Trong bối cảnh các cuộc đàm phán với phe Cộng hòa về nâng trần nợ công lâm vào bế tắc, nhiều nghị sĩ Dân chủ đã kêu gọi Tổng thống Joe Biden kích hoạt Tu chính án thứ 14 trong hiến pháp Mỹ để giúp đất nước thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ.
Phát biểu tại Nhật Bản bên lề hội nghị thượng đỉnh G7, Tổng thống Biden cho biết ông có "thẩm quyền làm điều này" song vẫn còn e ngại về những thách thức pháp lý nó có thể mang lại.
Trần nợ công là mức trần pháp lý về số tiền tối đa mà chính phủ Mỹ được phép vay để thanh toán các khoản nợ và chi tiêu. Mức trần nợ công của Mỹ hiện nay đã được lưỡng viện quốc hội thông qua là 31.400 tỷ USD, nhưng mức trần này đã bị chạm tới từ hồi tháng 1.
Khi chạm trần nợ công, chính phủ Mỹ vẫn phải thanh toán cho các trái chủ, chi trả cho các khoản bắt buộc như an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe, lương cho binh sĩ trong quân đội, cũng như các khoản như hoàn thuế, trả lãi vay. Để thực hiện các nghĩa vụ này, Bộ Tài chính Mỹ từ đầu năm đã thực hiện các "biện pháp đặc biệt" để duy trì hoạt động của chính phủ.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cảnh báo Mỹ có thể vỡ nợ vào ngày 1/6 nếu quốc hội không giải quyết vấn đề nâng trần nợ công, do các "biện pháp đặc biệt" không thể kéo dài. Để tránh nguy cơ Mỹ vỡ nợ, lưỡng viện quốc hội phải thông qua một dự luật cho phép nâng trần nợ công.
Tuy nhiên, phe Cộng hòa đang kiểm soát Hạ viện chỉ chấp thuận nâng trần nợ công với điều kiện chính phủ Mỹ phải cắt giảm đáng kể chi tiêu. Điều này vấp phải sự phản đối của phe Dân chủ, khiến các cuộc đàm phán nâng trần nợ rơi vào bế tắc và thúc đẩy Tổng thống Biden xem xét Tu chính án thứ 14.
Theo Khoản 4 trong Tu chính án thứ 14 đề cập đến khoản nợ phát sinh của Liên minh miền Nam trong cuộc Nội chiến Mỹ (1861-1865), "theo quy định của pháp luật, nợ công của Mỹ, bao gồm những khoản nợ phát sinh để thanh toán lương hưu và tiền thưởng cho hoạt động trấn áp nổi dậy hoặc nổi loạn, sẽ không thể thoái thác".
Điều khoản này ra đời do các nhà lập quốc Mỹ lo ngại nghị viện các bang miền Nam có thể từ chối trả những khoản nợ liên bang phát sinh trong thời kỳ nội chiến Mỹ.
Giáo sư Laurence H. Tribe từ Trường Luật Harvard cho rằng khi kích hoạt Khoản 4 trong Tu chính án thứ 14, Tổng thống Biden có quyền ra lệnh thanh toán các khoản nợ của quốc gia bất kể trần nợ mà quốc hội đặt ra.
Cơ sở cho lập luận này là khi Khoản 4 trong Tu chính án thứ 14 cấm hành vi thoái thác trả nợ công, mọi hành vi ngừng thanh toán các khoản nợ và chi tiêu liên bang là vi hiến. Bởi vậy, giới hạn nợ do các nhà lập pháp đặt ra đối với nợ liên bang cũng không thể được công nhận.
Garrett Epps, giáo sư luật hiến pháp tại Đại học Oregon, cho rằng hiến pháp đã quy định rất rõ rằng một khi nước Mỹ vay tiền, họ sẽ phải trả lại. Do đó, điều khoản được tạo ra để ngăn hành động thoái thác trả nợ thời kỳ hậu nội chiến vẫn có thể được áp dụng để giải quyết bất đồng hiện nay giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa.
"Chính phủ liên bang có nghĩa vụ trả nợ đầy đủ và đúng thời gian", Epps nói. Điều này đồng nghĩa Bộ Tài chính Mỹ vẫn có thể vay tiền vượt quá mức trần đã được đặt ra để thanh toán các khoản nợ.
Cựu tổng thống Barack Obama đã hai lần cân nhắc kích hoạt Tu chính án thứ 14 trong nhiệm kỳ của ông khi Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát khi đó đã suýt đưa Mỹ đến bờ vực vỡ nợ.
