Chia sẻ với VnExpress, TS Phùng Đức Tùng, người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển và giảm nghèo, nhấn mạnh cơ chế "hậu kiểm" khi phát tiền cho dân và chính quyền nên "chấp nhận sai số" khi làm việc này.
- Ông đánh giá như thế nào về các gói hỗ trợ người lao động đang được Chính phủ triển khai?
- Có hai gói hỗ trợ được biết đến hiện nay là gói 62.000 tỷ đồng hồi năm ngoái và gói 26.000 tỷ đồng vừa qua. Cả hai đều đang gặp vấn đề về giải ngân, người dân vẫn khó tiếp cận.
Gói 62.000 tỷ đồng hơn một năm nhìn lại có tỷ lệ giải ngân rất thấp, khoảng hơn 21%. Lý do thì cũng từng được mổ xẻ nhiều như địa phương triển khai chậm, còn lúng túng, lập danh sách lao động tự do khó khăn, thậm chí có nơi còn phát sinh nhiều thủ tục phức tạp, gây khó cho người lao động...
Gói 26.000 tỷ đồng đã ít nhiều rút được kinh nghiệm khi thủ tục đơn giản hơn, mở rộng và đặc biệt lưu tâm đến các đối tượng lao động tự do. Dù vậy, hơn 1 tháng nay, rất nhiều người dân vẫn phản ánh là không tiếp cận được vì thủ tục vẫn phức tạp, nhiều điểm bất hợp lý. Có trường hợp yêu cầu người lao động tự do phải về địa phương xác nhận trong khi thành phố đang giãn cách. Giả sử có về được, tiền tàu xe có khi bằng số tiền hỗ trợ, hay nếu có chờ được giấy xác nhận từ địa phương gửi lên thì cũng mất rất nhiều thời gian. Tức là chúng ta nói đến đơn giản hoá thủ tục nhưng thực tế thì chưa phải.
- Còn về mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng hiện nay, ông nhìn nhận thế nào?
- Theo tôi hỗ trợ 1,5 triệu đồng là quá thấp so với nhu cầu tối thiểu để người lao động có thể tồn tại, đặc biệt những người đang sống ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, những người phải nuôi con hoặc bố mẹ già...
Ví dụ một hộ gia đình gồm bố mẹ và 2 con mà chỉ nhận được 3 triệu đồng sẽ là không thể đủ chi tiêu cho cả bốn. Nếu hộ này còn phải nuôi thêm bố mẹ già nữa thì khó có thể gồng gánh được.
Tôi cho rằng lý tưởng nhất là tính đến mức hỗ trợ cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng hiện tại. Đơn cử tại đô thị lớn, mức lương này đang là 4,42 triệu đồng một người một tháng. Thường thì một người lao động phải nuôi một người phụ thuộc, mỗi nhân khẩu của một hộ được hỗ trợ hơn 2,2 triệu đồng. Như vậy, một hộ 4 người ở TP HCM, phải cần 8,8 triệu đồng một tháng mới đủ sống. Bởi lương tối thiểu đã là mức thấp cần thiết đảm bảo cuộc sống, không có khoản tích luỹ.
Nhưng trong điều kiện nguồn lực hạn chế, tôi nghĩ ít nhất mỗi lao động phải nhận được 3 triệu, gấp đôi so với mức 1,5 triệu hiện nay. Bởi ngoài tiền chi tiêu cho lương thực, thực phẩm, họ còn phải chi trả tiền nhà, điện, nước, tiền học của con. Và tiền hỗ trợ cần được phát trong 6 tháng liền, kể cả khi dịch bệnh được đẩy lùi. Dịch đến nay vẫn còn nhiều bất định, người lao động cũng không biết khi nào được đi làm lại khi mà doanh nghiệp cũng cần thời gian để phục hồi sản xuất. Ngay cả khi có việc làm sau đó, họ cũng cần một vùng đệm duy trì cuộc sống.
