Gia đình tôi thuần Mỹ, trừ tôi - một người Việt. Cô em gái út, tôi và chồng đang đi làm trong thành phố và đứa em trai cùng vợ sắp cưới đang du lịch tại Nam Mỹ đã nhắn tin liên tục trong nhóm chat gia đình về bạo động tại tòa nhà Quốc hội Mỹ. Mẹ chồng tôi là thành viên duy nhất tuyệt đối không bình phẩm một lời. Bà chỉ im lặng đọc các dòng tin nhắn của mấy anh chị em chúng tôi. Thỉnh thoảng, bọn tôi thả vào vài câu đùa để mẹ không cảm thấy "nhột" và buồn. Bởi bố mẹ chồng tôi theo đảng Cộng hòa, còn các con đều theo đảng Dân chủ.
Câu chuyện giữa chúng tôi mang không khí nặng nề khó tả. Tôi cảm nhận ai như cũng chán ngán với tình hình chính trị nơi chúng tôi sống.
Các bữa tối gần đây, ngoài việc hỏi nhau về công việc, chồng tôi lại nói về tương lai. "Anh có cảm giác chúng ta nên bỏ quách cái nước này, sang bắc Âu mà sống có phải hay hơn không?", anh mở lời. Theo chồng tôi, hệ thống y tế ở đó tốt, không vòi tiền bảo hiểm từ những dân thường như ở Mỹ, hoặc ít nhất họ cũng sẵn sàng bảo vệ người không có điều kiện mua bảo hiểm nhưng mắc bệnh. Về môi trường, giữa lúc bao nhiêu nước bắt tay giảm khí thải nhà kính, "tổng thống thông minh của chúng ta lại rút khỏi Hiệp định Paris". Với chi phí học đại học tăng cao đi kèm lạm phát và một nền kinh tế nhiều rủi ro, liệu chúng tôi có thể bảo đảm cho con cái được học chương trình tốt mà không tốn cả gia tài? Và còn nữa, với tình hình thả lỏng súng đạn thế này, liệu tôi còn muốn có con ở Mỹ? Chồng tôi nửa hỏi, nửa để tôi nhìn thấy những lớp sóng trăn trở trong anh từ lúc chúng tôi cùng nhau tạo lập gia đình riêng.
Sinh ra từ miền biển nghèo xứ Quảng và lớn lên với rất nhiều khó khăn khi gia đình vật lộn mưu sinh tại Sài Gòn, tôi đã luôn mơ về nước Mỹ như một thiên đường từ những ngày niên thiếu. Rất may mắn được cơ hội đi học tại đây, và rồi lấy chồng, định cư trong một gia đình bản xứ, tôi có dịp thấy rõ hơn những điều được và mất khi sống tại đất nước giàu mạnh, nhưng cũng đang rất nhiều đổi thay này.
Khác với nước Mỹ hào nhoáng trong phim, mỗi ngày tôi lái xe từ phòng gym về nhà, lướt qua không biết bao nhiêu cụm người vô gia cư nằm co ro trong gió rét ngay trung tâm thành phố. Khác với hình dung về đời sống sung sướng của Việt kiều ngày còn bé, tôi đi du lịch và trò chuyện với không biết bao nhiêu người Việt gồng mình bán bưng tại nhiều nhà hàng, tiệm nails, siêu thị và cửa hàng tạp hóa. Họ không bảo hiểm y tế, không tài khoản lương hưu.
Và hơn hết, tôi hiểu những trăn trở của chồng khi chính tôi có rất nhiều bạn bè trẻ tuổi, người Mỹ gốc, nhưng không xin được việc, không có bảo hiểm y tế và phải luôn canh cánh gánh nặng nợ tiền học đại học. Tôi thường xuyên tự hỏi mình muốn có con hay không, khi ngay cả bản thân đang làm việc tại một đại học có cảnh sát riêng bảo vệ, giờ đây cũng được tập huấn cách chạy trốn trong tình huống có kẻ điên mang súng đến trường.
Hôm qua, tôi cũng như nhiều nhân viên trong trường, vừa làm việc vừa nghe tin trực tiếp về buổi đếm phiếu đại cử tri và công nhận tổng thống mới tại tòa nhà Quốc hội cùng cuộc đua nắm quyền nghị viện của hai đảng Cộng hòa - Dân chủ. Rất nhiều người đứng ngồi không yên. Từ hai giờ chiều, tình hình trở nên rất căng thẳng. Đến hôm nay, bốn người đã chết.
Thành thật mà nói, so với nhiều cuộc bạo động gần đây, hỗn loạn lần này không quá ngạc nhiên, nhưng là giọt nước đổ tràn cái ly nước Mỹ đang chia cắt. Hình như bánh xe tự do và dân chủ, niềm tự hào của giấc mơ Mỹ, đã bị đẩy đi quá đà.
"Nhưng từ bên trong, đó là nỗi sợ!", chồng tôi gác đũa sau khi ăn xong tô phở tối. Anh nghĩ rằng người theo Trump sợ mất những ưu tiên họ đang có, mất thêm tiền thuế cho những người thu nhập thấp hơn, mất đi "bầu không khí trong lành chỉ có người da trắng với nhau"... Tất cả dường như đều xuất phát từ nỗi sợ vô cớ. "Mà sự sợ hãi đó từ đâu?", anh tự trả lời, "sự ích kỷ".
Chỉ vài năm hòa mình vào nước Mỹ, hình ảnh thiên đường trong tôi đang dần biến mất. Tôi tự ngẫm nghĩ: vì sao nhiều con người ở đây đang dần trở nên quá vị kỷ và chất chứa nhiều sợ hãi? Ai, điều gì đã khiến nhiều người Mỹ mất đi cảm giác an toàn và tự do dường như bất tận?
Tôi không biết chính xác câu trả lời cho nước Mỹ. Vì tại mỗi thời điểm, đất nước này mang một hình dạng và màu sắc khác nhau. Nếu ích kỷ, họ đã không chấp nhận một người đến từ đất nước thứ ba như tôi, cho tôi cơ hội học hành, làm việc và sinh sống trong bầu không khí tràn đầy ý tưởng, sự năng động và khát vọng. Nhưng đồng thời, "giấc mơ Mỹ" cũng đang mang theo những sợ hãi và bất ổn vô hình, như hình ảnh thế giới vừa nhìn thấy.
Tôi tin mình cũng như mọi người Mỹ, đều biết rằng cái giá của tự do chưa bao giờ rẻ. Và chúng tôi đang muốn được trả lại giá trị của một cuộc sống nhân văn và ít âu lo như nước Mỹ đã từng. Tôi tin đó cũng là mong muốn của tất cả mọi người trên thế giới hôm nay.
Đỗ Thị Ngọc Vũ