Sau một ngày làm việc dài, và một tối tắc đường dài, tôi mệt mỏi ăn cơm, mệt mỏi đi tắm, mệt mỏi lê cái thân ù lì này, tuần tự vô thức làm từng việc quen thuộc mà chẳng cần chú tâm.
Tôi tự động đặt lưng xuống giường, tự động cầm điện thoại lên, nhưng bất động vài giây. Một nhận thức rõ ràng lóe lên, tôi cảm giác mình đang biết, chứ không phải được lập trình: Facebook ngừng hoạt động. Ta đã mất kết nối.
Ngày 4/10, khoảng 22h40 theo giờ Việt Nam, Facebook và các nền tảng khác như: Messenger, Instagram, WhatsApp, đồng loạt không thể truy cập. Các ứng dụng, liên kết bằng tài khoản facebook, cũng không thể truy cập trong nhiều tiếng, trên quy mô toàn cầu.
Hoang mang là từ thích hợp để mô tả sự kiện này. Người dùng Facebook hay Instagram lo lắng, chắc ít phần vì một trang web nhất định sập, mà hoang mang vì không biết điều gì đang diễn ra. Người dùng Messerger, hãy còn chưa kịp chuyển sang nền tảng khác, hoang mang vì sợ mình bị bỏ lỡ điều gì đó. Một câu chúc ngủ ngon từ cô người yêu ở phía bên kia, hoặc một tin nhắn kém duyên lúc nửa đêm của sếp.
Người dùng đổ lỗi cho wifi, cho nhà mạng, và thổn thức vì nghĩ mình bị bỏ lại. Trên phương diện công ty, mọi thứ càng đáng sợ hơn. Không ít công ty dùng Messenger, Whats App làm nhóm trao đổi công việc. Một loạt nghề nghiệp không thể tách rời khỏi Facebook như bán hàng trực tuyến, chạy quảng cáo, quản trị fanpage, người làm nội dung. Tựa chung, chúng ta mất kết nối. Cảm thấy lạc lối và xa lạ. Như bị một người quen bỏ rơi, trên con đường mà lâu chính mình chưa tự đi. Ta mất kết nối với thế giới bên ngoài, để kết nối sâu hơn với chính mình.
>> Facebook sập
Sau vài chục phút, "tị nạn" sang các nền tảng khác, để hiểu Facebook ghét riêng mỗi mình, hay là sự cố toàn cầu, cũng như đọc lướt vài thuyết âm mưu, tôi nhận ra, mình đang có một cơ hội rất lớn: Làm việc mà trước giờ mình luôn trì hoãn là giành lại quyền kiểm soát cuộc sống của mình.
Đương nhiên, ai trong chúng ta cũng hiểu về lợi ích, và tác hại cùa Facebook, và dù ít, dù nhiều, vẫn vừa chống lại, vừa bị Facebook chi phối. Ta ý thức mình tốn quá nhiều thời gian, lướt newfeed vô tận để tìm kiếm điều thú vị tiếp theo, bị lạc trong một mê cung lân lộn thật giả, và tiêu thụ những thông tin tầm phào ta chẳng cần tới. Những điều mới mẻ ập tới hối hả, tác vụ đa nhiệm vừa lướt vừa ăn, nói, đi và cuộc sống đầy màu sắc của người khác, không để tâm trí ta yên lúc nào, và khiến ta không chú tâm được vào những gì đang diễn ra. Chúng ta tìm cách cai nghiện Facebook, nhưng đa phần là từ bắt buộc phải quay trở lại, dần dà vô thức.
Sự kiện Facebook ngừng hoạt động tối qua, càng cho thấy xã hội đã gắn bó và vận hành sâu sắc thế nào với Facebook, hay mạng xã hội nói chung. Bởi nhu cầu con người là kết nối, việc từ bỏ Facebook, chỉ khả thi, nếu có một mạng xã hội khác giúp chúng ta kết nối tốt hơn. Về lợi hại của Facebook, có lẽ đã có nhiều bài viết đầy đủ hơn, của những cây viết xuất sắc hơn nên tôi không dám lạm bàn.
Sau khi lắng lại những hoang mang, tôi đối diện với chính mình, về một sự trống trải, và cảm giác bình tâm kỳ lạ. Tôi thấy mình không bị bức bối, bởi cảm giác phải biết người khác đang làm gì bằng được nữa, điều tôi làm mới quan trọng. Và tôi quyết định đọc một cuốn sách. Có lẽ với nhiều người, điều này chẳng đáng để tâm, chứ đừng nói là bô bô đi khoe với thế giới (Có thể nói, tôi từ khoe đọc sách trên Facebook, chuyển sang khoe đọc sách trên báo, cũng không sai).
>> Facebook liệu có kết nối bạn bè thực sự?
Trên hành trình ba mét tới giá sách, tôi cảm nhận rõ mọi thứ đang diễn ra: nhịp chân trên sàn nhà lạnh, tiếng ồn từ nhà bên, những bìa sách như rõ nét hơn. Không gian xung quanh không hề im lặng, nhưng trong tâm trí tôi, không hề có sự ồn ào. Tôi vẫn ghé xuống máy tính, tự động mở một tab Facebook, ồ, vẫn ngừng hoạt động.