Hiện TP HCM có triển khai thêm cả túi an sinh – phát hiện vật cho người dân, nhưng tiền tươi vẫn là thiết thực nhất. Bởi mỗi đối tượng sẽ có một nhu cầu khác nhau, người cần gạo, nhưng người cần thuốc uống, không thể phát một túi hàng giống nhau cho tất cả. Như vậy, rất khó và mất thời gian, gây lãng phí. Phát hàng hoá cũng dễ phát sinh tham nhũng, không minh bạch.
- Mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng, nhiều lao động, đặc biệt ở TP HCM cho biết họ vẫn chưa thể tiếp cận. Theo ông, cần làm gì để cải thiện việc này?
- Tôi nghĩ cần phải minh bạch hoá các thông tin về cách xác định đối tượng, tiêu chuẩn được hỗ trợ. Thông tin có thể gửi trực tiếp đến từng người dân bằng tin nhắn qua số điện thoại. Điều này rất khả thi vì họ đã thường xuyên nhận thông tin về chống Covid-19, tại sao lại không thông qua kênh này để dân nắm được những quyền lợi của mình.
Mặt khác, bên cạnh cách kê khai, nộp hồ sơ giấy như hiện nay, Chính phủ có thể xây dựng một ứng dụng điện thoại đển người dân có thể tự kê khai, nộp hồ sơ xin trợ cấp. Người khai sẽ tự chịu trách nhiệm về các thông tin của mình. Khi hậu kiểm, nếu sai, họ sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật, kể cả đưa ra mức xử phạt hình sự. Đây là giải pháp tránh gian lận.
Kết quả xét duyệt cũng được trả về qua ứng dụng, sau khi máy tính tự phân tích, đánh giá dựa trên các tiêu chuẩn gói hỗ trợ đề ra. Như vậy, quy trình hoàn toàn không liên quan đến đánh giá của cán bộ địa phương, tránh tình trạng hỗ trợ người thân mà không hỗ trợ người dân. Càng bớt các khâu trung gian liên quan đến con người, các yếu tố thiếu minh bạch càng giảm, đảm bảo tính khách quan, minh bạch và nhanh.
Việc giải ngân tiền cũng không nên chỉ bằng tiền mặt mà có thể chuyển trực tiếp cho người dân thông qua tài khoản ngân hàng. Nếu sử dụng công nghệ nhiều hơn, việc triển khai, giải ngân sẽ minh bạch, tránh được nhiều vấn đề liên quan đến giấy tờ, tiếp xúc cơ học, giúp giảm tải công việc cho cán bộ địa phương và tránh được lây nhiễm cho cộng đồng.
Trong toàn bộ quy trình này, tôi lưu ý đến cơ chế áp dụng là hậu kiểm. Còn trước mắt, thà chia nhầm còn hơn bỏ sót, hỗ trợ không kịp thời. Trong lúc cấp bách hiện nay, phải chấp nhận có sai sót là bình thường. Đến chương trình giảm nghèo làm hàng chục năm nay, khi xác định đối tượng còn nhầm rất nhiều. Mục tiêu quan trọng nhất là người dân phải nhận được tiền để không bị đói, còn nếu không làm được, chính sách sẽ không có tác dụng. Cái giá phải trả cho việc xác định chính xác đối tượng, trong lúc này, đắt hơn rất nhiều so với việc giải ngân làm sao cho nhanh.
- Vậy theo ông, các tiêu chuẩn xác định đối tượng phải được khoanh vùng như thế nào để người cần dễ dàng tiếp cận?
