Bác sĩ Nguyễn Vũ Hoàng, Phó Khoa Lâm sàng 2, tiếp nhận khám ngày 15/5, cho biết bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc trên nền bệnh vảy nến. Bệnh nhân được cho điều trị kháng sinh, kháng viêm và chăm sóc tại chỗ.
Ông Vận bị vảy nến 4 năm nay, sức khỏe tốt. Mấy ngày trước ông nghe người thân chỉ loại thuốc dân tộc Dao điều trị khỏi hẳn vảy nến. Ông tìm hiểu và đặt mua của một nhà thuốc trên mạng, giá 200.000 đồng một tuýp.
"Bôi xong, da bắt đầu khô, đóng vảy. Hơn hai ngày sau, da đỏ tấy, toàn thân sưng vù, nứt da, tôi phải từ Đăk Lăk xuống TP HCM điều trị", ông Vận nói.
Theo bác sĩ Hoàng, hiện y học chưa thể trị khỏi hẳn bệnh vảy nến nhưng có một số phương pháp kiểm soát bệnh tốt. Đặc biệt thuốc sinh học có khả năng khống chế được bệnh vảy nến gần như hoàn toàn. Nếu điều trị sớm, đúng cách, bệnh nhân vẫn có cuộc sống sinh hoạt gần như bình thường.
Bệnh viện Da liễu TP HCM tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị biến chứng nặng nề sau một thời gian uống thuốc nam, thuốc bắc, tắm lá, chích corticoid... Bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân dùng thuốc theo chỉ định, không tự ý mua thuốc vì có nhiều thuốc có thể gây ra tình trạng kích ứng tại chỗ, nặng nề hơn sẽ gây ra tình trạng nhiễm trùng, thậm chí nhiễm trùng huyết có thể dẫn đến tử vong.
Bệnh vảy nến thường gặp ở độ tuổi 15-35. Hiện chưa rõ nguyên nhân gây bệnh, có thể liên quan tới yếu tố gene. Bệnh thường có tính chất di truyền trong gia đình. Một số yếu tố khởi phát là stress, viêm họng, sử dụng các thuốc lithium, thuốc kháng sốt rét, khí hậu khô, lạnh, một vết cắt, trầy xước, bỏng nặng...