Thành phố Hà Nội ra công văn yêu cầu các quận, huyện, thị xã thực hiện chủ trương trên từ 14/8. Chính quyền cơ sở bố trí lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, phòng, chống dịch tại các địa điểm tạm trú của người lao động ngoại tỉnh.
Thành phố cũng giao các địa phương tổng hợp, phân loại trường hợp đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết số 68 của chính phủ (gói 26.000 tỷ đồng) và các chính sách đặc thù hỗ trợ khác của thành phố. Sau rà soát, chính quyền cơ sở hướng dẫn và giải quyết linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội phối hợp với các tỉnh, thành xây dựng phương án đưa người lao động ngoại tỉnh về quê khi đủ điều kiện.
Theo lãnh đạo phường Phúc Xá (quận Ba Đình), ngày 16/8, phường đã kêu gọi các gia đình có nhà trọ đang cho người lao động thuê trên địa bàn hỗ trợ người thuê bằng cách giảm tiền thuê trọ (từ 50% đến 100%).
Trong ngày, đã có 10 chủ nhà trọ với gần 200 gian nhà trọ cam kết sẽ giảm cho người lao động ngoại tỉnh 50% tiền thuê trong thời gian giãn cách. Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Cường ở 37, ngõ 44 Phúc Xá, giảm 100% tiền thuê trọ cho những trường hợp hoàn cảnh khó khăn.
Lãnh đạo phường Phú La (quận Hà Đông) cho biết phường đã nhận được văn bản song địa bàn chưa ghi nhận lao động ngoại tỉnh thiếu chỗ ở. Phường đông công nhân xây dựng ở lại, nhưng đều đang có nơi ăn ở, hoặc tự cách ly trong các lán trại, công trình. Nếu lao động ngoại tỉnh khó khăn, phường sẽ xuống vận động chủ trọ giảm giá tiền phòng. Ngoài ra, các tổ dân phố trên địa bàn đang rà soát, tiếp nhận thông tin các nhóm lao động tự do để hỗ trợ nhu yếu phẩm, không phân biệt thường trú hay tạm trú.
Hà Nội đã trải qua hơn 20 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, dự kiến đến 23/8.
Trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 29/4 đến nay), Hà Nội ghi nhận 2.248 ca nhiễm (không tính các ca tại bệnh viện trung ương), trong đó 1.221 ca mắc cộng đồng, 1.027 ca tại khu cách ly.
Võ Hải