- Các đối tượng được hỗ trợ thì đã được nêu trong danh sách khá cụ thể, điều quan trọng là đưa ra được tiêu chuẩn chung cho họ. Ví dụ, chỉ cần với những lao động không có việc làm, mất việc, mất thu nhập 15 ngày qua ở khu vực phi chính thức là có thể đủ tiêu chuẩn xin hỗ trợ. Thật ra, ai cảm giác là họ thực sự túng thiếu mới đăng ký, còn chúng ta vẫn khuyến khích những người còn tiết kiệm thì có thể nhường cho người khác. Phải nói rõ là các gói hỗ trợ này là dành cho người nghèo, người mất sinh kế.
Bên cạnh đó, tôi cũng muốn nhắc đến thêm một đối tượng nữa là người nước ngoài mất việc ở TP HCM, Hà Nội và các tỉnh phát triển khác. Họ cũng đói, khó khăn như nhiều người Việt Nam khi không còn tiền và mắc kẹt không thể về nước. Họ có đóng thuế, đóng góp cho kinh tế và chúng ta cần giúp đỡ họ. Đây cũng là cách để giữ hình ảnh Việt Nam.
- Số lượng người được hỗ trợ như vậy có vẻ sẽ nhiều lên, chưa kể với mức tiền như ông nói là gấp đôi so với mức hiện tại, kéo dài trong 6 tháng. Vậy câu hỏi đặt ra là nguồn tiền ở đâu?
- Việt Nam không phải không có nguồn tiền, cái chính là Chính phủ có được phép "phá rào" để chi hay không. Ví dụ, chúng ta đang có quỹ hỗ trợ thất nghiệp hiện kết dư hơn 89.000 tỷ đồng hay quỹ công đoàn, những lúc này có thể sử dụng để chi ra. Ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm cũng có thặng dư, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Quốc hội đã cho phép bội chi hàng năm 5%. Phần này Nhà nước cũng có thể tính đến để lo an sinh cho người dân. Hay Chính phủ cũng có thể đẩy nhanh việc thoái vốn ở các doanh nghiệp nhà nước để có thêm nguồn tiền. Tóm lại, tôi cho rằng tiền Nhà nước không thiếu, vấn đề là làm thế nào Chính phủ thuyết phục được Quốc hội trong trường hợp khẩn cấp được thực hiện các biện pháp ngoài luật để được sử dụng.
Như vậy, việc cần làm là phải giải ngân xong các gói hỗ trợ đang có, nếu thiếu, tiếp tục tính đến việc sử dụng từ các nguồn tiền trên. Thậm chí, chúng ta có thể tính đến một quỹ như quỹ vaccine. Tôi tin là người dân, doanh nghiệp vẫn sẵn sàng đóng góp để giúp đỡ cho đồng bào nếu quỹ có được cơ chế minh bạch thu chi, đưa tiền đến tay người cần nhanh chóng.
Việc phát tiền cho dân rất quan trọng lúc này, nhất là tại những nơi như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai là các tỉnh có rất nhiều lao động nhập cư và đang phải kéo dài thời gian giãn cách. Bất ổn xã hội rất dễ xảy ra nếu họ không được hỗ trợ kịp thời.
Thêm nữa, nếu Nhà nước phối hợp, tham gia cùng các tổ chức phi chính phủ, thiện nguyện sẽ giúp thu hút thêm nguồn lực xã hội, điều phối và phân bổ nguồn lực này tốt hơn. Như vậy sẽ tránh được chồng chéo trong thực hiện do những nhóm này thiếu thông tin, như điều đã xảy ra ở trận lũ miền Trung năm ngoái.
Bên cạnh đó, tôi cũng lưu ý cần thực hiện các chính sách khác đồng bộ. Ví dụ, phải để người dân tiếp cận được hàng hoá thiết yếu dễ dàng, với giá cả ổn định. Muốn làm được việc này cần đảm bảo được lưu thông hàng hoá, giảm thuế phí, đặc biệt là VAT với những mặt hàng thiết yếu và giảm thuế phí cho ngành vận tải. Hay có thêm chính sách miễn giảm học phí cho các gia đình có con em đi học, miễn tiền điện, nước.
Phương Ánh (thực hiện)