy móc nên những lô khẩu trang đầu tiên sản xuất ra không đạt chất lượng, bị trả lại. Rồi sau đó, khi nhu cầu trong nước bão hoà, sản phẩm không tiêu thụ được. Nhiều nhân viên vì thế mà chán nản, bỏ cuộc.
Dần dà, với những mối quan hệ thân thiết từ ngành du lịch, ông Long nhập khẩu được máy móc từ Đức cùng nguyên liệu thô để làm nên những chiếc khẩu trang kháng khuẩn đạt chuẩn, nâng số lượng máy sản xuất từ một lên hơn 100 chiếc. Những hộp khẩu trang nhãn hiệu Việt Nam do công ty sản xuất tới nay đã có mặt tại hàng chục quốc gia như Mỹ, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Ông Long cho biết, dù công việc xuất nhập khẩu thiết bị y tế đang ngày càng phát triển, ông cũng sẽ không từ bỏ công ty lữ hành, vì dường như "nghề du lịch đã ăn vào máu". Tới giờ, hơn 30% nhân sự của công ty vẫn còn làm việc, trong tâm thế sẵn sàng phục vụ khách du lịch khi dịch bệnh được kiểm soát. Ngoài ra, họ cũng đảm nhận nhiều vị trí trong công ty sản xuất khẩu trang, văn phòng của công ty ở Hà Nội cũng được tận dụng để làm điểm phân phối, giới thiệu sản phẩm.
"Tâm nguyện lớn nhất của tôi là được đưa khách Việt đến nhiều quốc gia trên thế giới, để biết thêm nhiều điều hay, cái đẹp. Vì thế, tôi vẫn song song đầu tư trong nhiều lĩnh vực để công ty du lịch không giải thể, dù lợi nhuận hiện nay hoàn toàn âm", ông Long cười và nói.
Giám đốc về quê xây khu vui chơi trẻ em
Trong dịch Covid-19 năm 2020, Công ty Du lịch Tầm nhìn Việt của anh Nguyễn Đức Trung cũng buộc phải thu hẹp quy mô. Mất một tháng loay hoay với những khó khăn khi khi phải hủy toàn bộ các đường tour nước ngoài, anh quyết định dồn vốn liếng cũng như vay ngân hàng, để về xã miền núi Cẩm Bình (Cẩm Thủy, Thanh Hóa) làm khu vui chơi.
Trên nền đất 1.300 m2 có sẵn và 1.000 m2 mua thêm, anh Trung cho khởi công bước đầu khu vui chơi trẻ em, khu vườn tuổi thơ và bể bơi. Các hạng mục dần đi vào hoạt động trong tháng 5-6/2020, nguồn thu chính đến từ các gia đình có trẻ em trong xã và các khu vực lân cận.
Cho tới nay, khu du lịch đang dần hoàn thiện và đi vào hoạt động thêm khu ẩm thực, địa điểm check-in, khu phòng nghỉ đón khách du lịch... Trong những ngày cuối tuần, doanh thu của khu vui chơi đạt 3,5-4 triệu đồng/ ngày. Theo anh Trung, mức thu và tỷ suất lợi nhuận hiện tại đã đạt theo kỳ vọng đầu tư. Khu vui chơi cũng tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương cũng như đáp ứng phần nào nhu cầu giải trí của người dân.
Anh Trung cho biết, qua Tết Nguyên Đán 2021, công ty du lịch của anh đã ký kết được nhiều hợp đồng du lịch cho dịp du xuân lễ hội và dịp hè năm nay, tuy nhiên các tour hè hiện phải dừng vì dịch bệnh bùng phát trở lại. Công ty gần như cắt giảm toàn bộ nhân viên.
"Dịch bệnh khó khăn nhưng cũng tạo cho tôi nhiều cơ hội tiếp cận và tìm hiểu thêm một số lĩnh vực mới, có thêm những cơ hội đầu tư trong tương lai và tiếp tục đam mê làm du lịch của mình khi có thể", anh nói.
Từ tháng 2/2020, Covid-19 giáng đòn nặng nề khiến cả năm khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,7 triệu lượt, giảm 79,5% so với 2019. Khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%. Tổng thu du lịch đạt 312 nghìn tỷ đồng, giảm 58,7% - mức giảm tương đương 19 tỷ USD.
Khoảng 40-60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công. Khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động. Nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt 10-15%. Trong đó, nhiều giám đốc của các doanh nghiệp du lịch đã chuyển hướng đầu tư đa dạng các ngành nghề, để "lấy ngắn nuôi dài" vượt qua giai đoạn khó khăn này. Dù vậy, đa phần trong số họ vẫn mong ngóng một ngày được quay trở lại với niềm đam mê kinh doanh du lịch của mình.
Lan Hương