Chị Hằng, quê ở Hà Nam, mang thai tới tuần thứ 24 thì bị thiểu ối. Bác sĩ tư vấn đình chỉ thai kỳ vì em bé đã bị tử cung bó chặt, bất động, nguy cơ thai chết lưu cao. Chị cảm thấy tuyệt vọng, song cố tìm cách để giữ được con.
Tới Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khám cuối năm 2019, chị tìm thấy tia hy vọng khi bác sĩ cho biết có thể sử dụng kỹ thuật truyền ối để cứu em bé. Ban đầu, Hằng rất lo lắng vì chưa từng nghe về kỹ thuật truyền ối. Tuy nhiên, ba ngày sau khi được bác sĩ tư vấn, Hằng bị cạn ối nên chấp nhận điều trị với tâm lý cầu may.
Bác sĩ Nguyễn Thị Sim, Phó giám đốc Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết chị Hằng là trường hợp đầu tiên được can thiệp bằng kỹ thuật truyền ối. Cả ê kip đã nín thở khi thực hiện thủ thuật, rồi vỡ òa khi chị thốt lên: "Em thấy con em đạp rồi". Hai ngày sau, sức khỏe của chị Hằng ổn định, được ra viện. Đầu năm 2020, chị sinh em bé rất kháu khỉnh.
Theo bác sĩ Sim, bản chất của thủ thuật là truyền lượng dịch vô trùng nhất định vào cơ thể người mẹ, tạo thành môi trường cho em bé phát triển an toàn, có thể xoay, cử động. Nếu nước ối trở về mức bình thường, chỉ số trên 80 ml, bác sĩ dừng thủ thuật và theo dõi bệnh nhân, đánh giá lại tình trạng của mẹ và thai rồi được ra viện.
Để thực hiện thủ thuật, cần môi trường vô trùng tuyệt đối và người thực hiện có chuyên môn cao để khéo leo đưa kim vào khe để dẫn dung dịch vô khuẩn vào tử cung.
Phương pháp này chỉ định cho các sản phụ mang thai từ 16 đến 32 tuần, bị thiếu nhưng còn nguyên màng ối. Sau khoảng một, hai tháng, bệnh nhân tiếp tục thiểu ối, có thể được truyền ối tiếp.
Bác sĩ không chỉ định thủ thuật cho thai dưới 16 tuần và lớn hơn 34 tuần hoặc cổ tử cung rất ngắn, có cơn co tử cung dọa đẻ non, hoặc vỡ ối non hoặc thai dị dạng nhiễm trùng cấp, người dị ứng với thuốc giảm đau, gây tê, gây mê.
Phương pháp truyền ối được áp dụng tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội từ năm 2019. Đến nay, đã có 10 thai nhi được cứu sống, tình trạng ối của thai phụ tiếp tục được theo dõi sát sao.
Thiểu ối là biến chứng sản khoa nguy hiểm, khiến thai nhi không thể cử động trong tử cung, chậm phát triển hoặc phát triển dị dạng, có dị tật. Thai nhi không thể xoay ngôi thuận để sinh thường, thậm chí chết lưu.
Trước đây, thai phụ thiểu ối không được điều trị đặc hiệu, bác sĩ chỉ tư vấn uống nhiều nước, nghỉ ngơi nhiều hơn hoặc truyền dịch vào tĩnh mạch để lượng ối. Các biện pháp này hiệu quả hạn chế, chỉ kéo dài một vài ngày. Nhiều thai phụ phải phá thai vì không được điều trị.
Bác sĩ khuyến cáo thai phụ nên đi khám ngay khi thấy bụng cứng lên hoặc em bé đạp rất nhiều, là dấu hiệu thiểu ối.
*Tên sản phụ được thay đổi.
Chi Lê