Xem quảng cáo "thuốc nam dân tộc Dao" trị dứt bệnh vảy nến, chị mua bôi. Những ngày đầu vảy nến lan rộng, phát ban toàn thân. Nhân viên bán thuốc tư vấn tình trạng này bình thường, kiên trì sẽ khỏi. Tiếp tục bôi 20 ngày, toàn thân chị lở loét, đau nhức, không tự đi lại.
Bác sĩ Nguyễn Vũ Hoàng, Phó Khoa Lâm sàng 2, Bệnh viện Da Liễu TP HCM, cho biết bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc nặng trên nền bệnh vảy nến. Bác sĩ điều trị bằng kháng sinh, kháng viêm, sau 4 ngày tình trạng ổn định, hết sưng phù. Các mảng vảy nến cũ bong ra, được thay thế bằng lớp da mới láng mịn hơn.
Theo bác sĩ Hoàng, bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị biến chứng nặng nề sau một thời gian uống thuốc nam, thuốc bắc, tắm lá, chích corticoid... Bệnh nhân khi mới chích thuốc thường khỏe nhanh, sau một thời gian xuất hiện biến chứng, không dùng nữa thì bắt đầu đỏ da toàn thân rất nặng. Không ít bệnh nhân sốt cao, nổi mủ khắp người, nguy cơ nhiễm trùng huyết, nặng hơn có thể sốc nhiễm trùng.
"Hiện y học chưa thể trị khỏi hẳn bệnh vảy nến nhưng có một số phương pháp kiểm soát bệnh tốt, nếu điều trị sớm, đúng cách, bệnh nhân vẫn có cuộc sống sinh hoạt gần như bình thường", bác sĩ Hoàng nói. Người bệnh cần đến các bệnh viện, cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu và chữa ngay từ giai đoạn mới khởi phát, giúp kiểm soát và duy trì ổn định, tránh các nguy cơ bị biến dạng các khớp và tàn phế.
Dùng thuốc theo chỉ định bác sĩ. Không tự ý mua thuốc để uống, tiêm, nhất là thuốc không rõ nguồn gốc vì dễ xảy ra biến chứng, hậu quả khôn lường.
Bệnh vảy nến thường gặp ở độ tuổi 15-35. Hiện chưa rõ nguyên nhân gây bệnh, có thể liên quan tới yếu tố gene. Bệnh thường có tính chất di truyền trong gia đình. Một số yếu tố khởi phát là stress, viêm họng, sử dụng các thuốc lithium, thuốc kháng sốt rét, khí hậu khô, lạnh, một vết cắt, trầy xước, bỏng nặng...