Ông được bác sĩ Bệnh viện Da liễu Hải Phòng chẩn đoán mắc vảy nến thông thường, hai năm trước. Thời gian qua ông tự mua thuốc đông y và thuốc tây để uống, sau đó tự tiêm một số thuốc khác, rồi sốt cao liên tục, tổn thương vảy nến xuất hiện nhiều hơn. Mới đây ông vào Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Lan Anh, Khoa Da liễu dị ứng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết bệnh vảy nến thông thường đã chuyển sang vảy nến mụn mủ do bệnh nhân tự ý sử dụng thuốc. Bên cạnh các rối loạn về dung nạp đường máu, tăng men gan, bệnh nhân còn giảm albumin máu - protein quan trọng của cơ thể giúp ngăn cản chất lỏng đi ra ngoài các mạch máu.
Bác sĩ truyền dịch, truyền đạm, hạ men gan, cho bệnh nhân sử dụng thuốc làm dịu da. Ngày 22/7, men gan của bệnh nhân ổn định, được bổ sung thuốc ức chế miễn dịch. Người bệnh hết sốt, da giảm đỏ nền, tổn thương mụn mủ giảm và hết ở một số vùng cơ thể.
Bác sĩ Lan Anh cho biết bệnh vảy nến rất phổ biến, có đến 3% dân số mắc bệnh này. Tổn thương gặp ở da, móng và khớp, tiến triển từng đợt xen kẽ. Vảy nến có thể di truyền và tự miễn.
Các loại thuốc bôi làm mềm da và bạt sừng có salicyclic, corticoid, calcipotriol, kết hợp với điều trị bằng tia UVB bước sóng chọn lọc 311 nm. Nếu vảy nến nặng, bệnh nhân được dùng thêm các thuốc ức chế miễn dịch hoặc thuốc sinh học.
Vảy nến có thể được kiểm soát nếu bệnh nhân tuân thủ phác đồ và sự tư vấn của bác sĩ. Tuy nhiên, nhiều người bỏ điều trị, tự chữa theo các phương pháp dân gian hoặc dùng thuốc không có nguồn gốc, khi trở lại viện thì bệnh đã nặng hơn. Khi ấy bệnh vảy nến thông thường chuyển sang vảy nến thể mủ hoặc thể khớp, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, điều trị khó khăn hơn.
Bác sĩ Lan Anh khuyến cáo người bệnh không tự ý dùng thuốc làm vảy nến thêm nặng, dẫn đến các bệnh lý nội khoa nghiêm trọng khác như suy tuyến thượng thận, viêm gan do thuốc hoặc suy gan, suy thận do thuốc, đái tháo đường tuýp II... Người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, khám tại cơ sở y tế theo định kỳ.
Chi Lê