Cuối năm 2016, anh Đoàn Phước Trường từ chức Phó tổng giám đốc ở một tập đoàn nổi tiếng trong ngành dệt may da giày của Đức tại TP HCM. Anh muốn khám phá thêm nhiều vùng đất mới, học hỏi nhiều nền văn hóa, theo đuổi những sở thích và đam mê khác chưa kịp thực hiện thời trẻ. Dưới đây là những chia sẻ của người đàn ông thuộc thế hệ 6X về hành trình đi khắp thế giới.
3 tỷ đồng, 4 visa, 4 ngoại ngữ, 5 châu lục, 6 hộ chiếu và 7 kỳ quan thế giới
Có những con số mà tôi không bao giờ quên trong suốt cuộc đời mình. Ngày 17/8/1987 là chuyến bay ra nước ngoài đầu tiên sang Nga du học và ngày 15/11/2019 là chuyến bay cuối cùng từ Bồ Đào Nha về Việt Nam trước khi đại dịch bùng phát.
Trong 32 năm, tôi đã khám phá 50 quốc gia, đi qua 5 châu lục, tham quan 7 kỳ quan thế giới cổ đại và hiện đại, sử dụng 6 quyển hộ chiếu với tổng chi phí ước tính gần 3 tỷ đồng. Có thời điểm hộ chiếu tôi cùng lúc sở hữu 4 visa Mỹ, Anh, Australia và thị thực nhập cảnh vào 26 quốc gia Schengen thời hạn một năm.
Vì chỉ ghé qua mỗi quốc gia một lần duy nhất, tôi thường dành từ 7 đến 10 ngày để khám phá tất cả danh thắng từ nam ra bắc, từ đông sang tây. Tôi có thói quen đi du lịch một mình vì khó tìm được một người bạn đồng hành có cùng sở thích, đam mê trải nghiệm, mạo hiểm, mà mỗi chuyến đi đều rất tốn kém và vất vả.
Tôi đặc biệt dành trọn trái tim mình cho mùa thu vàng cho nước Nga - xứ sở bạch dương. Tôi cũng thích biển, thích cái cảm giác được ngồi cô đơn trên bờ biển vắng ngắm bình minh và hoàng hôn, hay đơn giản hơn là thích lang thang trong những ngõ nhỏ, thưởng thức ẩm thực địa phương ngay trên đường phố, làm quen và trò chuyện với nhiều người bản xứ vì tôi có thể nói được khá nhiều ngôn ngữ như tiếng Nga, Anh, Trung Quốc và Hàn Quốc. Khi còn trẻ, tôi thích đi du lịch bụi nhưng khi có tuổi, tôi lại chuộng tour du lịch trọn gói, gần Việt Nam hơn vì tiện lợi, kinh tế, an toàn.
Mỗi chuyến đi, mỗi điểm dừng chân, tôi lại tìm mua những vật lưu niệm như miếng dán tủ lạnh; mô hình các tòa tháp, lâu đài, cung điện, nhà thờ nổi tiếng. Có những mô hình chỉ làm số lượng có hạn vào các ngày lễ hội, quốc khánh, Giáng sinh. Đôi khi tôi phải mất thêm tiền vé vào tham quan tận nơi mới có quầy bán hàng độc quyền.
Những chuyến đi nguy hiểm nhất
Đầu tiên phải kể đến chuyến đi đầy lo lắng, bất an chỉ một ngày sau vụ xe chở du khách Việt bị đánh bom ở Ai Cập vào 28/12/2018. Khi vừa đến sân bay Cairo, đoàn tôi được lực lượng an ninh bố trí ra ngoài theo lối đi riêng và đề nghị thay đổi toàn bộ lịch trình tham quan.
