Kesi Irvin (31 tuổi, người Mỹ) chưa từng hình dung mình sẽ đi du lịch khắp nơi. "Từ khi còn nhỏ, tôi luôn đạt thành tích tốt nhất trong các việc mình làm. Ở trường, lúc nào tôi cũng đạt điểm cao và dẫn đầu. Tôi thường nghĩ mình sẽ có một công việc lương cao, theo bước bố mẹ sống ở New York và làm việc ở phố Wall".
Cô gái gốc New Jersey được nhận kỳ thực tập đầu tiên khi mới 16 tuổi tại Morgan Stanley - Tập đoàn Tài chính hàng đầu tại Mỹ. Sau khi tốt nghiệp Đại học Pennsylvania năm 2012, ước mơ thuở bé thành hiện thực khi Irvin chuyển tới New York để làm chuyên viên phân tích tài chính. Nhưng rồi cô nhanh chóng nhận ra không có khái niệm cân bằng đời sống cá nhân và công việc ở phố Wall, sau 2 năm. "Tôi thật sự ham muốn phần đời sống cá nhân".
Irvin thường dùng thời gian nghỉ ngơi ít ỏi để du lịch nước ngoài, nhưng như cô nói "không thể ngắm cả thế giới chỉ trong 2 tuần". Trong hai năm đi làm, cô tiết kiệm mỗi tháng 1.000 USD để nghỉ một năm và du lịch khắp thế giới. "Tôi biết mình sẽ hối tiếc nếu không làm việc đó. Tôi còn trẻ, độc thân, không có con và không muốn lao vào kiếm tiền nhiều như vậy. Càng chờ lâu thì cơ hội càng biến mất và ngày một nhiều trở ngại hơn. Irvin chính thức bỏ việc vào 2015.
Một năm dự tính đã biến thành nhiều năm và Irvin hiện sống ở Rennes, Pháp, làm blogger du lịch toàn thời gian. Blog Kesi To and Fro đang có gần 15.000 người theo dõi trên Instagram cũng là nguồn thu nhập chính của Irvin. Bạn trai của cô, Alex, đang hoàn tất chương trình thạc sĩ tại một trường ở Rennes. Hai người gặp nhau năm 2018 khi làm chung trên một chiếc thuyền ở Croatia.
Biến sở thích thành việc kinh doanh
Irvin làm blog du lịch đã 6 năm, để lưu tư liệu các chuyến đi và giới thiệu các nơi cô từng đến. Đúng lúc Covid-19 lan ra toàn cầu, cô quyết định kiếm tiền từ blog của mình. "Sau những năm du lịch liên tục khắp nơi, tôi thấy nhớ việc và muốn thử thách bản thân. Tôi đã đầu tư vào blog, học một khóa về blog giá 500 USD. Lúc đó tôi biết mình sẽ làm blog thật nghiêm túc".
Làm blogger du lịch Irvin kiếm tiền thông qua nhiều kênh như hợp tác với các nhãn hàng để giới thiệu sản phẩm. Irvin ước tính được trả 300 đến 2.000 USD mỗi lần hợp tác. Cô còn nguồn thu nhập từ việc tổ chức các chuyến đi, viết bài du lịch, làm marketing và thu lời từ quảng cáo trên website. "Tôi không kiếm được nhiều tiền từ hai công việc sau nhưng mục đích chính là đẩy mạnh marketing và quảng cáo cho chính blog của mình".
Trước khi làm blog kiếm tiền, Irvin sống nhờ khoản tiền kiết kiệm và làm việc thời vụ trên thuyền ở Croatia, Hy Lạp, Thái Lan và nhiều quốc gia cô từng du lịch. Hiện tại, Irvin thu về 1.000 USD/tháng từ blog nên không quá bận rộn kiếm việc thời vụ như trước. "Tôi xây dựng cuộc sống bền vững hơn, làm blogger và sống một cách thoải mái ở Pháp. Công việc cho tôi sự tự tin khi ở nhiều nơi khác nhau và vẫn kiếm được tiền". Irvin đã đặt chân tới 68 quốc gia.
Cuộc sống ở Pháp
Rennes có rất nhiều trường đại học với khoảng 60.000 sinh viên nên việc tìm nhà vào tháng 9 (đúng thời điểm nhập học) khiến Irvin gặp không ít khó khăn. Cô và bạn trai tìm nhà qua Airbnb và thuê với giá 405 USD/tháng. Cả hai tiết kiệm tiền bằng cách ít ăn hàng và đạp xe. Cô dành trung bình 152 USD/tuần để mua thực phẩm nấu tại nhà và ăn hàng. "Tôi chia tiền ăn cùng bạn trai nên có thể giảm thêm".
Ở Pháp chi phí thấp hơn so với New York. Cô vẫn dùng số điện thoại ở Mỹ của mình và trả 55 USD/tháng. Irvin ước tính tốn khoảng 323 USD/tháng tiền du lịch còn tiền đi tiệc, nghe nhạc hay vui chơi các quán bar vào 150 USD/tháng.
Hiện tại, sống ở Rennes, buổi sáng Irvin dậy và pha trà, ăn sáng ở phòng hoặc tìm một quán cà phê để mang laptop, đạp xe tới và làm việc. Buổi chiều cô tiếp tục làm việc, gửi mail, lên kế hoạch chuyến đi... Điều quan trọng là cô và bạn trai nấu và ăn tối chung. Irvin còn thích đi các sự kiện miễn phí, nghe nhạc để kết giao bạn bè mới.
Khó khăn của cô lúc này vẫn là thích ứng với cuộc sống ở Pháp khi không thạo tiếng. "Dù học tiếng Pháp vài năm nhưng khả năng của tôi vẫn hạn chế. Nhận ra mình không biết nhiều thứ, tôi càng thấy thích thú và tò mò khi sống ở đây. Một khó khăn khác là người Pháp có giờ làm việc riêng, cửa hàng thường mở vài tiếng rồi đóng nên tôi đang cố quen với điều đó".
Khánh Trần (Theo CNBC)