Trong Đại hội, tôi chia sẻ về việc không sử dụng rượu, bia trong bữa trưa để đảm bảo sức khỏe cho công việc buổi chiều. Tất cả mọi người sau đó thực hiện ngay. Rõ ràng hiệu quả của việc truyền thông trực tiếp đến gần như tức thì. Điều quan trọng nhất là người đứng đầu, có trách nhiệm nghiêm túc chỉ đạo thì việc thực hiện của cấp dưới cũng sẽ nghiêm túc.
Thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia cho thấy năm 2018, toàn quốc có gần 25.000 người bị chết do tai nạn giao thông. 10 tháng đầu năm 2019, cả nước xảy ra 14.251 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6318 người, bị thương 10.873 người, giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2018.
Đáng nói trong số đó có đến khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia, có những vụ việc đã trở thành nỗi ám ảnh cho cộng đồng.
Để người dân chấp hành quy định không sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông chúng ta cần tập trung vào một số việc sau đây:
Thứ nhất: Tuyên truyền cho người dân, đặc biệt là từ 16 tuổi trở lên đến 55 tuổi (đây là đối tượng có tỷ lệ tham gia giao thông và thường sử dụng rượu bia hàng ngày nhiều nhất trong tổng số dân). Theo thống kê tỷ lệ gây tai nạn và gánh chịu hậu quả của tai nạn giao thông ở độ tuổi này là nhiều nhất.
Đây là lực lượng lao động chính của xã hội, họ thường xuyên phải tham gia giao thông, tham gia các cuộc giao lưu, liên hoan... nên nguy cơ mất an toàn tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu bia hàng ngày là rất lớn.
Thứ hai: Không khuyến khích quảng cáo rượu bia trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có thể thu phí thật cao khi quảng cáo và đánh thuế cao đối với các công ty, hộ gia đình sản suất rượu bia bởi ngành công nghiệp rượu bia là một ngành kinh doanh siêu lợi nhuận. Khi nó ít xuất hiện thì sự phổ biến trong xã hội cũng từ đó giảm đi.
Thứ ba: Xây dựng văn hóa, hành vi ứng xử đẹp trong các bữa tiệc. liên hoan để tránh rơi vào hoàn cảnh bị ép rượu, chuốc rượu.
Ở Việt Nam hiện nay, nhiều người cho rằng trong một cuộc liên hoan mà không có rượu, bia thì mất vui. Nhưng khi có rượu, bia thì cách sử dụng của chúng ta lại cần phải nghiêm túc xem lại. Người tửu lượng cao thì liên tục mời, ép người khác uống mặc kệ người được mời lúc đó phản ứng ra sao, không quan tâm đến khả năng của họ. Đôi lúc chúng ta cũng nhìn thấy việc các thành viên trong cuộc vui cùng xúm vào khích bác, kêu gọi người không uống được rượu phải nhiệt tình uống cùng tập thể để say thì cùng say, không say không về...
Thực sự, đó là thói quen xấu chúng ta phải mạnh dạn loại bỏ. Mọi người phải nhận thấy rằng ép rượu, chuốc rượu cho người khác say là hành vi phản cảm, vô văn hóa cao hơn nữa là vô đạo đức. Từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của bản thân khi tham gia các cuộc vui.
Thứ tư: Thực hiện nghiêm túc việc cấm bán rượu cho người chưa trưởng thành (có thể tính từ dưới 18 tuổi) vì đối tượng này chưa có sự nhìn nhận và hành động chín chắn, dễ nảy sinh nguy cơ mất kiểm soát khi quá chén, bị say dẫn đến những hậu quả khó lường cho xã hội. Nhiều nước trên thế giới đã có cách thức kiểm soát khá chặt chẽ về vấn đề này. Những cửa hàng bán rượu cho trẻ vị thành niên thường sẽ bị phạt rất nặng.
Thứ năm: Nếu như đã sử dụng rượu bia, bị say, để di chuyển, tham gia giao thông thì nên sử dụng các phương tiện công cộng như xe buýt, taxi...hoặc nhờ người thân đến đón sẽ an toàn cho mình và cho mọi người. Thực tế cho thấy, nhiều người quá tự tin vào khả năng của bản thân mình cho rằng mình vẫn còn tỉnh táo, chưa say nên sau khi sử dụng rượu bia vẫn nhất quyết tự đi xe về. Nhưng thực tế khi đi, rượu ngấm, mệt mỏi sau cuộc nhậu dẫn đến bị say, buồn ngủ, nhiều trường hợp đã gây ra tai nạn giao thông cho bản thân mình và cho những người xung quanh.
Vì thế những người trong cuộc vui đó, nếu thấy bạn bè, đồng nghiệp, người thân đã sử dụng rượu bia hoặc có thể bị say thì nên cương quyết không cho họ tự di chuyển bằng phương tiện cá nhân của họ. Nên chủ động gửi xe, gọi taxi hoặc chở người đó về nhà. Trước khi lên xe taxi nên chủ động ghi lại địa chỉ, số điện thoại của người thân để lái xe taxi dễ liên lạc. Đồng thời chủ động gọi điện cho người nhà lấy số của lái xe taxi để hai bên trao đổi đưa người bị say về đến nơi an toàn.
Chúng ta hãy làm chủ bản thân trong tất cả các cuộc vui liên quan đến chất kích thích rượu, bia. Phải có bản lĩnh, kỹ năng trong việc từ chối rượu, bia. Sử dụng nhưng không lạm dụng. Hãy luôn nhớ trong đầu mình rằng an toàn của bản thân và mọi người là hạnh phúc của mọi nhà và của toàn xã hội. Dù đi đâu, làm gì, sau mọi cuộc vui thì gia đình vẫn là trên hết.
Giữ gìn bản thân để chăm lo hạnh phúc cho gia đình, đóng góp, xây dựng xã hội ngày càng phát triển đó mới là điều đáng quý, đáng trân trọng. Giá trị của một con người, hình mẫu thanh niên trong thời đại ngày nay cốt lõi nằm ở chỗ đó chứ không phải ở ly rượu, cốc bia trên bàn tiệc.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.