Tại Hạ viện, 66 thành viên của Ủy ban Cấp tiến Quốc hội hôm 19/5 kêu gọi Tổng thống Biden "kích hoạt Tu chính án thứ 14 thay vì chọn một thỏa thuận tồi" với phe Cộng hòa.
"Việc đầu hàng trước những yêu cầu cực đoan đó sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm khuyến khích các đảng viên Cộng hòa theo đuổi những biện pháp phản dân chủ, đặc biệt khi họ đã được thông báo trước rằng tăng trần nợ là điều không thể thương lượng", các nhà lập pháp viết.
Hạ nghị sĩ Dân chủ Alexandria Ocasio-Cortez cũng cho biết bà nghĩ việc viện dẫn Tu chính án thứ 14 "nên được đưa ra thảo luận" và rằng "cơ sở của nó là hoàn toàn hợp pháp".
Hạ nghị sĩ Dân chủ Jamie Raskin cho rằng Tổng thống Biden có "quyền hiến pháp rõ ràng" để vượt quyền quốc hội nếu ông cần làm vậy nhằm ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ.
Nghị sĩ Jim Clyburn cũng khuyến khích việc kích hoạt Tu chính án thứ 14, nhấn mạnh ông hy vọng Tổng thống Biden "sẽ có hành động hành pháp nếu Hạ viện từ chối thực hiện công việc của mình".
Ít nhất 11 thượng nghị sĩ đảng Dân chủ cũng đang thúc giục ông Biden kích hoạt điều mà họ gọi là "thẩm quyền hiến pháp của ông" theo Tu chính án thứ 14 để nâng trần nợ quốc gia mà không cần quốc hội thông qua.
"Việc sử dụng thẩm quyền này sẽ cho phép Mỹ tiếp tục thanh toán các hóa đơn đúng hạn, không chậm trễ, ngăn chặn thảm họa kinh tế toàn cầu", các thượng nghị sĩ viết trong thư gửi Tổng thống Biden hôm 18/5.
Tổng thống Biden hồi đầu tháng cho biết ông "đang xem xét" việc kích hoạt Tu chính án thứ 14 như một biện pháp để lách trần nợ, mặc dù ông vẫn nghi ngờ tính hiệu quả của nó.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen sau đó đã cảnh báo về nguy cơ nổ ra một cuộc chiến pháp lý với đảng Cộng hòa nếu Tổng thống Biden kích hoạt Tu chính án thứ 14. "Đó không phải giải pháp cho ngắn hạn", bà nói tại một cuộc họp báo hồi tuần trước.
"Khi bạn đề cập đến từng khả năng, câu trả lời là không có giải pháp thay thế khả dĩ nào có thể cứu chúng ta khỏi thảm họa. Cách làm hợp lý duy nhất là tăng trần nợ và tránh những hậu quả khủng khiếp sẽ xảy ra nếu chúng ta phải đưa ra những lựa chọn đó", bà nhấn mạnh.
Theo cựu bộ trưởng tài chính Jack Lew, việc viện dẫn Tu chính án thứ 14 sẽ không thể dập tắt những mối lo ngại về trái phiếu kho bạc Mỹ và sẽ khiến quốc gia đối mặt nhiều rủi ro.
"Dù bạn có thể đưa ra lập luận để thuyết phục tòa án rằng việc kích hoạt Tu chính án thứ 14 là hành động hợp pháp, tôi nghĩ đó vẫn là việc làm mạo hiểm", ông đánh giá.
Tại hậu trường, các quan chức Nhà Trắng cũng nói rằng họ không coi Tu chính án thứ 14 là một cách khả thi để vượt qua các cuộc đàm phán trần nợ. Mặc dù họ nghĩ Tổng thống Biden có thẩm quyền pháp lý làm điều này, nó không đáng để phá hỏng các cuộc đàm phán với quốc hội hoặc làm tổn hại niềm tin đối với uy tín tín dụng của Mỹ.
Viện dẫn Tu chính án thứ 14 cũng có thể tạo tiền để cho các hành vi lạm dụng quyền lực hành pháp, bằng cách cho phép cơ quan hành pháp vượt quyền quốc hội. Mặt khác, nó có thể chấm dứt vĩnh viễn khả năng đàm phán giữa Tổng thống và quốc hội về trần nợ, Philip Wallach, thành viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho hay.
"Mỗi khi bạn thực hiện một hành động trao thêm quyền cho tổng thống nhưng gây bất lợi cho quốc hội, bạn cần tự hỏi mình về hậu quả của việc làm này khi phe đối thủ kiểm soát Nhà Trắng", ông nói.
Vũ Hoàng (Theo Politico, CBS News, Economist)