Trao đổi với VnExpress sáng 12/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết xét nghiệm là chiến thuật quan trọng, nhất là xét nghiệm nhanh để khoanh vùng dập dịch hiệu quả.
Theo Thứ trưởng, công tác xét nghiệm cần đẩy nhanh hơn, nhất là khi phát hiện các ca nhiễm trong khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng. Từng địa phương nên xét nghiệm sàng lọc nơi có nguy cơ cao như bệnh viện, nhà máy, khu công nghiệp để chủ động phòng dịch.
Hiện, toàn quốc có 175 phòng xét nghiệm khẳng định với công suất khoảng 65.000 xét nghiệm mỗi ngày. Bộ Y tế chỉ đạo các tỉnh thành, các bệnh viện có 300 giường bệnh trở lên phải có máy xét nghiệm RT-PCR để xét nghiệm, phối hợp các xét nghiệm kháng thể, kháng nguyên, sử dụng phương pháp gộp nhiều mẫu..., tùy tình huống cụ thể.
Chẩn đoán Covid-19 thời gian qua chủ yếu dựa vào xét nghiệm RT-PCR. Xét nghiệm nhanh kháng nguyên chỉ hỗ trợ trong việc giám sát, phát hiện, chẩn đoán mắc Covid-19, xét nghiệm diện rộng, tầm soát nhanh... Kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính sẽ tiếp tục xét nghiệm lại bằng kỹ thuật RT-PCR để khẳng định.
Ông Trần Đắc Phu, chuyên gia cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nhấn mạnh, Việt Nam ghi nhận nhiều ổ dịch lớn, nhiều bệnh nhân nhiễm biến chủng Ấn Độ với tốc độ lây lan nhanh; F1, F2 nhanh chóng trở thành ca F0.
"Xét nghiệm sàng lọc nhiều vẫn rẻ hơn phải giãn cách xã hội một cách vô lý, nhằm cắt đứt chuỗi lây nhiễm cộng đồng", ông Phu nhận định.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cũng đánh giá phải tầm soát rất nhanh, trên diện rộng, tập trung những cộng đồng có yếu tố nguy cơ, phát hiện người mang virus mà không có biểu hiện bệnh.
"Chỉ khi cách ly được nguồn đó, mới có thể dập được dịch một cách nhanh chóng nhất", bác sĩ nói.
Bác sĩ Hùng phân tích thêm, làn sóng hiện nay đáng ngại vì các bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng tăng nặng, khoảng 60% ca bệnh không triệu chứng.
"Xét nghiệm trở thành mấu chốt khi số lượng bệnh nhân nhiễm trong cộng đồng có rất nhiều, thậm chí F0 còn đang ở đâu đó rồi người bị lây không có triệu chứng cũng không biết, nhất là nơi đông dân cư như sân bay, bệnh viện,...", tiến sĩ Hùng phân tích.
Những ngày qua, số ca nhiễm cộng đồng liên tiếp tăng cao, ngày 10/5 đạt kỷ lục là 125. Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay là 611, ghi nhận ở 26 tỉnh thành, ít nhất 10 bệnh viện bị cách ly y tế do có lây nhiễm trong viện.
Thùy An - Lê Phương - Lê Nga