Để đảm bảo an toàn, chính quyền tăng cường một xe cảnh sát chạy theo phía sau xe chở đoàn chúng tôi. Trên xe cũng có một cảnh sát đi cùng trong suốt chặng hành trình 10 ngày này. Mọi người không được ra khỏi phòng khách sạn, không được tiếp xúc người lạ, không được đi mua sắm. Tại mỗi điểm tham quan đều có chó nghiệp vụ dò bom, mìn cẩn thận. Đặc biệt tại quần thể kim tự tháp Giza, nơi xảy ra vụ án mạng, lực lượng an ninh được bố trí dày đặc, kiểm soát tất cả phương tiện ra vào. Mỗi du khách chỉ được tham quan trong 15 phút, phải gửi tất cả túi xách cá nhân tại cổng an ninh.
Còn chuyến đi nguy hiểm và mệt nhọc nhất là vào năm 2019, lúc tôi đang chuẩn bị nhập cảnh vào Israel thì còi báo động vang lên, tất cả hành khách buộc phải sơ tán khẩn cấp, bỏ lại hành lý để thoát thân. Phía Israel chỉ đồng ý cấp thị thực có hiệu lực... 3 ngày vì sự an toàn cho du khách nước ngoài bởi vào thời điểm đó, nước này hứng chịu khoảng 430 quả tên lửa được phóng đi từ dải Gaza. Do vậy, tôi phải vừa đi, vừa chụp ảnh, vừa chạy cho đủ 12 điểm tham quan tại đất nước này. Trong lúc tham quan, tôi phải chú ý lắng nghe tiếng còi báo động hay tiếng nổ phát ra do các vụ đánh chặn từ hệ thống phòng không Vòm Sắt (Iron Dome). Nếu có, tất cả phải tìm hầm trú ẩn ngay.
Khi đi công tác kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng tại Thụy Sĩ vào đầu năm 2014, tôi mải chơi trượt tuyết trên dãy Titlis mà không biết quy định tuyến cáp treo xuống núi ngưng hoạt động vào 18h mỗi ngày. Thời sinh viên tại Nga, tôi chơi trượt băng và trượt tuyết khá giỏi, nhưng nếu phải tự xuống núi từ độ cao hơn 2.500 m thì tôi không dám mạo hiểm mà ngồi xe trượt, phải căng mắt ra khi đến các khúc cua "tử thần" trong đêm tối mờ mịt bên bờ vực cheo leo. Xuống hơn 1.500 m, tôi quyết định... đi bộ vì sợ dây kéo xe bị đứt. Khi tôi xuống được chân núi cũng là lúc đồng hồ chỉ 23h.
Những điểm check-in gian nan nhất
Đứng đầu danh sách là ngôi làng Oia trên hòn đảo thiên đường Santorini tại Hy Lạp. Muốn "xí" một chổ đẹp, tôi phải có mặt trước 4 tiếng để đợi ngắm cảnh hoàng hôn thơ mộng và lãng mạn nhất thế giới. Muốn chụp hình ngay tại mỏm đá đẹp như tranh vẽ nhô ra bờ biển tôi cũng phải xếp hàng, mỗi người chỉ có 3 phút bấm máy. Trong lúc mải mê check-in, tôi bị kẻ gian mở túi xách lấy hộ chiếu và ví tiền nhưng may nhờ các du khách nước ngoài đứng phía sau phát hiện và tri hô kịp thời.
Nằm sâu trong nhà thờ Chúa giáng sinh ở thành phố cổ Palestine 3.000 năm tuổi là hang đá Bethlehem. Hang nổi tiếng vì là nơi Đức Chúa Jesus được sinh ra đời. Cả nghìn du khách phải xếp hàng hơn 3 tiếng, sau đó chen chân đi xuống một con đường hầm nhỏ hẹp với bề rộng chỉ đủ 3 người vào cùng lúc.