Nhưng tôi nhìn nhận, cuộc sống trên mạng tắt, không có nghĩa cuộc sống hiện tại ngừng lại. Mùi giấy bỗng thơm hơn, ánh sáng vàng từ ngọn đèn đọc sách cũng mang vẻ hấp dẫn lạ, có vẻ thế giới đẹp hơn đôi chút, và tôi tìm thấy một niềm vui nho nhỏ, trong khi cổ phiếu Facebook lao dốc, cùng những nỗ lực cuống cuồng của đội ngũ kỹ thuật. Trạng thái này, theo tôi hiểu, trong thế giới phật giáo, gọi là "Chánh niệm" (Mindfulness) - khả năng có mặt một trăm phần trăm.
Trong cuốn "Quyền lực đích thực", thầy Thích Nhất Hạnh kể một câu chuyện như sau: "Khi còn là một chú tiểu mới mười sáu tuổi, thầy tôi đã dạy tôi cách đóng cửa với sự chú tâm một trăm phần trăm. Một hôm thầy sai tôi đi làm một việc. Tôi hăng hái, hấp tấp, đi nhanh ra và khép cửa vội vàng. Thầy kêu tôi lại: "Này con, con lại đây." Tôi trở lại, đứng vòng tay chờ. Thầy tôi nói: "Con đi ra lại và khép cửa cho đàng hoàng coi." Đó là bài học đầu tiên của tôi về thực tập chánh niệm. Khi đó tôi đi ra trong chánh niệm, ý thức từng bước đi, nắm lấy cánh cửa trong chánh niệm, và mở cửa trong chánh niệm. Kể từ đó thầy tôi không còn phải dạy tôi cách đóng cửa lần thứ hai".
>> Tôi lãng phí nhiều thời gian cho Facebook, Youtube
Tình cờ, tôi nhận ra, mình ít khi đọc cặn kẽ một bài viết trên Facebook (bởi còn vô tận thông tin ở dưới mà), cùng hành động nhìn chằm chằm vào điện thoại, đã rèn luyện cho tôi khả năng mất tập trung cao độ, luôn muốn điều tiếp theo mà không hài lòng với hiện tại, bởi lẽ đó, mà quên đi vẻ đẹp của ngay lúc này.
Facebook ngừng hoạt động, cho tôi khả năng sống chậm rãi hơn. Có lẽ, việc đóng cánh cửa Facebook, đã chặn một luồng thông tin ồ ạt, luôn muốn xâm nhập não bộ của chúng ta, để ta tìm về sự bình yên vốn có. Đương nhiên, Facebook không sai, nó là công cụ, sinh ra để phục vụ con người. Nhưng với đặc thù dễ gây nghiện, cùng những thiết kế đầy chủ ý, sự tự chủ mong manh của chúng ta rất dễ sụp đổ.
Qua sự kiện Facebook gián đoạn này, là một cơ hội để chúng ta nhìn nhận lại cách sử dụng Facebook. Nó cho phép cá nhân mở cửa, để kết nối vào một mạng lưới toàn cầu, san bằng những rào cản thông tin. Đổi lại nếu không kiểm soát, nó như cơn lốc húc tung cửa, ồ ạt lao sâu vào cuộc sống cá nhân, cuốn đi những phút giây bình yên riêng tư của ta.
Bỏ dùng Facebook là bất khả thi, bởi xáo trộn đã xảy ra ngay khi thiếu nó vài phút. Ta chắc chắn không thể đóng cửa, nhưng rất nên cố gắng, giành quyền tự chủ đóng hay mở, với một sự chú tâm cao độ. Facebook sẽ rất tốt, nếu ta nhận thức, mình đang làm gì, với một chừng mực nhất định.
>> Bạn bè tôi ai cũng là người giàu trên Facebook
Sau gần 5 tiếng bảo trì, người dùng đã vào lại Facebook bình thường, lý do được đưa ra là "sai sót khi thay đổi cấu hình định tuyến", và mọi việc dần trở lại quỹ đạo cũ. Sự cố xảy ra vào ban đêm theo giờ Việt Nam, nên ít nhiều cũng không gây quá ảnh hưởng, với nhiều người, nó chỉ là một sự cố "ngủ dậy là sẽ hết".
Với cá nhân tôi, sau giấc ngủ ngon và sâu đêm qua, mọi thứ đã thay đổi kha khá. Về cách nhìn nhận thế giới, và nhìn nhận Facebook lẫn mạng xã hội nói chung. Tôi không thức dậy mà vội cầm điện thoại để kiểm tra Facebook ngay, bởi cả đêm không đụng tới, thì trễ thêm dăm chục phút cũng đâu có gì xảy ra.
Buổi sáng, thực sự là khoảnh khắc mà ta biết ơn, bởi mỗi ngày thức dậy, đều thấy thế giới nhiệm màu quanh mình mới đẹp làm sao, và thật tuyệt, khi là một con người có tư duy - nhận thức, để cảm nhận vẻ đẹp ấy.
Tôi xin kết bài viết, không phải bằng khẩu hiệu: "Ngắt kết nối, để kết nối" quen thuộc, mà với một quan điểm, nghiệm ra sau sự cố đêm qua, là "Kết nối với hiện tại, trước khi kết nối với mọi thứ".
Đỗ Thế Mạnh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.