Chia sẻ tại hội nghị đột quỵ cuối tuần qua, tiến sĩ Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP HCM, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết hiện nay Việt Nam tiếp cận nhiều kỹ thuật mới nhất trong chẩn đoán, điều trị đột quỵ của thế giới. Nhiều trung tâm nước ta đã sử dụng hình ảnh học tiên tiến để chẩn đoán đột quỵ, điều trị tái tưới máu bằng kỹ thuật hiện đại như tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, lấy huyết khối bằng dụng cụ... Điểm hạn chế trong điều trị đột quỵ ở Việt Nam là cửa sổ điều trị ngắn, ít bệnh nhân đến kịp trong thời gian vàng.
Theo bác sĩ Thắng, đột quỵ hiện là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Nếu may mắn cứu sống, nhiều bệnh nhân đối diện nguy cơ tàn phế do các biến chứng như rối loạn nhận thức, mất khả năng vận động, khó khăn trong việc nói hoặc nuốt, rối loạn tâm lý... Các thống kê thấy khoảng 70% bệnh nhân đột quỵ một lần không thể quay lại cuộc sống bình thường. Do vậy điều trị phòng ngừa đột quỵ mới là điều quan trọng nhất.
"Điều cần thiết là làm sao để đột quỵ đừng xảy ra," bác sĩ Thắng nói. Bất kỳ ai cũng có thể đối mặt với đột quỵ, đặc biệt là các bệnh nhân trong nhóm nguy cơ. Mỗi người cần biết yếu tố nguy cơ của mình là gì, đặt mục tiêu cần đạt.
Trên 90% bệnh nhân đột quỵ có cao huyết áp, do đó người cao huyết áp cần điều trị kiểm soát huyết áp theo đúng mục tiêu. Khoảng 20-30% bệnh nhân đột quỵ có bệnh tiểu đường không được kiểm soát đường huyết tốt. Nhiều người bệnh tự ý ngưng thuốc khi thấy khoẻ, không theo dõi bệnh thường xuyên, đến lúc xảy ra đột quỵ mới hối tiếc.
"Có những yếu tố nguy cơ buộc phải chấp nhận như tuổi tác, càng lớn tuổi thì nguy cơ đột quỵ càng cao", bác sĩ Thắng nói. Với những nguyên nhân có thể thay đổi được, thầy thuốc và bệnh nhân cần phối hợp tốt, chẳng hạn người rung nhĩ phải uống kháng đông để ngừa đột quỵ, người hút thuốc lá phải cai thuốc. Cần hạn chế bia rượu, kiểm soát cân nặng, dinh dưỡng hợp lý, vận động thể lực đều đặn, kiểm soát cholesterol...
Giáo sư Geoffrey Donnan, giáo sư Thần kinh học tại Đại Học Melbourne, Australia, cựu Chủ tịch Hội Đột quỵ thế giới, đề cập đến một dạng đột quỵ nguy hiểm nhưng dễ bị bỏ qua, đó là cơn thiếu máu não thoáng qua. Nhiều nghiên cứu cho thấy khoảng 15-30% bệnh nhân đột quỵ trong vòng 3 tháng sau cơn thiếu máu não thoáng qua.
Cơn thiếu máu não thoáng qua thường diễn ra trong khoảng vài phút, còn gọi là đột quỵ nhẹ, xảy ra khi một phần não không được cung cấp đủ lượng máu. Biểu hiện ban đầu của tình trạng này giống như một cơn đột quỵ thực sự. Bệnh nhân có thể đột ngột chóng mặt, yếu hoặc liệt nửa người cùng một bên cơ thể, méo miệng, nói không được hoặc khó nói, giọng nói thay đổi... Các triệu chứng này nhanh chóng mất đi, bệnh nhân trở lại bình thường.
Theo giáo sư Geoffrey Donnan, quá trình đột quỵ có thể xảy ra bất cứ lúc nào sau cơn thiếu máu thoáng qua. Với đột quỵ nhẹ và thiếu máu não thoáng qua, có đến 48 giờ vàng. Nếu điều trị càng sớm, khả năng phòng ngừa các biến cố đột quỵ với bệnh nhân sẽ rất cao. Nghiên cứu mới cho thấy nếu bệnh nhân được dự phòng tích cực bằng thuốc kháng kết tập tiểu cầu và kháng đông, sử dụng ngay trong 12 giờ đầu hoặc 24 giờ đầu, có thể giảm trên 30% biến cố đột quỵ tái phát, giúp bệnh nhân dự phòng rủi ro trong những giờ tiếp.
Theo bác sĩ Thắng, nhận thức người dân về đột quỵ ngày càng cải thiện nhưng vẫn chưa cao. Cách đây 10 năm, khoảng 9% bệnh nhân đột quỵ đến Bệnh viện Nhân dân 115 trong những giờ vàng đầu tiên. Hiện tỷ lệ tăng lên gần 20%, tức vẫn còn khoảng 80% bệnh nhân ngoài "thời gian vàng", không thể điều trị hiệu quả. Nhiều người thấy các triệu chứng đột quỵ như yếu nhẹ tay chân, nghĩ sẽ tự hồi phục, vài giờ sau liệt người, vào viện thì đã trễ. Những nước phát triển, khoảng 70-80% bệnh nhân đến viện sớm.
Bệnh nhân đột quỵ có thể xuất hiện đột ngột triệu chứng tê hoặc yếu vùng mặt, tay hoặc chân. Đặc biệt khi triệu chứng xảy ra ở một bên cơ thể, méo miệng, đột ngột không nói được hoặc khó nói, nhìn mờ, đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng... Khi ấy cần chuyển ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất có khả năng xử trí và cấp cứu đột quỵ.
Trong khi chờ xe cấp cứu, nếu người bệnh tỉnh, đặt nằm nghiêng về bên lành, đầu hơi nâng nhẹ. Không cho ăn hoặc uống bất kỳ loại gì, tuyệt đối không thực hiện các hành động xử lý không đúng như cạo gió, giật tóc, nặn chanh vào miệng... Lấy bỏ các vật trong miệng hoặc lau đờm dãi có thể gây khó thở. Nếu bệnh nhân bị liệt một bên, khi vận chuyển cần trợ giúp và đặt nghiêng về bên lành. Bệnh nhân không có mạch hoặc ngưng thở, tiến hành ép tim ngoài lồng ngực (80-100 lần một phút) cho đến khi tim đập lại.