4 tiếng là thời gian ngồi xếp hàng vất vả để được đặt chân lên cây cầu kính Trương Gia Giới ở Trung Quốc. Cầu đáy kính làm từ 120 tấm kính cường lực dày 3 lớp, bắc qua 2 vách đá cao 300 m. Nếu trời có gió thổi mạnh, tuyết rơi dày thì xem như mọi nỗ lực bạn đường xa tới đây coi như "công cốc", phải chờ đợi không biết khi nào được lên cầu.
Những sự cố đáng nhớ nhất
Năm 2015, khi tôi đến tham quan tháp Eiffel tại Paris (Pháp), thang máy tạm ngưng hoạt động. Anh bạn người Pháp đi cùng thuyết phục tôi đi lên bằng cầu thang bộ, nhưng khi đi xuống không may tôi bị trượt chân ngã xuống 10 bậc thang vì sàn khá trơn. Kết quả là tôi bị trật khớp vai phải vào bệnh viện để nắn chỉnh.
Sự cố hy hữu nhất là khi tôi ngủ quên tại sân bay Dubai do uống thuốc ho có chất gây buồn ngủ, trễ chuyến bay qua Hungary. Hướng dẫn viên du lịch và các nhân viên hãng hàng không đã cố gắng tìm mọi cách nhưng cuối cùng vẫn không thể thấy tôi. Sau đó, tôi phải tự mình mua vé máy bay mới hơn 400 euro (khoảng 10 triệu đồng), còn công ty du lịch chỉ đồng ý hỗ trợ chi phí một đêm khách sạn ngay trong sân bay.
Cuối cùng là tại Moskva, Nga tôi bị công an giữ lại đồn hơn 2 tiếng vì không mang theo hộ chiếu khi trở về thăm trường xưa. Tôi chỉ mang bản photo hộ chiếu có visa nhưng lại quên không photo trang có con dấu nhập cảnh của hải quan Nga. Cuối cùng, tôi phải gọi điện về khách sạn, nơi đang giữ hộ chiếu để xác nhận nhân thân.
Cho đến tháng 11/2019, tôi đã đi qua 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại châu Âu phải kể đến Anh, xứ Wales, Scotland, Pháp, Đức, Italy, Vatican, Thụy Sĩ, Áo, Nga, Ukraine, Litva, Hà Lan, Belarus, Estonia, Uzbekistan, Latvia, Hy Lạp, Hungary, Slovakia, Cộng hòa Czech, Vương quốc Monaco, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Những quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE, Jordan, Israel, Qatar, Palestine, Lào, Thái Lan, Campuchia, Singapore, Myanmar, Philippines, Indonesia, Malaysia, Sri Lanka, Kazakhstan, Azerbaijan, Turkmenistan, Tajikistan. Xa hơn có Mỹ, Australia; và Ai Cập của châu Phi.
Tôi không đặt ra chỉ tiêu mỗi năm phải vi vu bao nhiêu nước mà còn tùy vào tài chính, quỹ thời gian, thời tiết, tour khuyến mãi. Khi tình hình thế giới trở lại trạng thái hoàn toàn bình thường tôi mới đi du lịch trở lại với danh sách ưu tiên Triều Tiên, Mông Cổ, Cuba, Morocco, Oman, Nam Phi và 5 nước Bắc Âu.
Những công trình lịch sử, kiến trúc hay thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng trên thế giới đã, đang và sẽ bị hủy hoại vì biến đổi khí hậu, dịch bệnh, khủng bố, chiến tranh, cấm vận, tôn giáo, thiên tai như hỏa hoạn, động đất, mưa lũ, cháy rừng. Tôi luôn tâm niệm: "Hãy đi khi còn kịp, hãy đi khi có thể và cuối cùng là hãy đi khi sức lực bạn vẫn còn!".
Đoàn Phước Trường
VnExpress phối hợp với Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) mở cuộc khảo sát nhu cầu và xu hướng của du khách Việt sau 2 năm ảnh hưởng của Covid-19. Độc giả tham gia tại đây để có cơ hội nhận nhiều phần quà giá trị từ Sun World và Mường Thanh.